Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/08/2022

Dù đang hè, Tòa án và Công an không quên hăm dọa công dân

RFA tổng hợp

Phúc thẩm ba lãnh đạo xã hội dân sự : Hai người được giảm án, một người y án vì không nhận tội

RFA, 11/08/2022

Hai nhà lãnh đạo tổ chức xã hội dân sự có đăng ký với Nhà nước được giảm án tù trong phiên tòa phúc thẩm sáng 11/8, một người còn lại bị xử trong vụ án khác trong buổi chiều lại bị tuyên y án sơ thẩm.

toaan1

Từ trái qua : Các ông Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương - NV/ ANTĐ/ RFA edited

Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội quyết định giảm án cho nhà báo Mai Phan Lợi (Chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng - MEC) và ông Bạch Hùng Dương, Giám đốc của tổ chức này.

Ông Lợi được giảm từ 48 tháng tù xuống còn 45 tháng tù, ông Dương được giảm từ 30 tháng tù xuống còn 27 tháng tù, cả hai đều bị kết tội "trốn thuế".

Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn thông tin từ tòa phúc thẩm cho biết, việc giảm án cho ông Lợi căn cứ vào việc ông này có nhiều thành tích trong quá trình công tác, gia đình chủ động khắc phục một phần số tiền trốn thuế, thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải.

Đối với ông Bạch Hùng Dương, việc giảm án căn cứ vào việc bị cáo đồng phạm với vai trò giúp sức nhưng không hưởng lợi gì từ hành vi trốn thuế, bản thân cũng đang mắc bệnh.

Sau khi phiên tòa kết thúc, luật sư Huỳnh Phương Nam - người bào chữa cho ông Mai Phan Lợi cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau :

"Kết quả phiên tòa hôm nay là giảm án ba tháng so với án sơ thẩm. Giảm án là do bị cáo tiếp tục khắc phục một phần số tiền trốn thuế. Số tiền khắc phục thêm 400 triệu nữa. Tổng số tiền trong bản án sơ thẩm quy kết là 1 tỷ 9 trăm bảy mấy triệu có lẻ".

Theo luật sư thì tổng số tiền gia đình của nhà báo Mai Phan Lợi đã nộp là 1,2 tỷ đồng, tuy nhiên luật sư Huỳnh Phương Nam từ chối bình luận thêm về phiên tòa.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, MEC có doanh thu là các khoản tiền tài trợ từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước, với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng nhưng lại trốn thuế.

Ông Lợi bị cho là đã chỉ đạo ông Dương và các cấp dưới không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo qui định của pháp luật, không lập báo cáo tài chính, không nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp… Số tiền bị cho là trốn thuế là gần hai tỷ đồng.

Ông Mai Phan Lợi từng là Phó tổng thư ký tòa soạn, Trưởng văn phòng đại diện của báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tuy nhiên ông bị rút thẻ nhà báo hồi năm 2016 do một thăm dò trên nhóm Facebook Diễn đàn Nhà Báo Trẻ.

Trước khi bị bắt giữ với cáo buộc trốn thuế, ông Lợi đồng thời là sáng lập viên và quản trị của hai nhóm Facebook về báo chí có hơn 100 ngàn thành viên.

Trong phiên xử phúc thẩm vào buổi chiều cùng ngày, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên y án sơ thẩm đối với ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) do ông này không nhận tội và không đồng ý khắc phục số tiền 1,3 tỷ đồng bị cho là "trốn thuế".

Ông Bách bị bắt hồi năm 2021 và trong phiên tòa ngày 24/1 năm nay, ông bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án năm năm tù giam.

Cáo trạng cho rằng từ năm 2016 đến năm 2020, tổ chức nghiên cứu khoa học và triển khai các đề tài, đề án, dự án thuộc lĩnh vực pháp luật và chính sách phát triển bền vững do ông Bách làm giám đốc, nhiều lần không nộp hồ sơ khai thuế, trốn thuế, bỏ ngoài sổ sách các khoản tiền nhận từ nước ngoài.

