Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/09/2022

Tiêu chuẩn đi xe của lãnh đạo, phụ nữ Việt Nam, doanh nghiệp 2030

Tổng hợp

Tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô công của lãnh đạo

BBC,17/09/2022

Bộ Tài chính Việt Nam nói họ "đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân "với dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô thay thế Nghị định số 04/2019/NĐ-CP. Qua đó, người dân được biết tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô công của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở Việt Nam.

phunu2

Tiêu chuẩn ô tô dành cho "tứ trụ" và các lãnh đạo cấp cao - Ảnh minh họa

Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục duy trì cách phân chia các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ôtô công thành 4 nhóm như quy định hiện hành.

Đề xuất dựa theo Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, nhóm thứ nhất là chức danh được sử dụng thường xuyên xe ôtô kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá, gồm : Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

Nhóm 2 là chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ôtô trong thời gian công tác, không quy định mức giá, gồm : Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Nhóm 3 là chức danh được sử dụng thường xuyên một ôtô công trong thời gian công tác được chia làm 3 bậc với 3 mức giá mua xe 1,5, - 1,55 - 1,6 tỉ đồng/xe, thay cho quy định hiện hành chỉ có chung 1 mức là 1,1 tỉ đồng/xe.

Theo đó, các chức danh được sử dụng xe với mức giá mua tối đa là 1,6 tỉ đồng/xe gồm ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban, cơ quan Đảng ở Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng biên tập báo Nhân dân ; Tổng biên tập Tạp chí cộng sản ; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Trưởng Ban Dân nguyện. Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước ; Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ; được sử dụng ôtô với giá mua tối đa 1,55 tỉ đồng/xe.

Chức danh được sử dụng thường xuyên 1 ôtô trong thời gian công tác với mức giá mua tối đa 1,5 tỉ đồng/chiếc gồm : Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam ; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ; Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam ; Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam ; Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhóm 4 là chức danh được sử dụng ôtô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác được chia làm 6 bậc với 6 mức giá mua tối đa từ 1,2 tỉ đồng đến 1,450 tỉ đồng/chiếc thay cho 1 mức như hiện nay là 920 triệu đồng/chiếc.

Theo đó, Phó trưởng ban, cơ quan đảng ở Trung ương ; Phó chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội được sử dụng xe có mức giá mua tối đa là 1,45 tỉ đồng/chiếc, tăng lên tới 530 triệu đồng/chiếc.

Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng xe có mức giá mua là 1,4 tỉ đồng. Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được sử dụng xe có giá tối đa 1,25 tỉ đồng/chiếc…

Giá mua xe ôtô hiện dựa theo quy định về giá mua đã được duy trì từ năm 2010 cho đến nay.

Nguồn : BBC, 17/09/2022

********************

Phụ nữ Việt Nam chưa được bảo vệ đúng mức vì hệ thống chính trị thiếu dân chủ

RFA, 16/09/2022

Dưới chế độ cộng sản, nhiều quyền cơ bản của phụ nữ Việt Nam còn hạn chế.

phunu1

Một phụ nữ Việt Nam gánh trái cây đi bán ở chợ ở Hà Nội hôm 7/6/2019 - AFP

Dưới chế độ cộng sản, nhiều quyền cơ bản của phụ nữ Việt Nam còn hạn chế. Bất bình đẳng giới tính về mặt kinh tế, chính trị, giáo dục, và y tế là những thiệt thòi phổ biến mà nhiều phụ nữ Việt Nam còn đang phải gánh chịu.

Đây là thông điệp chính của một buổi hội thảo trực tuyến với đề tài Nữ quyền dưới chế độ cộng sản Việt Nam, được tổ chức bởi Liên minh Việt Nam Dân chủ (Alliance for Vietnam's Democracy) nhân ngày Quốc tế Dân chủ 15/9 với sự tham gia của những đại diện văn phòng các dân biểu Mỹ và những người quan tâm đến vấn đề nhân quyền trong nước.

