Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/12/2016

Chia sẻ cuối năm 2016 - Nguyện ước cho năm 2017

RFA tiếng Việt

thutin1

Bán hoa dạo những ngày gần Tết 2016 ở Hà Nội.AFP photo

Chia sẻ cuối năm 2016

Kính mời quý vị cùng nghe chia sẻ của một thính giả từ Hà Nội gửi email cho Hòa Ái trong ngày cuối cùng của năm 2016 :

"Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do và cô Hòa Ái quý mến, tôi nghe tin tức trên đài những ngày qua về Việt Nam sau 30 năm đổi mới với viễn ảnh đất nước không có gì là sáng sủa mặc dù vẫn luôn tin tưởng vào một ngày quê nhà chắc chắn tươi sáng như lời cầu chúc của quý đài qua mục "Trao đổi Thư tín" trong ngày Giáng sinh. Lòng tôi thật ảo não khi nghĩ đến hiện tình đất nước trong năm qua. Và trong năm mới 2017 này, tôi chẳng biết ước mong điều gì nữa…".

Bên cạnh đó nhiều thính giả bày tỏ đang trông chờ những thắc mắc của họ sẽ được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trả lời trong ngày đầu năm 2017.

Thính giả Trúc Nguyễn gửi đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng câu hỏi là ai chịu trách nhiệm trước cái chết của hàng trăm người dân miền Trung do các đập thủy điện đồng lọat xả lũ ?

Thính giả có tên "Thaytu Taigia" mong Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời ai chịu trách nhiệm cuối cùng cho quyết định rước Formosa vào để phá tan hoang khúc ruột miền Trung ?

Thính giả Hằng Nguyễn cũng có chất vấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng"Việt Nam đang trong thời bình nhưng nhà tù tăng, tượng đài tăng, dân số tăng, ung thư tăng, học phí cùng viện phí tăng và mọi thứ đều tăng… Vậy ông có biết nguyên nhân vì sao không ?".

Trong khi một số thính giả mong mỏi được nghe câu trả lời từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam nhân ngày đầu năm mới 2017 thì thính giả Chu Xuân Cường khẳng định nếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng đàn, ông sẽ quy trách nhiệm thuộc về toàn dân và sẽ phê phán nghiêm khắc nhân dân trước Quốc hội và cử tri cả nước, như trường hợp cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Trở lại với hiện tình đất nước trong những ngày cuối năm, thính giả Sáu Nguyễn cho rằng bị ám ảnh bởi những phiên tòa dành cho quan chức trong ngân hàng ở Việt Nam. Ông Sáu Nguyễn chia sẻ bản án 30 năm tù đối với 2 bị cáo Phạm Thị Bích Lương, nguyên giám đốc chi nhánh Agribank Nam Hà Nội và Chữ Thị Kim Hiền, nguyên phó giám đốc chi nhánh Agribank Hà Nội cùng bản án 30 năm tù dành cho bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng-VNCB không làm cho ông có niềm tin vào sự công minh của pháp luật mà trái lại càng khiến cho vị thính giả này nhìn thấy được rõ hơn sự tranh giành quyền lực cũng như thanh trừng lẫn nhau của các nhóm lợi ích. Thính giả Sáu Nguyễn đặt câu hỏi với Ban Việt ngữ RFA liệu rằng Tòa án Việt Nam sẽ xét xử cựu quan chức Trịnh Xuân Thanh trong năm 2017 và bản án nào sẽ dành cho nhân vật đang bị Chính phủ Hà Nội ra lệnh truy nã quốc tế ?

Những ngày cuối năm 2016, không ít thính giả cũng nhớ đến các phiên tòa xét xử thuyền nhân Việt. Những bản án tù dành cho những công dân vì đời sống cơ hàn nên quyết định liều mình trốn chạy khỏi nơi chôn nhau cắt rốn để tìm con đường sống dù mong manh như số phận của gần nửa triệu đồng bào bỏ mình nơi Biển Đông 41 năm về trước. Nhiều thính giả RFA xót xa trước hoàn cảnh tù đày của các gia đình Trần Thị Loan, Huỳnh Thị Kiều, Trần Thị Lụa, Nguyễn Minh Quyết, Nguyễn Đình Quý… vì Chính phủ Việt Nam không giữ lời hứa với Chính phủ Úc sẽ không truy tố và tạo công ăn việc làm cho các thuyền nhân khi họ về nước.

