Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/06/2022

Thao túng chứng khoán tại Việt Nam

BBC tiếng Việt

Câu hỏi về trách nhiệm và năng lực của cơ quan quản lý

Nhận định vụ việc hai tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh bị điều tra về hành vi thao túng và lũng đoạn chứng khoán, hai chuyên gia kinh tế và tài chính ngân hàng nói với BBC rằng có thể đã có sự buông lỏng quản lý, "nhắm mắt làm ngơ" của cơ quan quản lý Việt Nam trong một thời gian dài.

traiphieu1

Thị trường chứng khoán Việt Nam có tuổi đời 22 năm

Ngày 29/03, Bộ Công an đã có quyết định khởi tố vụ án đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC với cáo buộc "thao túng" và "che giấu thông tin chứng khoán". Theo kết quả điều tra, từ ngày 01/09 đến 10/01/2019, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái của mình là bà Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh thư nhân dân của 26 cá nhân lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán để thực hiện các hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo ra cung cầu giả với 6 mã chứng khoán FLC và thu lợi bất chính, theo dự tính là 975 tỷ đồng.

Trước khi bị khởi tố và bắt tạm giam, ông Trịnh Văn Quyết từng bị xử phạt vi phạm hành chính sau 2 lần 'bán chui' cổ phiếu FLC. Lần 1 vào tháng 11/2017, ông Quyết đã bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo, không công bố thông tin, với số tiền 65 triệu đồng trong khi ước tính ông Quyết thu được trên 400 tỷ đồng. Lần 2 vào ngày 10/01, ông Trịnh Văn Quyết bị phạt vì 'bán chui' 74,8 triệu cổ phiếu FLC, chịu mức xử phạt là 1,5 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.

Ngày 05/04, Bộ Công an khởi tố ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết quả điều tra xác định từ tháng 07/2021 đến tháng 03/2022, bị can Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc nói hôm 08/06 rằng, "Vừa qua xảy ra chuyện thao túng. Đó là hành vi cá nhân, sinh ra nhiều tài khoản để lôi kéo rồi đột ngột bán đi, khi bán không báo với cơ quan quản lý nhà nước.

Hiện nay vấn đề dư luận quan tâm là làm sao FLC, Tân Hoàng Minh đã dễ dàng qua mắt được cơ quan quản lý Việt Nam trong một thời gian dài.

Yếu kém hay làm ngơ ?

Từ Vương quốc Anh, Tiến sĩ Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln nói với BBC News tiếng Việt rằng vụ việc FLC và Tân Hoàng Minh cho thấy "khi có luật nhưng luật không nghiêm hoặc việc thực thi giám sát luật không chặt chẽ thì điều đó sẽ chính là cơ hội để trục lợi".

"Trường hợp FLC, việc bán chui cổ phiếu thực ra đã xảy ra trước đây, và đúng bài bản, làm sai thì bị phạt và vui vẻ nộp phạt vì phạt quá nhỏ so với số tiền hưởng lợi lớn nên điều này chắc chắn khuyến khích hành vi sai trái, nhưng không làm gì được họ".

"Theo hiểu biết của tôi thì bản thân việc không công bố thông tin không phải là vấn đề hình sự, mà hành vi thao túng giá cổ phiếu mới là yếu tố cấu thành hình sự. Giả sử không có hành vi thao túng, hoặc không chứng minh được, mà chỉ trục lợi thông qua bán chui, thì có lẽ các vụ việc như vậy sẽ còn nhiều nữa. Đó chính là vấn đề của luật chứng khoán. Vì nó không đủ nghiêm".

"Đối với trường hợp Tân Hoàng Minh, vấn đề không phải ở việc đấu giá đất vàng giá cao như mọi người hay nghĩ, mà ở việc huy động tiền của nhà đầu tư thông qua phát hành trái phiếu với thông tin mù mờ và tạo hiệu ứng giá trị giả bằng giá đất cao mà cơ quan điều tra cho rằng có sự lừa đảo ở đó. Việc có ai chống lưng cho những nhân vật đó hay không nằm ngoài khả năng phán đoán của tôi. Nhưng tôi tin rằng nếu những việc làm sai trái được lặp lại ở quy mô lớn, chứng tỏ người thực hiện phải tự tin rằng cứ làm đi không sao đâu" Tiến sĩ Quách Mạnh Hào nói.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, tài chính và ngân hàng nói rằng, "Nếu những giao dịch chứng khoán rất lớn như của FLC mà có thể qua mặt cơ quan chức năng, vì tất cả những giao dịch đó thông qua hệ thống ngân hàng. Như vậy liệu các cơ quan quản lý đã nhắm mắt làm ngơ vụ việc đó hay không ? Trường hợp 'bán chui' trái phiếu tại FLC đã xảy ra đến lần thứ 2 thì liệu có sự yếu kém của cơ quan chức năng ?"

"Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu huy động gần 10.000 tỷ đồng, phát hành sai quy định mà với số lượng lớn như thế. Vấn đề đặt ra là phải chăng cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý để các doanh nghiệp đó lũng đoạn và thao túng thị trường. Có thể nói không có lửa thì không có khói. Đầu tiên trách nhiệm là những công ty đó không phải cơ quan quản lý vì họ không phát hành trái phiếu. Nhưng giao dịch đó mà cơ quan đó không phát hiện được hoặc phát hiện mà làm ngơ là sự yếu kém của cơ quan chức năng", Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.

Một góc nhìn khác, Tiến sĩ Quách Mạnh Hào cho rằng việc thao túng giá chứng khoán, bằng nhiều hình thức khác nhau, "từ can thiệp trực tiếp như trường hợp quay tay điển hình của FLC, hay gián tiếp thông qua các đội nhóm tung tin nhiễu nhằm lôi kéo số đông mua các cổ phiếu không thực sự tốt như mô tả, hay công bố thông tin, tung tin sai sự thật… đã có từ lâu và thường nở rộ vào những giai đoạn thị trường tăng mạnh như giai đoạn 2009-2010 hoặc như 2 năm qua".

"Có sự yếu kém trong quản lý, thậm chí có thể tạo nghi ngờ rằng có sự làm ngơ của cơ quan quản lý, khi để cho các sai phạm đó xảy ra. Tôi tin rằng cơ quan quản lý biết tất cả những việc này, nhưng họ đã không hành động để ngăn chặn nó".

"Nếu những sai phạm trước đây được xử lý nghiêm, mạnh, thì sẽ không tạo ra tiền lệ cho những vụ việc sau. Điều này có thể do họ yếu kém, cũng có thể do họ làm ngơ, nhưng cá nhân tôi đánh giá đó đơn giản là sự thiếu trách nhiệm đối với một thị trường quan trọng của nền kinh tế", Tiến sĩ Quách Mạnh Hào nhận định.

Điều cần làm hiện nay, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đó là Việt Nam phải công bố kết quả điều tra cho công chúng.

"Mọi người chỉ nhìn qua dấu hiệu bề ngoài, một số lãnh đạo công ty bị bắt giữ, ủy ban chứng khoán yêu cầu ngưng phát hành, nhà phát hành trả tiền lại cho nhà đầu tư, liệu có vấn đề ngõ ngách, phức tạp này hay không thì phải chờ kết quả điều tra. Tôi kỳ vọng sẽ công bố kết quả điều tra không chỉ cho chính phủ hay các cơ quan chức năng khác mà còn toàn thể dân chúng, đặc biệt là trong giới đầu tư, những người đã chịu thiệt hại" ông nói.

traiphieu2

Ngày 08/06, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc nói rằng có tình trạng 'lợi dụng chứng khoán để rửa tiền'

'Lợi dụng chứng khoán để rửa tiền'

Ngày 08/06, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc nói rằng có tình trạng 'lợi dụng chứng khoán để rửa tiền'.

Bình luận về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói, "Việt Nam có luật phòng chống rửa tiền, với luật phòng chống rửa tiền thì tất cả ngân hàng, định chế tài chính phải báo cáo ngân hàng nhà nước khi phát hiện hành vi đáng ngờ như như giao dịch vượt quá số tiền, phải báo cáo nguồn tiền từ đâu... Ở Việt Nam đã có luật thế nhưng liệu các ngân hàng và cơ quan thực thi luật chống rửa tiền một cách chặt chẽ hay không ?".

Trong khi đó, Tiến sĩ Quách Mạnh Hào cho rằng, "Khái niệm rửa tiền có thể hiểu theo nhiều cách, nhưng tôi hình dung ý ông ấy [Bộ trưởng Tài chính Việt Nam] nói là từ tiền bẩn thông qua các giao dịch phi pháp như hối lộ, buôn lậu… thông qua việc đầu tư chứng khoán sẽ trở thành nguồn tiền sạch. Nếu hiểu theo cách này, thì thực ra nguy cơ rửa tiền lúc nào cũng có thể xuất hiện".

"Nhưng ông ấy [Bộ trưởng Tài chính Việt Nam] nói vào thời điểm khá nhạy cảm, đặc biệt khi các gói hỗ trợ kinh tế được đưa ra mà không vào sản xuất, các hoạt động cứu trợ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong dịch Covid gây thất thoát tiền, thì tiền bẩn từ quá trình "hỗ trợ, cứu trợ" đó càng nhiều. Vụ Việt Á, hay chuyến bay giải cứu... có số tiền bẩn rất lớn và tiền đó phần nhiều sẽ vào chứng khoán hoặc bất động sản và trở thành tiền sạch sau này" Tiến sĩ Quách Mạnh Hào nói thêm.

