‘Canh và chặn’ : cách Hà Nội đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền
VOA, 18/02/2022
Cho người canh giữ trước nhà hay ngăn chặn việc đi lại là một cách làm ‘có hệ thống’ của chính quyền Việt Nam để đối phó với các nhà hoạt động nhân quyền, một phúc trình của tổ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa được công bố cho biết.
Cảnh sát canh gác trong một phiên tòa xét xử người bất đồng chính kiến ở thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 2010
Phúc trình dài 66 trang có tựa đề ‘Bị nhốt ở trong nhà : Các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam bị hạn chế quyền tự do đi lại’ đã được HRW công bố tại một buổi họp báo vào sáng ngày 17/2 tại Bangkok để kêu gọi chính quyền Việt Nam ‘chấm dứt việc tùy tiện ngăn cản các nhà bất đồng chính kiến trên toàn quốc’.
Theo Human Rights Watch, cách làm ‘canh và chặn’ này khiến các nhà hoạt động và các nhà bất đồng chính kiến ‘chịu quản thúc tại gia vô thời hạn’.
Theo giải thích của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thì với cách làm này, các nhà hoạt động ‘bị câu lưu trong thời gian vừa đủ lâu để không tham dự được các cuộc biểu tình, các phiên tòa hình sự hay cuộc gặp với các nhà ngoại giao và tổng thống Mỹ’và bị hạn chế xuất nhập cảnh.
Hơn 170 trường hợp
Phúc trình đã ghi nhận các trường hợp của hơn 170 nhà hoạt động, blogger và nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam bị đàn áp kiểu này, trong đó có bị chặn trước cửa nhà, chặn trên đường đi, giữ lại không cho xuất, nhập cảnh ở sân bay, cửa khẩu và từ chối cấp hộ chiếu…
Trong một đoạn video được HRW trình chiếu tại buổi họp báo, ông Trịnh Bá Phương, một nhà tranh đấu về các quyền về đất đai ở Việt Nam đã bị tuyên án 10 năm tù, đã quay lại cảnh an ninh thường phục ‘dàn trận’ trước nhà ông và có hành động quát tháo, đe dọa và dường như đã hành hung ông. Một đoạn video khác cho thấy ông Nguyễn Quang A, nhà bất đồng chính kiến nổi bật ở Hà Nội, bị một số người trẻ mặc thường phục đẩy lại vào nhà khi đang trên đường đi.
Chính quyền cho ‘nhân viên an ninh mặc thường phục đóng chốt ngoài tư gia, khóa cửa ra vào của người bất đồng chính kiến bằng khóa ổ, thậm chí đổ keo đa năng vào các ổ khóa, dựng rào chắn và các chướng ngại vật, và huy động côn đồ địa phương đe dọa người dân’, phúc trình cho biết.
"Lúc nào sự ngăn chặn này cũng đi kèm với sự đe dọa về thân thể. Nếu các nhà hoạt động tìm cách trốn thoát thì họ sẽ bị đánh đập", ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói tại cuộc họp báo công bố phúc trình.
Trong một số vụ việc, nhân viên an ninh cưỡng chế các nhà hoạt động lên tàu hỏa hoặc máy bay để buộc trở về nơi cư trú, cũng theo phúc trình.
Và khi cần đi ra nước ngoài hoặc khi làm thủ tục xin cấp hay gia hạn thì các nhà hoạt động này mới biết họ nằm trong danh sách cấm xuất nhập cảnh ‘với những lý do an ninh quốc gia chung chung’.
"Chính quyền không công bố danh sách cấm xuất nhập cảnh hay thông báo cho những người có tên trong danh sách biết việc họ bị cấm, hoặc thông báo cho họ biết thời hạn cấm là bao lâu", HRW cho biết.
Ngay cả khi xuất cảnh với mục đích cá nhân như đi du lịch hay đi chữa bệnh thì các nhà hoạt động vẫn bị chính quyền chặn lại do ‘quá nhạy cảm’ với khả năng họ gặp các quan chức nước ngoài hay các nhân vật lưu vong.
HRW đưa ra trường hợp bà Nguyễn Thúy Hạnh, người đang bị giam giữ về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’, đã bị cầm giữ suốt 10 ngày hồi tháng 1 năm 2021 khi Đảng Cộng sản Việt Nam họp Đại hội 13, và ông Nguyễn Quang A bị nhân viên an ninh lôi lên xe đi vòng vòng hồi năm 2016 để ngăn ông đến gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc đó đang ở thăm Hà Nội.