Bà Trần Phương Thảo cho phóng viên RFA biết tuy bà được Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cấp cho thẻ "Người nhà bị cáo" để vào trong phòng xử án theo dõi phiên tòa, nhưng lực lượng an ninh không cho bà vào, buộc bà phải ngồi ngoài cổng của tòa nhà, và chỉ nhìn thấy chồng khi ông bị đưa vào phòng xử án.

Bà cho biết lực lượng an ninh được bố trí dày đặc khu vực xung quanh tòa nhà trụ sở của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Lực lượng an ninh không cho luật sư mang theo máy tính xách tay và điện thoại vào phòng xử án.

Nhà chức trách Việt Nam không cho phép đại diện ngoại giao của Đại sứ quán Hoa Kỳ, Đức và Liên Hiệp Châu Âu (EU) đến dự phiên tòa với lý do theo bà Thảo thuật lại là "phòng xử án không đủ chỗ ngồi".

Về kết quả phiên tòa, bà nói :

"Kết quả phiên tòa hôm nay là y án năm năm tù cho chồng tôi. Tôi là vợ mà không được vào tham dự phiên tòa xét xử công khai chồng mình, đấy là một điều tôi vô cùng phẫn nộ và uất ức.

Tôi không quá bất ngờ về phiên tòa hôm nay và đã chuẩn bị tinh thần từ trước là sẽ không có gì thay đổi nhiều. Chồng tôi phủ nhận tất cả các cáo buộc, vẫn cho rằng mình vô tội. Quan điểm của hai luật sư cũng theo hướng chứng minh chồng tôi vô tội. Do gia đình tôi không nộp tiền khắc phục hậu quả và đó là lý do tòa không có xét tình tiết giảm nhẹ".

Cả hai ông Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách đều là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA. Mạng lưới này bao gồm bảy tổ chức xã hội dân sự và hình thành vào tháng 11 năm ngoái nhằm phổ biến thông tin về Hiệp định Mậu dịch Tự do Liên Âu-Việt Nam (EVFTA), sự hình thành các xã hội dân sự Việt Nam, và Ban Tư vấn trong nước (DAG).

Trong năm nay, Việt Nam bỏ tù bốn nhà hoạt động xã hội dân sự với tội danh "trốn thuế" theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự. Giữa tháng sáu vừa qua, nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh, lãnh đạo tổ chức GreenID và là người được giải thưởng môi trường danh giá Goldman, bị kết án hai năm tù giam.

Nhiều chính phủ trên thế giới và tổ chức nhân quyền chỉ trích việc Việt Nam đàn áp xã hội dân sự có đăng ký, yêu cầu Hà Nội trả tự do cho bốn nhà lãnh đạo xã hội dân sự nói trên.

**********************

Báo Công an "răn đe dư luận" vụ Tịnh thất Bồng Lai bị luật sư phản bác

RFA, 11/08/2022

Một tờ báo của Bộ Công an cho rằng có luồng dư luận đang hướng lái vụ Tịnh thất Bồng Lai và chính trị hóa vụ án này, tuy nhiên luật sư nhân quyền phản bác, cho là những quy kết như vậy nhằm răn đe người dân.

toaan2

Các bị cáo là thành viên của Tinh thất Bồng lai tại phiên tòa ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An hôm 20/7/2022 -  PLO

Trong vụ án "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" mà các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai là bị cáo, truyền thông Nhà nước đã được huy động để định hướng dư luận ngay từ đầu, một trong số đó có báo Công an Nhân dân.

Mới đây nhất, ngày 8/8, tờ báo này tiếp tục cho đăng tải một bài viết của tác giả Anh Tú, trong đó gọi những người phản đối việc truy tố các thành viên của cơ sở tu tại gia này là "đối tượng xấu", và cáo buộc họ có ý đồ "chính trị hóa" vụ án.

Tờ báo trực tuyến của ngành công an nhắc đến Đài Á Châu Tự Do hay BBC News tiếng Việt... và cho rằng các tổ chức báo chí này "liên tục tung ra những bài viết với các luận điệu sai trái".

