Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/06/2022

Lộ đề thi và thanh tra cấp huyện

RFA tổng hợp

Vấn nạn lộ đề thi : quy trình và kẽ hở !

RFA, 15/06/2022

Hôm 10/6 năm 2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Giáo dục-Đào tạo. Theo đó, hai nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội bị bắt để điều tra về tội danh trên. 

dethi1

Học sinh trung học đang thi tốt nghiệp tại một trường trung học ở Đà Nẵng. Ảnh minh họa. AP

Vụ việc xảy ra vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học diễn ra vào/7/2021. Lúc đó, đề thi môn Sinh học bị cho là có nội dung giống đến 90% đề ôn tập của thầy giáo Phan Khắc Nghệ ở Hà Tĩnh.

Một tháng sau, tổ công tác liên ngành của Bộ Giáo dục-Đào tạo được thành lập, cùng Bộ Công an điều tra các yếu tố liên quan sự trùng lặp này. Tuy nhiên, đến tháng 12 năm đó, Bộ Giáo dục-Đào tạo chỉ cho biết đã "ghi nhận yếu tố không bình thường".

Mãi đến khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo mới lên tiếng cho rằng : "Trong quá trình kiểm tra, rà soát, chưa có kết luận cuối cùng thì chưa thể công bố, còn Bộ rất nghiêm túc, cầu thị. Nhưng đây là quá trình phức tạp, không phải một, hai tháng làm rõ được ngay".

Giảng viên Phạm Minh Hoàng, từng làm trưởng thanh tra quy trình ra đề thi bậc đại học ở Hà Nội nói với RFA sáng 15/6 : 

"Qua những quan sát ở bên ngoài thì thật sự mà nói, việc tổ chức ra đề thi ở Việt Nam tôi thấy thật sự là nghiêm túc. Trong thời gian ở Việt Nam thì tôi đã được cử đi làm thanh tra trưởng trong quy trình ra đề. Mình có quyền rất là lớn nên những gì xảy ra trước mặt mình rất nghiêm túc, nhưng một khi mình quay lưng đi thì không biết chuyện gì xảy ra. Bởi vậy tôi kết luận, chuyện có lộ đề ở Việt Nam là chuyện không khó. Một khi con người mà muốn làm họ mua chuộc từ ông hiệu trưởng, thanh tra cho đến người thầy, cả người photocopy. Họ có thể mua hết tất cả. Trong một cái xã hội mà không trong sạch thì mình không đảm bảo được cái gì hết.

Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin được báo Thanh Niên dẫn lời rằng : "Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2021 có các quy định về đề thi tương đối khép kín. Do đó, vụ án này chính là ở khâu cán bộ, khâu con người. Công nghệ hiện đại mấy, quy trình có chặt chẽ đến mấy nhưng giáo viên tha hóa thì rất khó kiểm soát. Do đó, theo tôi, khâu lựa chọn cán bộ vẫn là khâu quan trọng nhất".

Theo một số chuyên gia giáo dục, để ngăn chặn hoàn toàn chuyện lộ đề thi thì việc đầu tiên phải có một vị Bộ trưởng giáo dục thanh liêm. Nhưng chỉ cá nhân vị bộ trưởng thanh liêm thôi thì chưa đủ mà phải thay đổi cả thể chế chính trị. Giảng viên Phạm Minh Hoàng giải thích thêm : 

"Quan trọng là cái guồng máy phải độc lập. Việt Nam thì nói đúng ra tất cả đều do đảng nắm quyền cho nên vấn đề không phải là giáo dục hay y tế mà tất cả đều là chính trị hết. Chính trị điều khiển hết tất cả.

Cái gì cũng phải hỏi ‘ông’ đảng. Tất cả họ sẽ bao che cho nhau. Người làm sai cũng không lo tại vì cái ông thẩm phán cũng là đảng luôn. Như thế thì đâu còn cái gì trong sạch. Nói đi nói lại thì một xã hội không trong sạch, không tam quyền phân lập thì không có phép lạ nào có thể thay đổi được xã hội. Từ giáo dục, y tế cho đến cả vấn đề môi sinh…".

Tại Việt Nam, trong quá trình ôn thi thì bao giờ cũng căn cứ vào ba điều : hướng dẫn giảng dạy của Bộ Giáo dục – Đào tạo, nội dung đề tham khảo được Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố và nguồn đề của một số tỉnh có uy tín.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là kỳ thi có quy mô lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hem triệu học sinh nên chuyện sai sót ở bất cứ khâu nào cũng ảnh hưởng rất lớn đến thí sinh. 

