Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/02/2022

Cục lãnh sự 'nhận hối lộ', Bộ Công an dí Bộ Ngoại giao

BBC tổng hợp

Vụ án Cục lãnh sự 'nhận hối lộ' : Bộ Công an 'gõ cửa' Bộ Giao thông

BBC, 20/02/2022

Bộ Công an đã đề nghị Bộ Giao Thông Vận tải cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay "giải cứu" và chuyến bay "combo", theo truyền thông Việt Nam.

cuc1

Từ năm 2020 đến nay đã triển khai hơn 1.000 chuyến bay và đưa 240.000 công dân Việt Nam về nước, theo Bộ Ngoại giao.

Thanh Niên đưa tin văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải ngày 17/2 từ Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay nói trên được bắt đầu từ thời điểm nào.

"Căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ Giao thông vận tải xét, duyệt cấp chuyến bay và các quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay "combo", "giải cứu" như thế nào", theo Thanh Niên.

Điểm đáng chú ý là văn bản của Bộ Công an được báo Thanh Niên dẫn lại mô tả các chuyến bay "giải cứu" là "không trả phí".

Bài của Thanh Niên mô tả Bộ Giao thông vận tải được yêu cầu cung cấp danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay (thời gian, số hiệu máy bay, sân bay cất, hạ cánh) và các doanh nghiệp đã được Bộ Giao thông vận tải cấp phép triển khai các chuyến bay "giải cứu", "combo" cũng như danh sách công dân đã được đưa từ nước ngoài về trên các chuyến bay "giải cứu" và hợp đồng, chi phí thanh toán của từng chuyến bay cũng được đề nghị làm rõ.

Được biết Bộ Công an còn đề nghị cung cấp danh sách cá nhân tại Bộ Giao thông vận tải được phân công thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay "giải cứu", "combo".

Phản hồi lại đề nghị của Bộ Công an, giải trình ban đầu của Bộ Giao thông vận tải là bộ này không được giao trách nhiệm trong việc đánh giá, tổng hợp nhu cầu, phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay "giải cứu", chuyến bay "combo".

"Ngành giao thông trên tinh thần phối hợp trách nhiệm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức các chuyến bay một cách sớm nhất nhằm đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng được về nước của bà con.

"Kế hoạch giải cứu công dân được Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phê duyệt trên cơ sở ý kiến thống nhất của các bộ, ngành liên quan".

Vào ngày 28/1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thông báo đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét, lệnh bắt bị can đối với bốn lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), để điều tra về hành vi "nhận hối lộ".

Lệnh khởi tố khi đó nói vụ án liên quan đến việc "xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước".

Điều này có thể hiểu rằng vụ án bao gồm cả chuyến bay "giải cứu" và chuyến bay "combo" khi hành khách phải trả tất cả các chi phí từ vé, chỗ ở, đồ ăn, xét nghiệm... với giá vé rất cao và là chuyến bay một chiều.

Kể từ khi có Vụ án "Nhận hối lộ" tại Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho hay, từ năm 2020 đến nay đã triển khai hơn 1.000 chuyến bay và đưa 240.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Bốn người tại Bộ Ngoại giao bị cáo buộc có hành vi "trục lợi cá nhân" là Nguyễn Thị Hương Lan (48 tuổi, Cục trưởng Lãnh sự), Đỗ Hoàng Tùng (42 tuổi, Phó Cục Lãnh sự), Lê Tuấn Anh (40 tuổi, Chánh văn phòng Cục Lãnh sự) và Lưu Tuấn Dũng (35 tuổi, Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự).

Vào ngày 17/2, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói "Chủ trương nhất quán của Bộ Ngoại giao là sai phạm đến đâu xử lý đến đó, không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" và rằng "Vụ việc liên quan đến sai phạm của một số cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn".

"Việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước trong bối cảnh đại dịch vừa qua là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Nhà nước", bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Bình luận về phát biểu này, Võ sư Đoàn Bảo Châu từ Hà Nội viết trên Facebook cá nhân :

"Việc đưa công dân về nước là điều đương nhiên một chính quyền nên làm và nói cho chính xác là phải làm. Chính quyền là một bộ máy điều hành đất nước, thu tiền thuế từ doanh nghiệp, từ người dân chính là để làm những việc như thế này.

Cô nói : "kết quả giải cứu công dân là không thể phủ nhận !" Cô không nên nhấn mạnh quá, khiến công luận cảm thấy như thể cô đang kể công. Vậy bộ máy ăn lương từ ngân sách sẽ làm gì nếu không phải là những việc như thế này ? Hơn nữa, nếu tôi nhớ không nhầm thì công dân phải trả tiền để được trở về…".