Những bản án tù mà chính quyền Việt Nam dành cho thuyền nhân Việt trong năm 2016 có dập tắt được các cuộc trốn chạy ra khỏi nước của những công dân Việt Nam hay không, Mục sư A Ga, đang tị nạn tại Thái Lan, kể về trường hợp trốn chạy mới nhất của gia đình ông Rmah Din. Mục sư A Ga cho biết gia đình này bị chính quyền địa phương lấy đất, bị bắt từ bỏ tín ngưỡng, không được tham gia sinh hoạt trong Hội thánh Tin lành và điều đau xót nhất của gia đình là đứa con gái bị sát hại một cách tàn bạo mà không được điều tra để biết nguyên nhân :

"Người chết đây là con gái, 8-9 tuổi rồi, mà chết bị cắt cả ngón tay, hai bên chân, móc hai con mắt. Bên bác sĩ muốn khám nghiệm tử thi nhưng công an ngăn cản, không cho làm. Gia đình họ cũng viết đơn gửi công an nhờ tìm thủ phạm giết hại con gái của họ nhưng chính quyền và công an không hề giúp đỡ gì cho họ".

Qua câu chuyện những phận người Việt kém may mắn, Hòa Ái chia sẻ với quý vị một bài thơ của thính giả Đảm Quang Phan với mong muốn của tác giả gửi đến chính quyền Việt Nam trong dịp cuối năm 2016.

"Đất lành thì chim đậu

Xây tổ ấm sinh sôi

Môi trường sống khắc nghiệt

Chim vỗ cánh bay thôi.

Làm sao mà nhốt được

Cho hết những chim trời

Quy luật đời vốn thế

Sao có thể cưỡng cầu ?

Người vượt biên năm xưa

Có phải là tội phạm

Nhận tiền của họ đưa

Phạt tù đi, có dám ?

Cũng là vượt biên cả

Có khác chút nào đâu

Góp tiền thành yêu nước

Không tiền, chịu nỗi đau

Sao không biết xấu hổ

Họ hại gì nước dân ?

Họ tìm nơi để sống

Họ tìm cái họ cần

Họ đi, không có tội

Tội là mỗi chúng ta

Không thể tạo ra được

Môi trường để... thiết tha !"

Nguyện ước cho năm 2017

thutin2

Một người vô gia cư ở Hà Nội chụp hôm 8/2/2016.AFP photo

Trong không khí của ngày đầu năm mới 2017, qua cuộc trao đổi ngắn với Mục sư Aga xoay quanh cuộc sống không tổ quốc của những người Việt tại Thái Lan, vị mục sư chia sẻ với RFA về ước nguyện của cộng đồng người Việt tị nạn tại đây :

"Nhiều người ước mong năm mới có sự quan tâm của Liên Hiệp Quốc (UN) và các tổ chức nhân quyền để bảo vệ và giúp đỡ họ được sớm đi nước thứ ba. Đó là mong ước của tất cả mọi người trong cộng đồng tị nạn tại Thái Lan".

Hòa Ái cũng hỏi thăm về ước mong trong năm mới 2017 của người dân là nạn nhân trong biến cố thảm họa môi trường biển do Formosa gây nên, một thính giả cho biết :

"Nguyện vọng của người dân là số tiền 500 triệu USA của Formosa bồi thường mà Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã nhận ; dù sao đối với họ thảm họa đã xảy ra rồi và họ chấp nhận cuộc sống mới ; bây giờ người dân mong muốn rằng Nhà nước phải dùng đồng tiền đền bù cho xứng đáng với họ. Họ mong muốn được ổn định cuộc sống bởi vì không còn nhiều thời gian từ nay đến Tết và cũng như ra năm là mùa đánh bắt mới đối với họ".

