Có một ‘dịch bệnh’ đã xuất hiện và âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, gây nguy cơ cho sự phát triển đất nước... là "bệnh sợ trách nhiệm". Ông Hoàng Anh Công - Phó trưởng Ban Dân nguyện phát biểu như vừa nêu khi thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội chiều ngày 9/11/2021.
Phó trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công. Courtesy quochoi.vn
Theo ông Công, nhiều cán bộ trong đó có cả người đứng đầu các đơn vị, khi thực thi nhiệm vụ, dù biết là đúng quy định pháp luật nhưng vẫn sợ và không dám quyết định các vấn đề, chỉ vì để đảm bảo an toàn cho bản thân. Nỗi lo sợ bị kỷ luật, sợ bị xử lý đã trở thành nỗi sợ phổ biến trong cán bộ, công chức.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 10/11, nhận định :
"Bệnh sợ trách nhiệm trong cán bộ đã có từ lâu và cách gọi không đúng bản chất. Trách nhiệm thì có gì mà sợ. Người ta sợ tai bay vạ gió khi thực thi trách nhiệm. Tai vạ đến từ những điều vô lý, mâu thuẫn có nhiều trong thể chế do những người kém trí tuệ ở cấp trên vạch ra, bắt cấp dưới thi hành, đồng thời kết hợp với tình trạng độc đoán của cấp trên, không tôn trọng sự "Quang Minh Chính Đại" trong tổ chức và quản lý. Điều này là do sự độc quyền toàn trị của Đảng sinh ra...
Cấp dưới, nếu là người thi hành máy móc thì không sợ, có sai sót gì thì đổ tội cho cơ chế và cấp trên. Những kẻ cơ hội, có mưu ma chước quỷ, trùm tham nhũng cũng không hề sợ trách nhiệm".
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, những người có trí tuệ, dám suy nghĩ mới phát hiện ra điều vô lý, sự mâu thuẫn, trái đạo đức và lương tâm trong một số việc bị buộc phải làm. Khi có bản lĩnh thì họ không làm hoặc làm ngược lại mà không sợ vì họ tự tin, dám chịu trách nhiệm, dám bảo vệ đạo lý. Ông nói tiếp :
"Chỉ những người có hiểu biết nhưng thiếu tự tin, kém bản lĩnh mới sợ bị kỷ luật, sợ bị cấp trên đánh giá sai, sợ vi phạm 19 điều cấm. Bệnh sợ này làm cho cán bộ không dám mạnh dạn thực hiện những việc tốt mà chưa được cấp trên cho phép, không dám phản biện những điều sai trái, gây một số tác hại cho nhân dân. Tác hại nhất là làm mất lòng tin của dân vào cán bộ, vào chính quyền, làm khổ dân".
Để giảm bớt nỗi sợ này, Đảng đã ban hành quyết định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. Nhưng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, việc này chủ yếu là hình thức. Có quyết định mà không có người thực hiện hoặc người thực hiện không đủ phẩm chất thì cũng như không. Vấn đề cơ bản là phải có được những cán bộ đủ tài năng, bản lĩnh và liêm khiết để làm ra và thực hiện luật pháp cùng các đường lối chính sách. Muốn vậy phải thực sự có dân chủ trong bầu cử. Mà muốn có dân chủ lại cần những điều kiện khác.
Trước đó, vào tháng 9 năm 2021, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành quyết định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. Theo đó, khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xử lý phù hợp.
Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện - Hoàng Anh Công, biểu hiện rõ nhất của ‘bệnh sợ trách nhiệm’ là trong đợt phòng chống dịch vừa qua, nhiều lãnh đạo địa phương sợ mua sắm máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ bị kỷ luật, xử lý hành chính. Hay một số địa phương áp dụng biện pháp ngăn sông cấm chợ một cách cực đoan để hạn chế phát sinh F0 (người nhiễm Covid-19), bởi sợ rằng nếu để dịch bệnh bùng phát thì ảnh hưởng đến công tác và có thể bị phê bình, kỷ luật...
