Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

25/01/2022

Không gian mạng, nhiệt điện Vĩnh Tân, dân bức xúc, giải VinFuture

RFA tổng hợp

Việt Nam bổ nhiệm tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng

RFA, 25/01/2022

Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian Mạng thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa có tân Tư lệnh. Người đảm trách chức vụ này là Đại tá Lê Dũng, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Thông tin Liên lạc.

FACEBOOK-VIETNAM/FORCE47

Đại tá Lê Dũng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian Mạng thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, trang Facebook thuộc lực lượng 47 - Reuters, RFA edit

Quyết định bổ nhiệm do ông Thủ tướng Phạm Minh Chính ký vào ngày 24/1. Ông Lê Dũng thay cho ông Trung tướng Đinh Thế Cường trong vị trí vừa nêu.

Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng, trực thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập hồi năm 2017. Nhiệm vụ của đơn vị này được qui định làm nòng cốt trong công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng. Đây cũng được cho là lực lượng quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao và hoạt động bị cho là ‘diễn tiến hòa bình’ trên không gian mạng.

Từ những ngày cuối của năm 2017 cho đến hai tuần lễ đầu tiên của tháng 1 năm 2018, Chính phủ Việt Nam công khai thừa nhận những đơn vị chuyên đối phó trên không gian mạng. Đó là Cục An ninh Mạng thuộc Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian Mạng hay Lực Lượng 47 thuộc Bộ Quốc phòng.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Thượng tướng, Phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân đội Việt Nam lúc bấy giờ, cho đến ngày 25/12/2017, Lực Lượng 47 gồm 10 ngàn người, "vừa hồng, vừa chuyên". Họ được cho là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng. Hiện ông Nghĩa là Bí thư Trung ương đảng Khóa XIII ; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Tên gọi Lực Lượng 47 được đặt theo chỉ thị 47 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, trong đó có quy định về việc giám sát, quản lý việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet trong quân đội, quản lý báo chí, xuất bản.

Về phía Bộ Công an, vào chiều ngày 15/1/2018, tại buổi họp báo tình hình, kết quả công tác năm 2017 ; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của Bộ này, ông Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Cục An ninh mạng A68, được thành lập với mục tiêu bảo vệ an ninh mạng và đấu tranh chống lại các thế lực chống Đảng và Nhà nước.

Nguồn : RFA, 25/01/2022

******************

300 công nhân nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 bị cách ly hoàn toàn suốt tám tháng

RFA, 25/01/2022

Khoảng 300 công nhân Việt Nam làm việc tại nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã phải làm việc trong tình trạng bị cách ly hoàn toàn với bên ngoài suốt tám tháng, với lý do dịch bệnh bùng phát mạnh. Hiện giờ đã là cận Tết, nhiều công nhân bức xúc yêu cầu được cho về với gia đình nhưng chưa được giải quyết.

vn2

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận - AFP

Một công nhân làm việc tại nhà máy Vĩnh Tân 1 hôm 23/1 nói với RFA, nhưng ẩn danh vì lý do an toàn, rằng kể từ ngày 1/6/2021, tình hình dịch bệnh ở địa bàn tỉnh Bình Thuận trở nên phức tạp, nên tất cả người lao động ở đây phải làm việc, ăn ở luôn trong nhà máy, không được ra ngoài địa phương, nếu vi phạm sẽ bị đuổi việc ngay lập tức : 

"Hiện tại bọn em cách ly trong này là từ ngày 1/6 cho đến hiện tại luôn, cách ly trong nhà máy, ăn uống, đi làm trong nhà máy không có được tiếp xúc ra ngoài xã hội.

Ở nhà máy hiện tại nếu tính người Việt Nam không thì khoảng gần 300 người. Ăn ở, sinh hoạt thì người ta cấp phòng bình thường nhưng mà chỉ mong muốn được đi ra ngoài sống với cộng đồng xã hội".

Người này cho biết ở trong khu vực có ba nhà máy nhiệt điện. Nhà máy 2 và nhà máy 4 là của Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) thì công nhân đã được ra ngoài từ một tháng trước. Riêng nhà máy nhiệt điện 1 là của Trung Quốc, vẫn chưa cho công nhân ra ngoài, cũng không thông báo khi nào sẽ ngừng cách ly.