Tại buổi họp báo, ông Robertson cũng nêu lên trường hợp của bà Phạm Đoan Trang, một nhà báo độc lập đang thụ án 9 năm tù về tội ‘Tuyên truyền chống nhà nước’. Hồi năm 2016, bà Trang cùng một người bạn lái xe từ Sài Gòn ra Hà Nội để tham dự cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama nhưng ‘bị chặn lại khi cách Hà Nội 100km, bị câu lưu và bị buộc phải quay về’.
Còn về xuất nhập cảnh, phúc trình nêu các trường hợp của linh mục Nguyễn Đình Thục bị ngăn xuất cảnh sang Nhật nhân chuyến thăm của Giáo hoàng Francis hồi năm 2019 với lý do ‘bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội’.
Blogger Phạm Chí Dũng, người cũng đang thụ án tù, cũng từng bị chặn lại ở sân bay Tân Sơn Nhất hồi năm 2014 khi ông chuẩn bị đáp chuyến bay đi Geneva để điều trần về nhân quyền Việt Nam tại kỳ Xem xét Định kỳ Phổ quát của Liên Hiệp Quốc.
‘Ăn bánh canh’
Cách làm này của chính quyền trở nên quen thuộc đối với các nhà hoạt động đến nỗi nó trở thành ‘một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ’ và thậm chí còn được họ gọi đùa là ‘ăn bánh canh’ (eating guard soup), ông Phil Robertson cho biết.
Họ còn ứng phó bằng cách lên đường trước vài ngày trước khi xảy ra sự kiện nhạy cảm nào đó nhưng cuối cùng vẫn bị chặn lại, cũng theo ông Robertson.
Không chỉ bản thân các nhà hoạt động mà ngay cả người thân của họ cũng gặp các hạn chế về đi lại này trong hành động mà HRW gọi là ‘trừng phạt tập thể’.
HRW chỉ ra những sự kiện chính trị nhạy cảm như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, các ngày lễ quốc tế về nhân quyền, các ngày kỷ niệm các vụ xung đột Việt-Trung, hay chuyến thăm của các nhà lãnh đạo nước ngoài, nhất là Mỹ, là những lúc nhà cầm quyền Việt Nam tăng cường các hoạt động canh giữ và ngăn chặn này.
"Chính quyền Việt Nam hiển nhiên coi việc một số người đi dự các sự kiện nhân quyền hay tự do tôn giáo, hoặc gặp gỡ các quan chức nước ngoài tới thăm Việt Nam là hành vi phạm tội", ông Robertson nói.
Ông kêu gọi chính quyền Việt Nam ngay lập tức chấm dứt mọi hạn chế này và sửa đổi các điều luật cản trở quyền tự do cơ bản của công dân và kêu gọi các đối tác và nhà tài trợ cho Việt Nam ‘gây sức ép để chính quyền Việt Nam chấm dứt cách hành xử này’.
"Cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa và đưa vấn đề này ra Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Nhân quyền", ông Robertson nói.
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà bất đồng chính kiến, cho biết việc canh và chặn đối với ông ‘thường xuyên xảy ra’, nhất là trong các cuộc tưởng niệm liên quan đến Trung Quốc, các cuộc biểu tình, các phiên tòa xét xử những nhân vật bất đồng chính kiến.
Ông nói do ông có cách tiếp cận ôn hòa nên không gặp phải thái độ căng thẳng của những người canh giữ ông, còn những bạn bè ông do ‘cố gắng bảo vệ quyền đi lại’ nên gặp phản ứng quyết liệt của phía an ninh.
"Mục đích của những người canh giữ là làm sao mình không đến địa điểm này, không tham dự sự việc này, sự việc kia", ông Thắng nói.
Cũng theo lời ông Thắng thì việc quản thúc ông như vậy ‘không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống cá nhân’ của ông vì họ ‘không ngăn chặn tôi đi làm, đi chợ hay đi những công việc cá nhân’.
Để có được phúc trình này, HRW đã dựa vào báo chí độc lập, mạng xã hội, blog độc lập và các trang mạng. Họ cũng đã phỏng vấn trực tiếp các nạn nhân và gia đình cùng với nhân chứng.
Đây là lần đầu tiên Tổ chức Theo dõi Nhân quyền xem xét một cách có hệ thống cách thức hạn chế tự do đi lại của chính quyền Việt Nam để công bố trong một phúc trình đầy đủ và toàn diện.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có phản ứng gì về phúc trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhưng trước giờ họ vẫn khăng khăng cho rằng 'không có vi phạm nhân quyền ở Việt Nam'.
