Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/08/2022

Ướp xác ông Hồ Chí Minh : ngoại giao và công nghệ !

RFA tiếng Việt

Tại hội nghị tổng kết 30 năm hợp tác giữa Ban Quản lý Lăng Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu Khoa học Dược liệu và Tinh dầu Nga (VILAR), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu phải phấn đấu làm chủ hoàn toàn công nghệ giữ gìn lâu dài, bảo vệ an toàn thi hài cố Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mọi điều kiện vào năm 2030.

hcm1

Lực lượng trông coi lăng ông Hồ Chí Minh dọn cỏ trước lăng. Ảnh minh họa chụp trước đây. A FP PHOTO

Một nhà khoa học, không muốn nêu tên vì lý do an ninh khi trả lời RFA qua điện thoại hôm 15/8 từ Hà Nội cho rằng, Việt Nam đã làm chủ kỹ thuật ướp xác, còn lãnhh đạo Việt Nam phát biểu như vậy chỉ vì lý do ngoại giao :

"Thứ nhất chuyện bảo quản thi hài chủ tịch Hồ Chí Minh thì Việt Nam đã có chủ trương từ rất lâu. Trước khi Bác Hồ mất một năm, Bộ Chính trị đã cử bác sĩ Quyền - Trưởng khoa giải phẫu Viện Quân y 118 bí mật sang Liên Xô học ướp xác. Người giao nhiệm vụ là ông Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, có nói ‘đây là lần đầu tiên chúng ta làm trái với Bác’. Ý thứ hai, khi Bác mất, tất nhiên là có chuyên gia Liên Xô bên cạnh họ làm cách kỹ thuật bảo quản, đồng thời Việt Nam cũng bắt chước ướp xác một người ăn mày để làm đối chứng."

Theo nhà khoa học này, kỹ thuật ướp xác mà Việt Nam có được một phần do ăn cắp :

"Sau mấy chục năm tôi tình cờ nghe được khi làm ở học viện quân y, có một số luận án tiến sĩ bí mật về bảo quản xác Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo tôi đến bây giờ Việt Nam có thể làm chủ kỹ thuật bảo quản thi hài Bác, ngày xưa thì có một số hóa chất mình không làm được phải. Nhưng có những cái là mình ăn cắp, tôi được biết vì khi ở nước ngoài, người lãnh đạo phụ trách tôi là người từng phục vụ các chuyên gia ướp xác Nga. Ông kể có một lần đưa các chuyên gia đi ăn nhậu, tắm biển đã lấy được chìa khóa vào phòng thí nghiệm lấy các mẫu hóa chất và phân tích."

Nhiều năm qua, truyền thông Nhà nước Việt Nam luôn có những bài viết khen ngợi công tác gìn giữ thi hài của ông Hồ Chí Minh kể từ năm 1969 và kêu gọi tiếp tục duy trì lâu dài. Tuy nhiên trong công luận lâu nay lại có những ý kiến thắc mắc về việc có nên tiếp tục ướp xác cố Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, nhận định với RFA hôm 15/8 :

"Theo quan điểm của tôi là không nên ướp xác nữa, vì tôi đọc di chúc của ông Hồ Chí Minh, ông bảo thiêu xác chứ không lập lăng. Đó là một, thứ hai nữa nó quá là tốn kém, có cả Bộ tư lệnh lăng mỗi năm rất tốn kém không biết bao nhiêu là tiền. Bây giờ dẹp đi thì vừa đúng nguyện vọng của ông Hồ Chí Minh, hơn nữa là đỡ tốn kém cho dân… Cái này tôi thấy nhiều người nói rồi, nhưng mà họ cứ không chịu thôi thay đổi."

Nữ nghệ sĩ Kim Chi, người từng có thời gian dài sống và làm việc ở miền Bắc, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này trước đây cũng cho rằng không nên duy trì thi hài ông Hồ, mà nên đem thiêu theo di chúc được công khai :

"Theo tôi thì nguyện vọng của ông Hồ là muốn được thiêu chứ đâu có đòi xây lăng rồi ướp xác quá tốn kém. Mà về phong thủy người ta cũng kiêng lắm, thi hài mà cứ đưa lên đưa xuống hoài thì dân làm sao mà làm ăn được, đất nước làm sao mà phồn thịnh được. Theo những gì về tâm linh thì tôi thấy nên thiêu đi như ông mong muốn. Như vậy vừa tốt cho phong thủy dân tộc, vừa tiết kiệm."

Trên mạng xã hội từ nhiều năm trước cũng đã lan truyền một phần bản di chúc của ông Hồ Chí Minh về việc hậu sự... trong đó có đoạn : "Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là "hỏa táng".

Nhà khoa học ở Hà Nội không muốn nêu tên thì cho rằng :

"Nên ướp xác hay không ướp xác thì tùy theo tình hình, tùy theo mỗi người. Theo tôi, thứ nhất nó có giá trị khoa học kỹ thuật, từ chỗ Việt Nam không biết gì thì bây giờ làm chủ hầu như hết. Còn họ bây giờ nói vậy là ngoại giao tôi không biết. Theo tôi, về mặt khoa học thì mình đã làm chủ một công trình khoa học. Thứ hai nữa, về mặt người Á Đông và thể chế chính trị thì nó cũng là một biểu tượng, như lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn, lăng Minh Mạng, Tự Đức… là dấu ấn một thời kỳ lịch sử. Ngay như lăng Lê-nin cũng vẫn còn, dù Liên Xô sụp đổ. Ướp xác Hồ Chí Minh được coi như một cái biểu tượng để người ta duy trì quyền lực chính trị, đoàn kết trong nội bộ của họ."

Theo thông tin được Nhà nước Việt Nam công khai, cố Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào ngày 2/9/1969. Bộ Chính trị khi đó quyết nghị phải thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài và xây dựng lăng của ông Hồ Chí Minh.

Sau đó với sự giúp đỡ của các chuyên gia y tế Liên Xô, Việt Nam đã giữ gìn thi hài ông Hồ. Đến năm 1994 Việt Nam đã tự chủ làm thuốc thường xuyên và năm 2004 tiếp nhận chuyển giao và xây dựng được hệ thống phòng thí nghiệm tự pha chế, kiểm nghiệm dung dịch ướp bảo quản. Đến năm 2019 thì Việt Nam hoàn thành công tác chuyển giao này.

Nguồn : RFA, 15/08/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 435 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)