Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

05/01/2022

Tản mạn Việt Nam : chỉ tiêu 2022, công đoàn độc lập

RFA tổng hợp

Mục tiêu tăng trưởng năm 2022 có quá cao đối với Việt Nam ?

RFA, 05/01/2022

Các bộ ngành của Chính quyền Việt Nam vừa đặt mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5-7,5% vào năm 2022. Cơ sở cho mục tiêu đó là tiềm năng phục hồi vững chắc trong lĩnh vực sản xuất và nhu cầu trong nước.

vn1

Ảnh minh họa chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1 tháng 12 năm 2021. AFP PHOTO

Công ty Đầu tư Chứng khoán VNDirect của Việt Nam còn đưa ra dự báo lạc quan hơn, cho rằng tăng trưởng sẽ ở mức hơn 7,5%. Lý do là ngành sản xuất và xuất khẩu đang lấy lại động lực, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh và nhu cầu trong nước tăng lên nhờ các gói kích thích của Chính phủ.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới và các Tổ chức Tín dụng Quốc tế đều đưa ra dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam ở mức thấp hơn, khoảng trên dưới 6%. Với điều kiện nền kinh tế toàn cầu phục hồi bền vững, như vậy mới đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA hôm 5/1 liên quan mục tiêu này nhận định :

"Đấy là mục tiêu cao để phấn đấu, còn đạt được hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, tùy thuộc tình hình ổn định kinh tế chính trị ở khu vực, tùy thuộc tình hình kinh tế thế giới có thuận lợi hay không và Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hay không. Tôi nghĩ rằng nếu cố gắng phấn đấu thì Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng GDP 6%".

Lâu nay, nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Chính phủ thường hay phát biểu, đưa ra mục tiêu Việt Nam sẽ sớm trở thành cường quốc về một lãnh vực nào đó. Đơn cử như tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X hôm 28/3/2010, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh khi phát biểu bế mạc hội nghị, từng nói mục tiêu năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp, hiện đại. Nhưng đến nay mục tiêu này vẫn chưa đạt được.

Hay vào những tháng cuối năm 2021, giữa lúc dịch bệnh đang hoành hành tại Việt Nam, nền kinh tế đang gặp khó khăn, thất nghiệp cao thì Thủ tướng Việt Nam - Phạm Minh Chính lại cho rằng tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát và kinh tế đã khởi sắc với nhiều điểm sáng.

Trả lời RFA khi đó, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài chính, cho rằng nền kinh tế chỉ bắt đầu khôi phục. Ông Long cho rằng dùng từ khởi sắc mà sau một sự khủng hoảng suy tàn thì chỉ là hồi phục thôi.

Khi đó, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Lửa Việt Tour cũng xác nhận hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang còn rất khó khăn. Ông nói : "Làm sao mà ổn được và nó cũng chưa khởi sắc đâu, dĩ nhiên là nó có khởi động lại nhưng mà còn rất nhiều khó khăn".

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ khi trả lời RFA từ Na Uy hôm 5/1 cho rằng, kinh tế Việt Nam hiện nay đã trở thành một nền kinh tế mở, phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế của thế giới, từ đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, cho đến du lịch. Nhưng theo ông Vũ, tình hình thế giới trong năm 2022 vẫn chưa trở lại trạng thái bình thường như trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra và có lẽ nhanh nhất là kéo dài thêm một năm nữa. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói tiếp :

"Thứ nhất là biến thể Omicron đang bùng phát. Các nước Châu Âu và nhiều nước khác vẫn đang đưa ra các hạn chế khác nhau, làm ảnh hưởng đến ngành du lịch và kéo theo các ngành dịch vụ khác. Ở các nước phát triển, các ngành dịch vụ chiếm một tỉ trọng rất lớn, đóng góp thường đến hơn một nửa tổng sản lượng quốc gia. Việc các ngành dịch vụ trì trệ đến lượt nó ảnh hưởng đến các ngành sản xuất khác. Vì vậy khó mà hi vọng có một sự hồi phục nhanh chóng về tình trạng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 này".

Thứ hai theo Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ là tình trạng lạm phát đang tăng ở mức rất cao ở Mỹ và cả ở Châu Âu. Vào những tháng cuối năm 2021, mức lạm phát ở Mỹ đã lên đến 7%, còn ở khối đồng tiền chung Châu Âu đã lên đến 5%, tức hơn gấp đôi mức lạm phát định hướng (inflation target). Điều này khiến các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển bắt đầu tính đến khả năng thắt chặt tín dụng bằng cách giảm cung tiền và tăng lãi suất. Việc đưa ra một tín hiệu về thắt chặt tín dụng đến lượt nó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư, sản xuất, và tiêu dùng nói chung ở các nước phát triển, làm kinh tế phát triển chậm lại.

