Đắk Lắk : Hàng trăm gia đình người Êđê biểu tình đòi đất từ công ty lâm nghiệp
RFA, 31/05/2022
Hàng trăm hộ dân ở xã Ea Pôk, tỉnh Đắk Lắk đang đấu tranh để đòi lại đất từ công ty lâm nghiệp sau 40 năm phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình.
chụp màn hình video
Từ giữa tháng 5 tới nay, người dân ở buôn Lang, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk đã phải ở vào thế đối đầu với Công ty cổ phần Cà phê Ea Pôk, để đòi lại mảnh đất canh tác rộng khoảng 40 hecta.
Đỉnh điểm của cuộc đối đầu này là vào ngày 18 tháng 5, hàng trăm người dân đã tập trung biểu tình tại mảnh đất trên, mà theo phản ánh của người dân là để phản đối việc công ty cà phê hủy hoại hoa màu do người dân trồng.
Video và hình ảnh ghi lại cuộc biểu tình trên được chia sẻ trên mạng xã hội. Những hình ảnh được chia sẻ cho thấy lực lượng cảnh sát cơ động cũng có mặt ở hiện trường và xảy ra va chạm với người dân.
Đến ngày 28 tháng 5, người dân tiếp tục tổ chức biểu tình, căng biểu ngữ để yêu cầu phía công ty cà phê trả lại đất. Báo chí Nhà nước đến nay không đưa tin tức gì về vụ việc.
"Chúng tôi muốn công ty trả lại đất tổ tiên cho chúng tôi để dân sau này có đất làm ăn, dân thì càng ngày càng nhiều mà đất thì ít, nên dân phải đòi lại đất" - Một người dân địa phương nói với đài RFA dưới điều kiện giấu tên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, buôn Lang hiện có khoảng 250 hộ dân, tất cả đều là người thuộc sắc dân Êđê bản địa, và toàn bộ người dân sống dựa vào canh tác nông nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, người dân địa phương cho biết họ vốn dĩ đã canh tác trên mảnh đất này từ nhiều đời, tuy nhiên sau năm 1975 thì bị Nhà nước lấy và giao cho doanh nghiệp nhà nước là Nông trường cà phê Eapốk, sau đổi thành Công ty cổ phần Cà phê Ea Pôk để trồng cây cà phê.
Từ việc là chủ của khu đất người dân bỗng dưng trở thành kẻ làm thuê trên chính mảnh đất của mình.
Từ năm 1983 đến nay, người dân cho biết họ được phía công ty cho phép canh tác trên mảnh đất này, nhưng bị giao khoán sản lượng 18 tấn cà phê/1ha, hoặc đưa ra mức nộp sản lượng lên đến 80% mỗi vụ thu hoạch.
"Người dân làm vất vả những không đủ ăn vì phải nộp sản lượng cho công ty, nhiều vụ còn không có đủ sản lượng để nộp nên phải nợ, đến vụ sau phải nộp bù thế là chẳng còn gì" - Một người dân được phía công ty giao cho canh tác trên mảnh đất rộng 8.000 mét vuông cho hay.
Cũng theo người dân, đến năm 2010 thì phía công ty cho nhổ cây cà phê và để người dân trồng các cây hoa màu khác, trong đó có cây ngô, nhưng lại không hỗ trợ cây giống, phân bón, lẫn thuốc trừ sâu.
Đồng thời, công ty giữ nguyên hình thức khoán sản lượng, hoặc đánh thuế lên đến 80% sản lượng mỗi vụ.
"Người dân phải tự bỏ tiền ra, công ty không hỗ trợ một đồng nào, cũng không cho được một viên thuốc nào lúc người dân bị ốm" - Một người dân khác đang canh tác trên mảnh đất rộng 10.000 mét vuông cho hay.
Tuy nhiên, gần đây, phía công ty muốn người dân dừng trồng hoa màu và chuyển sang trồng cây sầu riêng, điều này vấp phải sự phản đối của người dân, dẫn đến sự việc công ty tiến hành phá hủy hoa màu của người dân hôm 18 tháng 5 nhằm chuẩn bị đất để trồng sầu riêng.
