Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/08/2022

Xử phúc thẩm, Thiền am bên bờ vũ trụ, giá xăng dầu

RFA tổng hợp

Ba nhà hoạt động Lê Văn Dũng, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm có lịch xử phúc thẩm

RFA, 04/08/2022

Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ xét xử phúc thẩm ba nhà hoạt động nổi tiếng ở Hà Đông, Hà Nội trong hai phiên tòa riêng biệt vào hai ngày 16/8 và 17/8.

vn1

Ba nhà hoạt động (từ trái qua) : Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Lê Văn Dũng - RFA edit

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết thông tin trên trong một bài viết trên Facebook cá nhân, theo đó phiên tòa phúc thẩm đối với nhà báo độc lập Lê Văn Dũng (tức Lê Dũng Vova) sẽ được tiến hành vào ngày 16/8, còn trong ngày kế tiếp là phiên phúc thẩm đối với hai nhà hoạt động về quyền đất đai Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm.

Ông Lê Văn Dũng, sinh năm 1970, bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án năm năm tù giam và năm năm quản chế với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 trong phiên tòa hồi tháng 3.

Ông bị buộc tội "làm, đăng tải lên mạng xã hội 12 clip có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước, phỉ báng chính quyền, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân và xúc phạm danh dự, uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước" trong thời gian từ tháng 3/2017 đến tháng 9/2018.

Trong phiên toà, ông không phủ nhận việc đăng tải 12 video clip nhưng nói rằng nội dung của các clip ấy chỉ nói lên sự thật. Ông Dũng khẳng định mình vô tội chiếu theo Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.

Trong tin nhắn gửi phóng viên Đài Á Châu Tự Do, bà Bùi Thị Huệ, vợ của ông Dũng, nói bà hy vọng chồng mình sẽ được trả tự do trong phiên phúc thẩm sắp tới. Bà nói đối với các tù nhân lương tâm như chồng bà thì bản án một ngày cũng là quá nặng.

Ông Trịnh Bá Phương, sinh năm 1985, và bà Nguyễn Thị Tâm, sinh năm 1972, cùng ở xã Dương Nội, ngoại thành Hà Nội, và cũng bị bắt trong cùng ngày 24/6/2020 với cùng cáo buộc "phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.

Hai người này, cùng với mẹ của ông Phương là bà Cấn Thị Thêu và em trai Trịnh Bá Tư bị bắt trong cùng một ngày sau khi lên tiếng mạnh mẽ trên mạng xã hội phản đối việc cảnh sát cơ động bố ráp người dân xã Đồng Tâm trong đêm, hậu quả làm ông Lê Đình Kình và ba cảnh sát thiệt mạng.

Trong phiên tòa hồi tháng 12 năm ngoái, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết tội hai nhà hoạt động này, và kết án ông Trịnh Bá Phương mức án 10 năm tù giam và năm năm quản chế còn bà Nguyễn Thị Tâm phải chịu mức án sáu năm tù giam và ba năm quản chế.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, bà Đỗ Thị Thu, vợ của ông Trịnh Bá Phương nói :

"Tôi vô cùng bất mãn về phiên tòa sơ thẩm, bởi vì chồng tôi và gia đình chỉ lên tiếng nói lên sự thật về đất đai và sự thật về dân Đồng Tâm vậy mà họ kết án chồng tôi 10 năm tù giam còn mẹ chồng tôi (Cấn Thị Thêu) và em chồng tôi Trịnh Bá Tư tám năm tù. Bản án này rất là phi lý.

Tôi không hy vọng gì về phiên tòa phúc thẩm sắp tới. Tôi cũng không mong đợi phiên tòa sắp tới sẽ giảm án cho chồng tôi. Tôi chỉ mong chế độ độc tài cộng sản này sớm sụp đổ để cho nhân dân Việt Nam đỡ khổ hơn và có được tự do hơn, và khi đó chồng tôi cũng như các tù nhân khác được trả tự do".

Ông Trịnh Bá Phương bị biệt giam kể từ khi bị bắt, không được gặp gia đình và người thân mà chỉ được gặp luật sư vài lần trong trại giam để chuẩn bị việc bào chữa.

Trong phiên tòa sơ thẩm, ông tố cáo điều tra viên của công an Hà Nội tra tấn ông nhiều lần trong quá trình thẩm vấn, đánh ông vào bộ phận sinh dục khiến ông vô cùng đau đớn.

Trong khi đó, bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư đều bị mức án tám năm tù giam và ba năm quản chế trong một phiên tòa sơ thẩm khác.

Bà Thêu cùng hai con trai được trao Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam năm 2021 của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam vì các nỗ lực bảo vệ quyền con người của họ. 