Hiện giờ, nhiều công nhân bức xúc yêu cầu được về nhà sau giờ làm việc, sum họp với gia đình trong mùa Tết sắp tới nhưng chưa được giải quyết :

"Người dân địa phương muốn là đi làm rồi về ăn cái Tết với gia đình nhưng mà công ty không có giải quyết. Mọi người cũng có ý kiến lên công ty nhưng mà công ty sẽ dập tắt ngay.

Toàn bộ anh em ở trong này họ đều rất khó chịu và bức xúc nhưng cũng không ai dám đứng lên. Bởi vì người ta cũng sợ ảnh hưởng đến cuộc sống. Những cá nhân lẻ tẻ đứng lên thì cũng sợ sau này bị lãnh đạo đì hoặc là tìm cách đuổi, thì mất đi công việc nuôi gia đình, cho nên người ta không dám".

Một người khác hay ra vào làm việc ở nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, cũng yêu cầu giấu tên, xác nhận rằng có tình trạng công nhân ở lại suốt tám tháng. Tuy nhiên, mọi người ở nhà máy bốn đã được cho ra ngoài.

Trước bức xúc của người lao động, phía Công đoàn có xuống lắng nghe và thu thập ý kiến, nguyện vọng của công nhân để làm việc với lãnh đạo công ty. Đến nay, cả hai phía công ty và Công đoàn đều không có thông báo gì thêm :

"Hôm trước Công đoàn có lấy ý kiến của mọi người trong công ty nhưng cuối cùng không thấy Công đoàn trả lời lại là tình hình như thế nào. Em cũng có nghe nói là Công đoàn có làm việc với phía lãnh đạo công ty nhưng cuối cùng không thấy bên nào trả lời cho công nhân".

Người công nhân thứ nhất chuyển cho RFA một văn bản có mộc đỏ và chữ ký của Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận gửi cho lãnh đạo nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 vào ngày 13/1/2022. Nội dung văn bản cho biết công ty này đã trên 28 ngày không có ca mắc mới, đủ tiêu chuẩn vùng xanh, yêu cầu tạo điều kiện cho lao động rời nhà máy. 

Tuy nhiên, đến ngày 24/1, mọi người vẫn tiếp tục bị giữ trong nhà máy.

Phóng viên RFA liên hệ với ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch huyện Tuy Phong để tìm hiểu sự việc, ông Sơn nói không biết thông tin này, yêu cầu gọi qua Chánh văn phòng Uỷ ban huyện. RFA tiếp tục liên hệ tới UBND huyện Tuy Phong nhưng không có ai nghe máy.

Theo Cổng thông tin Chính phủ, toàn tỉnh Bình Thuận áp dụng Chỉ thị 15 từ ngày 20/7/2021. Riêng, hai địa bàn là thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết áp dụng Chỉ thị 16. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong thuộc vùng nguy cơ màu vàng.

Nguồn : RFA, 25/01/2022

***********************

Bức xúc của dân có được lắng nghe, giải quyết như lời Chủ tịch nước ?

RFA, 24/01/2022

Ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra yêu cầu giải quyết ngay 'các vấn đề người dân bức xúc nêu ra' khi thăm hỏi và chúc Tết đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/1/2022. Theo ông Phúc, khi bức xúc của người dân chưa được giải quyết thấu đáo sẽ như những ‘đốm lửa nhỏ’, có thể bùng lên thành đám cháy.

vn3

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi thăm hỏi và chúc Tết đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/1/2022. Courtesy State Media / LĐ

Liệu người dân có an toàn khi nêu bức xúc với Đảng và chính quyền ? Hay ‘đốm lửa nhỏ’ sẽ bị dập tắt ngay bằng những án tù với cáo buộc bị cho là chống nhà nước ?

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 24/1 cho rằng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa nói với Đại biểu Quốc hội của Thành phố Hồ Chí Minh về việc phải biết và giải quyết bức xúc của dân như thế là tốt. Tuy nhiên ông nói tiếp :

"Nhưng liệu có làm được không. Cách làm thông thường của Đại biểu Quốc hội là tổ chức họp đại biểu cử tri. Đó là những người được lựa chọn kỹ càng, vì vậy những bức xúc do họ nói ra cũng là bức xúc được lựa chọn. Còn những người dân có bức xúc thật thì không được đến dự họp, vậy họ muốn nói ra thì phải nói nơi khác và dễ bị gán cho tội vi phạm Điều 331 Luật Hình sự về tội lợi dụng quyền dân chủ. Khi đông ngườì có cùng bức xúc, thí dụ họ phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc mà tổ chức biểu tình thì bị đàn áp, bắt bớ".