Nguồn : VOA, 18/02/2022
********************
Giới hoạt động nhân quyền Việt Nam bị vi phạm quyền đi lại như thế nào ?
RFA, 17/02/2022
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tố cáo chính quyền Việt Nam ngăn chặn, giới hạn quyền đi lại của giới hoạt động xã hội và những người bất đồng chính kiến. Những người bị ngăn chặn xác nhận chuyện này xảy ra công khai nhiều năm qua.
Hôm 17 tháng 2 năm 2022, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) tổ chức buổi công bố báo cáo tại Câu lạc bộ Báo chí Thái Lan về tình trạng vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam đối với giới hoạt động xã hội và những người bất đồng chính kiến. HRW coi việc canh chặn, không cho giới bất đồng chính kiến ra khỏi nhà vào những dịp mà họ cho là ‘nhạy cảm’ là sự vi phạm "có hệ thống và trên quy mô rộng".
Đây là chuyện xảy ra ở Việt Nam từ nhiều năm qua nhưng theo ông Phil Robertson, Phó giám đốc phân ban Châu Á của HRW, thì đây là lần đầu tiên tình trạng vi phạm quyền tự do đi lại của công dân ở Việt Nam được hệ thống lại một cách chi tiết và đầy đủ với những hồ sơ cụ thể. Ông nói tại buổi họp báo :
"Đây là những ví dụ minh hoạ rõ nét của hệ thống mang tính đàn áp và đe doạ, khiến Việt Nam trở thành một trong những nước có chính phủ lạm dụng nhân quyền một cách tồi tệ nhất ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đây là cách mà chính quyền đe doạ những nhà hoạt động cũng như gia đình của họ, và hòng tìm cách kiểm soát những người này.
Chỉ khi các chiến thuật đe doạ không tỏ ra hiệu quả, thì nhà nước Việt Nam mới dùng đến phương án bắt bớ, khởi tố, và bỏ tù người bất đồng chính kiến".
Một người trong giới bất đồng chính kiến (tạm thời không muốn nêu tên vì lý do an toàn) nói với RFA vào sáng 17 tháng 2 năm 2022 :
"Hôm nay là ngày 17 tháng 2 nên bây giờ đang có người canh trước cửa nhà tôi đây. Trước đây họ còn gắn mấy cái camera chĩa thẳng vào nhà tôi. Mấy ngày họ cho là nhạy cảm như ngày mất Gạc Ma, mất Hoàng Sa, ngày 17 tháng 2 thì cả một ‘chợ bánh canh’ quanh nhà.
Mình ra khỏi nhà thì bị đẩy ngược lại. Nếu mình cố tình đi thì họ kêu thêm người rồi vây mình lại. Hỏi lý do thì họ sừng sộ rồi nói những lời xúc phạm mình. Nếu mình chống lại thì họ đánh mình và công an quanh đó sẽ bắt mình với tội ‘gây rối’. Chuyện an ninh canh chặn với sắc phục và thường phục đều có. Họ canh công khai".
Anh Lê Hoàng, một người từng nhiều lần xuống đường biểu tình chống Trung Quốc cho RFA hay, những người ngồi canh, chặn thường là công an phường, quận mặc thường phục mà những người thường xuyên bị canh, chặn không lạ gì họ. Anh nói tiếp:
"Chắc là họ ra quy chế rõ ràng. Ví dụ ngày mai sai lính chặn ở nhà không cho đi đâu là họ chốt chặn không cho mình ra khỏi cửa luôn. Mình đi ra là họ gây sự và đẩy mình vào. Họ cho khoảng ba, bốn người canh. Như em là họ cho bốn người. Bốn người thì mình ra là họ đẩy mình vào ngay; họ làm đủ trò ngay chứ không có chuyện mình cố tình đi được đâu. Còn trường hợp nhẹ hơn, chẳng hạn như mai đi thắp hương tưởng niệm thì họ không chặn nữa mà họ cho khoảng hai người đi theo rồi quay phim, chụp ảnh.
Em cho là họ quay phim, chụp ảnh để thứ nhất là báo cáo; thứ hai là để mình ngại hay mình sợ. Bọn em thì biết thừa là việc thắp hương, tưởng niệm chẳng ai có thể ngăn cấm được vì đó là quyền không thể chối cãi của mình.
