FLC bị ngừng sử dụng hóa đơn do nợ thuế quá hạn 325,8 tỉ đồng
RFA, 15/09/2022
Cục thuế Hà Nội thông báo cưng chế thuế Tập đoàn FLC bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn do Tập đoàn này có số tiền quá hạn nộp gần 325,8 tỉ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết tại văn phòng công ty ở Hà Nội năm 2018 (hình minh hoạ) - AFP, LĐ-RFA edited
Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 15/9 dựa theo nội dung quyết định số 44135 của Cục thuế thành phố Hà Nội.
Quyết định trên của Cục thuế Hà Nội đồng nghĩa với việc Tập đoàn FLC sẽ không thể xuất hóa đơn cho các giao dịch bán hàng hóa, dịch vụ.
Trước đó, vào cuối tháng 7, Cục Thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành chín quyết định về việc phạt Tập đoàn FLC 11,5 triệu đồng vì chậm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân, đồng thời cưỡng chế gần 72 tỉ đồng bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của FLC mở tại các ngân hàng : Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank, MB, OCB, VIB và VPBank.
Đến cuối tháng 8, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cũng ban hành quyết định cưỡng chế thuế Tập đoàn FLC hơn 448 tỉ đồng bằng việc trích tiền từ tài khoản của FLC tại các ngân hàng cũng do đã quá hạn nộp thuế.
Tập đoàn FLC rơi vào tình trạng khó khăn sau khi ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC, vào ngày 29/3/2022 bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc có hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra vào ngày 10/1/2022.
Mới đây, ông Quyết, bị khởi tố thêm tội ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ xảy ra tại Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan.
Doanh thu của FLC trong sáu tháng đầu nay giảm mạnh khi chỉ đạt hơn 1.661 tỉ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. FLC lỗ nặng trong quý 2/2022 do phát sinh khoản lỗ đột biến hơn 317 tỉ đồng từ công ty liên doanh, liên kết. Ngoài ra, doanh thu tài chính cũng giảm mạnh chỉ còn bằng 10% so với cùng kỳ năm ngoái với 65,6 tỉ đồng.
Nguồn : RFA, 15/09/2022
**********************
Vietnam Airlines trần tình về thực trạng thua lỗ liên tục và có nguy cơ bị hủy niêm yết chứng khoán
RFA, 14/09/2022
Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam-Vietnam Airlines, hoạt động thua lỗ suốt mấy năm qua và đang bị cảnh báo hủy niêm yết cổ phiếu HVN bởi Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), vào ngày 14/9 lên tiếng về thực trạng lỗ lã và kế hoạch sắp tới.
May bay của Vietnam Airlines tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/12/2021 - AFP
Truyền thông Nhà nước dẫn phát biểu của đại diện Vietnam Airlines thừa nhận trong hai năm 2020, 2021, hãng này lỗ tương ứng 11.000 tỉ đồng và 13.000 tỉ đồng. Sang nửa đầu năm 2022, khoản lỗ ròng cũng hơn 5.000 tỉ đồng. Tính đến cuối quý 2/2022, Vietnam Airlines lỗ lũy kế gần 29.000 tỉ đồng, và vốn chủ sở hữu âm gần 4.900 tỉ đồng.
Lý do kinh doanh thua lỗ được đại diện Vietnam Airlines cho truyền thông Nhà nước biết vì những tình huống ‘bất khả kháng’ như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Những yếu tố này gần như không có cách khắc phục nếu không có giải pháp tái cơ cấu và hỗ trợ từ các cổ đông.
Hãng kiểm toán Deloitte Vietnam cho rằng khả năng hoạt động của Vietnam Airlines sẽ tùy thuộc vào nguồn hỗ trợ tài chính của chính phủ Hà Nội và quyết định gia hạn thời gian trả nợ cho các ngân hàng, cho nhà cung ứng và các đơn vị cho vay khác.
Tin cho biết hiện nay đội bay của Vietnam Airlines còn dư thừa khoảng 25% năng lực bởi vì thị trường quốc tế được nói chưa hồi phục và hãng chỉ tập trung khai thác thị trường nội địa.
Nguồn : RFA, 14/09/2022