Tại Sài Gòn, thính giả AnNam Dương Lâm, thành viên của tổ chức Mạng lưới Blogger Việt Nam, bày tỏ niềm hy vọng trong năm mới rằng :

"Năm 2017, tôi hy vọng rằng người dân Việt Nam, đất nước Việt Nam sẽ không gánh chịu một thảm họa nào của nhân tai và thiên tai,đặc biệt là những thảm họa về nhân tai giáng xuống để làm những người dân Việt Nam phải tổn thất về nhân mạng cũng như tài sản nữa. Thứ hai, tôi hy vọng tất cả những tù nhân lương tâm, những người đã hy sinh thân mình đấu tranh cho tự do-dân chủ-nhân quyền của Việt Nam, được trở về trong vòng tay của gia đình, bè bạn. Tôi cũng cầu mong sức khỏe cho tất cả tù nhân lương tâm của Việt Nam. Thứ ba, tôi mong ước người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, sẽ có nhiều người hơn nữa đừng im lặng và sẽ lên tiếng trước những vấn đề bất công của xã hội, lên tiếng để giúp đỡ đồng bào của mình, những người thấp cổ bé họng đang bị các thế lực của chính quyền chà đạp. Tôi cũng hy vọng trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có nhiều người hơn nữa thức tỉnh để quy trở về với nhân dân, chung tay với người dân thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đưa dân tộc Việt Nam cường thịnh, giàu mạnh".

Những ước mong và hy vọng của quý thính giả mà Hòa Ái vừa gửi đến quý vị có thể xem như động lực để mỗi người Việt vững vàng bước tới trong 365 ngày mới của năm 2017 trong niềm tin dân tộc Việt sẽ trường tồn và vững mạnh.

Hòa Ái xin lưu ý Ban Việt ngữ đã thay đổi số điện thoại dành cho quý thính giả tại Hoa Kỳ để nghe các chương trình phát thanh của đài. Số điện thoại mới là số 605-477-9616. Quý thính giả sau khi bấm vào dãy số vừa nêu, quý vị bấm thêm số 1 để nghe chương trình phát thanh của Ban Việt ngữ, Đài RFA.

Quý thính giả Đài á Châu Tự Do trên toàn thế giới cũng có thể nghe các chương trình phát thanh bằng điện thoại di động một cách dễ dàng và bất cứ lúc nào qua RFA Mobile Streamer App. Quý vị có thể sử dụng RFA Mobile Streamer App, miễn phí cho cả IOS và Android. Quý thính giả cũng có thể chia sẻ các chương trình phát thanh ưa thích qua email, twitter, facebook, Google + và các công cụ mạng xã hội khác.

Cùng với chương trình phát thanh một tiếng mỗi ngày từ lúc 9 giờ tối giờ Việt Nam, Ban Việt Ngữ còn có chương trình truyền hình 30 phút vào mỗi tối thứ tư và thứ sáu hằng tuần ; cũng như tin tức truyền trực tiếp qua các công cụ mạng xã hội Facebook, Twitter và trang chủ của RFA vào lúc 10 giờ tối mỗi ngày, trừ ngày thứ Năm.

Kính chúc quý vị năm mới 2017 an vui và hạnh phúc !

Hòa Ái (RFA)

********************

Người vô gia cư ở Sài Gòn (RFA, 24/12/2016)

thitin3

Một gia đình người vô gia cư ở Việt Nam chụp hôm 8/2/2016.

Có những người không may hằng đêm phải lấy vỉa hè làm chỗ ngả lưng, khi mà nhiều người khác được yên giấc cùng người thân trong mái nhà ấm cúng của họ.

Cảnh nhộn nhịp của Sài Gòn về khuya không còn đông vui như lúc đêm vừa xuống ; đâu đó vẫn còn những hàng quán chưa đóng cửa vì thực khách chưa ra về. Trong khung cảnh đó còn đó những người vô gia cư bên vỉa hè.

Một số đang nhặt rác, một vài người thì vắt chân ngủ trên ‘cần câu cơm’ của mình.

Cũng có nhiều người đang nằm ngay trên vỉa hề và không biết họ đang ngủ hay trằn trọc… nhưng chúng tôi không dám làm phiền.

Dạo qua các con phố để tìm gặp những người vô gia cư và nghe đôi lời tâm sự ngắn ngủi của họ để cảm thông được chút nào phận đời không may của họ.

Một cụ bà, ngồi một mình trong con hẻm nhỏ. Bà là người Quảng Châu, nói giọng lớ lớ hơi khó nghe. Bà ngồi đây chỉ với mục đích duy nhất là mong đợi người làm từ thiện cho miếng ăn, cho chút quà. Mắt của bà đã hỏng, đi xin ăn cũng khó, nên chỉ còn biết ngồi đây.