Chủ tọa cuộc hội thảo, luật sư Nguyễn Linh, đưa ra nhận xét về nữ quyền tại Việt Nam :

"Nhân ngày dân chủ quốc tế, chúng ta nhớ ra rằng 100 triệu người Việt Nam không hề tự do, vì Việt Nam không cho phép bầu cử tự do và công bằng. Hệ thống đóng kín này gây ra nhiều bất công với phụ nữ. Để gây tác động lớn nhất đến vấn đề này và thúc đẩy một nền dân chủ trên toàn cầu, chúng ta cần tập trung các nỗ lực ngoại giao để hỗ trợ các tổ chức độc lập trong việc giáo dục phụ nữ về các quyền và cơ hội của họ".

Bà Christina Tạ, hiện đang là luật sư hành chính cho công ty Winstead P.C., đã trình bày nhiều yếu tố bất bình đẳng giới tính trong bộ máy chính trị nhà nước Việt Nam. Theo bà Christina Tạ, mặc dù Quốc hội nước Việt Nam có 27% đại biểu nữ  - nhiều hơn 10% của Nhật Bản, 19% của Hàn Quốc, và 23% của Mỹ, Việt Nam vẫn không có một hệ thống đa đảng như các nước phương Tây. Vì vậy, tất cả các quyền ra quyết định đều đi từ trên xuống (cụ thể là Đảng cộng sản) nên trên thực tế, Quốc hội, đặc biệt các đại biểu nữ, không hề có quyền lực để tác động đến các quyết định của Đảng cộng sản.

Tiến sĩ Nguyễn Chữ là một lãnh đạo của bộ phận Phân tích và Dự báo Kinh tế tại hệ thống ngân hàng Federal Home Loan Banks. Ông đã giải thích trong cuộc hội thảo rằng Chỉ số Cách biệt giới tính toàn cầu (Global Gender Gap Index) về mặt kinh tế của Việt Nam vào năm 2022 đứng thứ 31 trong số 146 quốc gia được đề cập trong nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) . Điều này có nghĩa là những cơ hội về mặt kinh tế dành cho phụ nữ của Việt Nam vào năm 2022 chỉ đứng sau 30 quốc gia. Tuy nhiên, ông Nguyễn Chữ cho rằng phụ nữ Việt Nam vẫn chịu nhiều bất công trong luật thuế thu nhập doanh nghiệp và luật bảo hiểm xã hội, và theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế , họ vẫn nhận nhiều thiệt thòi trong lương bổng và chịu rủi ro thất nghiệp cao. Ngoài ra, ông Nguyễn Chữ còn nói rằng vì những con số thống kê trong báo cáo nêu trên đều do Đảng cộng sản cung cấp nên có khả năng không đáng tin cậy.

Giáo sư Phan Thông Hưng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngày Nhân quyền Việt Nam 11/5, đồng thời là cố vấn và Nguyên Chủ tịch Hội đồng Điều hành Liên đoàn các cộng đồng người Mỹ tại Hoa Kỳ. Ông trích dẫn một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng, nhìn chung tại Việt Nam, đàn ông thường học lên cao hơn vì phụ nữ phải đổi mặt với nhiều tiêu chuẩn xã hội bất công như việc lập gia đình, nuôi dạy con và chăm lo việc nhà, vì theo những tiêu chuẩn này, phụ nữ phải đặt gia đình lên hàng đầu.

Bà Nguyễn Văn Nhã là một thành viên của Liên minh Việt Nam Dân chủ có kinh nghiệm trong việc cung cấp các dịch vụ sức khỏe tâm lý cho trẻ em tuổi học sinh, dân nhập cư, dân tị nạn, và các tù nhân chiến tranh. Bà Nhã cho biết, hơn 90% trong số 7.500 nạn nhân buôn người từ năm 2012 đến năm 2017 là phụ nữ. Những nạn nhân này thường bị bán đi các nước Châu Á khác tại biên giới Việt Nam – Trung Quốc ; vào năm 2019, trung bình 164 trẻ em đã bị quấy rối tình dục mỗi tháng ; hiện tại, 5,3% trẻ em từ 5 – 17 tuổi đang bị cưỡng bức lao động, hơn một nửa trong số đó đang làm việc trong những môi trường đầy nguy hiểm.

