Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

14/09/2022

Kỷ luật ông Phùng Xuân Nhạ không khắc phục được hậu quả để lại

RFA tiếng Việt

Nguyên Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét kỷ luật tại Kỳ họp thứ 19, diễn ra hôm 8/9/2022.

nha1

Nguyên Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ - Reuters

Theo trang web Truyền hình Quốc hội, trong nhiệm kỳ ông Nhạ làm Bộ trưởng từ năm 2016 - 2021, Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã "thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo…, để xảy ra sai phạm trong trong một số dự án như biên soạn, phát hành sách giáo khoa ; vụ gian lận thi cử xảy ra vào năm 2018 được coi là rúng động ngành giáo dục thời điểm đó.

Do đó, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục nhiệm kỳ 2016 - 2021, mà đứng đầu là ông Phùng Xuân Nhạ, bị đề nghị xem xét, xử lý kỷ luật.

Không làm ngành giáo dục khá hơn

Một giảng viên tại Hà Nội, yêu cầu được giấu danh tính, cho rằng kỷ luật một người bộ trưởng hay cả ban lãnh đạo Bộ Giáo dục thì cũng không làm nền giáo dục Việt Nam khá lên được :

"Tôi nghĩ rằng nền giáo dục Việt Nam bây giờ nằm trong tổng thể cơ chế của chính trị. Nó vẫn chỉ là công cụ của cơ chế chính trị mà thôi. Cho nên việc kỷ luật cũng chỉ là giải pháp tình thế, xoa dịu dư luận chứ nó không thể thay đổi được đâu và nó sẽ ngày càng tồi tệ.

Bản thân ông ấy khi lên được chức Bộ trưởng cũng là thành quả của cơ chế chính trị này. Nếu không phải ông ấy mà là người khác thì lúc người sau lên cũng sẽ không thể dịch chuyển được những "hòn đá" mà nó đã nảy sinh trong thời kỳ mà ông Nhạ đã làm bộ trưởng".

Giáo sư Mạc Văn Trang, từ Sài Gòn, nói với RFA rằng dù có kỷ luật ông Nhạ bây giờ thì cũng không thể thay đổi nền giáo dục bị xuống cấp để lại từ thời ông Nhạ :

"Kỷ luật cũng chẳng có tác dụng gì, để mà thay đổi nền giáo dục thì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố lắm.

Do chính quyền độc đảng, nó bưng bít cho nên muốn kỷ luật là kỷ luật, không có một hệ thống đối lập không để phanh phui những khuyết điểm của cán bộ đương thời, mà thường là những khuyết điểm này kéo dài, lâu ngày gây ra tác hại ghê gớm".

Kinh tế hóa giáo dục

Với trải nghiệm thực tế, giảng viên giấu tên nói ông Nhạ làm bộ trưởng đã để lại nhiều hậu quả nặng nề cho ngành giáo dục, kéo dài cho tới nay vẫn còn chưa dứt. Và, theo quan điểm của bà, ông Nhạ chính là người đã "kinh tế hóa ngành giáo dục" :

"Ông ấy tạo ra một cái tiền lệ rất là xấu xí, đó là "kinh tế hóa nền giáo dục". Tức là biến giáo dục trở thành nơi để kiếm tiền, manh nha từ thời của ông ấy rồi bây giờ thì mọi thứ càng rõ ràng hơn.

Các khoản thu vô lý là từ thời của ông ấy. Họ bịa ra đủ thứ trò, các chi phí mà phụ huynh phải nộp cho trường. Học phí chính thức thì không có nhiều, thế nhưng họ sẽ nghĩ ra rất nhiều các loại phí khác để thay thế. Ví dụ như tiền đồng phục, tiền sách giáo khoa, cơ sở vật chất, đóng góp cho trường, sổ liên lạc điện tử… những thứ rất trời ơi đất hỡi như vậy họ vẫn duy trì và có một nhóm nhỏ lợi ích được hưởng lợi".