Bà Nguyễn Thị Tâm cũng từng bị giam cầm hai lần vì đấu tranh chống lại việc thu hồi đất của chính quyền xã Dương Nội.

Lần đầu là năm 2008 về cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" và lần hai vào năm 2014 với tội danh "chống người thi hành công vụ".

***********************

Thiền am bên bờ Vũ Trụ (Tịnh Thất Bồng Lai) giờ ra sao ?

RFA, 02/08/2022

Những người sống ở Thiền Am bên Bờ Vũ trụ thời gian qua bị báo chí Nhà nước và cả một số người trên mạng xã hội cáo buộc ‘lừa đảo, loạn luân, lợi dụng trẻ mồ côi để trục lợi’… Cơ quan công an cũng đã khởi tố, vào cuộc điều tra, nhưng rốt cuộc, không có một bằng chứng nào về hành vi ‘lừa đảo hay loạn luân’.

vn2

Năm trong sáu người ở Tịnh thất Bồng Lai bị khởi tố - RFA edited

Tuy vậy, sáu thành viên tại cơ sở này phải nhận hơn 23 năm tù với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tồ chức, công dân’ theo Điều 331, Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Đối tượng mà cơ quan chức năng đưa ra là Công an Long An và Thượng toạ Thích Nhật Từ. Sau mọi biến động vừa qua, hiện nay các thành viên còn lại sinh sống ra sao ?

Kinh tế bị phong tỏa, tâm lý hoang mang

"Tâm lý mọi người bây giờ là luôn lo sợ, không biết khi nào thì công an lại ập vào khống chế, cưỡng chế đưa đi nữa…"

Một thành viên của Thiền am, không muốn nêu danh tính, nói với RFA như vậy, và cũng chia sẻ thêm về cuộc sống hiện tại của những người còn lại ở cơ sở Thiền am bên Bờ Vũ trụ.

Người này cho biết thu nhập chủ yếu là từ kênh YouTube của các cháu được nuôi dưỡng ở đây, từ việc sáng tác và phối nhạc. Nguồn tiền hỗ trợ từ mạnh thường quân cũng có nhưng chỉ một phần nào, chứ không thể đủ để nuôi sống tất cả mọi người :

"Từ khi những người đó bị bắt giam thì tài chính bị phong tỏa. Nhờ sự giúđỡ cộng đồng mạng, cũng như kênh YouTube "Năm chú tiểu" mới giúđược một phần nào. Em cũng góp phần nhỏ của mình để lo cho Thiền am.

Cuộc sống của họ bị xáo trộn, từ chủ động sang bị động, không có cách nào có thể lao động kiếm ra đồng tiền".

Từ khi các thầy bị bắt, các cô phải lo cán đáng hết mọi việc : từ chăm các cháu bé, cho đến chuẩn bị đồ ăn gởi vào thăm nuôi những người bị bắt.

Trong quá trình điều tra vụ án, cô Bùi Ngọc Trâm (pháp danh là Chơn Ngọc Xuân), một tình nguyện viên chăm sóc các trẻ em trong Thiền am, hoàn toàn không liên quan đến vụ án, nhưng Công an huyện Đức Hòa đã cưỡng chế đi khám phụ khoa ở bệnh viện Xuyên Á :

"Cô Trâm còn bị bắt đi khám thân thể dù không liên quan vụ án, bị hành hạ, bị tán vài bạt tai. Cô Trâm sau đó làm đơn tố cáo Công an huyện Đức Hoà. Công an trả lời rằng cô này đã đồng ý khám, nhưng điều này là sai sự thật".

Chứng kiến công an vào nhà khám xét, lần lượt bắt người đưa đi, các cháu bé luôn cảm thấy lo sợ, bất an. Người lớn trong nhà phải giải thích, an ủi thì tâm lý các cháu mới ổn định trở lại :

"Tâm lý giờ thì ổn, nhưng không còn các thầy các cô trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý nhất là các bé nhỏ trong Thiền am".

Trong thời gian tới, thành viên này khẳng định sẽ cùng với những người còn lại ở Thiền am cố gắng tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc tất cả các cháu bé ở đây.

Vào ngày 9/1/2022, Công an tỉnh Long An khởi tố bốn người trong Thiền am về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi, được cho tại ngoại. Ba đệ tử của ông là Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên và Trùng Dương bị bắt tạm giam.

Đến tháng 5/2022, bà Cao Thị Cúc, 62 tuổi – người đứng tên khu đất Thiền am, cùng với một thành viên khác là Nhị Nguyên cũng bị bắt.

Phiên tòa sơ thẩm ngày 21/7 tuyên án tổng cộng lên đến 23,5 năm tù giam dành cho sáu người. Theo đó, cụ Lê Tùng Vân, đã 90 tuổi, chịu án nặng nhất 5 năm tù giam.

Cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An cáo buộc ông Lê Tùng Vân đã chỉ đạo nhóm người sống ở Tịnh thất Bồng Lai đăng tải các bài viết, clip trên mạng xã hội có nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc, nhằm xúc phạm uy tín của cơ quan Công an huyện Đức Hoà, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của Thượng toạ Thích Nhật Từ…

Bị vùi dập nhiều năm vì "truyền thông bẩn"

Tất cả những người này đều bị kết án vì tội "lợi dụng tự do dân chủ". Tòa không nhắc gì đến hai tội danh "loạn luân" và "lừa đảo" như báo chí nhà nước và hàng loạt các kênh YouTube lan truyền.

Điển hình, Mạng báo Tiền Phong, hôm 5/1 có bài viết nói rằng theo xác minh của cơ quan chức năng tỉnh Long An, những người đang sống cùng, nhận là "đệ tử" của ông Lê Tùng Vân thực ra là con ruột của ông và những người đàn bà khác nhau. Do đó, Cơ quan điều tra vừa khởi tố vụ án về ba tội danh, trong đó có tội "loạn luân".

Thành viên giấu tên của Thiền am cho rằng cũng chính vì những tin đồn vô căn cứ, ác ý của các kênh "truyền thông bẩn", mà Thiền am bị xa lánh, miệt thị trong suốt thời gian qua :

"Theo em nghĩ Thiền am được chú ý, có sức ảnh hưởng trong và ngoài nước.

Nhiều kênh truyền thông bẩn, họ có âm mưu xóa sổ Thiền am từ những năm trước. Họ lên kế hoạch rất chu đáo và tỉ mỉ, bỏ ra tiền bạc vật chất rất nhiều vào câu chuyện này.

Dư luận trước đây họ xa lánh, kinh tởm nơi này vì những thông tin như vậy. Nhờ các luật sư đã đưa thông tin chi tiết qua kênh "Nhật ký Luật sư" thì người ta nhận ra là bị dư luận dn dắt, báo đài, báo chí đưa tin sai sự thật nhằm vu không xúc phạm Thiền am".

Người này nói với RFA rằng những người sống trong Thiền am chú trọng tu tâm dưỡng tánh hiền lành, luôn yêu thương đùm bọc nhau, không sát sanh, không thù hận, không hại ai cả dù họ bị chịu vùi dập trong mấy năm nay.

Đạo của thầy khác ở chùa là không phải mặc áo tu là Phật, không phải tụng kinh gõ mõ là Phật mà là tu tại tâm, làm đúng quy định pháp luật, đúng chuẩn mực đạo đức con người, như vậy đã là thành Phật.

************************

Giá hàng hóa tăng vì xăng lên giá ; giá xăng giảm nhưng giá hàng hóa vẫn cao

RFA, 03/08/2022

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 7 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2022 tăng 0,4% so với tháng trước ; tăng 3,59% so với tháng 12 năm 2021 dù giá xăng đã giảm hơn 7.000 đồng/lít từ đầu tháng 7.

vn3

Bên trong một siêu thị ở Hà Nội - Reuters

Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc giá xăng giảm nhưng một số mặt hàng tiêu dùng vẫn tăng do nhiều yếu tố như giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ...

Để tránh việc lợi dụng tăng giá, mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện gửi Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ ; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.

Theo phân tích của Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long với RFA, đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics, khi giá xăng dầu tăng thì giá cước và chi phí vận chuyển tăng. Điều này tác động trực tiếp lên giá hàng hóa vì tất cả hàng hóa muốn đưa được từ sản xuất đến tiêu dùng thì phải có chi phí vận chuyển. Đấy là quy luật. Nhưng không nhất thiết khi giá xăng dầu giảm thì tất cả hàng hóa phải giảm ngay. Có những hàng hóa vẫn tăng vì quan hệ cung-cầu nhưng về cơ bản là giá hàng hóa sẽ giảm khi giá xăng dầu giảm. Ông nói thêm :

"Khi giá xăng dầu giảm, tức giá đầu vào giảm nhưng giá cước lại giảm chậm và giá những hàng hóa khác cũng ít giảm thì có ba nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là mặt hàng này không phải do Nhà nước định giá cho nên Nhà nước không quyết định được, phải để thị trường quyết định. Tức do người mua và người bán quyết định khi có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau. Nếu người này giảm mà người kia không giảm thì sẽ mất thị phần. Yếu tố thứ hai, cơ quan chức năng vào cuộc cũng chỉ khuyến cáo chứ không bắt buộc doanh nghiệp giảm giá được. Yếu tố thứ ba là phụ thuộc người người tiêu dùng. Đó là ba lý do khiến giá hàng hóa giảm chậm".

