Tiếp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Mỹ lại bày tỏ quan ngại về thâm hụt mậu dịch với Việt Nam (RFI, 31/05/2017)
Hôm 31/05/2017, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến Nhà Trắng để gặp tổng thống Donald Trump trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Hoa Kỳ ba ngày, bắt đầu từ hôm qua.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phòng Thương Mại Mỹ, Washington, ngày 30/05/2017 (Ảnh chụp từ facebook Phòng Thương Mại Mỹ)
Hôm qua, nhân buổi dạ tiệc tại Phòng Thương Mại Mỹ ở Washington, đại diện Thương Mại của Mỹ, Robert Lighthizer, đã một lần nữa bày tỏ quan ngại về mức thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ với Việt Nam vẫn tăng nhanh. Ông Lighthizer nhắc lại rằng trong thập niên qua, thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Việt Nam đã tăng từ 7 tỷ lên 32 tỷ đôla. Đại diện Thương Mại của Mỹ cho rằng đây là một "thách thức mới" đối với hai nước và ông hy vọng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ giúp giải quyết vấn đề này.
Có lẽ nhằm đáp lại mối quan ngại của đại diện Thương Mại Mỹ, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc loan báo là ông sẽ ký các hiệp định về nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, trị giá tổng cộng từ 15 để 17 tỷ đôla, trong chuyến đi thăm Hoa Kỳ lần này. Theo lời ông Phúc, Việt Nam sẽ gia tăng nhập khẩu công nghệ cao cấp và dịch vụ từ Mỹ.
Đại diện Thượng Mại Mỹ Lighthizer và các quan chức khác đặc trách thương mại trong chính quyền Trump đã cam kết sẽ giảm thâm hụt mậu dịch giữa Hoa Kỳ với các đối tác thương mại chính. Thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Việt Nam đã tăng nhanh là do Hoa Kỳ nhập ngày càng nhiều hàng điện tử của Việt Nam, ngoài các mặt hàng truyền thống như quần áo, gia dày…
Thâm thủng mậu dịch có thể gây cản trở quan hệ Mỹ-Việt, trong bối cảnh Washington và Hà Nội gia tăng hợp tác về an ninh trong những năm gần đây, vì cả hai nước đều quan ngại trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Châu Á.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á gặp tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng. Theo hãng tin Reuters, cuộc gặp gỡ này là kết quả của nhiều cuộc trao đổi qua điện thoại, thư từ, nhiều cuộc tiếp xúc ngoại giao và nhiều chuyến đi của các quan chức cấp thấp từ rất lâu trước khi ông Trump nhậm chức. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam đã sử dụng một nhà vận động hậu trường tại Washington với tiền lương hàng tháng là 30 ngàn đôla.
Thanh Phương
****************
Món quà Thủ tướng Phúc tặng ông Trump gây 'bão' mạng (VOA, 01/06/2017)
Chiếc đèn dầu, món quà của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tặng Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Món quà Thủ tướng Phúc tặng Tổng thống Donald Trump.
Quà tặng mà báo chí trong nước đầu tuần này nói là "độc bản" có "hình tượng lúa non với ẩn ý về nền văn hóa lúa nước ; hoa sen biểu trưng cho tính hướng thiện của tâm hồn người Việt ; hai lá cờ Việt Nam – Hoa Kỳ với thông điệp mở rộng giao thương, tạo lập vững chắc về sự hợp tác toàn diện".
Theo Tuổi Trẻ, "vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, hãng dầu lửa của Mỹ đã bắt đầu đem hàng đến bán tại Việt Nam. Lúc đó người Việt chỉ quen dùng dầu lạc hoặc nến để thắp sáng, chưa quen dùng dầu hỏa".
"Để phát triển thị trường, người Mỹ đã tặng đèn cho người mua dầu. Cái tên ‘đèn Hoa Kỳ’ xuất phát từ đó, sau này các loại đèn dầu cho dù được làm bằng chất liệu gì và xuất xứ ở đâu cũng thường được người dân gọi là ‘đèn Hoa Kỳ’, gắn bó với gần như mọi gia đình Việt suốt thế kỷ 20", tờ báo viết.
Tuy nhiên, ít lâu sau khi được đăng, bài viết có tựa đề "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Tổng thống Trump món quà gì ?" không thể truy cập được trên trang web của Tuổi Trẻ. Khi bấm vào đường dẫn bài viết trên mạng, một dòng thông báo "nội dung không tìm thấy".