"Để người ta giúp đỡ… để người ta thấy người ta giúp đỡ. Mình có thấy đường đâu mà xin người ta".

Ông Hùng, một người không nhà mà chúng tôi tình cờ ngang qua, thấy ông đang ngủ bên vỉa hè một con phố nhỏ.

Chân phải của ông đã bị mất trong một vụ tai nạn từ thời thanh niên. Bây giờ, muốn xin một công việc thật khó khăn. Ông chỉ còn cách đi bán vé số dạo hàng ngày.

"Đi khắp hết cả quận huyện thành phố này đi hơn nửa tháng trời xin việc, không ai nhận mình hết. Không lẽ mình đi xin ăn…ban ngày bán vé số, buổi tối kiếm những phần quà của người từ thiện cho, mình dùng thôi".

Không nhà, không cửa vậy những người vô gia cư khi cần phải giải quyết các nhu cầu vệ sinh cá nhân thì đến đâu ? Một người cho biết phải kiếm đến những chỗ công cộng hoặc những nơi nào miễn phí.

"3 tháng 2 có cái trạm xăng á, có cái vệ sinh công cộng á, khỏi tiền. Vô đó tắm rửa…giặt xong kiếm chỗ nào vắng không có ai mình phơi ở đó vậy thôi đơn giản"

Những người lấy vỉa hè làm nơi ngả lưng khi đêm về có được hoàn toàn tự do muốn nằm đâu thì nằm hay không ? Trong thực tế cơ quan chức năng có qui định về an ninh- trật tự nên lâu lâu lực lượng thi hành công vụ cũng tiến hành chiến dịch truy quét người vô gia cư.

"Ngủ bên đó mát lắm, mà chú sợ công an nó đuổi nên chú qua đây chú ngủ, qua đây chú ngủ đuổi thì chạy qua chạy lại…nhiều đêm ngồi trắng đêm mưa dầm mưa dũ đâu có chỗ ngủ, tạt ướt hết…"

Bên cạnh đó là tình trạng bị mất trộm số đồ dùng thiết yếu ít ỏi của bản thân.

"Có những đoàn từ thiện cho đồ mình mà mình ngủ quên nó lấy hết à. Đêm đó có một phái đoàn, một cô một cậu trẻ lại cho chú 180 ngàn với một cái mền bự. Cô cậu đó vừa đi chút xíu nó lại nó lấy hết. Chú tiếc cái mền mới giựt, chú tiếc cái mền quá…trời, nó quýnh chú không thể tưởng tượng nổi. Mà biết bao người xe chạy tới chạy lui không ai can. Quýnh 4 ngày sau chú không đi bán nổi luôn".

Ông bày tỏ một ước mơ :

"Chú chỉ mong bề trên cho chú một giấc ngủ đi luôn, chứ sống như vậy mình cũng khổ quá trời rồi".

Đối với số vô gia cư thường xuyên thì những dịp lễ tôn giáo như Giáng Sinh của người theo Thiên Chúa Giáo, có một số đoàn thiện nguyện cho họ chút quà cáp nên cùng mong ngóng :

"Lúc nào cũng mong chờ mấy ngày đó sẽ Giáng Sinh, anh em bà con đạo Chúa á, đi phát quà này nọ. Nhưng mà không phải ngày đó, ngày thường cũng có… ! Điều ước của chú mong sao đi làm được chứng minh. Vậy thôi, do cái cuộc sống tương lai do mình tạo nên…"

Chăm lo cho người dân là khẩu hiệu được chính phủ luôn tuyên truyền. Ngoại trừ một số đối tượng lợi dụng thời gian về đêm để ra tay thực hiện những hành vi mờ ám, kiếm tiền phi pháp… những người dân chân chính vì hoàn cảnh gia đình trở nên cơ nhỡ luôn mong nhận được hỗ trợ từ các chương trình phúc lợi xã hội của chính phủ và các tổ chức nhân đạo khác để có được cuộc sống ổn định không phải lang thang vất vả trên các nẻo đường phố thị.

Thông tín viên Việt Nam

Quay lại trang chủ
Read 669 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)