"Thứ ba là sức mua của nền kinh tế trong nước hiện rất yếu. Sau một năm bị phong toả, người dân và doanh nghiệp gần như kiệt quệ. Doanh nghiệp cần có thời gian để tổ chức lại sản xuất, còn người dân cần có thời gian để tiết kiệm và chi tiêu trở lại.

Và cuối cùng là tình hình dịch bệnh ở trong nước hiện vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, vẫn còn khả năng bùng phát trở lại, và nhanh chóng chặn đứng sự phát triển kinh tế".

Cho nên theo Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, nhìn lại các yếu tố tổng thể từ thế giới cho tới nội địa, tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2022 khó mà đạt được mức 7,5%. Đây là một mức tăng trưởng cao mà kinh tế Việt Nam trong lịch sử đạt được.

vn2

Một hành khách chờ phương tiện di chuyển bên ngoài ga đến của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/12/2021. Nhac NGUYEN / AFP.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, dù hạ mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% thì điều trước tiên Việt Nam phải làm là kiểm soát được dịch bệnh và tận dụng được những cơ hội khác. Ông Doanh giải thích :

"Hiện nay biến thể Omicron cũng đã đến Việt Nam, cho nên tôi thấy việc kiểm soát dịch bệnh trở nên khá phức tạp. Mỗi ngày tại Việt Nam hiện có 16 đến 18 ngàn người mắc Covid-19, riêng Hà Nội hôm nay trên 2.500 người mắc bệnh. Cho nên điều đầu tiên để có thể vừa chống dịch vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế thì phải kiểm soát được dịch bệnh và phải tiêm vắc-xin".

Điểm thứ hai theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì Việt Nam hiện có tiềm năng tăng trưởng bởi vì Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như EVFTA hay CPTPP đó là điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu. Dù năm nay xuất nhập khẩu của Việt Nam đã lập kỷ lục mới, vượt 660 tỷ USD, tuy nhiên ông Doanh cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm :

"Việt Nam cần tiếp tục chuyển đổi số, và chuyển sang sử dụng kinh tế số, điều này là một cơ hội nhưng cũng là thách thức. Bởi vì ở Việt Nam, số doanh nghiệp tư nhân có đăng ký thì chỉ chiếm 12% GDP, nhưng hộ gia đình chiếm khoảng 30-32% và năm triệu hộ nông dân nữa, thì chuyển đổi số cho số hộ gia đình và nông dân là một thách thức lớn. Muốn vậy đòi hỏi phải liên kết họ lại với nhau thành doanh nghiệp lớn thì mới có thể vận dụng kinh tế số".

Dù Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ và có đào tạo, nhưng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam cần đầu tư thêm vào trang thiết bị máy móc để nâng cao năng suất lao động, vì hiện nay năng suất lao động của Việt Nam đang thua kém rất nhiều các nước trong khu vực.

*********************

Việt Nam vẫn chưa có công đoàn độc lập

RFA, 04/01/2022

Đầu năm 2022, tờ The Diplomat có đăng tải bài viết của tác giả Joe Buckley với tựa "The Limits of Vietnam’s Labor Reforms", tạm dịch là "Những hạn chế của Bộ luật lao động sửa đổi Việt Nam".

vn3

Công nhân một mỏ than ở Quảng Ninh - Reuters

Tác giả cho rằng, sau khi Bộ luật Lao động sửa đổi của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào năm 2019, một số báo chí quốc tế tiếng Anh có những bài viết nhận định Việt Nam đã cho phép thành lập công đoàn độc lập ngoài hệ thống Công đoàn các cấp chịu sự lãnh đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam như trước nay. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Nhà nước không đưa tin về việc có một tổ chức công đoàn độc lập nào đang tồn tại hay không.

Nhận định về việc này với RFA sáng 4 tháng 1 năm 2022, Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, cho rằng đó là thực tế. Ông nói :

"Sự thực mà nói thì cam kết của Chính phủ Việt Nam trong CPTPP và EVFTA là cho phép thành lập các công đoàn độc lập. Cam kết này là có và Chính phủ Việt Nam đã xác nhận, đã có ký kết nhưng đó là cam kết trên giấy tờ nhưng đến nay vẫn chưa có công đoàn độc lập nào được thành lập. Có lẽ vì trường hợp này trường hợp kia vẫn bị đối xử không thuận theo khung pháp luật mà Việt Nam đã cam kết, thành ra về phía công đoàn cũng chưa ai đứng ra thành lập. Những tổ chức xã hội độc lập, ví dụ như Hội Nhà Báo Độc Lập thì bị ra tòa.

Các hội đó đều bị liệt vào ‘không đúng với pháp luật Việt Nam’. Tức là theo pháp luật Việt Nam thì chỉ có Chính phủ cam kết với công đoàn độc lập thôi chứ chưa có các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Chính vì vậy, người ta có thể ghép tất cả các tổ chức xã hội dân sự vào những tổ chức không phù hợp pháp luật".