Chưa rõ lý do vì sao báo Tuổi Trẻ và một số tờ báo khác lại gỡ bài viết về món quà mà bạn đọc Nam Tổng viết trên Facebook của VOA Việt Ngữ rằng "ý là so sánh nước Mỹ hiện đại giàu có còn Việt Nam vẫn thời đèn dầu lầm than".
Trong khi đó, Facebooker Tan Huu Thai viết : "Ý kiến cá nhân theo tôi không nên ! Đèn thì để đốt chẳng lẽ đèn cạn dầu thì tình nghĩa 2 nước cũng cạn hay sao. Nên tìm món quà khác cho ý nghĩa trọn vẹn hơn ạ".
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên diện kiến Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng kể từ khi nguyên thủ Mỹ lên nhậm chức hồi đầu năm.
Ngoài vấn đề thương mại với các hợp đồng ký kết tới gần 17 tỷ đôla, theo phát biểu của ông Phúc, giới quan sát cũng cho rằng Biển Đông và tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng nằm trong nghị trình của người đứng đầu chính phủ Việt Nam.
Nhiều bạn đọc của VOA tiếng Việt cũng cho rằng món quà ông Phúc tặng Tổng tống tỷ phú Mỹ cũng ám chỉ tới Bắc Kinh. Facebooker có tên So Co La viết : "Ý nghĩa là : Việt Nam em có mấy cái mỏ dầu mà TQ chiếm rồi, lạy anh qua xử lý giúp ko thì bọn em như cây đèn trước gió".
Một người khác có tên Thuan Quynh nhận xét : "Cái đèn hình ngọn hải đăng, dưới chân 2 lá cờ là hình con tàu. Cho nên ý nghĩa là hai nước hợp tác về vấn đề biển đông để cùng thắp sáng cho tương lai hai nước". Còn bạn Haco Chi nói : "’Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’. Ví Trung Quốc như mực tàu, Hoa Kỳ như đèn sáng. Chọn bạn tốt mà chơi".
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp với ông Trump tại Nhà Trắng hôm 31/5.
Còn bạn đọc Bao Quan viết : "Ý là : Đèn nhà nào nhà ấy sáng. Ông Mỹ làm ơn đừng can thiệp vào Biển Đông hay đất nước tôi. Mỗi lần ô hô hào tàu đi dạo biển đông là mỗi lần Trung Quốc nó dàn thêm nhiều vũ khí tại đảo…"
Cùng ý kiến này, Facebooker Ngọc Châu nhận xét : "Tục ngữ Việt Nam có câu : ‘Đèn nhà nào nhà ấy rạng’. Đây là thông điệp mà những con người Việt Nam chân chính gửi tới người Mỹ, kẻ luôn nhân danh tự do, dân chủ để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác…"
Báo chí trong nước dẫn lời những người thiết kế món quà cho Thủ tướng Phúc nói rằng "'đèn Hoa Kỳ" là biểu tượng cho mối quan hệ và đối ngoại kinh tế giữa hai quốc gia Việt – Mỹ trong lịch sử, gắn kết mối quan hệ bền vững dựa trên nền tảng đôi bên cùng có lợi, mở rộng giao thương và mong muốn quan hệ Việt – Mỹ bền chặt và cùng tiến về phía trước".
Khi người tiền nhiệm của Tổng thống Trump, ông Barack Obama, công du Việt Nam năm ngoái, Thủ tướng Phúc tặng nhà lãnh đạo Mỹ này món quá "hình đầu rồng bằng chất liệu gốm phủ men đặt trên đế gỗ".
Trong khi đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng ông Obama "bức tranh nhỏ với hình ảnh chùa Một Cột (một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội) và hoa sen (được xem là quốc hoa của Việt Nam)", theo báo chí trong nước.
******************
Thủ tướng : ‘Việt Nam rất muốn làm ăn với nhà đầu tư Mỹ’ (VOA, 31/05/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn đầu tư vào Việt Nam ở New York, 30/5/2017
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi 15 tập đoàn lớn của Mỹ gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Tại một diễn đàn ở New York hôm 30/5 về đầu tư vào Việt Nam, ông Phúc quảng bá về một Việt Nam "với chính sách thông thoáng, hấp dẫn và trên hết có nhiều tiềm năng con người".
Tham gia diễn đàn là đại diện các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn như ACDL, Dow Chemical, Harbinger Capital, Kasowitz, KKR, OneWeb và Warburg Pincus.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam chia sẻ rằng người dân và các doanh nghiệp Việt Nam "rất muốn, rất thích làm ăn" với các tập đoàn đầu tư Hoa Kỳ. Ông bình luận rằng "đó là tình cảm rất tuyệt vời".
