Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung sắp hầu tòa vụ thứ ba
RFA, 14/12/2021
Ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, sẽ phải ra tòa thêm một lần nữa vào ngày 27/12 tới đây vì liên quan đến các sai phạm trong việc lựa chọn số hóa cơ sở dữ liệu cho Thủ đô, tạo lợi thế cho công ty Nhật Cường.
Reuters – Ảnh minh họa
Truyền thông nhà nước ngày 14/12 cho biết Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ mở phiên xử kéo dài năm ngày từ hôm 27/12 để xét xử ông Nguyễn Đức Chung cùng sáu bị cáo khác là các cựu cán bộ thành phố Hà Nội.
Sáu bị cáo được nêu danh gồm : ông Nguyễn Văn Tứ (SN 1965, cựu Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội), ông Nguyễn Tiến Học (SN 1958, cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hà Nội), bà Phạm Thị Kim Tuyến (SN 1971, cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội), bà Phạm Thị Thu Hường (SN 1974, cựu Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội), ông Lê Duy Tuấn (SN 1978, Giám đốc kinh doanh Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và phát triển Đông Kinh), và ông Võ Việt Hùng (SN 1976, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và phát triển Đông Kinh).
Ông Nguyễn Đức Chung bị buộc tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Sáu bị cáo còn lại bị buộc tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cáo trạng, ông cựu Chủ tịch UBND Hà Nội và các bị cáo đã can thiệp trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường trúng hai gói thầu "Số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội" năm 2016, 2017.
Ông Nguyễn Đức Chung bị xác định chỉ đạo các bị cáo lập hồ sơ mời thầu không đúng quy định, đưa thêm yêu cầu cập nhật số hóa đã được thực hiện trong quá trình thí điểm dù không đạt yêu cầu nhằm tạo lợi thế cho liên doanh Nhật Cường – Đông Kinh tham gia và trúng thầu.
Việc làm trên của các bị cáo bị nói vi phạm quy định đấu thầu dẫn đến hiệu quả của gói thầu không đạt, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.
Hiện ông Nguyễn Đức Chung đang phải chịu hai án khác với hình phạt chung là 13 năm với hai tội danh "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" và tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Ông này còn bị buộc phải nộp bồi thường dân sự 25 tỷ đồng.
**********************
‘Đất đai bị trưng thu là chủ đề nhân quyền nóng nhất tại Việt Nam’
VOA, 14/12/2021
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch-HRW) vừa lên tiếng kêu gọi Việt Nam hủy bỏ các cáo buộc "mang động cơ chính trị" và phóng thích hai nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai ở Hà Nội, đồng thời cho rằng đất đai bị trưng thu hiện đang trở thành chủ đề nóng bỏng nhất về nhân quyền tại Việt Nam hiện nay.
Các nhà hoạt động đất đai bị bắt (từ trái sang) : Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Thị Tâm. Ảnh minh họa
Hai nhà hoạt động được nhắc đến là Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm. Cả hai đều là những người tham gia đưa thông tin về những tiêu cực, những vụ đàn áp liên quan đến tranh chấp đất đai như ở Đồng Tâm, Dương Nội.
Đặc biệt, trong vụ xung đột giữa chính quyền với người dân dẫn đến chết người ở Đồng Tâm, các nhà hoạt động đất đai đã trở thành nguồn tin hiếm hoi cung cấp thông tin ra bên ngoài khi toàn bộ truyền thông nhà nước lẫn truyền thông độc lập đều không được phép và không thể tiếp cận được với người dân tại đây.
Ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm bị bắt vào ngày 25/6/2020 với cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Cả hai dự kiến sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 15/12. Nếu bị kết tội, họ sẽ phải đối mặt với mức án tù lên đến 20 năm.
"Chính quyền Việt Nam đang vận dụng luật hình sự để dọa nạt và cấm đoán những người biểu tình ôn hòa phản đối trưng thu đất đai", ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói trong thông cáo đưa ra hôm 14/12.
Ông kêu gọi "Chính quyền nên phóng thích hai nhà hoạt động nói trên và tất cả những người đang bị giam giữ theo điều 117, và hủy bỏ điều luật lạm quyền này".
Ngoài ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm, trước đó, hai nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư là mẹ và em trai ruột của ông Phương cũng bị bắt.
Vào tháng 5 vừa qua, bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư bị xử 8 năm tù giam mỗi người.
Theo HRW, Việt Nam trong năm 2021 đã tăng cường bắt bớ và xét xử các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến. Có ít nhất 16 người, trong đó các blogger độc lập nổi tiếng Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Thành, đã bị kết tội và xử án tù vì đã vi phạm điều 117. Ngoài ra, có 11 người khác, trong đó nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh đã bị bắt và đang chờ xét xử.
Riêng trong ngày 14/12, một nhà báo độc lập – blogger nổi tiếng là bà Phạm Đoan Trang cũng vừa bị đưa ra xét xử và bị kết án 9 năm tù giam với tội danh "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Bà Phạm Đoan Trang cũng là người đã cùng với nhà hoạt động dân chủ Will Nguyễn thực hiện ấn phẩm "Báo cáo Đồng Tâm" với mục đích lưu giữ và cung cấp thông tin trực tiếp từ chính dân làng Đồng Tâm cho công chúng.
Theo ông Phil Robertson, "Đất đai bị trưng thu đã trở thành một trong những chủ đề nhân quyền nóng nhất ở Việt Nam, và kiểu chính quyền đối phó bằng cách đàn áp càng làm tình hình trở nên xấu đi".
Đại diện của HRW cho rằng chính quyền Việt Nam cần công nhận quyền biểu tình của người dân và tìm ra phương thức công bằng và minh bạch để thương lượng mức đền bù thỏa đáng khi trưng thu đất đai của họ.
Nguồn : RFA, 14/12/2021