Tác động tiêu cực của hiện tượng này, theo ông Hoàng Anh Công, sẽ dẫn đến việc cán bộ không năng động, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh, vô cảm với nhân dân... Nhưng ngược lại, người năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh đôi khi lại bị xử lý (!?)
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban dân vận Trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 10/11, cho rằng :
"Đây là bệnh Việt Nam có từ lâu đời, do thể chế chính trị tạo ra, một tinh thần thụ động của cán bộ các cấp, họ không dám có sáng kiến... khiến nó thui chột sáng kiến, không ai dám làm cả. Làm cho đúng thì không dám, mà cứ theo mấy câu chữ trong nghị quyết, mà nó mông lung không hiệu quả thì theo thế nào được ? Cái này là do Đảng lãnh đạo tuyệt đối, mà là Đảng chỉ là mấy ông thôi, coi đấy là lãnh đạo của Đảng... trái ý mấy ông này thì ăn đòn thôi. Cho nên muốn sửa đổi thì phải sửa đổi từ Đảng, từ chế độ... ra quốc hội phải căn cứ luật để sửa... Trong khi Quốc hội cũng không dám căn cứ luật, vì hiến pháp quy định nhưng luật ra thì mơ hồ, xử thế nào cũng được".
Vì vậy, ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng, phải sửa rất nhiều thì mới tạo ra được tinh thần chủ động. Khi đó cứ căn cứ luật pháp mà hành động, làm theo chương trình hành động có mục đích, có đầu tư... Trong khi đó, theo ông Mai, hiện lãnh đạo Việt Nam không điều khiển đất nước theo luật, mà điều khiển đất nước theo nghị quyết. Nhưng nghị quyết thì lúc này thế này, nhưng lúc sau lại thế khác... do đó người cán bộ thừa hành sẽ thụ động, không dám có sáng kiến, nếu có sáng kiến mà không đúng ý lãnh đạo thì có thể bị trừng phạt. Ông Mai nói tiếp :
"Muốn sửa cái này thì dăn ba câu của mấy anh Quốc hội vớ vẩn không giải quyết được gì đâu, mà phải bàn lại sửa đổi thể chế đến nơi đến chốn. Đảng có nghị quyết, nhưng nghị quyết đó phải được Hiến pháp quy định. Khi đó Đảng phải theo Hiến pháp, Quốc hội cũng phải theo Hiến pháp. Rồi đã tạo ra luật thì tòa án phải theo luật mà xử, chứ như anh Chánh án Nguyễn Hòa Bình chẳng hạn, thủ tục tư pháp sai từ dưới lên trên vẫn cho rằng bản chất bản án không thay đổi... tức là chà đạp lên pháp luật".
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, Quốc hội muốn tử tế, muốn thay đổi việc này thì phải bàn đến nơi đến chốn. Phải thay đổi thể chế chính trị, để tạo ra một bộ luật rõ ràng, rành mạch, công dân có quyền căn cứ luật để sống và cán bộ căn cứ luật để mà thi hành...
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, khi trả lời RFA mới đây cho rằng :
"Những kẻ vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm thì phải nói đấy là loại vô đạo đức, bởi tất cả công chức đều phải dựa trên hai nền tảng quan trọng. Thứ nhất là nền tảng chuyên môn gồm chuyên môn hành chính và chuyên môn quản lý nhà nước. Nền tảng thứ hai có khi còn quan trọng hơn, đó là nền tảng đạo đức. Nền tảng đạo đức có quy định không được làm trái những quy định trong ứng xử và phải nêu cao chuẩn mực tinh thần và đạo đức".
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, những quy định như ông vừa nói thì các nước khác trên thế giời ghi rất rõ. Nhưng ở Việt Nam, theo ông Hợp là cũng có những quy định này từ lâu... nhưng lâu ngày các cán bộ ‘quên’ đi.
Nguồn : RFA, 10/11/2021