Hội nghị Trung ương 5 : Có phải tình trạng ‘phe phái’ đã được giải quyết ?
RFA, 04/05/2022
Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 5, khóa XIII vừa khai mạc hôm 4 tháng 5 năm 2022 tại Hà Nội. Ngay trước ngày khai mạc, một số báo Nhà nước đăng bài dẫn lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng chính nhờ kiểm soát quyền lực tốt, đã khắc phục tình trạng 'cua cậy càng, cá cậy vây’...
Hai cựu bí thư Bình Thuận vừa bị kỷ luật Đảng (từ trái qua) : Nguyễn Mạnh Hùng, Huỳnh Văn Tí. RFA Edited.
Ông Trọng nói rõ tức không còn tình trạng phe cách trong nội bộ Đảng và kiểm soát quyền lực là một nét mới trong kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực tế ra sao ? Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 4/5, nhận định :
"Nhà cầm quyền Đảng cộng sản Việt Nam đang lấy lượng thay phẩm, tức họ lấy số mới bị bắt gần đây để nói rằng đã kiểm soát được quyền lực. Điều này là một cách tiếp cận rất sai lầm, bởi vì để kiểm soát quyền lực thì phải làm ngay từ đầu, tức là khi trao quyền. Chứ không phải là đợi đến khi các cuộc tham nhũng lan tràn, phá nát kinh tế xã hội rồi mới bắt bớ bỏ tù đây là phép ngụy biện gọi là đảo ngược nhân quả. Thứ hai, việc khởi tố bắt giam chỉ là bề nổi, khi nhà cầm quyền Đảng cộng sản Việt Nam không thể phớt lờ được nữa, đặc biệt là trước Hội nghị Trung ương 5. Họ muốn dùng điều này để thuyết phục người dân về tính chính danh của họ, nhưng tôi nghĩ đã thất bại vì phát ngôn kiểm soát được quyền lực là từ nội bộ của họ với nhau chứ không phải từ dân, tức không có tính khách quan".
Theo nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, việc bắt bớ vừa rồi dù bắt rất nhiều và mạnh tay, nhưng việc bắt bớ đó càng bộc lộ cho dư luận thấy các phe phái đang thanh trừng chính trị dưới ‘vở kịch’ chống tham nhũng. Bởi vì theo ông Nguyễn Ngọc Già, những trọc phú tại Việt Nam đã khiến dư luận nghi ngờ khi bất ngờ xuất hiện, không rõ tài năng, vốn liếng nhưng lại được báo chí Nhà nước tung hô và rồi lại đột ngột bị bắt vì tội danh này hay tội danh khác nhưng đều liên quan tham nhũng. Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nói tiếp :
"Thế thì thử hỏi, nếu không có sự bảo kê, sự chống lưng từ những thế lực siêu cao nào đó, thì làm sao họ được vậy. Có nghĩa là những vị trọc phú đó họ vẫn là ’ những con cua cậy càng những con cá cậy vây’ Do đó cái gọi là kiểm soát được quyền lực, kiểm soát được tình trạng như ông Nguyễn Phú Trọng nói là đã hết tình trạng ‘cua cậy càng, cá cậy vây’ Thì tôi cho rằng nó vẫn nguyên si, chuyện tham nhũng, thanh trừng phe phái, vẫn là một cái bình rất rẻ tiền với rượu rất là nhạt nhẽo".
Thời gian qua, nhiều cán bộ chủ chốt của chính quyền Việt Nam vướng vòng lao lý do hàng loạt các sai phạm trong quản lý. Sự vụ mới nhất là Chủ tịch tỉnh Bình Thuận cùng nguyên Bí thư tỉnh bị kỷ luật Đảng vì những sai phạm trong quản lý đất đai. Hay trường hợp Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai - Huỳnh Văn Tâm vừa bị Công an tỉnh Gia Lai hôm 27/4 tống đạt quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú vì hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Mới nhất là tin tức về cựu Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cùng 13 người khác bao gồm các cựu quan chức Y tế và Hải quan sẽ phải ra hầu tòa vào ngày 12 tháng 5 tới đây trong vụ buôn bán thuốc chữa ung thư giả của Công ty Việt Nam Pharma.
Trước đó hàng loạt tướng công an, quân đội cũng bị kỷ luật hoặc khởi tố vì những sai phạm liên quan tham nhũng.
