Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/12/2021

Lan man chuyện Việt cuối năm 2021

RFA tổng hợp

Nhân quyền Việt Nam 2021 : không để ai thiếu ăn thiếu mặc

RFA, 31/12/2021

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một cuộc gặp với kiều bào ở Anh hồi cuối tháng 10/2021 nói rằng với Việt Nam "nhân quyền lớn nhất của chúng ta là không để ai thiếu ăn, thiếu mặc ; khi khó khăn chúng ta không để ai lại phía sau". Nhưng điều này có đúng với những gì đã diễn ra ở Việt Nam trong năm 2021 khi hàng triệu người bị mất việc làm, giảm thu nhập, thậm chí thiếu ăn vì phong tỏa do dịch bệnh Covid-19, hàng trăm người lên tiếng chỉ trích các chính sách của chính quyền vẫn đang bị cầm tù ?

vietnam1

Nhân quyền Việt Nam năm 2021 - Bom Nổ Chậm/RFA

Số liệu thống kê mới đây của Human Rights Watch cho thấy Việt Nam hiện vẫn giam giữ ít nhất 145 người vì dám lên tiếng đòi thực thi các quyền cơ bản ôn hoà.

Ít nhất 31 người đã bị kết án tù vì bày tỏ ý kiến ôn hóa của mình trên mạng trái với quan điểm của Chính phủ.

**********************

Ai có thể làm lộ bí mật nhà nước ?

RFA, 22/12/2021

Câu chuyện ‘lộ bí mật nhà nước’ 

Sáng 21 tháng 12 năm 2021, Bộ Công an tổ chức hội nghị Phòng ngừa vi phạm tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số và đảm bảo an ninh thông tin mạng đối với dịch vụ nội dung số tại Việt Nam. 

vietnam2

Các đại biểu dự phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, ngày 26/01/2021. AFP

Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục A05 - Bộ Công an) cho hay, trong năm 2021, cơ quan chức năng phát hiện 30 vụ lộ, mất bí mật nhà nước với 202 đầu tài liệu nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể. Ngoài ra, lực lượng an ninh mạng còn phát hiện ra nhiều lỗ hổng bảo mật ở mức nghiêm trọng sau khi rà soát 26 cơ quan, đơn vị ở các địa phương. 

Câu chuyện ‘lộ bí mật nhà nước’ không mới ở Việt Nam từ khi mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam. Có lúc từng xuất hiện một số trang mạng với tên như "Quan làm báo" và "Chân dung quyền lực", "Tư sang nham hiểm"… Trang "Quan làm báo" ra đời khoảng năm 2012 trước Đại hội 12. Trang blog "Chân dung quyền lực" xuất hiện vào khoảng tháng 10 năm 2014, trước Hội nghị Trung ương 10 chuẩn bị nhân sự cho Ðại Hội Ðảng khóa 12 diễn ra vào đầu năm 2016. Hầu hết các bài viết trong những trang như thế đều "vén" những bức màn bí mật "thâm cung bí sử" mà nhiều người lúc đó cho rằng nếu không có tay trong nội bộ đảng thì không ai có thể biết được. 

Theo kinh nghiệm của những người từng đứng trong hàng ngũ đảng cộng sản Việt Nam hay những nhà báo từng cộng tác với báo nhà nước, những người làm lộ bí mật nhà nước không thể là dân thường. 

Bác sĩ Đinh Đức Long, một Trung tá quân đội đã từ bỏ đảng từng nhận định với RFA : 

"Nhà nước có luật bí mật hẳn hoi, cái nào bí mật, cái nào không bí mật. Bây giờ bí mật nhà nước bị lộ thì rõ ràng là từ mấy ông trong nội bộ nói ra chứ dân làm sao biết được. Không loại trừ nội bộ phe phái các ông đánh nhau, lan truyền thông tin ra để dùng dư luận xã hội triệt hạ nhau".

Nhà báo Võ Văn Tạo cũng đồng quan điểm khi cho rằng, chỉ những người có quyền biết, giữ thông tin mới có thể làm lộ thông tin. Ông nói : 

"Nhiều cách lắm nhưng tất nhiên phải từ những người được biết thông tin đó hoặc quản lý thông tin đó. Ví dụ cách đây vài năm, mạng xã hội lan truyền video clip thiếu tướng công an Trương Giang Long nói chuyện với đội ngũ tuyên truyền của ngành công an. Ông Long nói rất kỹ về cái xấu chơi của Trung Quốc đối vối Việt Nam và cảnh báo con số hàng trăm cán bộ cao cấp của Việt Nam là tình báo của Hoa Nam Trung Quốc cài vào. Đấy chắc chắn là một thông tin bí mật rồi. Theo kinh nghiệm của tôi thì tôi cho rằng đội ngũ quay clip đó là của công an chứ chẳng có ai quay lén được cái hội trường đó đâu".