Trao đổi qua tin nhắn với phóng viên RFA dưới điều kiện giấu tên vì lý do an toàn, một luật sư nhân quyền từ trong nước cho rằng Bộ Công an thông qua bài báo trên đang muốn đe doạ dư luận :

"Việc báo Công An nói vụ án Tịnh thất Bồng Lai bị chính trị hóa chỉ là phương thức áp đặt nhằm đe doạ những người muốn phản đối hoặc bình luận về vụ án này mà thôi.

Ai cũng có quyền nói, bình luận về bản án của Tòa Long An đối với phiên tòa xử vụ Tịnh Thất Bồng Lai vì đây là quyền tự do ngôn luận.

Hơn nữa phiên tòa này vốn dĩ được báo chí nhà nước thổi phồng, bóp méo nội dung vụ án nên dư luận có nhiều bình luận theo nhiều hướng khác nhau là lẽ thường tình".

Luật sư nhân quyền nhắc lại "vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông", và cho rằng hiện nay vẫn được báo chí Việt Nam nhắc lại như một dấu tích của nền Tư pháp liêm chính tại Hồng Kông.

Ngoài cáo buộc dư luận trái chiều với những tội trạng tày đình ra thì cơ quan ngôn luận của Bộ Công an cũng kết tội các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai với nhiều cáo buộc như "lợi dụng tôn giáo để trục lợi", "xúc phạm đạo Phật", "gây chia rẽ tôn giáo", và "vu khống cơ quan chức năng".

Bài báo viết : "Những sai phạm xảy ra tại "Tịnh thất Bồng Lai" diễn ra có tổ chức, trong một thời gian dài, đã xúc phạm trực tiếp đến uy tín, danh dự của nhiều cá nhân, tổ chức như : Công an huyện Đức Hòa, ông Trần Ngọc Thảo (Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Phật giáo quốc tế và trụ trì chùa Giác Ngộ)...".

Một lần nữa thì các cáo buộc của báo Công an bị bác bỏ thẳng thừng, và lần này là do chính luật sư đại diện của các thành viên của Thiền Am. Trả lời phỏng vấn của đài RFA, luật sư Đặng Đình Mạnh nói :

"Đến nay thì tôi có thể khẳng định luôn những thông tin đó đều không có cơ sở pháp lý, cũng không có trên thực tế".

Vị luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết thêm rằng bản chất của Tịnh thất Bồng Lai, sau này đổi tên thành Thiền am Bên bờ Vũ trụ, không phải là một cơ sở tôn giáo chiếu theo các tiêu chuẩn được quy định trong luật pháp Việt Nam, cho nên không thể kết tội họ lợi dụng tôn giáo được.

Còn việc họ thực hành các hoạt động mang yếu tố tín ngưỡng thì theo luật sư là quyền tự do được hiến pháp 2013 bảo vệ.

"Việc mà gán ghép họ như là một tôn giáo, rồi thậm chí là mượn danh, mượn hình ảnh Phật giáo, theo chúng tôi là hoàn toàn vô lý. Và cái yếu tố cho rằng lợi dụng tôn giáo để trục lợi, tại vì họ không phải là một tôn giáo cho nên là không thể xem xét họ như là một tôn giáo để xem xét vấn đề trục lợi hay không".

Sau phiên xét xử sơ thẩm diễn ra trong hai ngày 20 và 21/7, các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai đã bị xử tổng cộng hơn 23 năm tù giam, trong đó ông Lê Tùng Vân là người chịu mức án nặng nhất là 5 năm.

Tuy nhiên, tội duy nhất mà những người này bị cho là phạm phải lại là tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự năm 2015, chứ không bao gồm các tội như báo Công an Nhân dân quy kết.

Cũng theo luật sư bào chữa thì cho đến nay toàn bộ các thành viên của Thiền am đều đã làm đơn kháng cáo, trong đó ông Lê Tùng Vân vẫn một mực cho rằng mình vô tội.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đài RFA về quan điểm của các luật sư về đơn kháng cáo của thân chủ, luật sư Đặng Đình Mạnh cho hay :

"Thực ra thì ngay từ khi tiếp cận vụ án, theo dõi quá trình điều tra, xét xử vụ án thì tôi tin rằng việc ông Lê Tùng Vân kháng cáo là hoàn toàn đúng đắn.

