Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/07/2022

Dân tố phản đối phá đường dân sinh bị chính quyền địa phương đánh đập

RFA tiếng Việt

Hai người dân vừa được trả tự do có dấu hiệu bị tra tấn, ép cung trong quá trình bị tạm giữ tại trụ sở của Công an huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

nghean1

Toàn cảnh Khu công nghiệp WHA, đường dân sinh cũ, đường dân sinh mới, khu vực dân cư

Đây là những người nằm trong số 10 người dân bị tạm giữ khi tham gia phản đối việc chính quyền phá bỏ con đường dân sinh ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc hôm 13/7 vừa qua.

Sáng 13/7, chính quyền điều động hàng trăm cảnh sát cơ động, công an thường phục... dựng hàng rào kẽm gai ở đầu đường dân sinh dẫn vào giáo xứ Bình Thuận nhằm phá bỏ con đường này và giao nó cho khu công nghiệp.

Con đường dân sinh tồn tại từ lâu đời, nhưng năm 2017 chính quyền giao đất cho khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 và con đường cắt ngang khu đất này.

Dù một công ty làm đường vòng khác để thay thế con đường dân sinh nhưng người dân không đồng ý, do lo ngại tương lai công ty có thể tự ý đóng đường nhằm ép người dân phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn.

Một số người dân dời hàng rào đi để tiến vào khu vực thi công nhằm phản đối đóng đường thì đụng độ với cảnh sát cơ động được trang bị dùi cui, khiên chắn.

Theo đoạn video quay trực tiếp tại hiện trường và phát lên mạng xã hội thì hai bên xô xát với nhau, cảnh sát bắn lựu đạn cay, quả nổ nghiệp vụ... nhằm giải tán đám đông, trong khi đó cũng có người ném bom xăng về phía cảnh sát.

Hậu quả, theo báo chí Nhà nước là có năm cảnh sát bị thương và 10 người dân bị bắt. Một phụ nữ không thuộc giáo xứ được trả tự do trong đêm 13/7.

Đến trưa 15/7, tức là khoảng hai ngày sau khi xảy ra vụ việc, hai giáo dân ở xứ Bình Thuận được cho về nhà.

Ông Nguyễn Văn Hiền, một người dân địa phương nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do về tình hình của sáu người đang bị tạm giữ:

"Hai người là chị Trần Thị Miên và Nguyễn Thị Hiền đang bị tạm giam tại công an huyện Nghi Lộc, còn bốn người bao gồm hai ông Hà Văn Hạnh và Bùi Văn Cảnh cùng hai bà Hà Thị Thoa và Trần Thị Hoa bị giam ở Trại (tạm) giam Nghi Kim".

Một người khác là bà Bạch Thị Hòa, 72 tuổi, bị thương và được đưa vào bệnh viện huyện để chữa trị nhưng người nhà không được tiếp cận.

Một người dân có am hiểu về tình hình cáo buộc, công an đánh một ông 55 tuổi tại trụ sở công an huyện. Một lần vào buổi sáng lúc mới bị bắt hôm 13/7, và lần thứ hai và vào chiều hôm sau.

Ông này khi đang bị còng tay vào một cái ghế thì một công an đứng tát ba cái vào hai mang tai và sau gáy, làm ông bị ù tai cho đến tận ba ngày sau.

Còn lần thứ hai, ông cũng bị tát bởi viên công an tên Toàn, nhưng bị nhẹ hơn và không để lại vết tích. Người dân giấu tên vì lý do an toàn thuật lại với phóng viên như sau :

"Điều tra viên đặt một chân lên đùi ông ấy để dọa. Họ tát ba cái, hai cái tát ở hai bên tai và giờ vẫn còn bị ù. Tát đằng sau một cái và hai bên tai hai cái. (Người đánh- PV) là công an, mặc cảnh phục công an".

Người đàn ông 55 tuổi trong buổi sáng xảy ra vụ việc nghe thấy có xô xát giữa công an và dân chúng địa phương nên lao ra hiện trường và kêu gọi người dân không manh động, mà chỉ sử dụng ngôn ngữ ôn hòa để phản đối việc chính quyền phá bỏ con đường dân sinh.

Khi công an ném lựu đạn khói và lựu đạn cay, ông này bỏ hiện trường và quay về xóm, tuy nhiên ông ấy công an đi vào các ngõ xóm để lùng bắt dân.

Ông thấy thế liền leo lên tầng hai của một ngôi nhà đang xây để lánh nhưng bị nhìn thấy và một nhóm cảnh sát cơ động tìm đến, vật ông xuống sàn và đánh rồi còng tay ông lôi đi. Hậu quả của việc bị đánh là ông bị một vết sưng ở đầu, bầm ở mặt và mắt có máu.

Người đàn ông này trong quá trình hỏi cung bị phía công an đe dọa là, "không nói thật thì bị giết" và buộc ông phải nhận tội "gây rối trật tự công cộng" và "chống người thi hành công vụ" nhưng ông phản đối. Tuy nhiên, cuối cùng ông vẫn phải ký vào biên bản với nội dung "tham gia tụ tập đông người".

"Ông ấy bị bắt phải nhận gây rối mất trật tự nhưng ông ấy cho là mình không gây rối mà chỉ đi đòi công lý.

Họ bảo là ông ấy tập trung ở nơi đông người thì đó là đã gây rối mất trật tự. Họ buộc ổng phải nhận tội đó.

Người công an tự viết biên bản rồi đọc lại để ông ấy ký nhưng có nhiều đoạn ổng không nhận và gạch đi, nhưng cuối cùng phải ký" - người am hiểu tình hình thuật lại.

Một người đàn ông 50 tuổi khác khi trở về cũng bị cho là chịu cảnh ép cung và buộc nhận tội "gây rối trật tự công cộng" và "chống người thi hành công vụ".

Ông Nguyễn Văn Hiền, người dân ở giáo xứ Bình Thuận nói cho đến chiều 18/7, gia đình của những người vẫn còn bị công an tạm giữ chưa nhận được bất cứ giấy tờ gì của công an về tình trạng của họ và gia đình họ cũng chưa được tiếp xúc với họ.

Trước đó, công an Nghệ An ra thông cáo báo chí cho biết, trong quá trình bảo vệ thi công đóng con đường cũ chạy trong khu công nghiệp, năm cán bộ chiến sĩ công an tại Nghệ An bị thương do bị một số người dân quá khích tấn công.

Sau đó, lực lượng chức năng tổ chức bắt giữ 10 người và khám nghiệm hiện trường, thu giữ các vật chứng liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Lộc nói, đang thu thập tài liệu, chứng cứ, điều tra, làm rõ các hành vi "gây rối trật tự, công cộng", "chống người thi hành công vụ", "bắt giữ người trái phép" của các đối tượng để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Nguồn : RFA, 18/07/2020

Quay lại trang chủ
Read 326 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)