Năm 2019, trước việc đời sống kinh tế khó khăn lẫn thái độ mà họ cho là vô trách nhiệm của phía công ty, người dân buôn Lang đã quyết định làm đơn gửi chính quyền để đòi lại đất và quyền canh tác.
Phóng viên của đài RFA gọi điện thoại cho Công ty cổ phần Cà phê Ea Pôk để đề nghị phía công ty đưa ra quan điểm, nhưng được người trực điện thoại cho biết phía báo chí phải đăng ký với lãnh đạo công ty, và chỉ được phỏng vấn khi lãnh đạo công ty này duyệt.
Khi được hỏi về thái độ của chính quyền trước đòi hỏi của người dân, một người địa phương nói:
"Chúng tôi gửi đơn cho cho thị trấn, cho tỉnh nhưng không được phản hồi. Lần đầu thì có năm hộ ký tên, sau đó thì có thêm nhiều hộ nữa cùng ký. Chính quyền lúc nào cũng đứng về phía công ty chứ không giúp dân".
Chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch UBND thị trấn Ea Pôk để hỏi về việc tranh chấp giữa người dân buôn Lang với công ty cà phê, thì được bà này cho biết không chấp nhận trả lời phỏng vấn qua điện thoại.
Khi được hỏi liệu người dân có đồng ý duy trì hình thức canh tác khoán như hiện tại nếu phía công ty Cổ phần Cà phê Ea Pôk giảm thuế và tăng hỗ trợ, người địa phương cho biết họ nhất quyết muốn đòi lại đất.
*******************
Vietnam Airlines phải bán cổ phần trong hãng máy bay Campuchia
RFA, 31/05/2022
Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bán 35% cổ phần nắm giữ trong hãng Angkor Air của Campuchia với giá 35 triệu đô la Mỹ.
- Reuters
Mạng báo RetailNews Asia loan tin ngày 31/5 và cho biết lý do của biện pháp vừa nêu là vì dịch Covid-19 dẫn đến thua lỗ cho Vietnam Airlines.
Hồi năm 2009, Vietnam Airlines mua 49% cổ phần của Angkor Air với hứa hẹn giúp phát triển hãng này. Ý định bán cổ phần trong Angkor Air của Vietnam Airlines đã có từ năm 2020.
Sau khi bán 35% cổ phần như vừa nêu, 14% còn lại sẽ được thoái vốn vào cuối năm nay.
Vào ngày 24/5 vừa qua, truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin Vietnam Airlines đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) sau khi hãng này thông báo lỗ chín quý liên tiếp, lên đến khoảng 2,6 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 104 triệu đô la).
Truyền thông Nhà nước trích lời của đại diện Vietnam Airlines cho biết, kết quả kinh doanh quý một phản ánh rõ ảnh hưởng nặng nề của đại dịch kéo dài từ 2021 sang đầu năm nay, dù thị trường hàng không Việt Nam phục hồi khá nhanh. Bên cạnh đó, thị trường quốc tế ba tháng đầu năm gần như vẫn đóng băng, ảnh hưởng tiêu cực do xung đột Nga - Ukraine, giá nhiên liệu tăng cao đã khiến các hoạt động của hãng không thể khởi sắc.
Theo truyền thông Nhà nước, nếu công ty báo lỗ ròng liên tiếp trong ba năm và nếu mức lỗ lũy kế vượt quá mức vốn chủ sở hữu trong cả một năm thì công ty có thể phải đối mặt với việc hủy niêm yết trên HoSE.
Hiện Vietnam Airlines chưa đưa ra thông báo gì về khả năng bị hủy niêm yết nhưng công ty sẽ phải thảo luận vấn đề này với các giới chức thị trường chứng khoán.
***********************
Hoa Kỳ điều tra sản phẩm tủ gỗ Việt Nam do nghi sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc
RFA, 31/05/2022
Các doanh nghiệp và hiệp hội xuất khẩu sản phẩm tủ gỗ Việt Nam cần rà soát các hoạt động xuất khẩu sản phẩm bị điều tra sang thị trường Hoa Kỳ.