Nói về nguyên nhân có tình cảm như vậy, Thủ tướng Phúc giải thích "vì Hoa Kỳ có sự minh bạch, Hoa Kỳ có sự chống tiêu cực, tham nhũng", những điều đó trùng hợp với tinh thần của chính phủ liêm chính được ông thúc đẩy kể từ khi nhậm chức.
Các nhà đầu tư Mỹ một mặt đánh giá cao các cơ hội và tiềm năng đầu tư vào Việt Nam. Cựu tướng David Petraeus, hiện là chủ tịch quỹ đầu tư KKR, nói với các phóng viên ít phút trước khi diễn đàn bắt đầu :
"Chúng tôi muốn đầu tư hơn nữa vào Việt Nam. Chúng tôi đã đầu tư vào tập đoàn Masan hơn nửa tỉ đôla. Tôi muốn chuyển lời đến thủ tướng là chúng tôi rất lạc quan và nhiệt tình về triển vọng kinh tế Việt Nam. Đất nước này có những cơ hội đáng kể, với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, người tiêu dùng chi tiêu ngày càng nhiều. Một số hãng quản lý danh mục đầu tư ở các nước khác trên thế giới đang hoạt động tích cực hơn ở Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi thấy có cơ hội ngày càng lớn ở Việt Nam cho những hãng đầu tư như KKR".
Mặt khác, giới đầu tư Mỹ cũng nêu ra những quan ngại, thắc mắc về một số vấn đề quan trọng còn tồn tại ở Việt Nam, xoay quanh các lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, luật đấu thầu, cổ phần hóa, cải cách doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng, thị trường vốn, trái phiếu, quản trị tốt và minh bạch.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Mỹ còn lưu ý đến những rủi ro, thách thức do những biến động ở tầm quốc tế như nạn tin tặc hay sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo.
Thủ tướng Phúc và các bộ trưởng kế hoạch đầu tư, công thương và nông nghiệp đáp lại rằng họ lắng nghe các ý kiến của các nhà đầu tư Mỹ, và chính phủ Việt Nam đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của đất nước.
Ông Phúc nhấn mạnh rằng tôn chỉ của chính phủ kiến tạo dưới thời ông là xây dựng "môi trường đầu tư minh bạch hơn, thân thiện doanh nghiệp, có độ mở cao". Ông nói môi trường như vậy cũng "tạo điều kiện thuận lợi nhất" cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ "được tiếp cận những cơ hội, tiềm năng, hoạt động kinh doanh bình đẳng ở Việt Nam theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi".
Thủ tướng Việt Nam khẳng định đây là "thời điểm chín muồi, có tính chất quyết định" để Hoa Kỳ - với thế mạnh về kinh nghiệm, công nghệ và nguồn tài chính - tham gia tích cực hơn vào tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng không quên trấn an các nhà đầu tư Mỹ rằng "đầu tư vào Việt Nam không có rủi ro lớn" vì Việt Nam không có các vấn đề về Hồi giáo, khủng bố, tin tặc.
Tính đến nay, các con số chính thức cho thấy Hoa Kỳ chưa phải là nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam. Trong 11 tháng của năm 2016, đầu tư của Mỹ là 238 triệu đôla. Nếu tính lũy kế qua nhiều năm, tới nay, các doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam trên 10 tỉ đôla.
Với con số này Mỹ xếp hạng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, xếp sau Hàn Quốc (51,5 tỉ đôla), Nhật Bản (42 tỉ đôla), Singapore (gần 38 tỉ đôla), Đài Loan (31,2 tỉ đôla), và một số nước khác.
Mặc dù vậy, một số nhà phân tích lưu ý rằng nếu tính cả các khoản đầu tư của các tập đoàn Mỹ vào Việt Nam thông qua các chi nhánh ở các nước thứ ba, thì tổng đầu tư của Hoa Kỳ sẽ lớn hơn con số 10 tỉ đôla gấp nhiều lần.
*******************
Việt Nam sẽ ký với Mỹ những hợp đồng trị giá đến 17 tỷ đô la (RFA, 31/05/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam tại Nhà Trắng vào chiều ngày 31 tháng 5 năm 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam vào ngày 30 tháng 5 cho biết Việt Nam sẽ gia tăng nhập khẩu công nghệ cao và dịch vụ từ Hoa Kỳ và nhân chuyến thăm Mỹ, hai bên sẽ ký nhiều hợp đồng có tổng trị giá từ 15 đến 17 tỷ đô la.