'Phải có xếp hạng tín nhiệm'

"Các quốc gia đã có trên 500 năm thị trường chứng khoán, chúng ta mới 22 năm" Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc nói hôm 08/06.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói, "Tôi không nghĩ có thể dùng lịch sử của một thị trường non trẻ để có thể biện minh cho những chuyện xảy ra. Chúng ta có thể thừa hưởng kinh nghiệm từ những quốc gia khác".

"Mặc dù non trẻ nhưng Việt Nam đều có luật chặt chẽ với chứng khoán, doanh nghiệp, luật phát hành chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu. Tất cả các luật đó nếu cơ quan chức năng thực hiện những quy định đó một cách chặt chẽ và công tâm, không có vấn đề xin cho, rộng lượng hoặc dung túng những hành động sai phạm thì những chuyện như vậy sẽ không xảy ra" ông nói.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đề nghị để lành mạnh hóa và ổn định thị trường chứng khoán thì Việt Nam cần phải thực hiện 3 việc như sau :

- "Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ, trong nghị định đó thì có yêu cầu các nhà phát hành riêng lẻ phải nộp hồ sơ xếp hạng tín nhiệm, nếu có xếp hạng tín nhiệm thì nộp, không có thì không nộp. Quy định mập mờ như vậy thì một số nhà phát hành không muốn nộp xếp hạng tín nhiệm. Nghị định 153 phải được thay đổi để các nhà phát hành phải bắt buộc xếp hạng tín nhiệm. Vì thị trường Việt Nam còn non trẻ, nên các chứng khoán, trái phiếu Việt Nam phải được xếp hạng tín nhiệm để các nhà đầu tư họ hiểu rằng trái phiếu nào có độ rủi ro cao hay thấp, lãi suất nào phù hợp với độ rủi ro đó".

- "Cơ quan quản lý phải tăng cường giám sát giao dịch bất hợp pháp. Hiện nay ở Việt Nam thì chuyện xảy ra rồi thì mới đào bới lên. Đáng lẽ phải kiểm soát ngay trong giai đoạn giao dịch đó đang trong giai đoạn khởi đầu để thực hiện".

- "Điều quan trọng nhất là sự cảnh giác và tâm lý của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư nếu cảnh giác thì sẽ hiểu trái phiếu nào có lãi suất cao thường thì có rủi ro cao. Các nhà đầu tư Việt Nam thì lại đâm đầu vào các loại lãi suất trên trời. Lãi suất gấp 2, 3 lãi suất huy động của ngân hàng. Các nhà đầu tư ở Việt Nam thì rất ham lợi trước đây, giờ thì cũng cảnh giác gần hơn. Cứ thấy doanh nghiệp nào có tên 'quá đẹp', có tiếng tăm như Tân Hoàng Minh như Louis Holding cùng lãi suất hấp dẫn thì họ nhảy vào, mua các chứng khoán đó. Các nhà đầu tư cần cảnh giác, tỉnh táo và có sự phân tích về khả năng trả nợ của những nhà phát hành. Các công ty xếp hạng tín nhiệm hiện sẽ cho biết khả năng trả nợ của những nhà phát hành".

Nhận định thêm về năng lực của các công ty xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, "Trên nguyên tắc thì những công ty này phải độc lập, minh bạch, liêm chính, có đạo đức nghề nghiệp rất cao, để chống lại việc cấu kết với các công ty được xếp hạng tín nhiệm".

3333333333333333333333

Theo truyền thông Việt Nam, năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành ở Việt Nam là hơn 637.000 tỷ đồng, tăng trên 36% so với 2020. Trong đó, phát hành riêng lẻ chiếm tới 95%, còn lại 5% là phát hành trái phiếu ra công chúng.

Lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm nay lên tới 145.500 tỷ đồng. Hơn 43% trong số này là đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản ; trái phiếu của các tổ chức tín dụng đáo hạn khoảng 20%...

Theo Bộ Tài chính Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ và khối lượng phát hành lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu - là đáng báo động. Điều này gây nên tiềm ẩn rủi ro không chỉ cho nhà đầu tư mà cho cả hệ thống tài chính tiền tệ.

Theo thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ năm 2020 đến tháng 04/2022, đã có tổng cộng 15 vụ việc vi phạm thao túng thị trường chứng khoán bị xử lý, gồm 13 vụ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 10,8 tỷ đồng và 2 vụ việc đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự gồm FLC và Tân Hoàng Minh.

Theo Bộ Luật hình sự Việt Nam năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người nào thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nguồn : BBC, 20/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 275 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)