Bác sĩ : Nồng độ cồn trong máu nữ sinh Ninh Thuận không phải nguyên nhân của tai nạn !
RFA, 01/08/2022
Một bác sĩ nhận định nồng độ cồn trong máu của nạn nhân Hồ Hoàng Anh ở Ninh Thuận mà cơ quan công an công bố quá thấp không thể nào là nguyên nhân gây tai nạn.
- Ảnh chụp màn hình từ video-camera an ninh
Vụ việc một nữ sinh trung học phổ thông tử vong khi trên đường lấy giấy báo thi xảy ra từ hôm 28/6 nhưng gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua khi đoạn video về vụ tai nạn được công bố trên mạng xã hội.
Theo đoạn video ghi lại từ camera an ninh, xe hơi bảy chỗ ngồi do Thiếu tá Hoàng Văn Minh (thuộc Trung đoàn 937/Sư đoàn 370/Quân chủng Phòng không không quân) lái đang lưu thông thì rẽ phải vào một ngân hàng và xảy ra va chạm với xe máy của nữ sinh Hồ Hoàng Anh đang điều khiển.
Vụ tai nạn khiến nữ sinh lớp 12 Hồ Hoàng Anh bị văng ra khỏi xe, đầu đập vào cột điện bên đường và tử vong khi đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Tài xế bước xuống xe xem xét vụ tai nạn một tay vẫn còn cầm điện thoại nói chuyện.
Hơn hai tuần sau vụ tai nạn, ông Hồ Hoàng Hùng, cha của nữ sinh nhận được thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm với kết quả kiểm tra nồng độ cồn trong máu của nữ sinh Hồ Hoàng Anh là 0,79 mg/100 ml.
Mạng xã hội dậy sóng trước kết quả này, một số người cho rằng việc công bố nồng độ cồn này nhằm đổ lỗi cho nạn nhân khi tài xế liên quan đến vụ tai nạn là một sĩ quan quân đội.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, bác sĩ Nội khoa Đinh Đức Long nói :
"Nồng độ này quá thấp và không ảnh hưởng gì đến khả năng tham gia giao thông. Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì mức phạt hành chính bắt đầu áp dụng cho người tham gia giao thông khi có nồng độ cồn 50 mg/100 ml (máu-PV).
Như vậy, Hội đồng khoa học của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cần công khai kết luận nồng độ cồn trong máu của nạn nhân là bình thường theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế".
Báo mạng Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/8 dẫn lời của ông Bùi Văn Kỷ, phó giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận nói theo Quyết định 320 của Bộ Y tế quy định xét nghiệm có kết quả nồng độ cồn trong máu dưới 0,5023 mg/ml (50,23 mg/100 ml) thì được coi là không có nồng độ cồn.
Ông cũng nói các loại thức ăn như trái cây, sữa chua hay đồ uống nước ngọt có gas cũng có thể sinh ra cồn nội sinh.
Về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn ngày 28/6 ngay trước dịp thi tốt nghiệp phổ thông trung học, bác sĩ Long nói : "Cần thực nghiệm dựng lại hiện trường để kết luận ai vi phạm luật giao thông đường bộ gây chết người, việc này hoàn toàn độc lập với một trong hai người hay cả hai đều uống rượu bia, vì không phải cứ ai uống rượu bia tham gia giao thông đều có thể gây ra tai nạn hết".
Luật sư Nguyễn Khả Thành từ Phú Yên khẳng định :
"Cái quan trọng ở đây là cô đó có đi đúng luật hay không. Dù cô nữ sinh có nồng độ cồn (trong máu- PV) đi chăng nữa nhưng nếu cô ấy đi đúng luật không lấn đường thì người đâm cô vẫn chịu trách nhiệm (trong vụ tai nạn-PV)".
Ngay sau khi nhận được thông báo về nồng độ cồn trong máu của con gái đã mất, ông Hồ Hoàng Hùng bức xúc và không đồng ý với kết luận về kết quả nồng độ cồn trong máu con gái mình.
