Bộ Giao thông vận tải muốn đường sắt tốc độ cao 350 km/h chỉ chở khách. Bộ Kế hoạch và đầu tư thì đề xuất phương án khai thác tàu khách kết hợp tàu chở hàng, vận tốc 200 km/h.
Đường sắt cao tốc sẽ "đánh thức các nàng tiên" hay trở thành gánh nợ, sẽ phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng đồng vốn. Ảnh minh hoạ : Lao Động
Sau 12 năm kể từ lần Quốc hội bác Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam năm 2010, Dự án này sẽ được đệ trình trong tháng 9 tới. Thế nhưng đến giờ, 2 bộ có vai trò quan trọng nhất đối với Dự án thì vẫn "mỗi ông một phách".
Bộ Giao thông vận tải thì nhất quán quan điểm đầu tư đường sắt tốc độ cao vận tốc 350 km/h chỉ chở khách và hàng hóa nhẹ. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất phương án khai thác tàu khách kết hợp tàu chở hàng, vận tốc 200 km/h.
Nhưng cái đáng để bàn nhất vẫn là chuyện tiền, và hiệu quả sử dụng đồng tiền.
Nếu suất đầu từ 58,7 tỉ USD thì mỗi km đâu đó 35-38 triệu USD. Một con số rất khổng lồ so với suất đầu tư mỗi cây cầu dân sinh, mỗi km đường bộ.
Huống chi, hàng không đang làm rất xuất sắc việc vận chuyển hành khách, hàng hóa nhẹ. Xuất sắc đến mức một Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải năm 2016 từng phàn nàn chuyện "hàng không vét hết khách của đường sắt"
Nhớ năm 2010, khi Dự án được "bỏ phiếu" trước Quốc hội, đã có không ít phát ngôn rất.. buồn cười.
Chẳng hạn phát ngôn "những nơi có chỉ số IQ cao thì họ có đường sắt cao tốc, Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao".
Chẳng hạn đường sắt cao tốc sẽ mở ra viễn cảnh : "Bà mẹ đi chợ, trẻ con đi học".
Hay chuyện "đánh thức các nàng tiên" dọc dài tuyến đường sắt.
Thực ra, ý kiến một số đại biểu Quốc hội năm đó là thể hiện sự chân thành khao khát thôi. Với một đất nước chiều dài hàng ngàn km nhưng đang sử dụng hệ thống đường sắt cổ lỗ đã lên lão từ thế kỷ trước. Nhưng không chỉ vì chuyện thích hay không, mong muốn hay không mà bỏ qua vấn đề quan trọng nhất là tiền, là hiệu quả sử dụng đồng tiền.
Dự án 56 tỉ USD năm đó, với hiệu quả đầu tư kiểu "bà mẹ đi chợ, trẻ con đi học", hay những lập luận IQ cao đã bị Quốc hội phủ quyết.
12 năm qua, thu nhập bình quân đầu người đã vượt hơn 3.000 USD - con số mà đại biểu Quốc hội Phạm Chi Lan khi đó đề nghị lấy làm mốc để bàn chuyện đường sắt cao tốc.
Chúng ta cần có một sự bắt đầu, để sau 30 năm nữa, con cháu được hưởng trải nghiệm đường sắt cao tốc.
Nhưng hiệu quả sử dụng đồng vốn sẽ phải là tiêu chí số 1, chứ dứt khoát không thể trình theo kiểu "sẽ đánh thức các nàng tiên" được.
Bởi 58,7 tỉ USD, tương đương 1,3 triệu tỉ đồng, bằng số thu ngân sách trung bình cả năm của quốc gia. Con số ấy sẽ thật sự trở thành gánh nặng nếu dự án lâm bệnh đội vốn - căn bệnh mà chúng ta có thể nhìn thấy ở tất cả các dự án đường sắt đô thị.
Anh Đào