Một ngày sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án, Bộ Giáo dục-Đào tạo cho biết đang tiếp tục phối hợp Bộ Công an xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiến sĩ ngôn ngữ học Hoàng Dũng, người từng trực tiếp tham gia ra đề thi cho biết, quy trình ra đề rất chặt chẽ, nghiêm túc. Nếu có sai phạm thì chỉ ở khâu kỹ thuật. Ông nói :

"Tôi đã từng coi thi, ra đề thi thì tôi thấy việc lộ đề thi là rất khó. Người ra đề sẽ nhận một cái thông báo riêng chỉ người đó biết thôi. Họ gửi cho cái quy định yêu cầu về đề. Khi tôi ra đề xong phải gặp người trưởng phòng khảo thí để đưa cho họ. Người này cũng không đọc mà bỏ vô cái phong bì có giáp lai chữ ký của tôi. 

Đến cái ngày thi thì họ mới triệu tập một người khác. Người này đến cùng với rất nhiều người của những môn thi khác. Họ bốc thăm ngẫu nhiên rồi giao cho người phụ trách đề đó. Ví dụ tôi ra đề môn gì thì họ đưa đề thi môn đó cho tôi. Tôi coi lại từ đề tới đáp án coi có cần sửa chữa gì không.

Từ khi tôi bước vào phòng đó thì toàn bộ điện thoại bị thu giữ và có người canh ngay cửa không ra được. Người đó là công an. Đến ngày thi khi các em thi xong gần hết giờ thì tụi tôi mới được ra về. Nói qua như vậy để thấy rất khó lộ đề".

Tiến sĩ Hoàng Dũng nói thêm, về mặt kỹ thuật là vậy nhưng trên thực tế cũng có cả triệu cách để lộ đề. Theo ông, câu chuyện lộ đề thi không phải là một chuyện quan trọng dù tác động của nó là lớn. Cách giáo dục, cách ra đề hiện nay mới là điều quan trọng mà nhiều chuyên gia giáo dục đã báo động từ lâu. Tuy vậy, đổi mới cách giáo dục là chuyện vượt tầm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó là chuyện thể chế. Nó là chuyện quyết tâm chính trị của cơ quan cao nhất.

********************

Cơ quan thanh tra cấp huyện : duy trì hay bỏ ?

RFA, 15/06/2022

Tại phiên thảo luận tại Quốc hội mới đây về Dự án Luật Thanh tra sửa đổi, đã có nhiều ý kiến tranh luận về việc nên bỏ hay giữ cơ quan thanh tra cấp huyện.



dethi2

Ảnh minh họa : Thanh tra cấp huyện trong một cuộc họp năm 2022. Courtesy thanhtratinh.tayninh.gov.vn

Nhiều ý kiến đề nghị bỏ thanh tra cấp huyện, vì cho rằng nhu cầu thanh tra ở cấp này ít, trình độ nghiệp vụ hạn chế, nếu bỏ thì giảm được hơn 1.400 công chức, tiết kiệm ngân sách…

Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Ninh, phản bác những nhận định trên là ‘chưa sâu sát’. Bà Hà cho rằng, thanh tra cấp huyện là những người nắm bắt tình hình sát thực nhất, có thể giúp chủ tịch UBND huyện phát hiện sơ hở, vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại địa phương.

Còn ông Trương Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam, dù đồng tình việc duy trì thanh tra cấp huyện, nhưng nêu câu hỏi có phải huyện nào cũng cần cơ quan thanh tra ?

Nhà báo Võ Văn Tạo khi trả lời RFA từ Nha Trang hôm 15/6, nhận định :

"Trong thực tế nhiều năm tôi công tác thì tôi thấy thanh tra cấp huyện trình độ của họ nhìn chung là yếu, nhưng dù sao cũng nắm một vài nguyên tắc cơ bản của công việc. Trong khi cấp xã có rất nhiều cái sai, cái lộng quyền, nếu cấp huyện mà có cán bộ thanh tra vững chuyên môn, đạo đức tốt thì cũng còn cần thiết. Nhưng mà ngược lại, thanh tra cấp huyện mà trình độ yếu thì đó là lỗ hổng để tiêu cực, họ không có khả năng phát hiện ra cái sai của cấp dưới, hoặc phát hiện ra mà nếu đạo đức không tốt thì đi thanh tra là đi tống tiền. Như dân gian hay nói : 'thanh cha, thanh mẹ, thanh gì ?... Cứ có phong bì là nó thanh kiu...'".