Courtesy of vneconomy
Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công thương đưa ra khuyến nghị trên trong ngày 31/5 sau khi đơn vị này nhận được thông tin Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vào ngày 24/5 đã khởi xướng điều tra, xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Hoa Kỳ.
Nguyên nhân được DOC đưa ra là do DOC nghi ngờ các sản phẩm tủ gỗ của Việt Nam và Malaysia sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc phạm vi áp dụng của biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng với sản phẩm tương tự của Trung Quốc.
Theo Cục phòng vệ thương mại, với quy định của Hoa Kỳ, các bên có liên quan có thời hạn 30 ngày kể từ ngày khởi xướng để nộp bản bình luận và cung cấp thông tin phản biện tới cơ quan điều tra Hoa Kỳ.
Theo đó, dự kiến, DOC sẽ đưa ra kết luận cuối cùng trong vòng 120 ngày kể từ ngày khởi xướng (có thể gia hạn thêm 180 ngày nếu có lý do hợp lý).
Cũng theo Cục phòng vệ thương mại, DOC vẫn đang tiếp tục cân nhắc việc khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm tủ gỗ của VN theo đề nghị của một số doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Trước đó, hôm 6/5, Cục Phòng vệ Thương mại Việt Nam có công văn gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết DOC sẽ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam vào cuối tháng 5.
Theo thống kê, trong bốn tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ ước đạt 3,3 tỷ USD, chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch hàng nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam xuất sang thị trường này.
**********************
Trung Quốc ngưng nhập nhiều lô cá tra từ Việt Nam vì phát hiện Covid-19
RFA, 31/05/2022
Nhiều lô hàng cá tra từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị nói nhiễm Covid-19 nên Hải quan Hoa Lục áp dụng biện pháp đình chỉ nhập khẩu.
Reuters
Mạng báo Kinh Tế Sài Gòn loan tin ngày 30/5, dẫn nguồn từ Phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp trong ngành như vừa nêu.
Cụ thể, tin cho biết, theo danh sách mà Hải quan Trung Quốc đưa ra hôm 27/5, có chín đơn vị xuất khẩu cá tra của Việt Nam bị đình chỉ xuất hàng vào Hoa Lục vì trên bao bì, sản phẩm bị cơ quan chức năng nước nhập khẩu phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo quy định của Hải quan Trung Quốc thì cứ một lô hàng nhập bị phát hiện nhiễm Covid-19, doanh nghiệp xuất khẩu phải bị ngưng nhập một tuần.
Phía Trung Quốc còn quy định nếu có container bị phát hiện nhiễm Covid-19 và doanh nghiệp bị thông báo ngưng nhập khẩu theo thời gian tương ứng với số container có sản phẩm nhiễm; những lô hàng của cùng doanh nghiệp dù đã xuất đi cũng sẽ bị trả lại.
Doanh nghiệp cho biết một container cá tra đông lạnh xuất sang Trung Quốc có có giá từ 1,1 đến 1,2 tỷ đồng; nếu hàng được đưa lên cảng rồi mà bị trả về thì doanh nghiệp phải lỗ khoảng từ 700-800 triệu đồng.
Biện pháp của cơ quan chức năng Trung Quốc được nói nhằm thực hiện chính sách ‘Zero Covid’ của chính phủ Bắc Kinh.
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy trong tháng 4-2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Trung Quốc tăng gấp hơn hai lần so với cùng kỳ, đạt 216 triệu đô la Mỹ. Lũy kế xuất khẩu thuỷ sản đến hết tháng 4/2022 sang thị trường này đạt khoảng 578 triệu đô la Mỹ, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng mặt hàng cá tra chiếm 53% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Hoa Lục.
**********************
Người dân Hà Nội chỉ trích phát ngôn của Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường về việc thành phố bị ngập
RFA, 31/05/2022
Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho rằng tình trạng ngập lụt ở Hà Nội là do "thời tiết cực đoan".
FB Nguyễn Đình Hà
Nhiều con đường ở thủ đô Hà Nội bị ngập sâu chiều ngày 29 tháng 5 sau một trận mưa lớn.