Ông Trần Trọng Nhân, chủ doanh nghiệp kinh doanh hàng nội thất cho rằng, tuy Nhà nước kiểm soát mọi thứ nhưng giá cả nhiều mặt hàng Nhà nước không thể can thiệp mà chính thị trường và người tiêu dùng mới là yếu tố quyết định. Tuy vậy, Nhà nước vẫn phải quản lý về mặt bình ổn thị trường để bảo vệ người tiêu dùng. Ông nói :

"Ở Việt Nam không có luật lệ. Mỗi khi giá xăng dầu tăng lên thì họ lấy cớ giá năng lượng tăng để tăng giá tất cả các mặt hàng. Nhưng khi giá xăng giảm thì giá hàng hóa vẫn chưa giảm. Cái này thuộc trách nhiệm Ủy ban Vật giá của Chính phủ và Bộ công thương. Họ phải phối hợp kiểm soát chứ không để các doanh nghiệp hoặc các tổ chức thương mại lợi dụng trục lợi khách hàng. Cái này thuộc phạm vi quản lý vĩ mô của Nhà nước.

Ở Việt Nam không có doanh nghiệp nào thoát khỏi sự quản lý của Nhà nước bởi vì xin phép mở doanh nghiệp thì Sở công thương cấp. Sở Công thương giám sát mọi hoạt động kinh doanh nhưng mình hoạt động phải dựa theo thị trường. Ví dụ như các doanh nghiệp mua bán cùng mặt hàng giảm giá mà tôi không giảm thì đâu kinh doanh được. Kinh tế buộc phải theo thị trường. Khách hàng là người quyết định, không cần Nhà nước can thiệp".

444444444444444444444

Người dân mua xăng tại một trạm xăng ở Hà Nội hôm 10/3/2022. AFP

Ông Trần Trọng Nhân cho rằng, để giá hàng hóa giảm nhanh thì Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ như miễn, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp của ông cũng muốn giảm giá để tăng bán hàng nhưng không dễ vì nhiều chi phí khác tăng, từ nhân công đến chi phí nguyên vật liệu. Chỉ có giá xăng giảm không kéo được giá sản phẩm xuống. Chỉ khi nào chi phí đầu vào thật sự giảm thì doanh nghiệp mới có thể giảm giá sản phẩm.

Theo quy định hiện hành, Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về giá cước vận tải, Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp khi có yêu cầu. Giá cước vận tải được cho là một yếu tố chính trong chi phí đầu vào quyết định giá cả hàng hóa.

Truyền thông Nhà nước dẫn yêu cầu của Bộ Tài chính với Bộ Giao thông Vận tải sau khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát giá hàng hóa : "Đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ đối với các dịch vụ vận tải do Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của bộ. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, đề nghị cơ quan tiếp nhận kê khai rà soát mức giá kê khai dịch vụ vận tải phù hợp".

Giá xăng giảm nhưng giá hàng hóa vẫn không giảm là câu hỏi được người dân đặt ra nhưng dường như chưa có câu trả lời thỏa đáng. Cô Lê Thị Tuyết, một người dân sống ở Sài Gòn cho hay, cô không quan tâm đến những lời giải thích mà cô cho là cao siêu từ các vị lãnh đạo Chính phủ. Điều cô cần là hành động của họ. Cô nói :

"Những gì mà Nhà nước độc quyền như điện, nước thì nhà nước giảm giá trước đi. Người dân tụi tôi đâu có được lựa chọn nhà cung cấp. Mắc bao nhiêu cũng phải vừa xài vừa kêu. Còn những hàng hóa tiêu dùng khác thì để tự người mua và người bán quyết định. Bán mắc thì người dân tụi tôi mua chỗ khác, nhãn hiệu khác tự động người bán phải giảm giá thôi. Nhà nước không cần can thiệp. Theo tôi, nếu tất cả các mặt hàng, dịch vụ trong xã hội mà cho tư nhân kinh doanh thì khi xăng xuống nó sẽ tự xuống vì có sự cạnh tranh".

Nhiều doanh nghiệp tăng giá hàng hóa lý giải do xăng dầu chiếm tỉ lệ nhỏ trong giá thành sản phẩm, nên khi giá xăng giảm thì giá hàng hóa không thể giảm nhiều. Nhưng theo một số chuyên gia kinh tế thì doanh nghiệp không muốn tự mình giảm giá cho đến khi thị trường cạnh tranh buộc họ phải giảm giá để tồn tại. Ngoài ra, một số doanh nghiệp vận tải lo lắng nếu giảm giá vận tải bây giờ mà sắp tới giá xăng tăng lại thì khó cho họ.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 351 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)