Năng suất lao động của Việt Nam sao cải thiện chậm ?
RFA, 22/08/2022
Vấn đề năng suất lao động của Việt Nam mới đây lại được nêu lên tại Hội nghị ‘Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập’ vào ngày 20/8/2022.
Đại diện Ngân hàng Thế giới - World Bank tại Hội nghị cho biết, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về nhân lực sau đào tạo. Tại khu vực ASEAN, Việt Nam hiện vẫn nằm trong nhóm ba nước thấp nhất.
Năng suất lao động của Việt Nam được đánh giá thấp hơn so với các quốc gia khác trong khối ASEAN vào năm 2017, theo Tổng cục Thống kê, thậm chí đã sút hẳn so với Lào, chỉ còn xếp trên Campuchia.
Năng suất lao động của Việt Nam khi đó đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore ; bằng 17,6% của Malaysia ; bằng 36,5% của Thái Lan ; bằng 42,3% của Indonesia ; bằng 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khi trả lời RFA hôm 22/8, cho rằng :
"Chưa chắc là đã đúng mình thua Lào với Campuchia, nhưng tôi vẫn cảm nhận năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp vì vấn đề đào tạo của mình và nhiều vấn đề khác hạn chế phát triển của con người. Chúng ta phải cố gắng hết sức mỗi ngày làm sao đẩy lùi những cái kiềm chế phát triển con người, để nâng cao năng suất lao động của dân tộc của mình lên. Đây là việc của mọi người và đồng thời là vấn đề của quản lý nhà nướ. Tại sao Việt Nam không phải là một dân tộc yếu hèn, có được năng lực sáng tạo lớn nhưng vẫn đi theo sau thiên hạ, trong đó có vấn đề quản lý nhà nước. Mọi người đều cố gắng thì quản lý nhà nước cũng phải cố gắng thôi, làm sao tạo điều kiện để dân tộc ta phát triển tốt".
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO, GDP mỗi giờ làm việc năm 2021 của lao động Việt Nam đã cải thiện vị trí so với năm 2017, lên mức 7,3 USD, xếp trên Lào hai hạng khi nước này đạt 7,1 USD và Campuchia đạt 3,6 USD.
Dù Việt Nam đã có tiến bộ trong việc tăng năng suất lao động, nhưng theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI, cho biết tại Hội nghị hôm 20/8 thì tỷ lệ lao động có kỹ năng tay nghề của Việt Nam chỉ chiếm 11%, còn thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu, gặp khá nhiều hạn chế khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất. Mức lương trung bình tháng của lao động Việt Nam khoảng 300 USD, tương đương 7 triệu đồng, thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực hiện ở mức 1.992 USD.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia kinh tế - tài chính, từ Mỹ về Việt Nam làm việc hơn 12 năm qua, nhận định với RFA hôm 22/8 :
"Năng suất lao động là GDP đầu người thực tế của người lao động. Con số của Việt Nam thấp vì thứ nhất, vào thời kỳ dịch bệnh vừa rồi nhiều cơ xưởng đóng cửa, người lao động mất công ăn việc làm, một số phải bỏ về quê. Dù chỉ kéo dài vài tháng nhưng ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến thu nhập của người lao động, và nếu dùng thu nhập của người lao động để đo lường năng suất lao động thì năm 2021 là năm băng suất lao động xuống rất thấp. Bởi vậy, chúng ta phải có một cái nhìn tổng thể hơn".
Với 12 năm làm việc tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng năng lực của người lao động đã được cải tiến rất nhiều, đặc biệt là tại những khu công nghiệp. Ông Hiếu so sánh :
"Nếu lấy khoảng thời gian 20 năm vừa qua, rõ ràng người lao động đã được đào tạo rất nhiều, từ một trình độ rất thấp không đủ sức lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài… giờ đây các nhà đầu tư lớn, công xưởng của thế giới đã đến Việt Nam. Họ tin tưởng trình độ lao động của người Việt Nam và kỹ năng quản trị. Nhưng tôi cũng phải nói chúng ta có thể lôi kéo được họ một phần là do tình hình kinh tế chung của thế giới, khi mà rất nhiều nhà đầu tư rút khỏi Trung Quốc do biến chuyển quan hệ Mỹ - Trung. Các công ty đó đã rút về các quốc gia mà họ cảm thấy an toàn hơn, trong đó có Việt Nam có vị trí gần với Trung Quốc. Tóm lại có nhiều yếu tố các nhà đầu tư đến Việt Nam, nhưng trong đó có yếu tố năng lực lao động của Việt Nam đã được tăng cường".