Trước khi kết thúc cuộc hội thảo, bà Nguyễn Linh đã đưa ra phương án giải quyết các vấn nạn này :

"Bằng cách áp dụng những bộ luật hiện hành, như Đạo luật Magnitsky toàn cầu, chúng ta cần trao quyền cho phụ nữ qua việc đồng cảm với cuộc đấu tranh của họ, và thúc đẩy vai trò của họ trong bộ máy chính quyền để bảo vệ quyền lợi họ".

Đạo luật Magnitsky toàn cầu là một dự luật lưỡng đảng được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua và được Tổng thống Barack Obama ký thành luật vào tháng 12 năm 2012, cho phép chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt các quan chức chính phủ ngoại quốc trên toàn thế giới có hành vi vi phạm nhân quyền, đóng băng tài sản của họ và cấm họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Nguồn : RFA, 16/09/2022

************************

Mục tiêu đến năm 2030 có hai triệu doanh nghiệp : lại vấn đề lượng và chất !

RFA, 16/09/2022

Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ cố gắng có hai triệu doanh nghiệp. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Trần Tuấn Anh cho biết thông tin vừa nêu khi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp về việc ‘xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế’ hôm 15/9/2022.

phunu4

Một cửa hàng của tiểu thương bán tạp nhôm chụp tại Hà Nội 2021. Ảnh minh họa 

Dù mục tiêu có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Việt Nam chưa đạt được nhưng Ban Kinh tế Trung ương vẫn đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ cố gắng có hai triệu doanh nghiệp.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 16/9 cho rằng :

"Nếu đến năm 2030 thì theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn khoảng 18% đến 20 %. Với tỷ lệ này kinh tế Việt Nam chưa thích ứng với yêu cầu của một nền kinh tế công nghiệp phát triển.

Theo đó, tỷ lệ nông nghiệp phải giảm dưới 10 %, có nghĩa là nông nghiệp Việt Nam mỗi năm tăng trưởng 1,6 đến đến 1,8% thì công nghiệp và dịch vụ phải tăng trưởng với tốc độ khoảng 16 cho đến 19 % mới có thể giảm tương đối tỷ lệ nông nghiệp xuống dưới mức 10 % để Việt Nam có thể được thế giới công nhận là một nước công nghiệp hóa".

Cũng tại buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp hôm 15/9, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết Việt Nam hiện có 860.000 doanh nghiệp, tạo việc làm cho 14,7 triệu lao động, đóng góp trên 60% GDP. Con số này vẫn còn cách xa mục tiêu của Việt Nam có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 thì liệu năm 2030 có thể có hai triệu doanh nghiệp ?

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy hôm 16/9 cho rằng mục tiêu có hai triệu doanh nghiệp của Việt Nam là khá cao :

"Đến năm 2030, dân số Việt Nam khoảng 100 triệu và số người trong độ tuổi lao động khoảng 50 triệu. Với mục tiêu hai triệu doanh nghiệp, điều đó đồng nghĩa với trung bình một doanh nghiệp cho 25 người dân trong độ tuổi lao động. Con số đó khá cao nhưng không phải là không thể. Cái quan trọng hơn đó là chất lượng của doanh nghiệp. Chất lượng của doanh nghiệp nó quyết định vị thế của nền kinh tế và mức sống của người dân".

Nhưng muốn nâng cao chất lượng của doanh nghiệp thì theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, chính quyền cần phải đầu tư và cải cách rất nhiều thứ, từ giáo dục, dạy nghề, khoa học và công nghệ, cơ sở hạ tầng, hệ thống tài chính và thị trường vốn. Dựa vào đó doanh nghiệp sẽ tối ưu hoạt động và nâng cao chất lượng. Ông Vũ nói tiếp :

"Tất cả những cải cách này nó đòi hỏi khả năng điều hành nền kinh tế. Nhưng những gì đã diễn ra trong mấy chục năm qua nó chứng tỏ một điều rằng giới cầm quyền Đảng cộng sản không có khả năng thực thi những cải cách này, và vì vậy mà mục tiêu về số lượng doanh nghiệp cũng như chất lượng doanh nghiệp cũng sẽ là những lời hứa với các con số trên giấy".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, tỷ lệ số doanh nghiệp trên 1.000 dân của Việt Nam hiện đang quá thấp, rất khó để đạt mục tiêu vào năm 2030. Ông dẫn chứng :