Nếu mình bảo họ làm thế là vi phạm nhân quyền, tôi không có vấn đề gì cần giám sát hay vi phạm lệnh quản chế mà cứ theo tôi chẳng hạn thì họ không trả lời, họ né tránh".
Người thanh niên canh cửa nhà Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh tháng 1/2021.
"Bánh canh" là thuật ngữ mà những người bất đồng chính kiến, giới hoạt động nhân quyền dùng để chỉ tình trạng bị an ninh canh giữ trước cửa nhà không cho đi đâu.
Việc an ninh canh nhà giới hoạt động, bloggers, cựu tù nhân lương tâm, cựu tù nhân nhân quyền… vào các dịp như đại hội đảng, họp quốc hội, nguyên thủ Hoa Kỳ thăm Việt Nam, ngày kỷ niệm cuộc chiến Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, hải chiến Hoàng Sa, Gạc Ma hay trước các phiên xử những người bất đồng chính kiến… xảy ra từ nhiều năm qua mà nạn nhân chỉ có thể lên tiếng qua các trang mạng xã hội. Phía chính quyền thì bỏ ngoài tai, không thừa nhận cũng không chối bỏ. Chính quyền Việt Nam bị cho là bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế trong vấn đề nhân quyền.
Đầu năm 2019, khi Việt Nam tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn, hơn một chục nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Việt Nam cho Reuters biết, công an đã tăng cường giám sát và ngăn cản họ rời khỏi nhà tại Hà Nội.
Đầu năm 2021, vài ngày trước khi đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam khai mạc, nhiều người trong giới bất đồng chính kiến, giới phản biện bị an ninh ngồi trước cửa nhà theo dõi. Bác sĩ Đinh Đức Long là một người trong số đó. Ông chia sẻ với RFA :
"Nói về mặt luật pháp thì nếu mình ra khỏi nhà mà họ cản trở việc đi lại của công dân thì họ vi phạm. Còn họ chỉ canh mà không cản trở mình thì đấy là việc của họ thôi. Trên thực tế không ảnh hưởng gì. Chẳng có lệnh nào mà cũng chẳng có bản án nào của tòa hết. Họ canh thế để xem mình có làm gì không. Mang tính chất răn đe, phòng ngừa là chính.
Tất nhiên mình cảm thấy khó chịu. Khi tôi phát hiện ra sự việc và tôi chụp hình đưa lên Facebook thì một số tên còn đi qua trước cửa vung tay vung chân rồi dòm vào tận nhà. Tôi ví hành động đó như hành động của tàu chiến Trung Quốc ngang ngược tuần tra trên Biển Đông. Đe dọa, cướp bóc, giết hại ngư dân sinh sống, làm việc lương thiện trên vùng biển chủ quyền Việt Nam từ hàng ngàn đời nay.
Sau khi tôi so sánh như vậy trên Facebook thì họ rút ra xa hơn. Như vậy là họ có theo dõi và điều chỉnh kịp thời. Ít nhất là trường hợp của tôi".
Tình hình nhân quyền Việt Nam bị HRW đánh giá là không cải thiện khi Hà Nội trừng phạt một cách có hệ thống đối với các nhà hoạt động dám công khai lên tiếng về hiện trạng đất nước. Ít nhất 63 người bị giam tù chỉ trong năm 2021 vì bày tỏ chính kiến hoặc tham gia các hội, nhóm bị Nhà nước xem là chống chính quyền. Trong số đó, nhiều người phải chịu những bản án rất nặng sau các phiên xử bất công dựa theo những cáo buộc ngụy tạo.
Ngoài HRW lên tiếng về tình hình nhân quyền Việt Nam, hôm 1 tháng 11 năm 2021, các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc đã gửi một bức thư đến Chính phủ Việt Nam, yêu cầu cung cấp các thông tin về việc bắt giữ và kết án đối với một số các nhà hoạt động tại Việt Nam trong năm 2020 và 2021.
Hôm 21 tháng 12 năm 2021, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới đã gửi thư yêu cầu kéo dài thời hạn phúc đáp cho đến ngày 28 tháng 2 năm 2022.
********************
Tổ chức HRW lên án tình trạng hạn chế quyền đi lại của các nhà hoạt động
Trọng Nghĩa, RFI, 17/02/2022
Trong một bản báo cáo mới nhất về Việt Nam công bố ngày 17/02/2022, tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền Human Rights Watch đã tố cáo chính quyền Việt Nam về việc "cản trở một cách có hệ thống quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động chính trị và nhân quyền".
