Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/12/2021

Bài toán chống ngập bao giờ giải được ?

RFA tiếng Việt

Từ năm 2001, Thành phố Hồ Chí Minh đã có Quy hoạch thoát nước mưa và nước thải được phê duyệt. Đến năm 2008, Quy hoạch thoát nước triều và nước lũ tiếp tục được phê duyệt. Từ năm 2011, Thành phố Hồ Chí Minh xác định giảm ngập nước là một trong bảy chương trình trọng điểm cần tập trung nguồn lực để đầu tư các dự án thực hiện. Giữa năm 2016, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam đầu tư được khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2022. Tuy vậy, dự án này bị ngưng thi công hai lần. Đến nay vẫn trong tình trạng "đắp chiếu".

ngap1

Ngập lụt sau cơn mưa lớn - Reuters

Theo thông tin từ Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp thường kỳ hôm 31 tháng 3 năm 2021, Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã đạt 96% khối lượng nhưng phải ngừng thi công vì vướng mắc liên quan đến phương án thanh toán cho nhà đầu tư.

Thạc sĩ Hồ Long Phi, chuyên gia cao cấp của EnCity Singapore, nguyên Phó Ban điều phối chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh phân tích với RFA :

"Nó có nhiều lý do liên quan vấn đề tài chính. Nó hơi lằng nhằng về chuyện thủ tục. Khi làm dự án này thì doanh nghiệp họ phải vay. Mà muốn được thanh toán các khoản vay thì họ phải có chứng từ, có những chữ ký. Nói cách khác, tư nhân làm nhưng họ không đủ nguồn lực hoàn toàn nên phải dựa vào ngân hàng. Mà ngân hàng thì phải dựa vào nhà nước để xác nhận thanh toán. Chứ về mặt kỹ thuật thì xong chín mươi mấy phần trăm rồi mà vẫn chưa kết thúc được...

Chuyện chống ngập thì có hai vấn đề : Kỹ thuật và tài chính. Tranh cãi về vấn đề kỹ thuật thì hướng đi tương đối rõ. Còn vấn đề tài chính, tiền lấy từ đâu, thì lại không rõ ràng. Do vậy những nhà đầu tư tư nhân họ cũng không mặn mà tham gia. Đó là điều trở ngại".

Đầu năm 2021, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030. Theo đề án, trong giai đoạn 2020-2025, 80% dân số đô thị được hưởng dịch vụ thoát nước, 80% tổng lượng nước thải trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.

Sở xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, để thực hiện kế hoạch giảm ngập nước 2021-2025, thành phố cần thêm 100.000 tỷ đồng. Trong năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai, hoàn thành 10 dự án giảm điểm ngập do mưa và 10 dự án giảm ngập do triều cường.

Những năm qua, đỉnh triều ở Thành phố Hồ Chí Minh liên tục lập kỷ lục. Nguyên nhân được cho là do biến đổi khí hậu và bê tông hóa trên nền đất trũng, yếu và khai thác nước ngầm quá mức làm cho nền đất ngày càng sụt lún.

Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ & Quản lý Môi trường từ năm 2014 đã nhận định, tình trạng ngập lụt ngày càng nặng ở thành phố là do hệ lụy của những sai lầm chiến lược xây dựng đô thị và quy hoạch thoát nước đô thị của Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2018, Tiến sĩ Lê Huy Bá một lần nữa lên tiếng cảnh báo chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh "sai lầm nối tiếp sai lầm", nhất là về giải quyết bài toán ngập theo biện pháp công trình mang tính cục bộ.

Một số chuyên gia về xây dựng cho rằng, dù có hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nữa cũng không giải quyết được nạn đường phố ngập như sông do mưa lớn hoặc triều cường. Lý do được nêu ra là các vùng sình lầy ở quận 7, Nhà Bè vốn là nơi thoát nước cho toàn thành phố, nhưng đã bị san lấp hết để xây dựng nhà cửa.

Xe đi trong nước ngập trên đường phố Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014. AFP

Trả lời với truyền thông nhà nước về hiện trạng này, KTiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đang chống ngập sai hướng, nên càng đi xa càng sai và càng tốn kém mà không hiệu quả. Theo ông, do Thành phố Hồ Chí Minh bê tông hóa quá cao nên dễ gây ngập nếu giải pháp thoát nước không phù hợp. Do đó, nếu chỉ tính toán cống thoát theo vũ lượng tối đa 100 năm thì vẫn không đủ, vì vẫn chưa tính đến các yếu tố khác như việc bê tông hóa làm nước thoát nhanh từ khu lân cận dồn về, do đó có làm cống to mấy cũng ngập.

Anh Nguyễn Kế Quang, kỹ sư xây dựng, chia sẻ với RFA quan điểm của mình :

"Cái gốc vấn đề là quy hoạch. Khi quy hoạch, phát triển một đô thị thì phải tính đến việc xây dựng các công trình hạ tầng. Hệ thống thoát nước mình làm không chuẩn cho nên dù có hàng chục ngàn tỷ đồng vẫn không hết ngập. Việc quy hoạch liên quan đến ý thức và tầm nhìn của người lãnh đạo. Người lãnh đạo giỏi khi quy hoạch một thành phố phải có tầm nhìn 50, 70, 100 năm sau.

Lý do thứ hai là bê tông hóa nên việc thoát nước rất khó. Triều cường lên hay mưa xuống mà không có chỗ thoát thì phải ngập thôi.

Lý do thứ ba là ý thức người dân cũng góp phần hạn chế việc thoát nước. Dân vứt rác bừa bãi làm bít các hố ga khiến nước không thoát được".

Theo anh Quang, sự hình thành và phát triển của mỗi thành phố phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, tài nguyên (thiên nhiên và con người), tầm nhìn của người lãnh đạo. Việc quy hoạch này phải phát xuất từ thực tiễn khách quan, khoa học chứ không nên theo ý chí chủ quan của một cấp/người lãnh đạo nào đó vì điều này chỉ làm cho thành phố phát triển một cách chắp vá và ngày càng xấu đi mà thôi. Cần phải loại bỏ thứ tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch xây dựng của một thành phố.

Chiều 26 tháng 9 năm 2016, lần đầu tiên người dân TP. HCM chứng kiến cảnh ngập lụt nặng toàn thành phố sau một trận mưa lớn. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ ghi nhận đây là trận mưa lập kỷ lục số liệu của Đài từ ngày thành lập là năm 1976, tức 40 năm.

Kể từ trận ngập được cho là kỷ lục đó, hình ảnh "phố cũng như sông" không xa lạ gì với người dân thành phố sau mỗi trận mưa lớn.

Vào cuối tháng 5 năm 2020, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh xem xét phương án thu tiền dịch vụ chống ngập đối với người dân của thành phố. Giá dịch vụ chống ngập được đề xuất là 3.668 đồng/m2/tháng.

Theo Sở Xây dựng, nếu phương án được duyệt sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội hóa trong việc thực hiện chống ngập cho thành phố trong thời gian tới. Dự án này gây nhiều tranh cãi bởi xã hội hóa tức người dân sẽ phải đóng phí chống ngập.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 306 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)