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, không chỉ thanh tra cấp huyện mà cả cấp trung ương, thanh tra chính phủ cũng có tiêu cực. Ông Tạo cho biết chính vì vậy, từ lâu mất tín nhiệm lực lượng thanh tra nhà nước, dù là cấp trung ương hay hệ thống dưới là thanh tra cấp tỉnh thành, cấp huyện… Ông Tạo nói tiếp :

"Thời gian gần đây thì Ủy ban Kiểm tra Đảng mặc dù chuyên môn yếu, nhưng nhìn chung phẩm chất của đội ngũ ấy cũng đỡ hơn, nên họ cũng làm quyết liệt các vụ tham nhũng, tiêu cực, vi phạm chính sách của cán bộ công chức nhà nước. Tóm lại cấp huyện thì tôi nghĩ giải tán cũng được, nhẹ bớt biên chế cho nhà nước. Nhưng do tình trạng thực tế cấp xã rất là đông, rất là nhiều, mà phần lớn quyết định cấp xã là sai… Do đó nếu không có thanh tra cấp huyện chấn chỉnh… thì cũng gay".

Theo Luật Thanh tra 2010, Thanh tra huyện là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng ; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng từ cấp huyện trở xuống.

Luật gia Phạm Công Út khi trao đổi với RFA hôm 15/6, giải thích thêm về việc này :

"Thanh tra có nhiều loại như thanh tra ngành, thanh tra địa phương tức thanh tra nhân dân của quận huyện, tỉnh thành, rồi thanh tra nhà nước trung ương… Bây giờ bỏ thanh tra huyện thì nhiều quan chức ở huyện sẽ cảm thấy yên tâm hơn, không bị thanh tra thường xuyên. Nhưng người dân chưa chắc yên tâm, người dân muốn thanh tra đối với quan chức nhà nước càng nhiều càng tốt, càng làm rõ càng tốt. Nếu bỏ bớt thì tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực sẽ phát triển. Vì các tỉnh thành không thể thanh tra hết các huyện trong địa phương của họ. Bản thân tỉnh thành họ phải làm nhiều công việc trong tỉnh thành của họ. Nếu bỏ thanh tra cấp huyện đi thì họ sẽ phải làm nhiều hơn, tiêu cực có thể sẽ nhiều hơn".

Cũng tại phiên thảo luận tại Quốc hội về Dự án Luật Thanh tra sửa đổi, các Đại biểu quốc hội cho rằng, nếu bỏ thanh tra cấp huyện, chuyển nhiệm vụ cho thanh tra tỉnh thì phải tăng biên chế cho thanh tra tỉnh, kèm theo đó là hàng loạt vấn đề khác như gia tăng chi phí đi lại…

Để tìm hiểu thực tế, RFA hôm 15/6 liên lạc ông Võ Minh Đức, chủ một doanh nghiệp kinh doanh ở Sài Gòn, và được cho biết :

"Thật sự mà nói thanh tra cấp cơ sở theo như tôi biết gần như là đến cho có lệ, chủ yếu xem ‘thái độ’ của doanh nghiệp, ‘thái độ’ của đối tượng bị thanh tra như thế nào ? Ngoại trừ những trường hợp nghiêm trọng bị bung bét ra quá nhiều, có tầm ảnh hưởng xấu đến xã hội, thì đúng là doanh nghiệp chịu chết bó tay, phải chấp nhận sai phạm của mình. Còn bình thường nếu mà có thanh tra thì cũng chỉ là chiếu lệ, họ sẽ xem ‘thái độ’ của doanh nghiệp thế nào để làm việc".

Theo ông Võ Minh Đức, nếu Quốc hội dự kiến bỏ thanh tra cấp huyện thì ông nghĩ là cũng tốt. Tuy nhiên nếu vẫn giữ thanh tra huyện thì ông Đức cho rằng cũng thế thôi. Ông lý giải :

"Không có nó thì cũng được, những doanh nghiệp, những cơ quan chịu sự thanh tra… sẽ dễ thở hơn một chút. Nhưng còn nếu có thanh tra huyện thì cũng bình thường thôi. Vì cái nếp bôi trơn phong bao cho các lực lượng chức năng cơ sở, người dân họ xem những cái bất bình thường đó như là bình thường, đương nhiên. Nên thành thử ra cái ý kiến bỏ thanh tra cấp huyện hay giữ thì cũng chẳng quan trọng".

Trước ý kiến của các Đại biểu quốc hội về việc bỏ hay giữ thanh tra cấp huyện, Tổng Thanh tra Chính phủ- Đoàn Hồng Phong cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của thanh tra huyện và trình Chính phủ quyết định.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 283 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)