Hàng loạt hình ảnh do người dân đăng tải trên mạng xã hội cho thấy những con phố bị biến thành sông, và khiến người đi đường, phải bì bõm dưới dòng nước đục ngầu, cả những ô tô hạng sang cũng chung số phận chết máy.
Tuy nhiên, đối với người dân sống ở thủ đô của quốc gia Đông Nam Á này thì đây không phải chuyện gì mới.
Trên thực tế, tình trạng đường phố bị ngập nặng sau mỗi cơn mưa lớn đã xuất hiện ở Hà Nội nhiều năm trở lại đây, khi tốc độ đô thị hóa ngày càng càng gia tăng nhưng hạ tầng thoát nước lại không phát triển đồng bộ.
Dù vậy, điều đó không có nghĩa là người dân chấp nhận một thực tế mà nhiều người cho là đáng xấu hổ này.
Bằng chứng là khi Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, trong một cuộc phỏng vấn với báo giới nhà nước sáng ngày 30 tháng 5, cho rằng tình trạng ngập lụt ở Hà Nội là do "thời tiết cực đoan". Ông cũng cho rằng mưa lớn và dồn lại một điểm như vậy thì đến cả những nơi có cơ sở hạ tầng tốt như Mỹ và Châu Âu cũng không tránh được việc bị ngập.
Phát biểu trên của vị quan chức cấp cao đã lập tức vấp phải nhiều chỉ trích từ phía người dân.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự do, ông Nguyễn Đình Hà, một người dân Hà Nội cho biết:
"Từ ngày xưa vẫn có một cái câu là tiên trách kỷ hậu trách nhân, tức là khi xảy ra một vấn đề thì anh phải nhìn nhận lại bản thân anh, và anh phải nhìn nhận lại cái công việc của ngành, của chính quyền các anh, chứ không phải là anh đi so sánh với nước nọ nước kia.
Bây giờ anh so sánh như vậy thì nếu cùng một logic. Cùng một kiểu suy luận như thế, thì có nghĩa rằng ở nước ngoài có tham nhũng thì Việt Nam được phép tồn tại tham nhũng hay sao? Cũng như là ở nước ngoài có ngập lụt thì ở Việt Nam cũng để ngập lụt như thế à? Thế là điều không được!"
Một cư dân Hà Nội khác là ông Nguyễn Sơn thì thậm chí gọi phát biểu của quan chức đầu ngành môi trường là "trò hề", và cho rằng ông này đang cố gắng che giấu sự yếu kém của chính quyền :
"Một quan chức mà phát biểu cảm tính, không dựa trên cơ sở nào như vậy thì giống như một trò hề thôi. Thứ hai thì nó cũng là một cách để né tránh vấn đề, né tránh sự yếu kém của chính quyền thành phố.
Những người hiểu biết thì sẽ không thể chấp nhận một lời giải thích như vậy".
Là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bà Đặng Bích Phượng, 62 tuổi, cho biết theo quan sát của bà thì tình trạng ngập lụt sau mưa ở Hà Nội càng ngày càng nghiêm trọng.
Chính vì vậy mà bà không thể hiểu được phát biểu của lãnh đạo ngành, bà nói :
"Có một điều không thể hiểu được là họ không hiểu hay là họ cố tình bất chấp, chẳng nhẽ họ không có chút danh dự gì hay sao ? Thế nhưng mà cuối cùng ta vẫn phải chấp nhận một thực tế, là càng ngày các phát ngôn của quan chức rất có vấn đề về trí tuệ, ngoài ra còn vấn đề liêm sỉ nữa.
Một là họ coi thường người dân, hai là họ có một sự bất chấp mà họ không còn đếm xỉa gì đến cái logic, lý lẽ của những câu nói của họ".
Ngoài đổ cho thời tiết và khẳng định rằng các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu cũng sẽ bị ngập nếu gặp phải trận mưa lớn như trận mưa ở Hà Nội ra, thì Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng gợi ý việc biến trường học, sân vận động, và các cánh đồng thành nơi chứa nước để "tránh ngập các nơi xung yếu".