Ngày 5/9/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam công bố Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Bộ Chính trị tái khẳng định quyền lực trong việc bổ nhiệm các chức vụ lớn ở Việt Nam
Quy định có 6 chương với 33 điều và 3 phụ lục.
Sáu chương bao gồm : quy định chung ; phân cấp quản lý cán bộ ; bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử ; bổ nhiệm lại và giới thiệu tái ứng cử ; điều động và biệt phái cán bộ ; điều khoản thi hành.
Quy định số 80 nêu rõ ba mục đích, yêu cầu, trong đó tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Quy định số 80-QĐ/TW được ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ngày 18/8/2022, thay thế cho Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị.
Bộ Chính trị quyết định toàn bộ các chức vụ ?
Điều 6, thuộc chương II của Quy định nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị là quyết định chủ trương, chính sách về công tác cán bộ và cán bộ theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Bộ Chính trị cũng có trách nhiệm trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ ; chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Bộ Chính trị có quyền quyết định phân công, phân cấp quản lý cán bộ đối với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.
Đồng thời Bộ Chính trị cũng có thể ủy quyền cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách xem xét để quyết định phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý giữ các chức danh, chức vụ có cơ cấu kiêm nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghị sỹ hữu nghị của Việt Nam với các nước, các ban chỉ đạo theo quy định…
Về phân cấp quản lý đối với cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu, Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến đối với các chức danh nguyên Tổng bí thư, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng, nguyên Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội, cùng với đại tướng lực lượng vũ trang.
Tất cả các cấp Ủy trực thuộc Trung ương, Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội đều phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư quanh việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách, quy chế, quy định, quyết định của Đảng về công tác cán bộ và cán bộ.
Các ban này cũng chịu sự ủy quyền của Bộ Chính trị về công tác bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Quy định số 80 cũng bao gồm Phụ lục 1 quy định các chức danh cán bộ do Bộ Chính trị quyết định, gồm :
1. Các cơ quan Trung ương
- Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam : Thường trực Ban Bí thư ; Ủy viên Bộ Chính trị ; Ủy viên Ban Bí thư ; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ; Phó Chủ tịch nước ; Phó Thủ tướng Chính phủ ; Phó Chủ tịch Quốc hội.
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng - An ninh.
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.
- Trưởng các ban chỉ đạo, tiểu ban, hội đồng do Bộ Chính trị thành lập.
- Thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ.
- Ủy viên Trung ương Đảng chính thức (Ủy viên Trung ương dự khuyết đang đảm nhiệm vị trí công tác nào thì được xác định vị trí thứ bậc và hưởng các chế độ, chính sách theo chức vụ đang công tác).
- Trưởng ban, cơ quan đảng ở Trung ương ; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Tạp chí cộng sản.
- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội ; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
- Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
- Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
- Tổng Kiểm toán Nhà nước.
- Trưởng tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương ; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
- Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam ; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam ; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam ; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
2. Các tỉnh, thành phố và đảng ủy khối trực thuộc Trung ương
- Bí thư tỉnh Ủy , thành Ủy , đảng Ủy khối trực thuộc Trung ương.
- Phó Bí thư Thành Ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh ; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Quân đội, Công an
- Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Quân Ủy Trung ương và Đảng Ủy Công an Trung ương.
- Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bộ Chính trị cũng xem xét, quyết định việc phong, thăng quân hàm đối với người giữ chức vụ nêu trên.
Ban Bí thư thực hiện quyền hạn theo ủy quyền của Bộ Chính trị
Quy định 80 nêu rõ Ban Bí thư tiến hành kiểm tra, giám sát công tác cán bộ theo sự Ủy quyền của Bộ Chính trị.
Ban Bí thư có trách nhiệm báo cáo định kỳ cho Bộ Chính trị những vấn đề về công tác cán bộ và cán bộ do Ban Bí thư quản lý.
Đáng chú ý, Ban Bí thư có thể ủy quyền cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách xem xét quyết định phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ diện Ban Bí thư quản lý giữ các chức danh, chức vụ có cơ cấu kiêm nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghị sĩ hữu nghị của Việt Nam với các nước, các ban chỉ đạo theo quy định…
Điều 7 của Quy định cũng nêu rõ trách nhiệm của Thường trực Ban Bí thư, trong đó có cho ý kiến về nhân sự thư ký của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Quy định số 80-QĐ/TW cũng quy định về phân cấp quản lý đối với cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu ; các nguyên tắc, trách nhiệm và thẩm quyền, quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, cũng như tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn, thủ tục bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý…