Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/06/2022

"Việt Nam không thể phủ nhận cáo buộc bắt cóc của tòa án Đức"

RFA tiếng Việt

Phiên tòa xét xử thêm một người Việt bị cáo buộc là mật vụ tham gia bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh dự kiến sẽ diễn ra trong những tháng sắp tới. Khi đó, một lần nữa các bằng chứng cứ cho thấy chính quyền Việt Nam là chủ mưu của vụ án này sẽ được đưa ra trước toà.

txt1

Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Isabel Schlagenhauf - Photo : Slovak

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Trịnh Xuân Thanh bình luận với Đài Á Châu Tự do như vậy và cho biết Việt Nam trước giờ không nhắc tới vụ bắt cóc, nhưng cũng chưa bao giờ phủ nhận những cáo buộc của tòa án Đức và chính phủ Đức.

Việt Nam không thể phủ nhận hành vi tổ chức bắt cóc

Bà Petra Schlagenhauf, luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, trả lời RFA qua email rằng thực tế chuyện chính quyền Việt Nam tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng 7/2017 là một vấn đề được đề cập trong phiên tòa đầu tiên xét xử ông Nguyễn Hải Long, một trong những "diễn viên" góp tay thực hiện vụ bắt cóc.

Phiên tòa diễn ra tại Berlin, thủ đô nước Đức vào mùa hè 2018. Ông Nguyễn Hải Long bị kết tội hoạt động mật vụ cho Việt Nam và tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, mà còn ở mức độ tồi tệ hơn vì ông Thanh đã bị tước quyền tự do trong hơn bảy ngày. Do đó, Nguyễn Hải Long bị kết án ba năm 10 tháng tù giam.

Vị luật sư người Đức cho biết thêm rằng phiên tòa này đã đưa ra được nhiều bằng chứng cho thấy vụ bắt cóc này được thực hiện bởi Chính quyền Việt nam. Phía Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận chuyện bắt cóc, nhưng họ cũng không thể phủ nhận bằng chứng đó, cũng như kết luận của tòa án nước Đức :

"Tôi nghĩ một phiên tòa xét xử ông Lê (Lê Anh Tú - PV) sẽ diễn ra tại Tòa án Tối cao Berlin trong những tháng tới. Khi đó, các bằng chứng này sẽ một lần nữa được tòa đưa ra. Và do đó, vụ án bắt cóc này lại nhận được sự quan tâm của công chúng.

Cho đến nay, Việt Nam chưa bao giờ thú nhận rằng đó là một vụ bắt cóc, nhưng họ cũng không thể phủ nhận những bằng chứng này và kết luận của Tòa án (trong phiên tòa đầu tiên, ông Nguyễn Hải Long đã đưa ra các biện pháp khắc phục. Và thậm chí rằng cả Tòa án tối cao Đức đã xác nhận bản án chống lại ông Long.

Ông Lê (Lê Anh Tú - PV) được cho là đã tham gia vào vụ bắt cóc nhiều hơn là ông Nguyễn Hải Long".

Bộ Ngoại giao Việt Nam từ đó đến nay vẫn thường né tránh trả lời trực tiếp truyền thông Quốc tế về các cáo buộc tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Thay vào đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chỉ nói chung chung rằng "Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật Việt Nam, đã bị đưa ra xét xử công khai theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và hiện đang trong quá trình thi hành án".

Quan điểm trái chiều chuyện Trịnh Xuân Thanh được trả về Đức

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Trịnh Xuân Thanh vẫn luôn giữ quan điểm xuyên suốt rằng bà tin tưởng thân chủ của mình sẽ sớm được trở lại Đức trong thời gian không xa, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết :

"Tôi vẫn tin rằng thân chủ của mình có thể trở lại Đức trong thời gian không xa sắp tới. Vui lòng hiểu rằng tôi không thể cung cấp thêm chi tiết".

Không lạc quan như bà luật sư người Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài đánh giá, về khía cạnh luật pháp thì Việt Nam có khung pháp lý để đặc xá cho Trịnh Xuân Thanh trở về Đức, vì lý do ngoại giao. Tuy nhiên, ông Đài cho rằng trên thực tế thì chuyện đó rất là khó có thể xảy ra :

"Luật pháp Việt Nam có cho phép điều đó (trả Trịnh Xuân Thanh về Đức - PV), đối với những trường hợp đặc biệt, vì những mối quan hệ ngoại giao quốc tế thì Chủ tịch nước Việt Nam có quyền đặc xá, miễn các hình phạt còn lại để cho người nào đó được trả tự do tại Việt Nam, hoặc đi định cư ở nước ngoài.

Về mặt thực tiễn thì tôi cho rằng là Trịnh Xuân Thanh không thể quay trở lại Đức, chừng nào người đứng đầu bắt cóc đó là ông Tô Lâm còn ở trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị - Đại tướng - Bộ trưởng Công an, ông ấy sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra.

Cho nên tôi nghĩ rằng chỉ khi nào ông Tô Lâm mất chức, nghỉ hưu hoặc không dính dáng gì đến quyền lực của chế độ Cộng Sản nữa, thì lúc đó ông Trịnh Xuân Thanh mới có cơ hội để trở lại Đức".

Tại Điều năm, khoản hai, Luật Đặc xá 2018 quy định "Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm.

Đức không bao giờ chấp nhận những gì Việt Nam đã làm

Mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức rạn nứt kể từ sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng 7/2017. Đức lên án Việt Nam ngay sau khi xảy ra vụ việc và tuyên bố sẽ không bao giờ dung thứ cho hành vi vi phạm chủ quyền và coi thường luật pháp nước Đức ngay trên lãnh thổ Đức.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, Chính phủ Đức bắt đầu dần dần nối lại mối quan hệ với Việt Nam.

Cụ thể, tháng 2/2019, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas có cuộc gặp mặt với người đồng cấp của Việt Nam là ông Phạm Bình Minh. Ông Maas cho biết hai bên sẽ bàn về những thảo thuận để nối lại mối quan hệ Đối tác chiến lược mà vị Ngoại trưởng này nói là "sẽ được vun đắp bằng chất liệu mới".

Luật sư Petra Schlagenhauf thừa nhận Đức đã dần bình thường hóa mối quan hệ với Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là Đức chấp nhận những gì mà Việt Nam đã làm :

"Đúng là Đức, sau một thời gian đã "bình thường hóa" quan hệ giữa với Việt Nam, nhưng cũng vẫn là nước Đức khiến cho tình trạng thân chủ của tôi trở thành vấn đề thường trực trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao giữa hai nước.

Điều này không chỉ là do nước Đức không bao giờ "chấp nhận" những gì Việt Nam đã làm, mà còn là vì thân chủ của tôi đã có quy chế tị nạn ở Đức".

Luật sư Nguyễn Văn Đài nói với RFA rằng nước Đức theo hệ thống Tam quyền phân lập. Vấn đề về quan hệ giữa hai nước là thuộc nhánh hành pháp của Chính phủ và Bộ Ngoại giao. Còn vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh thì nó thuộc ngành tư pháp bên tòa án :

"Cho nên đối với ngành tư pháp thì họ sẽ không bao giờ bỏ qua. Có thể năm năm, 10 năm hay 20 năm sau, nếu chưa bắt được thủ phạm thì cái vụ việc này nó sẽ không dừng lại".

Ông Đài còn cho biết thêm rằng trường hợp ông và cộng sự được sang Đức hồi năm 2018, khi còn đang thụ án là do yêu cầu từ phía Chính phủ nước Đức, như là một điều kiện để cứu vãn mối quan hệ hai nước sau vụ Trịnh Xuân Thanh :

"Khi Bộ Công an Việt Nam bàn giao tôi cho đại diện của Chính phủ Đức, cũng như của EU tại sân bay Nội Bài để đi sang Đức thì phía Việt Nam họ cũng kể công rằng họ đã nỗ lực một cách nhanh chóng nhất để đưa tôi rời khỏi nhà tù Việt Nam để sang Đức.

Họ đề nghị phía Chính phủ Đức cần phải tích cực xem xét những đáp ứng này từ phía Việt Nam, theo các yêu cầu của Đức, và mong rằng hai bên cũng bình thường lại mối quan hệ trước đây. Đó là phía Việt Nam họ nói như vậy.

Phía trước họ cũng đáp lại rằng họ ghi nhận cố gắng, nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết bất đồng giữa hai bên và tạo điều kiện để cho tôi có thể rời khỏi Việt Nam một cách nhanh nhất".

Nguồn : RFA, 10/06/2022

Quay lại trang chủ
Read 410 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)