Tôi cho rằng gần như cả quá tình tố tụng có nhiều điểm, chúng tôi đã phản ánh tại tòa 22 điểm, về phương diện tố tụng đã không được bảo đảm. Điều đó đưa đến hệ quả là chúng tôi nghi ngờ toàn bộ quá trình khởi tố và truy tố cũng như xét xử vụ án".

Hiện chưa rõ khi nào thì phiên tòa xét xử phúc thẩm sẽ diễn ra, nhưng luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, ông và các đồng nghiệp của mình sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi cho các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai ở giai đoạn tiếp theo.

Đây là một vụ án mà những bị cáo phải nhận án tù vì những gì họ nói trên mạng xã hội, bởi vì điều họ nói bị cho là "xâm phạm đến lợi ích" của cơ quan nhà nước, nhưng điều trái khoáy là bản thân các bị cáo lại là nạn nhân của hàng loạt cáo buộc vô căn cứ đến từ chính các cơ quan nhà nước, đơn cử như báo Công an Nhân dân.

Nguồn : RFA, 11/08/2022

*************************

Hơn chục tỉnh, thành lập lực lượng trấn áp biểu tình

RFA, 10/08/2022

Hơn chục tỉnh, thành ở Việt Nam vừa công bố thành lập Trung đoàn hoặc Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu. Một trong các nhiệm vụ của lực lượng này được công bố là nhằm trấn áp những người bị cho "gây rối trật tự công cộng" và "biểu tình trái pháp luật".

toaan3

Hơn chục tỉnh - thành lập lực lượng trấn áp biểu tình - Lao động/RFA edited

Vi hiến

Lễ ra mắt Trung đoàn Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra vào sáng ngày 10/8. Báo chí Nhà nước cho biết lực lượng này được thành lập theo Quyết định số 1984/QĐ-BCA về việc thành lập Trung đoàn, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Toàn văn Quyết định số 1984 của Bộ Công an chưa được công khai trên các phương tiện truyền thông.

Theo mạng báo Công an Nhân dân, các Trung đoàn, Tiểu đoàn này phải sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống khi có lệnh điều động của Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh - thành.

Tính đến ngày 10/10, theo tổng kết của RFA, có ít nhất 15 tỉnh - thành phố đã ra mắt lực lượng này. Trong đó có thể kể ra các tỉnh, thành phố gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Nghệ An, Lào Cai, Bắc Giang, Thanh Hoá, Gia Lai…

Khu vực Đông Nam bộ như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai là nơi có nhiều khu công nghiệp, thu hút nhiều công nhân, lao động tập trung ở các địa phương này.

Còn các tỉnh như Cao Bằng, Gia lai là nơi có nhiều tín đồ sắc tộc thiểu số như Ê đê theo đạo Tin Lành hay người H’Mông theo đạo Dương Văn Mình.

Một số tỉnh lập Tiểu đoàn có Sóc Trăng, Ninh Thuận, Thái Bình, Phú Thọ, Quảng Nam, Hòa Bình…

Công an Thành phố Hồ Chí Minh thông tin với báo chí về một số nhiệm vụ chi tiết được liệt kê là "ngăn chặn, trấn áp các vụ gây rối trật tự công cộng ; biểu tình trái pháp luật ; cứu nạn cứu hộ ; tham gia bảo vệ các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước và các ngày lễ lớn ; đảm bảo vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu".

Một luật sư không muốn nêu tên, hiện đang ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, việc "trấn áp biểu tình trái pháp luật" được liệt kê trong các nhiệm vụ là vi hiến. Bởi, theo luật sư này, Biểu tình là quyền của công dân Việt Nam, được ghi trong Hiến Pháp. Trong khi đó, Luật Biểu tình thì chưa có, nên không thể nói là "biểu tình trái pháp luật được".

"Cá nhân tôi thấy hiện chưa có Luật Biểu tình thì không thể nói là trái pháp luật được. Hơn nữa, Quyền biểu tình là quyền hiến định nên việc trấn áp là trái hiến pháp.