Trả lời RFA hôm 4/5, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, nhận định :
"Cơ chế độc tài toàn trị của Đảng cộng sản thì cái đấy không bao giờ hết được, các phe phái xuất phát từ cơ chế này mà ra, chỉ khi chế độ này chấm dứt thì mới hết ô dù, phe phái, bè cánh… Thực tế nó như vậy, bởi vì không có bầu cử, ứng cử tự do, và có sự đấu đá ngầm trong Đảng cộng sản để phân chia quyền lực. Ông Trọng nói vậy thôi, ổng dựa vào việc bắt một số tướng tá công an quân đội, việc bắt một số nhân vật quyền lực… Nhưng thực tế không phải vậy, vẫn còn những phe cánh đang đấu đá, Hội nghị Trung ương tới thì việc tranh giành quyền lực trong cấp chóp bu rất kinh khủng. Ngay cả việc những người vừa bị bắt cũng là phe cánh đánh nhau, triệt tay chân của nhau trên cơ sở chống tham nhũng".
Vì vậy theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, với cơ chế hiện tại của nhà nước cộng sản Việt Nam, thì phe phái, bè cánh hay tranh giành quyền lực là không bao giờ hết.
Một nhà quan sát không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA cho rằng :
"Tôi thì không nghĩ rằng việc phân thành phe bảo thủ hay phe cải cách, rồi phe thân Trung Quốc hoặc phe cải cách là một cái khuôn khổ hợp lý để phân tích tình hình chính trị Việt Nam. Bởi đôi khi nó không phản ảnh đúng thực chất. Tuy nhiên cái việc có các phe phái thì tôi đã nói là nó luôn luôn có, kể cả việc nó gầm ghè với nhau hay thỏa hiệp thì nó là việc thường xảy ra trong Đảng Đảng cộng sản Việt Nam hay trong các tổ chức chính trị".
Giáo sư Nguyễn Đình Cống khi trả lời RFA trước đây cho rằng, muốn kiểm soát quyền lực thì phải có tam quyền phân lập, nhưng Đảng Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương chống tam quyền phân lập. Vì vậy theo ông Nguyễn Đình Cống, lãnh đạo Đảng nói kiểm soát quyền lực là họ buộc phải nói vậy, chứ thực chất cách tổ chức hoạt động của Đảng không có cách gì kiểm soát quyền lực. Vì quyền lực ấy tập trung vào lãnh đạo duy nhất của Đảng.
Nguồn : RFA, 04/05/2022
**********************
Vì sao nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị lệnh bắt trước thềm Hội nghị Trung ương 5 ?
VOA, 05/05/2022
Chỉ vài ngày trước khi Hội nghị Trung ương 5 của Đảng cộng sản Việt Nam khai mạc, Bộ công an ra lệnh khởi tố Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn vì cáo buộc tham nhũng trong khi truyền thông Israel cho rằng nữ doanh nhân từng có nhiều ảnh hưởng bị ra lệnh bắt giam vì tham gia vào các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Israel.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị khởi tố vì sai phạm liên quan đến tham nhũng về đấu thầu thiết bị y tế ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Bà Nhàn, người từng nhận nhiều giải thưởng được xem là "cao quý",bị khởi tố và lệnh bắt giam hôm 29/4 cùng với 8 người khác, trong đó có Giám đốc sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ trong vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu" gây thiệt hại tài sản nhà nước 152 tỷ đồng. Vụ khởi tố và bắt giam được thực hiện 5 ngày trước khi Hội nghi Trung ương 5 khai mạc dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người phát động chiến dịch chống tham nhũng trong 6 năm qua.
Theo Haaretz, tờ báo uy tín và lâu đời nhất của Israel, việc bà Nhàn, người được Forbes bình chọn vào danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017, bị ra lệnh bắt giam có thể gây khó khăn cho việc xuất khẩu an ninh của Israel sang Việt Nam vì nữ doanh nhân này "là một trung gian mấu chốt của các thương vụ mua bán" vũ khí giữa hai nước.
Bộ Công an không cho biết bà Nhàn, người bị cáo buộc có những sai phạm liên quan đến việc mua sắm thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, đã bị bắt giữ hay chưa nhưng nói rằng đã khám xét và phong tỏa tòa nhà văn phòng Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) tại Hà Nội. Theo những nhà báo và blogger có ảnh hưởng ở Việt Nam, bà Nhàn đã sang Nhật từ năm ngoái. Trong khi đó tờ Haaretz cho biết bà Nhàn bị lệnh bắt giữ vắng mặt vì nữ doanh nhân 53 tuổi này đã sang Châu Âu từ trước đó.