Ông ngay lập tức có khiếu nại yêu cầu xem xét lại bản kết luận nồng độ cồn, đồng thời cũng trả lời phỏng vấn bày tỏ sự bức xúc trên nhiều mặt báo.
Nhận được đơn của ông Hùng có nội dung khiếu nại việc làm sai lệch hồ sơ vụ án hình sự, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận yêu cầu bằng văn bản Công an tỉnh khẩn trương điều tra, xác minh kết quả kiểm tra nồng độ cồn của nữ sinh xấu số và giải quyết đơn khiếu nại của cha nữ sinh này.
Cơ quan điều tra hình sự quân đội hôm 25/7 cũng phát thông báo tìm nhân chứng vụ quân nhân Hoàng Văn Minh gây tai nạn làm chết nữ sinh trước ngày thi tốt nghiệp.
Người nào là nhân chứng tại hiện trường lúc xảy ra vụ tai nạn có thể liên lạc với điều tra viên Nguyễn Minh Khôi hoặc đến Cơ quan điều tra hình sự khu vực 3/Quân chủng Phòng không - không quân ở thành phố Hồ Chí Minh để cung cấp thông tin.
**********************
Ninh Thuận : Thiếu tá quân đội đụng xe, nữ sinh chết, dư luận lo sự thật bị bẻ cong
VOA, 01/08/2022
Dư luận Việt Nam đang mạnh mẽ lên tiếng nhằm ngăn chặn điều mà họ cho là một thiếu tá quân đội cố bẻ cong sự thật về một vụ tai nạn giao thông có liên quan trực tiếp đến ông này cách nay hơn một tháng làm một nữ sinh thiệt mạng.
Hình ảnh ghi lại vụ tai nạn hôm 28/6 ở Ninh Thuận làm chết nữ sinh Hồ Hoàng Anh, đăng trên Dân Việt hôm 1/8.
Theo tìm hiểu của VOA, vụ tai nạn xảy ra sáng ngày 28/6 ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, khi nữ sinh Hồ Hoàng Anh, 18 tuổi, đi xe máy từ trường về nhà và bị ô tô 7 chỗ của thiếu tá quân đội Hoàng Văn Minh va vào từ phía sau của em ở gần lề đường bên tay phải.
Một video ghi lại vụ việc, được nhiều báo Việt Nam và người sử dụng mạng xã hội đăng lại, cho thấy em Hoàng Anh bị hất văng khoảng 4 mét về phía trước, đập người vào một cột đèn, và nằm bất động tại hiện trường. Em qua đời khi được đưa vào bệnh viện.
Các hình ảnh ghi lại cũng cho thấy một người đàn ông được cho là ông Minh bước ra khỏi xe cùng lúc vẫn đang nói chuyện qua điện thoại di động, ông ta quan sát nạn nhân nhưng không tỏ ra tích cực cấp cứu, bị cộng đồng mạng đánh giá là "có thái độ vô cảm, không thể chấp nhận được".
Một người phụ nữ đi ra từ chiếc xe, được cho là vợ ông Minh, dường như có cố gắng nhiều hơn nhằm cứu em Hoàng Anh.
Hai tuần sau vụ tai nạn, xuất hiện những dấu hiệu ban đầu cho thấy có một nỗ lực nhằm đánh tráo sự thật về vụ tai nạn khi công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm thông báo với gia đình em Hoàng Anh rằng trong máu của em có nồng độ cồn là 0,79 mg/100 ml máu.
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của VOA, một tài khoản Facebook mang tên Minh Hằng, được cho là thuộc về vợ viên thiếu tá Minh, người gây ra tai nạn, có đăng bài đổ lỗi vụ tai nạn cho em Hoàng Anh. Bài viết này đưa ra các lập luận gồm em Hoàng Anh đi xe máy quá nhanh, lốp mòn không còn độ bám đường, mũ bảo hiểm kém chất lượng và trong người có độ cồn cao.
Cha đẻ của em, ông Hồ Hoàng Hùng, nói với báo giới trong nước rằng ông rất "bức xúc" về việc thu thập mẫu máu của Hoàng Anh mà không có sự chứng kiến của gia đình và của đại diện các cơ quan chức năng khác.
