Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh được thành lập và tổ chức đại hội lần thứ nhất hôm 13/8, là thông tin đang gây chú ý trong dư luận Việt Nam.
Ảnh minh họa cựu chiến binh Việt Nam huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh
Một bài trên báo Hà Tĩnh viết huyện này có 48 tướng lĩnh là con em quê hương và tám vị tướng là con rể (44 tướng quân đội, 12 tướng công an).
Có hai Đại tướng, nguyên Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng là con rể của huyện Đức Thọ là Võ Nguyên Giáp và Ngô Xuân Lịch, và một nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là thượng tướng là Võ Trọng Việt.
Nguồn tin này không nói rõ những vị được nêu tên ở trên, hay thân nhân họ, đã đồng ý đưa họ vào danh sách, hay chỉ là sáng kiến "nhận về" của địa phương.
Vẫn theo báo này, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải tham dự đại hội và phát biểu hoan nghênh tinh thần kết nối và thành lập Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ.
Trong một bài đăng trên tờ Đại Đoàn Kết hôm 16/8, báo này dẫn lời ông Trần Quang Tuấn, Bí thư Huyện ủy Đức Thọ :
"Hội Tướng lĩnh Đức Thọ có đầy đủ thủ tục pháp lý theo Nghị định 45 của Chính phủ và Quyết định 55 của UBND tỉnh".
Điều này cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam ủng hộ sự ra đời của Hội tướng lĩnh nói trên.
Nguồn tin trên cũng cho hay đây là tổ chức hội đầu tiên và duy nhất ở Hà Tĩnh, chưa có tiền lệ.
Hội đoàn, vai trò, ngân sách và quyền bình đẳng
Việc người Việt Nam sau nhiều thế kỷ đã bỏ chế độ thị tộc nhưng vẫn ưa thích tụ họp các hội đồng hương, tới cấp huyện, xã, kể cả khi ra sinh sống ở nước ngoài, là hiện tượng phổ biến.
Nhưng việc chọn quân hàm cấp tướng quy về cho một huyện của một tỉnh đã gây sự chú ý đáng kể trên mạng xã hội nước này.
Facebooker Lương Hoàng viết : "Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã giành nguyên chương II, khẳng định Quyền con người, nêu rõ quyền tự do ngôn luận, lập Hội của Công dân".
Bình luận về sự kiện này nhà báo Trương Huy San đề cập trên trang Facebook cá nhân :
"Ủng hộ các tướng lĩnh lập hội cũng có nghĩa là đồng thời ta ủng hộ quyền lập hội của những giai tầng xã hội không "tướng lĩnh".
Viết trên Facebook của BBC News Tiếng Việt sau khi có status đầu tiên sáng 18/08 giờ Việt Nam, có các ý kiến cho là việc này không cần thiết.
Viet Pham Văn hỏi : "Hội này lập nên vì ý nghĩa gì nhỉ, không thấy mục đích ?", cc̀n HA Nguyen chia sẻ : "Mình cũng nghe dư luận ồn ào về hội này, lập hội ra để giúp dân hay là giúp ai nhỉ, có lẽ dân được cái oai, cái tự hào "chỉ quê tao nhiều tướng nhất".
Phạm Đức Tùng thì cho rằng "sinh hoạt trong Hội CCB là đủ rồi, bày vẽ chi…".
Việt Nam là quốc gia có nhiều hội đoàn, gồm cả các hội đoàn nhận ngân sách nhà nước cũng như các hội đoàn tự nuôi.
Một mặt, pháp luật Việt Nam ủng hộ việc phát triển hội đoàn của công dân, viên chức, cựu quan chức, văn nghệ sĩ.
Mặt khác, có sự khác biệt giữa các hội đoàn được công nhận, và hội đoàn xã hội dân sự chưa được công nhận, vì "chưa có luật về Hội".
Riêng về nhóm hội đoàn nhận tiền ngân sách, tức tiền thuế của dân, doanh nghiệp đóng vào cho nhà nước, con số chi tiêu bao cấp tính đến 2018 lên tới 1,7% GDP.
Một nguồn chính thống tổng kết số liệu 2016 cho hay :
"Một trong những nghiên cứu hiếm hoi về ngân sách cho các hội - đoàn thể của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ngân sách (ước tính) chi khoảng 14.000 tỉ đồng cho toàn bộ khối này".
Tức là lớn hơn dự toán ngân sách năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (khoảng 11.000 tỉ đồng) - một bộ được coi là siêu bộ, gần gấp đôi ngân sách của Bộ Giáo dục và Bộ Y tế, chỉ thua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, và Bộ Tài Chính.
Nghiên cứu này cũng ước tính, nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức là gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm dao động từ 45.600 - 68.100 tỉ đồng, tương đương 1-1,7% GDP.
Hiện không rõ sau đại dịch Covid, số hội đoàn nhận ngân sách nhà nước ở Việt Nam tăng hay giảm đi.