Bộ luật Lao động sửa đổi của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào ngày 20 tháng 11 năm 2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021. Bộ luật này có 17 chương, trong đó chương 13 lần đầu tiên có quy định về Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bên cạnh tổ chức Công đoàn Việt Nam, còn được gọi là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ngay khi luật có hiệu lực, ông Bùi Thiện Tri - Chủ tịch Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU) - nói với RFA rằng, luật mới chỉ quy định khung về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, còn quy định chi tiết sẽ do Chính phủ ban hành. Ông Tri giải thích :

"Bộ luật Lao động 2019 lại không quy định chi tiết các thủ tục và điều kiện để thành lập tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp, mà giao cho Chính phủ sẽ quy định chi tiết các việc đó. Nhưng cho đến thời điểm ngày 1/1/2021 khi Bộ luật Lao động có hiệu lực thì Chính phủ vẫn chưa ban hành những nghị định hướng dẫn điều kiện, thủ tục để thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Hiện nay, người lao động muốn thực hiện quyền đó của mình thì cũng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện".

Tác giả Joe Buckley trong bài viết một năm sau đó nhấn mạnh, Bộ luật này cho phép người lao động thành lập Tổ chức đại diện người lao động không trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhưng việc tuyên bố các tổ chức này là các công đoàn độc lập là một cách hiểu sai đáng kể, bởi những tổ chức này không phải là công đoàn. Tổ chức đại diện người lao động chỉ được thành lập ở cấp độ doanh nghiệp cá nhân và bị hạn chế hơn về những gì họ có thể làm so với các công đoàn.

vn4

Người lao động đang làm việc tại một công ty dệt may. AFP

Theo giải thích trên trang web của Công ty luật Minh Khuê chuyên tư vấn pháp luật cho người lao động, Tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp khác với công đoàn. Tổ chức này không nằm trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam mà chỉ là tổ chức do người lao động thành lập theo trình tự, thủ tục luật định. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp chỉ có ở cấp cơ sở - cấp doanh nghiệp, không có hệ thống các cấp như tổ chức công đoàn. Như vậy, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là cũng là tổ chức đại diện của người lao động nhưng chỉ bao gồm hai loại sau : Công đoàn cấp cơ sở và Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một công đoàn độc lập nào được thành lập vì nhiều lý do, cả khách quan lẫn chủ quan. Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, bây giờ bảo người công nhân đứng dậy thành lập công đoàn độc lập khác với công đoàn do chính phủ đạo diễn thì rất khó, bởi người lao động thì thường chỉ nghĩ đến chuyện làm sao để lương cao hơn, làm sao để cho no ấm, làm sao để được lòng chủ…

Luật sư Đặng Trọng Dũng từng công tác tại Sở Lao động- Thương binh-Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, là người nghiên cứu về các vấn đề luật pháp liên quan thành lập tổ chức công đoàn độc lập tại doanh nghiệp, nêu quan điểm của ông với RFA sáng ngày 4 tháng 1 năm 2022 :

"Cho đến bây giờ, theo Luật Lao động mới, họ cho phép thành lập công đoàn độc lập, nhưng thực tế chưa thấy báo chí đưa tin là có một công đoàn độc lập nào của ai thành lập cả. Thực tế như thế nào thì mình không biết, nhưng hai năm qua bị dịch Covid-19 thành ra vấn đề về quyền lợi người lao động không được xem xét một cách đúng mức. Do đó, việc thành lập công đoàn độc lập chắc cũng không xúc tiến gì cả.

Thông thường, khi có luật thì nó phải có nghị định để điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện. Cho đến hiện nay chưa thấy có nghị định nào hướng dẫn thực hiện luật lao động mới. Họ cho phép thành lập công đoàn độc lập nhưng chưa có một văn bản nào hướng dẫn thi hành".

Theo Luật sư Đặng Trọng Dũng, Công đoàn hiện nay là một tổ chức hữu danh nhưng vô thực. Không có một cơ chế nào để đẩy hoạt động của công đoàn cho đúng thực chất vấn đề. Thật sự công đoàn có vai trò của nó, nếu mà biết vận dụng thì cũng có thể làm được nhiều việc cho người lao động nếu người lao động biết sử dụng. Khi người lao động bị những vấn đề liên quan đến họ thì họ mới bắt đầu tìm hiểu thì lúc đó cũng trễ quá rồi, nên cần phải có một luật sư chuyên về lĩnh vực đó ở công đoàn để người lao động có việc thì họ hỏi.

Thực tế ở Việt Nam có một số tổ chức xã hội dân sự như Hội phụ nữ Nhân quyền, Hội Tù nhân Lương tâm, Văn đoàn Độc lập, Hội Nhà Báo Độc lập, Hội Anh em Dân chủ được thành lập nhưng những người đứng đầu đều bị bắt bớ, tù đày. Lý do được các cấp tòa án nêu ra là vì họ ‘chống phá chế độ, tiến hành các hoạt động đối lập với các cơ quan của hệ thống chính trị, đối lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam’.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 334 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)