Ông Châu nói rằng Bộ Ngoại giao nên có lời xin lỗi công luận về việc sai phạm của 4 cán bộ đã lợi dụng sự khó khăn để làm điều mà ông mô tả là "hút máu, ăn thịt công dân".

Trong khi đó Luật sư Lê Công Định từ Sài Gòn trên Facebook cá nhân đặt câu hỏi về số tiền quá cao thu từ các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước :

"Vì Bộ Ngoại giao chủ trương tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước với giá cao, nhưng không chủ trương hối lộ, nên ngoài khoản tiền hối lộ mà một số cá nhân đã nhận, số tiền thu được còn lại từ giá cao đi về đâu ? Quỹ đen chung của cả Bộ Ngoại giao chăng ?"

Trên 'Tôi và Sứ quán' trên Facebook (trang phanh phui các hành vi tiêu cực từ cơ quan lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài), bạn Nguyen Thanh Trung viết :

"Đề nghị TVSQ làm bảng đăng ký cho những ai bị chặt chém trọng thương vụ "giải cứu" này vào đăng ký.

"Từ danh sách này chúng ta đứng ra kiện Bộ Ngoại giao đòi phải hoàn trả lại tiền cho tất cả những ai bị chặt chém.

"Đây là một vụ án bẩn thỉu nhất, họ đã lợi dụng quyền lực và đại dịch Covid-19 để kết cấu ăn cướp tiền của dân.

"Cục lãnh sự không bỏ rơi (tiền) của ai thì không ai để Cục lãnh sự ăn cướp tiền, tiền ăn cướp phải hoàn trả lại cho người bị hại".

Một số nguồn thạo tin trong nước nói với BBC Tiếng Việt rằng đại diện ngoại giao Việt Nam tại một số nước đã và đang phải "giải trình" một số câu hỏi liên quan tới vụ án này.

***********************

Vụ án Cục Lãnh sự : Việt Nam nói sẽ xử lý không có 'vùng cấm, ngoại lệ'

BBC, 18/02/2022

Lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận 240.000 công dân được đưa về nước bằng hơn 1.000 chuyến bay trong đại dịch Covid, và sai phạm ở Cục Lãnh sự "sẽ bị xử lý không bao che", nhưng giới vận động nói họ chưa tin hoàn toàn.

cuc2,

Một chuyến bay

Hôm 17/02, bà Lê Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho báo chí biết rằng, từ chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam ở Vũ Hán về nước vào đầu tháng 2/2020 đến nay "Việt Nam đã triển khai 1.000 chuyến bay và đưa công dân khoảng 240.000 từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn".

Tuy nhiên, việc lạm thu, đội giá ở rất nhiều tuyến đường bay đã gây ra hiện tượng "giải cứu giá cao", "giá cắt cổ", được đài BBC và cả các đài báo tiếng Việt khắp nơi đăng tải.

Sau khi bốn cán bộ của Cục Lãnh sự Việt Nam bị bắt và khởi tố, dư luận hy vọng sẽ có xử lý mạnh nhưng sau nhiều tuần lại thấy không khí có vẻ "yên ắng lại".

Đề cập đến vụ việc, bà Lê Thu Hằng giải thích phương châm của nhà chức trách Việt Nam :

"Vụ việc liên quan đến sai phạm của một số cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn không thể phủ nhận những nỗ lực và kết quả nêu trên.

Chủ trương nhất quán của Bộ Ngoại giao là sai phạm đến đâu xử lý đến đó, không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".

cuc3

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam hiện nay là ông Bùi Thanh Sơn (ngồi giữa)

Có liên hệ điều tra ?

Trả lời BBC News tiếng Việt hôm 18/02, ông Hoàng Hùng, hiện ở Cộng hòa Czech, là admin trang Tôi và Sứ quán trên Facebook chuyên nêu ra các vấn đề mà họ cho là "sai phạm, lạm thu" của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định :

"Cho đến thời điểm hiện nay, chưa có một cơ quan nhà nước Việt Nam nào làm việc chính danh với diễn đàn Tôi và Sứ quán nói chung và cá nhân tôi nói riêng. Tất cả các liên hệ với chúng tôi đều là dạng ẩn danh, họ chứng minh gián tiếp được họ đang làm việc ở đâu, cho cơ quan nào, nhưng họ không công bố tên tuổi, chức vụ thật sự của họ.