Ông Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam - VEPR từ năm 2008 đến 2020, khi trả lời báo chí trong nước cho rằng, Việt Nam đã thất bại trong việc cải thiện năng suất lao động trong 10 năm qua và vẫn đang đứng thứ 3 từ dưới lên trong khối ASEAN.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA hôm 22/8, cũng cho rằng năng suất lao động của Việt Nam chậm cải thiện :
"Năng suất lao động của Việt Nam thấp và được cải thiện chậm. Lý do là vì các cái doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam quá nhỏ bé và không có tiền vốn để đầu tư vào những trang thiết bị hiện đại. Thứ hai là chất lượng của nguồn nhân lực được đào tạo chưa cao, cho nên chúng ta chỉ có thể cung cấp các lực lượng lao động giá rẻ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chủ yếu làm lắp ráp và ít các hoạt động có tính chất khoa học công nghệ cao. Để giải quyết việc này thì cần phải tập hợp các doanh nghiệp tư nhân có thể liên kết lại với nhau để hình thành các doanh nghiệp lớn đủ sức đầu tư các thiết bị hiện đại, có thể kết nối các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam hay kết nối vào các chuỗi giá trị đầu tư với các tập đoàn lớn ở nước ngoài".
Theo ông Doanh, Việt Nam đã nhận thức được vấn đề này, nhưng vấn đề là chưa tổ chức thực hiện tốt. Ngoài ra, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết thêm :
"Tôi nghĩ rằng năng suất lao động của Việt Nam sẽ được cải thiện hơn nếu như Việt Nam khuyến khích mật độ của doanh nghiệp trên 1.000 dân cao hơn. Hiện nay chúng ta chỉ có khoảng độ 800 ngàn doanh nghiệp hoạt động và sau hai năm đại dịch thì số doanh nghiệp có lẽ chỉ còn gần 700 ngàn doanh nghiệp, so với 98 triệu dân như vậy là quá ít".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu số doanh nghiệp tư nhân ít mà lại có quy mô quá nhỏ, thì năng suất lao động thấp là điều dễ hiểu.
Nguồn : RFA, 22/08/2022
*************************
Việt Nam với chính sách visa ngặt nghèo khiến bị thua kém
RFA, 22/08/2022
Việt Nam từ đầu năm tới giờ đón chưa đến một triệu lượt khách quốc tế, trong khi mục tiêu đề ra cho cả năm 2022 là năm triệu lượt khách. Trong bối cảnh chỉ còn bốn tháng nữa là kết thúc năm, mục tiêu này có khả năng cao sẽ không đạt được.
AFP
Một trong những nguyên nhân của việc ngành du lịch Việt Nam phục hồi chậm chạp, theo nhiều người trong cuộc, là do chính sách visa ngặt nghèo.
Hiện Việt Nam miễn thị thực cho công dân của 25 quốc gia, trong đó có đến chín nước ở khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, công dân của các nước vốn là khách du lịch quan trọng đối với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, và một số nước Châu Âu thì chỉ được phép lưu trú tối đa 15 ngày.
Hoa Kỳ, quốc gia được đánh giá là có khách du lịch chịu chi bậc nhất khi đến Việt Nam du lịch, không thuộc diện được miễn visa.
Trao đổi với Đài Á châu Tự do, ông Lê Nguyên Long, một người có hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực du lịch, cho biết chính sách visa của Việt Nam đang là "nút thắt cổ chai", ngăn cản đà phục hồi của ngành du lịch:
"Thực ra nó là một cái nút cổ chai, một cái tương đối tiên quyết trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Bởi vì so với các nước xung quanh thì chính sách visa của Việt Nam là quá chặt.