"Nếu một nước muốn có trình độ thu nhập cao thì phải có khoảng 24 doanh nghiệp / 1.000 dân. Nếu so sánh với Hồng Kông thì ở đó một người 18 tuổi có thể tham gia từ 1,4 cho đến 2,8 doanh nghiệp. Vì vậy Việt Nam cần có sự cải thiện và giúp đỡ để số doanh nghiệp phát triển cao hơn.

Hiện nay Việt Nam có khoảng năm triệu hộ kinh tế gia đình và những hộ này được coi là phi hình thức (informal economy), tức không phải tuân thủ luật về kế toán thống kê, về biên lai chứng từ và nộp thuế khoán, tức là nộp thuế trên cơ sở chủ doanh nghiệp thương lượng với cán bộ thuế. Người ta sẽ dễ dàng thương lượng với nhau để hai bên được lợi, chỉ có ngân sách nhà nước là sẽ chịu thiệt. Vì vậy Việt Nam cần phải nâng cấp năm triệu hộ kinh tế gia đình trở thành các doanh nghiệp để có thể thu hút được nhiều lao động hơn và có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội".

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, không chỉ số lượng, chất lượng doanh nghiệp cũng rất là quan trọng. Bởi hiện doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí rất nhỏ tức là thuộc loại micro economy, những doanh nghiệp như vậy rất khó tham gia vào hội nhập. Ông Doanh nói tiếp :

"Tôi xin nhấn mạnh, Việt Nam đã có chủ trương rất đúng đắn là đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế để không phụ thuộc vào bất kỳ một đối tác nào. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do và tham gia vào nhiều khối thương mại trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam có thể thu lợi rất nhiều.

Tuy vậy những hộ gia đình không có năng lực để có thể tham gia ký kết hợp đồng với các đối tác quốc tế, không có năng lực để tham gia vào chuỗi giá trị quốc tế.

Vì vậy ông Doanh cho rằng, cần phải nhanh chóng nâng cấp liên kết các hộ kinh doanh gia đình trở thành các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp quá nhỏ cũng phải liên kết với nhau để có đủ năng lực hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng vào tháng 3 năm 2021 từng cho rằng doanh nghiệp Nhà nước phải chứng tỏ vai trò thành phần kinh tế chủ đạo và then chốt. Trong khi đó, hiện có đến 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc Bộ Công thương điển hình như : Nhà máy DAP số 1-Hải Phòng ; DAP số 2-Lào Cai ; Đạm Ninh Bình ; Đạm Hà Bắc ; Công nghiệp tàu thủy Dung Quất ; Nhà máy thép Việt-Trung ; Nhà máy Đình Vũ ; Công ty Gang thép Thái Nguyên Tất cả có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính đang cấp tín dụng cho 12 dự án này, với tổng số dư nợ là gần 21 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan là gần 23 ngàn tỷ đồng.

Dù còn nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước hoạt động không hiệu quả, nhưng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam đã giảm bớt được tình trạng độc quyền trong khối doanh nghiệp Nhà nước :

"Hiện nay số doanh nghiệp Nhà nước độc quyền đã giảm nhiều, ví dụ đã có các công ty hàng không tư nhân như VietJet và Bamboo Airway, một số lĩnh vực khác cũng được mở ra. Tuy vậy, việc kiểm soát các công ty hoặc các tập đoàn độc quyền của Việt Nam chưa được quy định pháp luật đầy đủ và cơ quan giám sát cũng chưa đẩy mạnh như mong muốn".

Vì vậy, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân, giúp cho doanh nghiệp Mhà nước phát triển cao hơn và kiểm soát độc quyền thì cần phải có khung pháp luật, có sự giám sát để kiểm soát độc quyền, thực hiện cạnh tranh bình đẳng trên cơ sở đó mới có thể nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Nguồn : RFA, 16/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt, RFA tiếng Việt
Read 243 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)