Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/08/2022

Phúc thẩm Phạm Đoan Trang : Hà Nội vẫn sợ dư luận trong và ngoài nước

Hoài Nguyễn - RFA tiếng Việt

Phiên xử công khai nhưng vào dự khán là hạn chế ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 09/08/2022

Phiên tòa phúc thẩm vụ án bà Phạm Đoan Trang sẽ diễn ra lúc 8g00 sáng ngày 25/8. Địa điểm mở phiên tòa : Phòng xét xử số VI – tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, số 1 Phạm Văn Bạch.

pdt1

Quyết định đưa vụ án ra xét xử nói rõ : "Vụ án được xét xử công khai".

Theo từ điển Luật học thì "xét xử là hoạt động đặc trưng, là chức năng nhiệm vụ của tòa án. tòa án là cơ quan duy nhất của một nước đảm nhiệm chức năng xét xử, không ai có thể buộc tội mà không qua xét xử của tòa án và kết quả xét xử phải được công bố bằng bản án".

Vì xét xử là hoạt động của tòa án, một hoạt động đặc trưng của việc thực hiện chức năng tư pháp của Nhà nước, nên hoạt động này được tiến hành theo cách thức hay thủ tục nhất định dựa trên những nguyên tắc tố tụng hết sức nghiêm ngặt. Bởi vì kết quả của nó ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, cơ quan có liên quan.

Trong từ điển tiếng Việt "công khai" được giải thích như sau : "Công khai là việc không giữ kín mà để cho mọi người đều có thể biết". Tính công khai trong công tác xét xử được hiểu là việc xét xử các vụ án được tiến hành một cách công khai, mọi người đều có thể tham dự và theo dõi diễn biến của phiên tòa xét xử.

Thông qua Hiến pháp – đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất cùng với các văn bản pháp luật chuyên ngành đều quy định việc xét xử của tòa án được tiến hành công khai, mọi công dân từ đủ 16 tuổi trở lên đều có thể tham dự và tòa án phải công bố tất cả các quyết định được thông qua trong quá trình xét xử của vụ án.

Cụ thể, theo khoản 3 Điều 103 của Hiến pháp 2013 quy định như sau : "3. tòa án nhân dân xét xử công khai…". Do vậy, nguyên tắc này được triển khai thực hiện ở các phiên tòa ; trong tất cả các lĩnh vực khác nhau, như hình sự, dân sự, hành chính, lao động...

Bắt nguồn từ nguyên tắc về quyền con người, ai cũng có quyền bình đẳng trước pháp luật. Mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng, công khai bởi tòa án. Điều này nhằm xác định các quyền và nghĩa vụ của họ ; cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ. Thêm nữa, với vai trò nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, thực thi pháp luật, các phiên tòa được hiến định rằng phải được tổ chức công khai để mọi người dân có nhu cầu thì đều có thể tham gia ; đều có thể được biết thông tin về vụ việc được xét xử.

Thông qua đó thực hiện chức năng giám sát đối với hoạt động xét xử vụ án. Ngoài ra, việc xét xử công khai phát huy được tính giáo dục chính trị – pháp lý ; tác dụng phòng ngừa của hoạt động xét xử. Việc xét xử công khai bảo đảm cho hoạt động xét xử được tiến hành đúng đắn ; nâng cao trách nhiệm của thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, luật sư bào chữa đối với việc thực hiện nghĩa vụ của mình ; đối với việc tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật.

Về lý thuyết thì nguyên tắc xét xử công khai là sự thể hiện cụ thể của việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự. Thế nhưng vấn đề nhân quyền luôn là điểm nóng ở các bản án liên quan đến quyền biểu đạt chính trị tại Việt Nam thì nguyên tắc xét xử công khai chịu nhiều giới hạn về quyền dự khán của người dân tìm đến theo dõi diễn biến của phiên tòa xét xử.

Pháp luật cũng có quy định về những vụ án được xét xử kín thì không công bố nội dung vụ án, diễn biến của phiên tòa nhưng vẫn phải tuyên án công khai với sự tham dự tự do của người dân quan tâm đến vụ án này. Theo đó, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Phần tuyên án công khai này sẽ chỉ nêu họ tên các bị cáo, tội danh bị kết án và mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo.

Lưu ý, nguyên tắc xét xử công khai chỉ áp dụng đối với thủ tục xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm, không áp dụng đối với thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm.

Với những tóm tắt pháp lý như trên cho thấy ở phiên tòa phúc thẩm vụ án bà Phạm Đoan Trang sắp tới đây, nếu đã thông báo rõ là "xét xử công khai", thì mọi người dân quan tâm đến vụ án này đều được quyền tiếp cận, tìm hiểu về tình tiết, nội dung xét xử mà không bị lực lượng cảnh sát tư pháp lẫn an ninh thường phục cản trở, hạn chế bằng cách này hay cách khác vốn vẫn thường thấy trong các bản án liên quan đến quyền biểu đạt về chính kiến thể chế.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 09/08/2022

************************

Nhà báo Phạm Đoan Trang sắp ra tòa phúc thẩm : ‘Đây là án thái độ’

RFA, 09/08/2022

Nhà báo Phạm Đoan Trang, người được trao nhiều giải nhân quyền quốc tế, sắp ra tòa phúc thẩm. Luật sư đại diện nhận định việc giảm án tùy thuộc vào việc bị cáo có nhận tội hay không. 

pdt2

Nhà báo Phạm Đoan Trang - icj.org

tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ tổ chức phiên tòa phúc thẩm vào ngày 25/8 để xét xử nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng và nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang vì có đơn kháng cáo. 