Nói tóm lại theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, dân chỉ được nói ra những bức xúc mà Đảng cho phép. Những bức xúc như thế dân không nói thì Đại biểu Quốc hội cũng tự biết. Vì vậy Giáo sư Nguyễn Đình Cốngcho rằng, lời của ông Phúc nói mang nặng tính chất tuyên truyền, hầu như không có tác dụng trong thực tế.

Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng công tác cho Tạp chí Cộng sản trong nhiều năm, nhận định với RFA khi được nêu vấn đề :

"Đây là điều bình thường của Nhà nước cộng sản Việt Nam. Một số cử tri họ đã lựa chọn ra, định hướng việc phát biểu của cử tri sau đó họ đăng lên. Đây là việc từ trước đến nay người ta đều làm như vậy sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, sau mỗi kỳ bầu cử Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp, các vấn đề chính trị của đất nước".

Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, người dân hiện chỉ lo làm ăn, không quan tâm lắm về vấn đề chính trị nhiều nên những thông tin từ bộ phận tuyên huấn, tuyên giáo, báo chí cũng chẳng ảnh hưởng gì. Ông nói tiếp :

"Còn người dân lấy thông tin từ thực tế cuộc sống, cộng đồng mạng, thông tin xác thực, còn những cái được tuyên truyền không ảnh hưởng gì nhiều đến người dân. Tất nhiên một số đối với hệ thống báo chí, hệ thống tuyên truyền vẫn nói nhưng người dân không quan tâm, mặc kệ".

Theo thống kê của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR), có 288 tù nhân lương tâm còn đang bị giam giữ tại nhiều nhà tù trên khắp Việt Nam, trong đó có nhiều nhà báo, Facebooker, các nhân vật tôn giáo, và các nhà hoạt động vì dân chủ bị bắt chỉ vì nêu ý kiến phản biện.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế còn cho rằng, Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm những nhân quyền cơ bản, từ phân biệt đối xử, bắt và giam giữ tuỳ tiện, vi phạm các đảm bảo về xét xử công bằng, đến hạn chế quyền tự do tôn giáo, tự do quan điểm và biểu đạt...

Trong khi đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lại đề cao vai trò Đại biểu Quốc hội trong việc lắng nghe những bức xúc của người dân, những tiếng kêu đau lòng của người dân nhưng chưa được giải quyết thấu đáo Và yêu cầu phải giải quyết ngay.

Nhà báo Võ Văn Tạo khi trả lời RFA về ghi nhận cá nhân đối với những ý kiến đóng góp của dân chúng tại Việt Nam, cho rằng cũng chỉ là hình thức mà thôi :

"Ý kiến đóng góp cho những việc gì nho nhỏ thì họ có thể nghe. Nhưng những việc lớn thì họ cho rằng vi phạm nguyên tắc xã hội chủ nghĩa và ý thức hệ. Ông Võ Văn Thưởng từng tuyên bố là Đảng không sợ đối thoại và rất nhiều người trong xã hội dân sự và những trí thức có tên tuổi tỏ ra rất hy vọng trước tuyên bố đó. Nhưng mà cho đến nay đâu có đối thoại gì đâu. Cho nên, việc họ đánh trống khua chiêng thì các trí thức hầu như lãng quên và không quan tâm đến chuyện ấy nữa".