Nhà nước Việt Nam không nhắc tới Luật Biểu tình có lẽ vì họ không muốn, lo sợ người dân biểu tình".

Chị Phụng, từng tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 trong vùng Đặc quyền kinh tế ở Việt Nam hồi năm 2014, nói với RFA rằng Chính phủ nợ Luật Biểu tình từ quá lâu rồi. Không có luật thì làm sao người dân biết :

"Theo Hiến pháp Việt Nam quy định thì người dân được quyền biểu tình, nhưng mà luật về biểu tình thì nhiều năm nay Nhà nước vẫn nợ người dân.

Về cơ bản, ở Việt Nam, cứ biểu tình là bị trấn áp, bởi vì họ không có thông qua luật để cho người dân có thể xin phép, tổ chức biểu tình giống như ở các nước khác".

Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Từ năm 2013, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp vi các cơ quan liên quan xây dựng dự án Luật Biểu tình.

Cho đến năm 2017, Luật này nhiều lần được báo chí Nhà nước thông báo phải rút khỏi Nghị trình Quốc hội, lùi lại để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, hồi năm 2017 phát biểu trước Quốc hội rằng việc ban hành Luật Biểu tình nhằm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 về đảm bảo quyền con người, quyền công dân là rất cần thiết.

Tuy nhiên, từ sau năm 2018, không có một Đại biểu quốc hội hay tờ báo trong nước nào nhắc đến Luật Biểu tình nữa.

toaan4

An ninh và công an tìm cách ngăn chặn người biểu tình đòi nước sạch ở Hà Nội hôm 1/5/2016. Reuters

Tăng cường trấn áp phản kháng trong dân

Theo nhà báo, người quan sát, bình luận chính trị, xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Bình, ở Việt Nam, Hiến pháp quy định là một chuyện, còn thực tế diễn ra thế nào lại là chuyện hoàn toàn khác.

Và việc thành lập một cơ quan, lực lượng chuyên biệt như vậy là để dập tắt mọi nỗ lực phản kháng trong dân chúng, mà theo ông Bình, động thái này tiếp nối loạt đàn áp khốc liệt trong khoảng 4 - 5 năm qua :

"Trong cái xu thế khủng bố, đàn áp trong 4 - 5 năm vừa qua thì việc chuyên nghiệp hóa các lực lượng này để đàn áp các cuộc biểu tình, cũng như sự phản kháng của người dân thì theo tôi nghĩ là bình thường thôi".

Theo quan điểm của bà Phụng, chuyện đàn áp, trấn áp các cuộc biểu tình là hiển nhiên, luôn diễn ra từ trước đến nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến giờ này Bộ Công an mới công bố thành lập các lực lượng Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu, đồng thời công khai một trong các nhiệm vụ là để trấn áp gây rối trật tự công cộng và biểu tình là vì hiện nay Việt Nam không cần phải tham gia ký kết các hiệp định quốc tế nào nữa, nên họ cũng không quan tâm đến vấn đề phải tôn trọng nhân quyền :

"Do Việt Nam ở giai đoạn này không có cần tham gia hiệp ước, hiệp định gì hết, cho nên họ muốn xử ai, muốn xử như thế nào thì xử. Bây giờ họ cũng mạnh dạn hơn.

Nhưng mình tin rằng kể cả có thành lập lực lượng nào đi chăng nữa thì họ cũng không để lực lượng mặt cảnh phục ra tay trấn áp người biểu tình đâu. Bởi vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà cầm quyền Việt Nam đã xây dựng. Họ không muốn phơi bộ mặt thật của mình ra cho thế giới thấy".

Báo cáo Nhân quyền ở Việt nam của Human Rights Watch, công bố hồi tháng 2/2022 đánh giá ‘các quyền dân sự và chính trị cơ bản bị đàn áp một cách có hệ thống ở Việt Nam. Chính quyền dưới chế độ cai trị độc đảng của Đảng cộng sản Việt Nam, siết chặt vòng kiềm tỏa các quyền tự do biểu đạt, tự do lp hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo’.

Nguồn : RFA, 10/08/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 349 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)