Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/06/2022

Việt Nam không còn tự tung tự tác nhân quyền với Mỹ

VOA - RFA

Freedom House : Chính phủ Việt Nam đàn áp cả những người đấu tranh đang lưu vong !

RFA, 03/06/2022

Trong báo cáo mang tên "Bảo vệ dân chủ trong khi lưu vong/Defending Democracy in Exile" công bố ngày 2 tháng 6, tổ chức nhân quyền Freedom House có nhắc đến Việt Nam như là một trong số các quốc gia độc tài thực hiện đàn áp xuyên quốc gia, nhằm bịt miệng người đấu tranh ngay cả khi họ rời quê hương.

nhanquyen3

Ông Trương Duy Nhất bị đưa ra tòa ngày 09/3/2020 - AFP

Báo cáo dài 48 trang được xuất bản trực tuyến, tổng hợp việc đàn áp xuyên quốc gia trong 4 năm qua thông qua nhiều câu chuyện của những người đã từng bị chính quyền của nước mình nhắm tới sau khi xuất cảnh và sống lưu vong ở quốc gia khác.

Báo cáo của Freedom House nhắc đến việc tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Philippines chuyên hỗ trợ người Việt tị nạn và thúc đẩy nhân quyền mang tên Sáng kiến Thể hiện Lương tâm Người Việt Hải ngoại (VOICE), bị tấn công mạng nhiều lần trong khi cựu nhân viên và tình nguyện viên của tổ chức phi chính phủ này bị quấy rối, bị cấm xuất cảnh hoặc bị tịch thu hộ chiếu khi họ quay trở lại Việt Nam chỉ vì tổ chức này báo cáo vi phạm nhân quyền của chính phủ lên các cơ chế nhân quyền Liên Hiệp quốc. 

Ông Lê Trung Khoa, chủ bút của tờ báo mạng Thoibao.de ở Đức với nhiều bài viết chỉ trích chính phủ và bình luận thời sự ở Việt Nam, nói ông bị đe dọa qua các tin nhắn hay bình luận trên mạng xã hội. Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, ông nói :

"Việc đe dọa tôi trên mạng xã hội diễn ra hàng ngày, đặc biệt gần đây khi tôi đăng các bản tin về những hoạt động mà Việt Nam tìm cách xâm nhập vào Đức đã bị phát giác hay những tin về xe VinFast giới thiệu và bán xe ở Đức cũng bị đe dọa rất nhiều.

Họ nhắn tin qua Messenger hay bình luận rất cực đoan ở dưới bản tin trên trang Thoibao.de. Họ đe dọa giết, bắn chết, ám sát hoặc về Việt Nam sẽ bị tiêu diệt, bỏ tù và bắt cóc nếu còn ở Đức.

Ngoài ra họ còn gọi điện trực tiếp vào số điện thoại văn phòng từ Việt Nam hay từ một số nước Châu Âu với yêu cầu im lặng".

Ông Khoa cho rằng những lời đe dọa này có liên quan đến Chính phủ Việt Nam vì chúng xuất hiện sau khi ông có những bài viết về hậu trường chính trị Việt Nam. RFA không thể kiểm chứng độc lập các cáo buộc này.

Một trường hợp mà báo cáo nhắc đến là mục sư A Ga, người đã tị nạn ở Hoa Kỳ nhưng vẫn nhận được tin nhắn đe dọa qua Facebook mà ông nghi ngờ là quan chức Việt Nam, trong đó đề cập đến khả năng bắt cóc ông như trường hợp ở Berlin.

Cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh là người bị mật vụ bắt cóc ở thủ đô của Đức và đưa về Việt Nam hồi năm 2017, dẫn đến căng thẳng ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội trong một thời gian dài.

Blogger của Đài Á Châu Tự Do là ông Trương Duy Nhất cũng bị an ninh Việt Nam làm điều tương tự khi đang xin quy chế tị nạn chính trị ở Bangkok, Thái Lan đầu năm 2019.

Cả hai bị đưa về Việt Nam và tống vào tù với những bản án dài hạn về tội danh liên quan đến quản lý kinh tế.

Ông Nguyễn Hoàng Ân, một người từng hoạt động về tự do tôn giáo ở giáo xứ Kẻ Gai (Nghệ An) đang lưu vong ở Thái Lan cho hay :

"Các hành động đe doạ, sách nhiễu của lực lượng an ninh Nghệ An diễn ra nhiều lần trong thời gian dài sau khi tôi nhận được giấy triệu tập và truy nã để rồi tôi buộc phải chạy sang Thái Lan lánh nạn.

Sau đó (đại diện - PV) nhà cầm quyền địa phương cũng như an ninh tỉnh rồi cơ quan Viện Kiểm sát và Tòa án tỉnh Nghệ An nhiều lần đến nhà và dùng các hình thức như gửi thư kêu gọi đầu thú gây sức ép lên mẹ và gia đình tôi nhằm sách nhiễu đe dọa khủng bố tinh thần của người thân trong gia đình tôi. Họ muốn tôi phải về đầu thú và nhận những việc tôi không làm". 

Phóng viên RFA gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại Sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đề nghị họ bình luận về báo cáo này, tuy nhiên chúng tôi chưa lập tức nhận được câu trả lời.

Bằng báo cáo "Bảo vệ dân chủ trong khi lưu vong / Defending Democracy in Exile", tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ đưa ra lời cảnh báo việc đàn áp xuyên quốc gia đe dọa tự do toàn cầu.

Theo bà Yana Gorokhovskaia, thành viên của nhóm nghiên cứu thì đàn áp xuyên quốc gia là một biểu hiện khác của chủ nghĩa độc tài toàn cầu. Sử dụng các vụ ám sát, hành hung, trục xuất bất hợp pháp, kiểm soát sự di chuyển, tấn công mạng, các chính phủ phi dân chủ đưa ra các chuẩn mực độc tài vượt ra ngoài biên giới của chúng.

Đây là báo cáo thứ 2 của tổ chức nhân quyền này về đàn áp xuyên biên giới với nội dung đưa ra các khuyến nghị cho các chính phủ, tổ chức quốc tế và các công ty công nghệ có thể bảo vệ tốt hơn cá nhân và cộng đồng lưu vong. 

Ở báo cáo thứ nhất mang tên "Out of Sight, Not Out of Reach / Ngoài tầm nhìn, nhưng không xa tầm với" tổ chức này đã miêu tả quy mô và phạm vi của mối đe dọa này đối với nhân quyền và dân chủ bằng cách xác định các quốc gia thủ phạm, chiến thuật và mục tiêu của chúng.

Báo cáo ghi nhận 3.5 triệu người trên thế giới bị đe dọa bởi đàn áp xuyên quốc gia, ghi chép cụ thể 735 trường hợp xảy ra thực hiện bởi 40 quốc gia độc tài trong 84 quốc gia nơi người hoạt động lưu vong trong 4 năm gần đây.

*******************

Nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn sức khỏe suy kiệt trong tù

RFA, 03/06/2022

Tù nhân lương tâm Lê Hữu Minh Tuấn đã bị chuyển trại giam và sức khỏe của ông đang trong tình trạng suy kiệt trong tù. Ông Tuấn được cho biết mắc nhiều chứng bệnh mà không được cán bộ quản giáo giải quyết cho đi khám chữa, điều trị.

nhanquyen4

Nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn - RFA edited

Bà Na, em gái của ông Tuấn cho biết như vậy sau chuyến thăm gặp hôm 26/5. Đây là lần đầu tiên ông Tuấn được gặp gia đình sau hai năm bị bắt giam, xét xử :

"Vừa rồi tôi đi thăm thì sức khỏe của anh Tuấn tồi tệ lắm. Tôi không thể nhìn ra anh trai của mình nữa. Anh ốm với mắc nhiều bệnh lắm.

Tôi vào thì thấy ảnh như là chỉ còn da bọc xương, ảnh bị điếc, bị giãn xương đùi và bị ghẻ lở, suy dinh dưỡng, bởi vì ở trong đó ăn uống khắc nghiệt quá !".

Ông Tuấn có yêu cầu được đi khám chữa bệnh nhưng cán bộ trại giam từ chối, nói rằng gia đình có thể đem thuốc vào gởi tận tay, nhưng không được đưa đi cơ sở y tế điều trị.

Theo lời bà Na, ông Tuấn đang bị giam giữ trong điều kiện rất khắt nghiệt, còn gia đình thì luôn bị cán bộ gây khó dễ trong việc thăm gặp hay gởi đồ lưu ký cho ông Tuấn :

"Suốt hơn hai năm liền ảnh bị nhốt ở trong Phan Đăng Lưu (trại tạm giam số 4, Phan Đăng Lưu, Thành phố Hồ Chí Minh - PV) là hầu như chỉ ở trong phòng thôi, không được ra ngoài.

Khi đến trại này thì nghe nói là buổi sáng có được ra phơi nắng tầm 15 phút hay nửa tiếng nhưng rồi cũng vào phòng. Ăn uống thì cực kỳ cực khổ, không có một chất gì hết, toàn ăn cơm trắng với "canh đại dương", mắm muối cũng không có nữa, mà cơm thì cũng bị trộn cát hay là cơm sống chứ không phải là cơm bình thường.

Đối với những tù nhân lương tâm như anh Tuấn thì cái quyền thăm gặp bị hạn chế. Thậm chí là mình có đăng ký mua đồ cho ảnh cũng bị hạn chế luôn. Đến nỗi anh ấy thèm trái cây với lại thiếu sữa. Tôi có ra căn tin để đăng ký mua mà họ không cho mua".

Kể từ khi ông Tuấn bị bắt vào tháng 6/2020, cả gia đình hoàn toàn không được Bộ công an hay trại giam thông báo bất kỳ thông tin gì về ông Tuấn, chỉ biết là ông bị tạm giam điều tra ở trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu, để gởi hàng lưu ký mỗi tháng :

"Suốt hai năm mấy là không biết ảnh sống chết ở nơi nào luôn. Em có làm những đơn gửi cho Bộ công an và lãnh đạo trại giam ở Phan Đăng Lưu để hỏi tình hình anh Tuấn đang ở nơi nào, nhưng gia đình không hề có một thông báo gì luôn".

Sau nhiễu nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng gia đình cũng có được thông tin rằng ông Tuấn đã bị chuyển đi trại Bố Lá (Bình Dương) từ ngày 14/4. Bà Na cho biết thêm rằng từ nay gia đình có thể đi thăm nuôi ông Tuấn định kỳ nên cũng đỡ lo hơn.

Ông Lê Hữu Minh Tuấn, một thành viên của Hội nhà báo độc lập, bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tiến hành bắt giữ vào ngày 12/6/2020 với cáo buộc "Tuyên truyền chống nhà nước". Hai thành viên khác của hội này cũng bị bắt và khởi tố trong cùng một vụ án là ông Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thuỵ.

Ông Lê Hữu Minh Tuấn bị tuyên y án 11 năm tù giam trong phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 28/2/2022.

*******************

Có vợ khiếm thị và hai con nhỏ, tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng vẫn bị chuyển xa nhà 350 km

RFA, 03/06/2022

Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng, người bị kết án 5 năm tù giam về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" cuối năm ngoái, bị chuyển đi thi hành án cách xa nhà khoảng 350 km trong khi có vợ khiếm thị và hai con nhỏ.

nhanquyen5

Ông Lê Trọng Hùng trong một buổi phát sóng - Facebook Hùng Gàn Lê

Ông Hùng bị chuyển từ Trại tạm giam số 1 của Công an Hà Nội đến Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An hôm 25/5.

Bà Đỗ Lê Na, vợ ông Hùng cho biết gia đình không được thông báo về việc chuyển nơi giam giữ, và chỉ được biết khi đến Trại tạm giam số 1 ở Từ Liêm, Hà Nội nhằm tiếp tế cho ông vào ngày 1 tháng 6. Bà còn nói khoảng thời gian ông bị chuyển đi thì công an Hà Nội còn cử người đến canh gác nơi ở của bà và hai con và hù dọa họ.

Bà nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do hôm 2/6 như sau :

"Hôm 1/6, tôi lên Trại tạm giam số 1 để gửi áo mùa hè cho chồng tôi thì nhân viên của trại thông báo là chồng tôi đã bị chuyển trại hôm 25/5. Cán bộ trại tạm giam nói chồng tôi bị chuyển đến Trại giam số 6 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An".

Bà Na cho biết, gia đình dự liệu bên công an có thể đưa ông đi thi hành án ở một nơi xa gia đình như phần đa người bị kết án trong các vụ án chính trị khác, nhưng khi nhận được tin ông đã bị chuyển vào Nghệ An thì bà không khỏi bị sững sờ và hụt hẫng vì khoảng cách quá xa đối với người khiếm thị như bà và đang chăm sóc hai con nhỏ. Bà nói :

"Tôi và chồng tôi từ lâu xác định tư tưởng là họ có thể đày chồng tôi đi bất cứ nơi đâu ở trên đất nước Việt Nam này.

Tuy nhiên, khi mà thực tế xảy ra, đặc biệt ở hoàn cảnh của tôi con nhỏ và tôi không nhìn thấy như vậy, và chồng tôi chỉ có một cái tội duy nhất là đã yêu nước và tin vào ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để giúp ông ấy chống tham nhũng bằng việc giúp người dân đưa ra những vụ tiêu cực và tặng sách Hiến pháp cho người dân để họ nâng cao hiểu biết.

Vậy mà chồng tôi bị nhà cầm quyền bắt tù, và không những thế còn bị hành đến một nơi rất xa xôi và khắc nghiệt bậc nhất ở Việt Nam".

Ông Lê Trọng Hùng, sinh năm 1979, là cựu giáo viên, được nhiều người biết đến sau khi tham gia làm báo độc lập. Ông tham gia phát sóng trực tiếp chương trình có tên CHTV trên mạng xã hội Facebook và YouTube với nội dung chủ yếu là phản biện chính sách, và tố cáo tham nhũng, sai phạm trong cưỡng chế đất đai.

Ông Hùng thường mua sách Hiến pháp hiện hành của Việt Nam để phát cho người dân, đồng thời nộp đơn ứng cử đại biểu quốc hội khóa 15 hồi năm 2021 và hứa sẽ vận động thành lập Tòa bảo hiến nếu trúng cử.

Tuy nhiên, ông bị bắt hai tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội. Trong phiên sơ thẩm vào ngày cuối cùng của năm 2021, ông bị kết án 5 năm tù giam, và mức án này được giữ nguyên trong phiên tòa phúc thẩm ngày 20/4 năm nay.

Hiện có nhiều tù nhân lương tâm đang thụ án tại Trại giam số 6, trong đó có các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Văn Túc, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức. Trước khi bị trục xuất sang Mỹ, tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày) đã nhiều lần tuyệt thực ở Trại giam số 6 để phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo trong khi thi hành án tù tại đây.

********************

Mẹ nhà báo Phạm Đoan Trang thay con nhận giải nhân quyền quốc tế : "Tôi rất tự hào về con mình !"

RFA, 03/06/2022

Hôm 3/6/2022 (theo giờ Hà Nội), bà Bùi Thị Thiện Căn thay mặt con mình là nhà báo Phạm Đoan Trang để nhận giải thưởng nhân quyền quốc tế Martin Ennals.

nhanquyen6

Phái đoàn Việt Nam vận động cho bà Phạm Đoan Trang tại Geneva gồm bà Trần Quỳnh Vi, bà Bùi Thị Thiện Căn và ông Will Nguyễn.

Nói trong buổi lễ trao giải tổ chức ở thành phố Geneva - Thụy Sĩ, mẹ của nhà báo hiện đang bị chính quyền Việt Nam cầm tù với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" cho hay, bà rất tự hào về con mình và đã gần tròn 20 tháng bà không được gặp Phạm Đoan Trang.

"Là mẹ của Đoan Trang thì tôi rất là tự hào, tôi rất yêu thương con tôi, tôi cảm thấy nó là một người phụ nữ can đảm.

Cháu đã kiên định, kiên trì đi theo một con đường mà biết là con đường đó rất là nguy hiểm và gian khổ, nhưng cháu vẫn dấn thân đấu tranh không mệt mỏi để cho đất nước Việt Nam có được dân chủ, nhân quyền ; cho người dân Việt Nam có được tự do, hạnh phúc.

Trang đã phải vượt qua tất cả những uy lực của chính quyền, Trang kiên cường dấn thân để đạt được mục đích đó.

Bản thân tôi là người mẹ, tôi đã phải hy sinh tình mẫu tử để cho con tôi hoạt động. Và tôi cũng hy vọng một ngày nào đó, càng sớm càng tốt đất nước Việt Nam sẽ có dân chủ, nhân quyền ; người dân được có tự do, hạnh phúc"- bà Căn nói trong buổi lễ được tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội Facebook và YouTube.

Bà Trần Quỳnh Vi, người đồng sáng lập tạp chí Luật Khoa với bà Phạm Đoan Trang, chia sẻ trên sân khấu của buổi lễ trao giải về sự khó khăn trong việc làm báo độc lập ở Việt Nam và cái giá phải trả là bản án chín năm tù đối với nhà báo người Hà Nội.

"Tin vui là mặc dù bà Trang bị bắt giữ nhưng các tờ báo của chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc, ngày càng có nhiều người viết bài cho chúng tôi.

Tôi nghĩ là có mặt tốt và mặt xấu, khi mà sự cấm đoán thắt chặt hơn thì chúng tôi càng muốn làm việc trong lĩnh vực này hơn" - bà Vi, một người Mỹ gốc Việt trong phái đoàn đi theo vận động cho tự do của bà Trang cho biết.

Ông Will Nguyễn, một nhà hoạt động dân chủ trong phái đoàn tháp tùng mẹ của nhà báo Phạm Đoan Trang đi nhận giải, cũng nhân dịp này kêu gọi công dân Thụy Sĩ và các nước phát triển nói chuyện với các nhà lập pháp và nhà ngoại giao ở những nước sở tại.
Ông Will Nguyễn nói ông muốn người dân các nước biết rằng, các quyền mà người dân được hưởng ở các quốc gia này lại đang thiếu ở Việt Nam để Hà Nội có thể trở thành một thành viên có trách nhiệm và tích cực của trật tự quốc tế.

"Tôi nghĩ chúng ta có rất nhiều đòn bẩy, chúng ta càng soi rọi về vấn đề này bao nhiêu thì chính quyền Việt Nam càng có nhiều khả năng hơn đối xử với công dân của mình một cách đàng hoàng và tôn trọng" - ông Will Nguyễn - người từng bị chính quyền Việt Nam cầm tù và ra án phạt trục xuất trở về Mỹ nói.

Bà Phạm Đoan Trang hiện đang phải thụ án chín năm tù giam vì các công việc báo chí ôn hòa của mình, được trao tặng nhiều giải thưởng, bao gồm Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Giải thưởng của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cho mục Ảnh hưởng, giải thưởng Homo Homini từ tổ chức People In Need (Cộng hòa Séc)… và giải Tự do Truyền thông 2022 do Bộ Ngoại giao Canada và Vương Quốc Anh trao tặng.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: VOA tiếng Việt - RFA tiếng Việt
Read 481 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)