Phát biểu trong bữa cơm tối tại Phòng Thương mại Mỹ ở Washington DC vào tối ngày 30 tháng 5, ông Nguyễn Xuân Phúc nói rõ Việt Nam cần những sản phẩm chất lượng cao từ Mỹ và cũng muốn Mỹ mở cửa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng từ Việt Nam như may mặc, giầy dép, đồ gỗ, và trái cây.
Giám đốc điều hành công ty GE Power của Mỹ Steve Bolze cho biết công ty này sẽ ký hợp đồng mới với Việt Nam trị giá khoảng 6 tỷ đô la. Tuy nhiên ông này không cho biết chi tiết cụ thể hợp đồng là gì.
Vào 3 giờ chiều ngày 31 tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Nhà Trắng.
***********************
HRW kêu gọi Mỹ không trải thảm đỏ lãnh đạo độc tài Việt Nam (RFA, 31/05/2017)
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres (phải) bắt tay Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, tại trụ sở LHQ ở New York hôm 30/5/2017. AFP photo
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể không quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam ; thế nhưng Quốc hội Mỹ thì lại không như thế.
Đó là nhận định mà giám đốc hỗ trợ Châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, John Sifton, đưa ra và được loan đi vào ngày 30 tháng 5, ngay trước khi ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Việt Nam được tổng thống Donald Trump tiếp tại Nhà Trắng vào chiều 31 tháng 5.
Theo ông John Sifton thì người mà tổng thống Trump tiếp vào chiều ngày 31 tháng 5 là nhân vật độc tài mới nhất trong danh sách mà người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ đón chào, thăm hỏi hay điện đàm.
Về mặt chính sách ngoại giao, tổng thống nước Mỹ đề ra đường lối ; nhưng Quốc hội với vai trò cố vấn và chuẩn thuận có thể can thiệp nếu có những thực tế mà theo họ không thể chấp nhận. Quốc hội Hoa Kỳ phải chuẩn y các thỏa thuận thương mại ký kết và có thể chặn những thỏa thuận về mua bán vũ khí.
Theo giám đốc John Sifton của Human Rights Watch thì quan ngại lớn của lưỡng đảng Quốc hội Hoa Kỳ là thành tích nhân quyền của Việt Nam.Theo vị giám đốc hỗ trợ Châu Á của Human Rights Watch thì đó là vấn đề đoàn kết những thành viên của cả hai đảng.
Ông John Sifton nêu rõ đó là một thực tế mà chính quyền của tổng thống Donald Trump phải đối mặt : có thể tân chính quyền Mỹ không muốn cổ xúy cho nhân quyền, nhưng thực tế chính trị đòi hỏi họ phải thực thi điều đó.
Giám đốc Hỗ trợ Châu Á của Human Rights Watch nêu ra những trường hợp các tù nhân lương tâm gồm Trần Huỳnh Duy Thức, hiện phải thụ án 16 năm tù do có những bài viết và nỗ lực lập nên nhóm cổ xúy cho dân chủ tại Việt Nam ; trường hợp của tù nhân Ngô Hào, mục sư Nguyễn Công Chính, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, các bloggers Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Đình Ngọc tức Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh- Mẹ Nấm, Hồ Văn Hải- Hồ Hải, cũng như các ông Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng từng nhiều năm lên tiếng cho nhân quyền.
Tác động của việc lãnh đạo Hoa Kỳ công khai nêu những tên tuổi tù nhân lương tâm đó ra có thể giúp biện pháp đối xử với họ trong tù được nới lỏng tốt hơn và thậm chí được trả tự do sớm hơn.
Biện pháp hiện nay của chính quyền Hà Nội dùng tay côn đồ để sách nhiễu, tấn công bằng bạo lực đối với các tiếng nói bất đồng cũng được ông John Sifton nêu ra và nói rõ Human Rights Watch thu thập tài liệu về những trường hợp trong năm ngoái về tình trạng này.
Giám đốc Hỗ trợ Châu Á John Sifton của Human Right Watch kêu gọi Quốc Hội Hoa Kỳ cần chuyển cho ông Nguyễn Xuân Phúc khi đến Washington biết rằng vấn đề nhân quyền vẫn là một đề tài lớn ở thủ đô nước Mỹ. Đây được cho là một kết quả tích cực của chuyến đi sau khi ông Phúc về lại Hà Nội và báo cáo cho Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.