Theo tiết lộ của nhà báo Yossi Melman, chuyên viết về các vấn đề tình báo và chiến lược của Haaretz, bà Nhàn là nhân vật chủ chốt trong việc môi giới các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam trong thập kỷ qua và lý do bà bị bắt là vì bà tham gia vào các thương vụ này. Nguồn tin giấu tên nắm rõ tình hình từ Việt Nam được nhà báo Melman trích lời nói rằng lý do của vụ bắt giữ "bắt nguồn từ sự tranh giành quyền lực ở Việt Nam giữa Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính, Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng – người sắp thôi chức, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc".
Vẫn theo nguồn tin này, bà Nhàn – người mà blogger Lê Nguyễn Hương Trà cho là một nhân vật "sân sau" của nhiều quan chức – được coi là "rất thân cận" với Thủ tướng Chính.
VOA không thể độc lập kiểm chứng những thông tin trên.
Trong vòng 15 năm qua, Việt Nam đã trở thành một thị trường quan trọng cho ngành công nghiệp an ninh quốc phòng của Israel, theo nhận định của Haaretz. Hai nước đã ký một thỏa thuận mật vào năm 2011, và theo tờ báo được thành lập vào năm 1918, thỏa thuận này giúp củng cố quan hệ an ninh giữa hai Israel và Việt Nam. Vẫn theo Haaretz, trong thập kỷ qua, Lực lượng Phòng vệ Israel và Bộ Quốc phòng đã cử các tùy viên quân sự và đại diện bán hàng đến làm việc tại Đại sứ quán Israel ở Hà Nội.
Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Israel đượctăng cường mạnh mẽ từ sau chuyến thăm của đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Israel vào năm 2015 và, theo truyền thông trong nước, một bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam-Israel được ký kết trong dịp này. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh lúc đó nói rằng Việt Nam muốn phát triển sâu rộng với Israel trong lĩnh vực quốc phòng. Theo một bản tin củaBáo Nghệ An vào tháng 7/2018, Israel trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Quân đội Việt Nam chỉ sau đối tác truyền thống Nga.
Các thương vụ mua bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam đã đạt giá trị hơn 1 tỷ USD trong 10 năm qua và một trong những thương vụ lớn nhất hiện nay là việc bán cho tình báo quân đội Việt Nam vệ tinh do thám "Ofek" do Israel Aerospace Industries (IAI), một trong 3 tập đoàn chủ chốt và lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước Israel, sản xuất. Thương vụ này, theo Haaretz, là một thỏa thuận trực tiếp với Bộ Quốc phòng Việt Nam và đã giúp IAI thu về khoảng 550 triệu USD.
Thỏa thuận vũ khí lớn nhất giữa Việt Nam và Israel là vụ mua hệ thống tên lửa phòng không SPYDER cách đây 5 năm, theo Haaretz. Việt Nam đã dùng tên lửa được coi là hiện đại hàng đầu Châu Á này, đểđảm bảo an ninh cho cuộc họp cấp cao APEC tại Đà Nẵng cuối năm 2017, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến tham dự.
Theo một bản tin củaIsrael Defense, trang tin chuyên về quốc phòng của Israel, đưa ra hồi tháng 9 năm ngoái, bà Nhàn đã kết nối giữa Israel và Việt Nam thông qua đại diện của mình ở Tel Aviv và Singapore vào năm 2018-2019. Vẫn theo trang tin này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết định đặt hàng vệ tinh do thám quân sự của IAI và Thủ thướng Phạm Minh Chính đã thảo luận thương vụ này qua điện thoại với người đồng cấp phía Israel, Naftali Bennett, vào ngày 12/7/2021.
Ông Chính lần đầu đến thăm Israel để thảo luận thương vụ này trước đó 2 năm khi còn là người đứng đầu dịch vụ tình báo của Việt Nam.Báo Quốc tế hồi tháng 7/2019 đưa tin ông Chính, lúc đó là trưởng ban tổ chức Trung ương đã gặp Thủ tướng Israel lúc đó Benjamin Netanyahu và đại diện tập đoàn IAI.
Theo phát hiện của nhật báoIntelligence Online, chuyên về tin tức tình báo toàn cầu, hồi tháng 10/2020, đã có các nghi án tham nhũng trong các thỏa thuận quốc phòng trị giá hàng tỷ USD giữa Việt Nam và Israel, gây nên mối quan ngại nghiêm trọng cho Israel và các công ty nước ngoài làm ăn với Việt Nam.
Hội nghị Trung ương 5 khai mạc hôm 4/5, dự kiến kéo dài tới 10/5, và theo ông Trọng nói trongdiễn văn khai mạc, các chủ đề thảo luận gồm có chống tham nhũng, tiêu cực và việc tự kiểm điểm tự phê bình của lãnh đạo Đảng cùng nhiều vấn đề quan trọng khác.
Nguồn : VOA, 05/05/2022