Ông Hùng cũng đã gửi đơn lên công an tỉnh Ninh Thuận, cấp trên của công an Phan Rang-Tháp Chàm, và các lãnh đạo khác của tỉnh để khiếu nại về điều mà ông cáo buộc là hồ sơ vụ tai nạn giết chết con ông đã bị làm sai lệch, các báo Việt Nam tường thuật.
Vụ việc gây tranh cãi này thu hút sự quan tâm của dư luận, đồng thời dẫn đến nhiều lời chỉ trích của công chúng trên mạng xã hội dành cho thiếu tá quân đội Hoàng Văn Minh, công an Phan Rang-Tháp Chàm, và bệnh viện tỉnh Ninh Thuận, nơi đưa ra kết quả nồng độ cồn, theo quan sát của VOA.
Nhiều người sử dụng mạng xã hội, bao gồm những tên tuổi có nhiều ảnh hưởng với hàng trăm ngàn người theo dõi như nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, nhà báo tự do Đỗ Cao Cường, nhà phản biện xã hội Hoàng Dũng, nhà văn Nguyễn Đình Bổn…, cho rằng có dấu hiệu những người có chức quyền bao che cho nhau, vu oan cho nữ sinh Hoàng Anh, "làm chìm xuồng" vụ tai nạn.
Căn cứ vào đoạn video được công bố, các Facebooker nổi tiếng và những người am hiểu luật nhận định rằng em Hoàng Anh đi đúng làn đường, trong khi thiếu tá Minh thuộc Phòng không-Không quân Việt Nam, đã chuyển hướng không quan sát, không bật đèn tín hiệu, và thậm chí có thể còn vừa lái xe vừa nói chuyện điện thoại.
Dư luận trên mạng xã hội lên án rằng nỗ lực đổ vấy trách nhiệm cho em Hoàng Anh, nhất là việc đưa ra kết quả nồng độ cồn, là bất nhân, thất đức. Họ đòi nhà chức trách phải điều tra lại, làm rõ người thực sự có trách nhiệm trong vụ tai nạn, truy tố và xử lý nghiêm. Những bài viết của các Facebooker nổi tiếng về vụ việc thu hút hàng ngàn lời bình luận ủng hộ và được nhiều người lan truyền qua chức năng "share".
VOA cố gắng liên lạc nhiều lần với thiếu tá Hoàng Văn Minh và bà Hằng, vợ ông, để tìm hiểu quan điểm của họ, nhưng họ không hồi đáp.
Sau khi báo chí đăng ý kiến khiếu nại của ông Hùng, cha của em Hoàng Anh, và sau nhiều ngày dư luận gây sức ép, hôm 1/8, hơn một tháng kể từ khi xảy ra vụ tai nạn, chủ tịch của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận giao công an tỉnh điều tra, xác minh về kết quả nồng độ cồn của em Hoàng Anh, đồng thời phải giải quyết đơn khiếu nại của ông Hùng về việc làm sai lệch hồ sơ vụ tai nạn.
Cũng trong ngày 1/8, công an Ninh Thuận công bố với báo giới trong nước rằng kết quả nồng độ cồn của em Hoàng Anh với chỉ số 0,79 mg/100 ml máu là con số "bình thường", đồng nghĩa là "không có dấu hiệu uống rượu bia". Báo Lao Động viết rằng thông tin do vị lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông thuộc công an tỉnh Ninh Thuận đưa ra đã dập tắt các quan điểm cho rằng nữ sinh Hoàng Anh đã sử dụng rượu bia.
VOA quan sát thấy dư luận trên mạng xã hội ghi nhận các động thái của lãnh đạo tỉnh và công an tỉnh Ninh Thuận, song họ vẫn dặn dò nhau tiếp tục theo dõi sát sao và lên tiếng thẳng thắn về những điều mờ ám, để nữ sinh Hoàng Anh không bị oan ức, và sâu xa hơn là để con em của mọi người không bị rơi vào hoàn cảnh tương tự trong tương lai.