Nhiều người dân tại Việt Nam than phiền trên mạng xã hội rằng, các khiếu nại của họ về tình trạng bất công phải gánh chịu, nhất là trong lĩnh vực đất đai, không được cơ quan chức năng giải quyết mà bị đùn đẩy từ cơ quan này, sang cơ quan khác, từ cấp này đến cấp khác. Thậm chí có những người phải ra tận trung ương ‘ăn dầm, nằm dề’ ở các cơ quan tiếp công dân suốt nhiều năm trời vẫn không được giải quyết thỏa đáng.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói với RFA từ Na Uy rằng, các vấn đề mà người dân bức xúc có thể chia làm hai loại :

"Một loại liên quan trực tiếp đến những lợi ích của chính quyền, của các cá nhân trong chính quyền hay liên quan đến sự an nguy của chế độ. Và một loại còn lại không có nhiều liên hệ đến chính quyền hay không ảnh hưởng nhiều đến an ninh của chế độ. Tuỳ vào vấn đề của nó thuộc loại nào mà người dân có dám lên tiếng hay không và liệu chính quyền có giải quyết hay không.

Trong chế độ cộng sản như hiện nay, khi mà không có sự hiện diện của các đảng đối lập, việc Đảng Cộng sản xử lý một vấn đề như thế nào, nhất là những vấn đề liên quan đến Đảng cộng sản hay Chính phủ Việt Nam, đó là quyền và sự thỏa hiệp của những người lãnh đạo Đảng cộng sản. Biết vậy nên các cá nhân rất cẩn trọng trước khi lên tiếng về các vấn đề bức xúc trong xã hội, vì họ luôn quan ngại cho sự an toàn của chính mình".

Mặc dù những người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tuyên bố khuyến khích người dân góp ý kiến, thậm chí là chỉ trích những việc làm sai Tuy nhiên chỉ trong năm 2021, chính quyền đã bắt giam hàng chục người dân chỉ vì dám lên tiếng, trong đó có những người bị cáo buộc ‘xúc phạm lãnh đạo địa phương trên mạng xã hội’.

Nguồn : RFA, 24/01/2022

************************

Giải thưởng VinFuture trong mắt một số trí thức trong và ngoài nước !

RFA, 24/01/2022

Tối 20 tháng 1 năm 2022, giải thưởng VinFuture đã được trao cho hai nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman từ Mỹ và nhà khoa học Pieter Rutter Cullis từ Canada. Giải thưởng chính lên đến ba triệu đô la ; ba giải đặc biệt khác mỗi giải 500 ngàn đô la. Như vậy, tổng giá trị tiền thưởng lên đến 4,5 triệu đô la. Trong khi đó, giải Nobel năm vừa rồi chỉ ở mức một triệu đô la Mỹ. Chủ nhân của các Giải thưởng VinFuture năm 2021 đã được công bố vào ngày 20 tháng 12 năm 2021.

vn4

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và ba nhà khoa học nhận giải thưởng Vin Future hôm 20 tháng 1 năm 2022. AFP

Giải thưởng VinFuture được trao bởi quỹ VinFuture, do Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và phu nhân Phạm Thu Hương sáng lập. Theo thông báo, quỹ có sứ mệnh "tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ". Giải thưởng này được thành lập ngày 20 tháng 12 năm 2020 và chính thức tiếp cận đề cử, trao giải lần đầu đầu tiên vào năm 2021.

Một số trí thức trong và ngoài nước cho rằng tiền thưởng lớn không nói lên được cái danh giá của giải. Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy phân tích một số chi tiết về giải thưởng này trên trang Facebook cá nhân của ông. Theo ông, một trong những yếu tố tạo nên sự danh giá cho giải thưởng là "cá nhân của người đứng ra sáng lập giải". Ông Vũ viết :

"Cá nhân người đứng sau sáng lập ra giải VinFuture là ông Phạm Nhật Vượng. So với những tiêu chuẩn của giới tinh hoa phương Tây, ông Vượng hoàn toàn không có, nếu không muốn nói là ngược lại. Sự giàu có của ông Vượng trong mắt nhiều người là do có được từ sự thông đồng với giới quan chức nhằm chiếm lấy những khu đất đắc địa. Không thấy ông có một phát minh nào, cũng như là những đóng góp nào làm nên sự tiến bộ của nhân loại trước khi ông sáng lập ra giải VinFuture này".

Theo truyền thông Nhà nước, việc trao giải VinFuture có thể góp phần định vị Việt Nam là điểm đến mới của khoa học công nghệ thế giới, đồng thời tạo cơ hội kết nối, tạo mối quan hệ hợp tác trực tiếp, đa chiều giữa các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam.