Vào thời ông Nhạ, ngành giáo dục vẽ ra đủ các loại bằng cấp, chứng chỉ mà hạn sử dụng của nó ngày càng ngắn. Các giáo viên, viên chức buộc phải thi lấy các chứng chỉ đó để hoàn thiện hồ sơ đáp ứng cho yêu cầu công việc. Vị giảng viên đại học giấu tên nói thêm :

"Ví dụ như chứng chỉ ngoại ngữ hay tin học, viên chức bị bắt buộc phải có và hạn sử dụng của nó chỉ được một hoặc hai năm. Thế nhưng chứng chỉ đó không phản ánh đúng thực chất năng lực của người lao động, nhưng mà họ vẫn bắt buộc phải có để hoàn thiện hồ sơ.

Ông ấy tạo ra một tiền lệ đó là mọi thứ đều có thể được mua bán miễn có lợi ích kinh tế. Làm như thế thì cực kỳ nguy hiểm. Bây giờ thậm chí là trong ngành giáo dục người ta sẵn sàng "đánh giết" nhau chỉ vì cái ghế. Tôi thấy là cái hệ quả mà ông ấy để lại là quá nặng nề".

Loạt bê bối thời ông Nhạ làm Bộ trưởng giáo dục

Thời ông Nhạ đứng đầu ngành giáo dục đã xảy ra nhiều vụ bê bối bị người dân phản đối rất dữ dội, đó là lời của giáo sư Mạc Văn Trang khi đánh giá về ngành giáo dục :

"Thời kỳ ông Nhạ làm bộ trưởng thì người dân kêu về mấy việc, như là cái hệ thống quản lý quan liêu ; ức hiếp giáo viên, có những chuyện không hay mà ông ấy cũng không can thiệp trực tiếp. Có nơi người ta bắt các cô giáo đi tiếp khách là các quan chức, thì dân người ta kêu lắm, báo chí cũng lên án chuyện đó.

Thứ hai là chuyện sách giáo khoa. Ông đã thông qua chương trình sách giáo khoa tốn rất nhiều tiền mà chất lượng của sách thì khi công bố ra thì mới biết là phải sửa sang lại rất nhiều, tốn nhiều tiền mà chất lượng lại không tốt.

Rồi thứ ba nữa là chất lượng giáo dục nó không tốt. Ổng kêu là "chất lượng giáo dục kém là do không đóng tiền học phí cao". Ông bộ trưởng mà nói những câu như thế !"

Trả lời chất vấn trước Quốc hội vào tháng 6/2018, ông Phùng Xuân Nhạ nói rằng "đồng tiền đi liền chất lượng", chất lượng giáo dục thấp là vì mức học phí người học bỏ ra còn thấp.

Ngoài những vụ tiêu cực mà giáo sư Mạc Văn Trang vừa nêu, trong khoảng thời gian còn đương nhiệm chức bộ trưởng, ông Nhạ còn bị phản đối dữ dội vì một loạt các vụ bê bối khác.

Năm 2020, sách giáo khoa môn Tiếng Việt mới do nhóm Cánh Diều biên soạn bị phát hiện có quá lỗi chính tả. Những truyện trong sách này bị cho là dạy trẻ cái ác, điều xấu, lừa lọc, khôn lỏi. Bộ trưởng Nhạ khi đó nhận trách nhiệm và hứa sẽ chỉnh sửa, hiệu đính để kịp thời tổ chức hoạt động dạy học.

Vụ gian lận thi cử xảy ra tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2018 gây rúng động dư luận thời điểm đó. Vụ việc dẫn tới một loạt giáo viên, công chức ngành giáo dục bị khởi tố, bỏ tù.

Tháng 5/2019, Phùng Xuân Nhạ nói trước Quốc hội rằng cá nhân ông nhận trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc như vậy. Tuy nhiên, khi đó, ông không bị hình thức kỷ luật nào.

Nguồn : RFA, 14/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 357 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)