Rồi chiến tranh đẩy mọi thứ lên, ảnh hưởng về mặt tâm lý, ảnh hưởng về túi tiền, nó đã khó rồi bây giờ lại cộng thêm cái visa khó nữa, cho nên nó giải thích cho vấn đề tại sao lượng khác đến Việt Nam lại nhỏ giọt. Nhìn chung là ngành du lịch còn vô vàn khó khăn".
Cũng theo ông Lê Nguyên Long, chính sách cấp visa của Việt Nam trở nên ngặt nghèo hơn kể từ sau bê bối các "chuyến bay giải cứu" thời kỳ đại dịch Covid-19 từ năm 2020.
"Chuyến bay giải cứu giáng một đòn khá nặng vào các lãnh sự và các đại sứ quán. Cho nên việc cấp visa trở thành cái việc ông nào cũng sợ".
Chính quyền Việt Nam đã bắt giam gần 20 người trong vụ án "đưa hối lộ, nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao. Do dính líu đến việc ăn chặn tiền công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu trở về nước trên các chuyến bay được quảng bá là "giải cứu" cho người Việt về nước trong đại dịch.
Dịch Covid-19 khiến ngành du lịch Việt Nam bị tổn hại nặng nề. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê thì trong năm 2019 khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số kỷ lục với hơn 18 triệu lượt. Tuy nhiên, con số này đã giảm một cách đột ngột ở năm 2020 khi dịch Covid bùng phát. Trong năm này, ngành du lịch đón 3,8 triệu lượt người đến, và tình hình ở năm 2021 thậm chí còn tệ hơn khi chỉ vỏn vẹn 157 ngàn lượt khách nước ngoài thăm Việt Nam.
Ngành du lịch Việt Nam đang trong quá trình hồi phục khi quốc gia Đông Nam Á này bãi bỏ các biện pháp phòng dịch, và mở cửa trở lại vào tháng ba vừa qua. Nhưng đà phục hồi được cho là vẫn không đáng kể.
Trả lời phỏng vấn của đài RFA qua ứng dụng nhắn tin, ông Công Mạnh Đức, một hướng dẫn viên du lịch có 10 năm kinh nghiệm, cho biết tình hình chung của ngành du lịch Việt Nam hiện tại :
"Từ góc độ cá nhân làm việc thì tôi thấy khách đang quay lại dần. Các doanh nghiệp từng làm du lịch cũng đang mở lại dần. Tuy nhiên nhiều bên vẫn đóng. Nhiều khách sạn, nhà hàng vẫn chưa mở lại. Nói chung người làm du lịch kì vọng chính sách visa thoáng hơn, như của Thái chẳng hạn".
Với việc nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn bởi làn sóng lạm phát gây ra khiến số lượng người muốn đi du lịch quốc tế giảm, quốc gia nào có chính sách ưu đãi đối với khách nước ngoài sẽ dành ưu thế.
Theo ông Lê Nguyên Long, trong cuộc đua thu hút khách du lịch ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đang tỏ ra vượt trội so với Việt Nam :
"Về mặt chính sách, nếu coi Thái Lan là đối thủ cạnh tranh thì rõ ràng việc Thái Lan luôn luôn là nước có chính sách ưu ái đối với khác du lịch. Nó giống như cục nam châm hút đi cái nguồn khách hiện giờ đang ít ỏi.
Nếu như những người chỉ đi được mỗi năm một chuyến hoặc hai năm một chuyến, và họ chọn Đông Nam Á, thì đương nhiên là họ sẽ dễ nghiêng về Thái Lan hơn, bởi vì người ta sẽ không phải trải qua sự khó chịu khi nghĩ về cái thủ tục visa khó khăn để mà đến Việt Nam như hiện giờ".
Chính phủ Thái Lan vừa thay đổi chính sách visa nhằm thu hút khách du lịch quốc tế. Cụ thể, nước này cho phép công dân đền từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ được cư trú tại Thái Lan lâu hơn, từ 30 ngày lên 45 ngày, khi đến đây du lịch.
Với các chính sách linh hoạt, Thái Lan đã đón gần bốn triệu lượt khách du lịch cho tới thời điểm này của năm 2022.