Trước khi diễn ra lễ trao giải, báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Việt Quang, Chủ tịch Quỹ VinFuture rằng : Giải thưởng VinFuture sẽ là chiếc cầu nối giới khoa học Việt Nam và giới khoa học toàn cầu, mang lại nguồn cảm hứng thúc đẩy nền khoa học Việt Nam phát triển.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng trao đổi với RFA :

"Giải thưởng ở Việt Nam mà số tiền quá ít thì không thu hút sự chú ý của truyền thông. Mà số tiền cao như vậy thì tôi nghĩ người đặt ra giải thưởng họ cũng có mục đích là thu hút truyền thông trong nước và thế giới. Khi một hãng tin đưa tin này là góp phần quảng cáo cho giải thưởng. Đấy là tôi nói về mục đích truyền thông của họ.

Còn ý nghĩa khác là cái giá giải thưởng thì tôi thấy không nên đặt vấn đề. Bởi vì giải thưởng ấy có giá trị hay không thì không phải căn cứ vào số tiền. Giả sử số tiền giải thưởng này có cao gấp 30 lần số tiền của giải thưởng Nobel thì giá trị của giải thưởng Việt Nam này cũng không thể bằng 1/10 giải Nobel. Giá trị giải thưởng không căn cứ vào số tiền đâu.

Lẽ ra giải thưởng này nên có một tổ chức độc lập hơn là gắn quá chặt với Vingroup, bởi vì gắn quá chặt vào một tập đoàn như vậy có thể bị hiểu sang chuyện quảng bá công việc kinh doanh của Vingroup".

Theo thống kê của tạp chí Forbes hồi tháng 4 năm ngoái, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup, là người giàu nhất Việt Nam và giàu thứ 344 trên thế giới với tài sản ước tính là 7,3 tỉ USD.

Công ty cổ phần Vinhomes - trực thuộc tập đoàn Vingroup - nhiều năm qua là thương hiệu phát triển bất động sản hàng đầu tại thị trường Việt Nam. Tính đến năm 2020, Vinhomes đang vận hành 23 dự án bất động sản với tổng số hơn 50.500 căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại cùng hàng loạt các dự án đô thị hoặc đại đô thị trên khắp cả nước như Vinhomes Riverside, Vinhomes Royal City, Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Central Park…

vn5

Chung cư Vinhomes Metropolis của Vingroup được xây dựng ở Hà Nội năm 2018. Reuters

Giảng viên Phạm Minh Hoàng từ Pháp nêu quan điểm của ông :

"Ở Việt Nam có khoảng 90% tỷ phú đô la giàu lên từ đất, mà người giàu nhất là ông Vượng. Họ giàu đến một mức nào đó thì họ ngưng và bước sang kinh doanh cái khác. Có thể ông ta dùng số tiền này để ‘rửa danh dự’ ; dùng tiền này để đầu tư vào trí thức để mọi người nhìn thấy ông ta làm việc tốt. Nghĩa là người ta sẽ nhìn ông ta với cái nhìn khác. Đối với tôi, chuyện đó nó vô nghĩa.

Những người nhận được giải thưởng như vậy chắc chắn sẽ không tìm hiểu vì sao ông Vượng có số tiền này, họ cũng không biết nguồn gốc số tiền này. Cho nên tôi ví cái giải thưởng này là của thằng ăn cướp cho người nghèo thôi".

Vào tháng 6 năm 2019, trên tờ Financial Times có bài của tác giả John Reed với nhận định Vin Group làm từ điện thoại thông minh đến kinh doanh trường học. Và giới hoạt động dân sự lo sợ quyền lực ngày một gia tăng của nó. Việt Nam nhanh chóng trở thành mảnh đất của ‘mọi thứ đều là Vin’.

Chính một viên chức cấp cao của Vingroup, bà Lê Thị Thu Thủy, được tác giả dẫn lời rằng Tập đoàn này là nhà cung ứng mọi thứ hàng hóa và dịch vụ cho người ta từ khi ra đời đến lúc xuống mồ. Quá trình phát triển cho thấy Vingroup khởi nghiệp từ một doanh nghiệp làm mì sợi ăn liền ở Ukraine ; sau đó về Việt Nam và phất lên từ đất đai, bất động sản rồi lấn sang mọi lĩnh vực khác. 

Nguồn : RFA, 24/01/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 289 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)