Bà Trang bị tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án chín năm tù giam về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 trong phiên tòa hồi tháng 12 năm 2021.

Theo thông báo của tòa gửi cho luật sư, phiên tòa công khai sẽ được thực hiện tại trụ sở của tòa án cấp cao tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, luật sư Ngô Anh Tuấn, người tham gia bào chữa cho bà Trang trong cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm cho biết, thân chủ của ông luôn khẳng định mình vô tội và chính vì thái độ này của bà mà khó có sự thay đổi về mức án trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới.

"Chị Trang ngay từ đầu đến giờ hoàn toàn không nhận tội, chúng tôi cũng đồng quan điểm với chị Trang. 

Trong quan điểm bào chữa của các luật sư, chị Trang không có tội nên là không có chuyện xin giảm nhẹ mức án. 

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phiên tòa phúc thẩm không có thay đổi nhiều, tức là khả năng y án sơ thẩm đến trên 90%. 

Bởi vì trong các vụ án như thế này, như chúng tôi đã trình bày rất nhiều lần, đây là án thái độ, nghĩa là nếu các thân chủ của chúng tôi xin giảm nhẹ thì được chấp nhận rất là cao. 

Tuy nhiên, họ không xin giảm nhẹ và khả năng y án rất là cao, và trường hợp của bà Trang cũng không phải là ngoại lệ".

Bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của nhà hoạt động 44 tuổi bày tỏ với phóng viên rằng, bà không biết có được tham dự phiên tòa phúc thẩm công khai như trong phiên sơ thẩm hay không. Bà chia sẻ :

"Theo thông lệ thì nếu mà là các nước khác thì chắc họ cũng có phần nể áp lực quốc tế nhưng Việt Cộng lỳ lắm. 

Ngay khi Trang bị bắt cũng như trước phiên sơ thẩm, nhiều đại sứ quán nước ngoài kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Trang ngay và vô điều kiện nhưng nó có làm đâu".

Bà cho biết thêm bà Trang chưa được gặp người thân kể từ khi bị bắt hơn 22 tháng trước. Con gái bà bị phân biệt đối xử. 

Gia đình không được gửi thức ăn đã chế biến sẵn như nhiều trường hợp khác mà bị buộc phải mua từ căng-tin của Trại tạm giam số 1 của Công an Hà Nội để tiếp tế.

Theo cáo trạng, từ ngày tháng 11 năm 2017 đến đầu tháng 12 năm 2018, bà Trang có hành vi "làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam".

Cụ thể, bà Trang bị cho là có hành vi tàng trữ các tài liệu : "Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam", "Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam", và "Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam".

Viện Kiểm sát thành phố Hà Nội, cơ quan giữ quyền công tố, nói các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền "luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Bà Trang cũng bị cáo buộc đã có hành vi trả lời phỏng vấn đài nước ngoài như BBC News tiếng Việt và Đài Á Châu Tự do (RFA) với "nội dung thông tin xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước".

Bà Trang, đồng sáng lập Luật Khoa tạp chí và trang báo tiếng Anh The Vietnamese Magazine, bà cũng là tác giả của nhiều cuốn sách chính trị như Chính trị Bình dân và Cẩm nang Nuôi tù.

Từng là cựu phóng viên của báo VietnamNet, bà bị bắt ngày 06/10/2020, chỉ vài giờ sau Đối thoại Nhân quyền Việt Nam-Hoa Kỳ thường niên.

Việc bà bị bắt có liên quan đến việc bà là đồng tác giả của Báo cáo Đồng Tâm, một báo cáo toàn diện nói về tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, và cuộc tấn công của khoảng 3.000 cảnh sát cơ động vào làng Hoành sáng sớm ngày 9/1/2020, giết chết thủ lĩnh tinh thần Lê Đình Kình và bắt giữ hàng chục người dân. Chỉ một thời gian ngắn sau khi báo cáo song ngữ Anh-Việt được công bố thì bà bị bắt.

Nhiều năm trước khi bị bắt giam, bà Trang đã nhiều lần bị công an Việt Nam câu lưu và đánh đập. 

Do bị lực lượng an ninh đánh trong vụ biểu tình phản đối chính quyền Hà Nội chặt hàng nghìn cây cổ thụ ở trung tâm thành phố tháng 5 năm 2015, chân bà bị hỏng khớp và bà phải dùng nạng để di chuyển. 

Bà Căn nói trong suốt thời gian điều tra, con gái bà bị đánh đập nhiều lần bởi cán bộ điều tra và cả tù hình sự. Hiện bà Trang bị nhiều bệnh như rong kinh, huyết áp thấp, và đau chân nhưng không được điều trị y tế đầy đủ.

Do các hoạt động cổ súy nhân quyền và tự do báo chí, bà Trang được tặng nhiều giải thưởng quốc tế cao quý, trong đó có Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Giải thưởng của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cho mục Ảnh hưởng, giải thưởng Homo Homini từ tổ chức People In Need (Cộng hòa Czech), giải Tự do Truyền thông 2022 do Bộ Ngoại giao Canada và Vương Quốc Anh trao tặng, giải thưởng nhân quyền quốc tế Martin Ennals, và gần đây nhất là giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ).

Nguồn : RFA, 09/08/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn, RFA tiếng Việt
Read 396 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)