Bị kỷ luật, tù tội vì ‘lộ bí mật nhà nước’

Trong một video xuất hiện trên YouTube hồi tháng 3 năm 2017, thiếu tướng Trương Giang Long lúc đó là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân và Giám đốc Học viện Chính trị Công An Nhân dân, nói về quan hệ với Trung Quốc : 

"Trung Quốc, tôi xin thưa các đồng chí là, không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta ở Biển đông, không bao giờ từ bỏ dã tâm này. Mà cái này không phải chỉ thời ông Tập Cận Bình đâu, ông khác lên cũng sẽ như vậy thôi. Câu chuyện là, bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào…

Thưa các đồng chí, chính vì vậy mà chúng ta không loại trừ cái việc mà họ tìm mọi cách làm suy yếu từ bên trong…Cho nên tôi xin nói với các đồng chí là, bọn xấu nó cài cắm, nó móc ngoặc nó lôi kéo hồi xưa chỉ một vài người là đã nguy hiểm rồi, đã chết rồi. Bây giờ tôi thông báo với các đồng chí là nó đã có đến con số hằng trăm. Mà hàng trăm không phải chỉ là con số dừng lại ở hàng trăm, mà trăm này có thể cộng với trăm kia nữa chứ không phải chỉ trăm".

Tháng 10 cùng năm, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin Thiếu tướng Trương Giang Long nhận quyết định nghỉ công tác chờ hưu trí theo thông báo của Bộ Công an. 

Một số quan chức Việt Nam đã bị tù với tội danh liên quan việc làm lộ bí mật nhà nước. Chẳng hạn như trường hợp cựu đại tá Phan Văn Anh Vũ, còn được gọi là Vũ ‘Nhôm’ bị xét xử theo điều 337 BLHS và bị kết án 9 năm tù vì "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" vào năm 2018. Gần đây là cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị kết án 5 năm tù về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" được quy định tại Điều 337 của Bộ luật Hình sự 2015. 

Thống kê của Bộ công an cho thấy, hiện Việt Nam có 70 triệu người sử dụng internet với 154 triệu thiết bị kết nối internet và 68 triệu tài khoản mạng xã hội Facebook. Theo trung tướng Nguyễn Minh Chính, bối cảnh này đặt ra khó khăn, thách thức lớn trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Câu chuyện lọt, lộ bí mật nhà nước trên không gian mạng từng được Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương đề cập đến trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9 năm ngoái khi báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020. 

Nhận xét về phát biểu của vị lãnh đạo trong ngành công an này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định : 

"Trong một thể chế cộng sản như ngày nay, hoàn toàn độc tài và người ngoài người ta nghĩ rằng hệ thống này vững chắc, bền chặt như một tảng đá nguyên khối, không có gì lọt ra. Nhưng không phải thế, hệ thống này là những cục đá to nhỏ khác nhau, góc cạnh khác nhau xếp vào nhau và giữa đó là những khe hở. Từ những khe hở đó thì những thông tin có gọi là tuyệt mật chăng nữa cũng lọt ra vì một lý do là các cục đá này không gắn kết nhau thành một tảng, tức có những lợi ích khác nhau, có thể mâu thuẫn với nhau và nhóm này có thể dùng thông tin bất lợi cho nhóm kia, có lợi cho nhóm mình để bằng cách nào đấy leak ra ngoài".

Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương cho hay, chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông, nhất là những vấn đề liên quan đến không gian mạng.

Nguồn : RFA, 22/12/2021

************************

Bữa ăn vàng của ngài Bộ trưởng

RFA, 20/11/2021

Bộ trưởng Công an Tô Lâm, nhân chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Anh hồi đầu tháng 11/2021, đã đến ăn tại một nhà hàng nổi tiếng đắt tiền của "thánh rắc muối" Salt Bae ở London.

vietnam3

Bom Nổ Chậm/RFA

Đoạn video ngắn chiếu cảnh ông Tô Lâm được đầu bếp nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ bón cho ăn miếng thịt bò dát vàng được đưa lên Tik Tok hôm 3/11 và nhanh chóng lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Facebook và YouTube dù ngay sau đó bản video gốc đã được gỡ khỏi Tik Tok. Bữa ăn trị giá gần 2.000 USD của ông Bộ trưởng có mức lương tháng khoảng 700 USD đã khiến dư luận trong và ngoài nước quan tâm, thậm chí chỉ trích vì nhiều người cho rằng ông đã ăn đồ ăn đắt tiền trong khi đoàn Việt Nam đang đi xin vắc-xin ngừa Covid-19 viện trợ của nước ngoài, và hàng triệu người dân trong nước đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí thiếu ăn do đại dịch và phong toả. Hình ảnh một lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản luôn kêu gọi các đảng viên sống liêm khiết theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng lại hưởng thụ một bữa ăn xa hoa cũng bị cho là phản cảm.

Nguồn : RFA, 20/11/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 491 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)