Cho nên, nói đúng ra thì chúng tôi không được tạo điều kiện hay khích lệ nào cả, mà tự bản thân chúng tôi muốn minh bạch, muốn người dân khi đến các cơ quan đại diện Việt Nam không bị gây khó khăn thì chúng tôi tự làm thôi".

Về vụ lạm thu vé hàng không "giải cứu" trong dịch Covid, ông nói :

"Theo các nguồn tin tôi có được thì chính quyền Việt Nam mở rộng điều tra sang cả vấn đề lạm thu hay nói chính xác là tham nhũng tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Còn cụ thể điều tra đến đâu, có vùng cấm hay không ? Chúng ta đành chờ thời gian trả lời, chứ không biết là người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói thế có chính xác hay không.

Thế nhưng cho dù có vùng cấm hay không có vùng cấm thì diễn đàn Tôi và Sứ quán chúng tôi vẫn tiếp tục công việc, dùng luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam và luật pháp nước sở tại, để chống lạm thu, chống tham nhũng ở các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, một cách ôn hoà", ông khẳng định.

Việc lạm thu hay bố trí khâu trung gian để nhận tiền "đặt vé" trong dịch Covid chỉ là một phần trong các hoạt động, các "lệ" riêng biệt đặt ra để kiếm tiền tại các lãnh sự quán Việt Nam.

Có ý kiến trên mạng xã hội Việt Nam làm thử con tính về số tiền mỗi hành khách phải trả thêm, đôi khi đắt hơn vài lần, thậm chí 10 lần vé gốc, thì khoản tiền lên tới nhiều triệu USD.

Theo ông Hoàng Hùng, việc xử lý thông tin khiếu nại, phản hồi lâu nay từ chính quyền Việt Nam có vấn đề :

"Các thông tin về lạm thu của trang TVSQ đã gửi rất nhiều về cho Cục Lãnh sự cùng các cơ quan chức năng trong và ngoài nước. Thế nhưng rất ít khi được trả lời một cách rõ ràng, minh bạch, phần lớn là họ 'chuyền bóng' cho nhau.

"Cũng đã nhiều thành viên được trả lại tiền lạm thu. Cụ thể gần đây nhất, một cặp vợ chồng đến Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt, Đức đăng ký kết hôn. Phía Lãnh sự báo giá 450 euro, sau khi đấu tranh và đăng bài trên TVSQ, đã chỉ phải trả 70 euro.

"Còn hiện nay người tự nhận là cán bộ cơ quan điều tra chưa hỏi đến các vấn đề lạm thu của các cơ quan đại diện Việt Nam".

Các báo Việt Nam chưa nói cuộc điều tra của Bộ Công an có tiết lộ ra các tuyến thu tiền, chuyển tiền liên quan đến các phòng vé, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài vận hành ra sao, nếu đó là các khoản "ngoài luồng".

Được biết, trên trang Tôi và Sứ quán đang có cuộc vận động để mọi phòng lãnh sự tại các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài phải có tài khoản công khai cho việc giao dịch, cũng như có email để liên lạc.

Khởi tố Cục trưởng Cục Lãnh sự cùng ba người tại Bộ Ngoại giao

Ngày 28/01, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam cho báo chí biết bà Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi, Cục trưởng Lãnh sự của Bộ Ngoại giao cùng ba người tại Bộ Ngoại giao bị bắt giữ.

Thông tin ban đầu nói đây là vụ án liên quan tố cáo nhận hối lộ khi cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước.

cuc4

Tiếp viên hàng không Bamboo Airways - hình minh họa. Hãng hàng không này, cùng Vietnam Airlines đã tham gia vào công tác kết nối các chuyến bay về Việt Nam thời đại dịch Covid.

Cùng tội danh, xảy ra việc khởi tố, tạm giam ba ông, Đỗ Hoàng Tùng (42 tuổi, Phó Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) ; Lê Tuấn Anh (40 tuổi, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) ; Lưu Tuấn Dũng (35 tuổi, Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao).

Trước đó, chính phủ Việt Nam đã nói về hành vi trục lợi thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu.

Thông điệp được người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đưa ra vào ngày 20/01 trong cuộc họp báo đầu năm 2022.

"Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng : Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật", Bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Hôm 31/01/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã "biểu dương lực lượng Công an đã nắm chắc tình hình, phát hiện, khởi tố, điều tra vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao".

Cùng ngày, Thủ tướng Chính cũng "yêu cầu khẩn trương điều tra để đưa ra xét xử vụ án này", theo VietnamNet.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 391 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)