Một số nhà hoạt động, bất đồng chính kiến Việt Nam đang bị cầm tù. Ảnh minh họa tài liệu chụp từ trang web của Human Rights Watch © RFI tiếng Việt
Bản báo cáo dài 66 trang, mang tựa đề "Nhốt chúng tôi ở trong nhà : Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam", đã ghi nhận các vụ vi phạm thường xuyên của chính quyền Việt Nam đối với quyền tự do đi lại và các quyền cơ bản khác bằng cách buộc các nhà đấu tranh, giới bất đồng chính kiến, những người bảo vệ nhân quyền và những người khác phải chịu chế độ quản thúc tại gia vô thời hạn, sách nhiễu và nhiều hình thức câu lưu khác.
HRW ghi nhận là chính quyền Việt Nam thường câu lưu các nhà hoạt động trong thời gian vừa đủ lâu để ngăn họ không tham dự được các cuộc biểu tình, các phiên tòa hay các cuộc gặp với các nhà ngoại giao hay lãnh đạo nước ngoài, cũng như nhiều sự kiện khác.
Trong bản báo cáo, HRW cho biết họ đã điều tra nhiều trường hợp bị hạn chế đi lại năm 2004 đến năm 2021, nhắm vào hơn 170 nhà hoạt động, blogger và nhà bất đồng chính kiến, cũng như người thân của họ, trong đó có cả những vụ chặn giữ ở sân bay và cửa khẩu, cũng như từ chối cấp hộ chiếu hay các giấy tờ khác.
Trong bức ảnh ghép minh họa kèm theo báo cáo, HRW đã đăng ảnh của một nhà hoạt động người Việt bị giam giữ như các ông Phạm Chí Thành, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, bà Nguyễn Thúy Hạnh hay nhà báo Phạm Đoan Trang…
Tổ chức HRW đã kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt ngay lập tức mọi hạn chế đi lại và sửa đổi luật mà hạn chế những quyền cơ bản của công dân như là quyền tự do đi lại trong và ngoài Việt Nam.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của HRW còn cho rằng : "Các nhà tài trợ và đối tác thương mại của Việt Nam cần nhận thức được sự cản trở đối với quyền tự do đi lại đang diễn ra hàng ngày và gây sức ép để chính quyền Việt Nam chấm dứt cách hành xử như thế."
Trọng Nghĩa
*******************
Việt Nam cấp phép cho ba dược phẩm điều trị Covid-19
Thu Hằng, RFI, 18/02/2022
Ngày 17/002/2022, Cục Quản lý Dược, bộ Y tế Việt Nam, đã cấp phép khẩn cấp ba dược phẩm chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị Covid-19, do ba doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, gồm công ty trách nhiệm hữu hạn Liên doanh Stellapharm, Công ty cổ phần Dược phẩm Boston Vietnam và Công ty cổ phần Dược phẩm Mekorpha. Giấy phép có hiệu lực ba năm kể từ ngày ký quyết định.
Dược phẩm Molnupiravir do hãng Merck & Co Inc và Ridgeback Biotherapeutics LP phát triển. © Merck & Co Inc/Handout via Reuters/File Photo
Theo truyền thông Việt Nam, ba loại thuốc này được cấp giấy phép lưu hành với ba điều kiện đi kèm : cơ sở sản xuất phải kiểm tra chất lượng nguyên liệu đạt yêu cầu trước khi sản xuất ; theo dõi, kiểm tra chất lượng thuốc hàng tháng ; tiếp tục nghiên cứu độ ổn định của thuốc.
Theo dự kiến, thuốc Molnupiravir sẽ được bán với giá 300.000 đồng/hộp và được phân phối rộng rãi từ tuần sau tại các hiệu thuốc trên cả nước. Trước đó, bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và giá bán để tránh đầu cơ, lợi ích nhóm trong việc cung ứng thuốc. Còn theo ông Lương Đăng Khoa, tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam, khi trả lời VnExpress ngày 18/02, giá bán 300.000 đồng thấp hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho các nước kém phát triển là 19,9 đô la (khoảng 440.000 đồng).
Số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tại Việt Nam vẫn ở mức cao, thêm hơn 36.200 ca theo số liệu tối 17/02. Tính trung bình trong vòng 7 ngày qua, mỗi ngày có 84 ca tử vong. Ba loại thuốc Molnupiravir được cho là liệu pháp hiệu quả cho việc điều trị tại nhà đối với các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, để giúp giảm tải cho các bệnh viện và cơ sở y tế điều trị tập trung.
Thu Hằng