Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/10/2022

Trước kiểm duyệt, báo chí ngoài lề vẫn phất mạnh

Tổng hợp

Chính phủ Việt Nam lo ngại tình trạng "tư nhân hóa" báo chí

RFA, 02/10/2022

Chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây đã gia tăng các biện pháp kiểm tra, xử phạt các cơ quan báo chí vì lo ngại tình trạng mà Chính phủ gọi là "báo hóa" tạp chí và "tư nhân hóa" báo chí.

bao0

Người dân đọc báo Hà Nội Mới trên phố ở Hà Nội hôm 21/4/2020 - AFP

Theo thông tin từ báo Chính phủ và truyền hình Quốc hội, vào tháng ngày 22/7 vừa qua, Bộ Thông tin và truyền thông đã ra một quyết định về công tác xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí, biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí. Bộ Thông tin và truyền thông quyết định xử lý nghiêm tình trạng này và đã xác định được khoảng 30 cơ quan báo chí cáo dấu hiệu "báo hóa" tạp chí, "tư nhân hóa" báo chí.

Cục Báo chí (Bộ Thông tin và truyền thông) định nghĩa : "Tư nhân hóa báo chí" bản chất là cơ quan báo chí giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, thực hiện liên doanh liên kết theo hướng người đứng đầu cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, chuyển giao quyền kiểm soát một phần nội dung trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích liên kết".

Trong Quyết định mới về tình trạng "tư nhân hóa" báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông cũng nói đến tình hạng đưa tin trên mạng xã hội. Cụ thể, Quyết định của Bộ Thông tin và truyền thông đánh giá :

"Một số trang thông tin điện tử tổng hợp có hình thức trình bày, dẫn nguồn, thậm chí, cử nhân viên đi tác nghiệp, tự sản xuất tin, bài gây hiểu lầm là báo điện tử.

Một số trang mạng xã hội có hình thức trình bày, đưa nội dung thông tin với danh nghĩa người dùng mạng xã hội nhưng thực chất được sản xuất, sao chép như tác phẩm báo chí gây hiểu lầm là báo điện tử".

Đến hết tháng 9 vừa qua, theo báo Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông đã thanh tra, kiểm tra đối với 16 cơ quan báo chí. Theo đó, ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 616,5 triệu đồng.

Các báo, tạp chí và cá nhân bị xử phạt bao gồm : Tạp chí Thương gia , tạp chí Doanh nghiẹp và Tiếp thị, tạp chí Môi trường và Cuộc sống, tạp chí Đời sống và Pháp luật, tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến, tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, Tổng Biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam, Báo Sức khoẻ và Đời sống, Báo điện tử Tổ quốc.

Theo Truyền hình Quốc hội, trong tháng 10, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Kế hoạch xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí, biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí, tiến hành thanh tra, kiểm tra, đánh giá, xem xét hoạt động đối với khoảng 15 cơ quan báo chí.

Hôm 28/9 vừa qua, hãng tin Reuters trích các nguồn tin giấu tên cho biết Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị một luật nhằm hạn chế đưa tin tức lên mạng xã hội vì những lo ngại mà Chính phủ Việt Nam gọi là "báo hóa" mạng xã hội.

Hai trong số ba nguồn tin của Reuters còn nói thêm luật mới nhằm đặt cơ sở pháp lý cho biện pháp kiểm soát việc truyền đi tin tức trên các nền tảng như Facebook và YouTube ; cũng như buộc thêm trách nhiệm điều tiết cho các nhà cung cấp. Cơ quan chức năng có thể yêu cầu các công ty mạng xã hội cấm các tài khoản vi phạm theo luật Việt Nam.

Theo thống kê của Ban Tuyên giáo Trung ương, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập.

Luật pháp Việt Nam hiện tại không cho phép tư nhân được làm báo nhưng Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 cho phép các cơ quan báo có liên quan đến các đơn vị trực thuộc các thành phần kinh tế đủ năng lực được phép hoạt động. Đây được cho là kẽ hở dẫn đến tình trạng "tư nhân hóa" báo chí và "báo hóa" tạp chí theo nhận định của Bộ Thông tin và truyền thông.

Nguồn : RFA, 02/10/2022

**********************

Phóng viên thuộc Ban quốc tế cáo buộc đài BBC gây nguy hiểm cho nhân viên khi dự định chuyển họ sang Thái Lan

VNTB, 02/10/2022

Sau khi thông báo cắt giảm lớn đối với Ban Quốc tế của đài BBC, với nhiều nhân viên được yêu cầu chuyển. ra nước ngoài để giảm chi phí, các nhà báo đã cho biết kế hoạch chuyển ban Việt Ngữ sang Thái Lan sẽ gây ra những nguy hiểm cho tự do báo chí.

bao2

Những nhà bất đồng chính kiến người Việt đã bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt cóc ở Bangkok và điều đó sẽ là áp lực cho bất kỳ ai làm báo tiếng Việt ở Thái Lan

111111111111111111111111

Nhiều phóng viên e ngại với việc nhà nước Việt Nam từng bắt cóc các nhà báo từ Thái Lan. Phóng viên cho rằng Ban điều hành BBC đã không nhận ra được rằng người Việt Nam không tự động cảm thấy như ở nhà tại Thái Lan, mặc dù cả Việt Nam và Thái Lan đều là các quốc gia Đông Nam Á.

Một nhân viên nhân viên của ban Quốc tế nói với tờ Guardian : "Là người chỉ trích chính phủ Việt Nam thì ngay cả khi ở Thái Lan cũng không an toàn". Phóng viên ở Thái Lan mỗi năm phải xin chính phủ Thái cho gia hạn thị thực.

Phóng viên không thể hoạt động tự do tại Việt Nam, một quốc gia độc đảng do đảng Cộng sản nắm quyền cai trị. Vì vậy, hầu hết nhân viên ban Việt Ngữ của đài BBC thường đưa tin từ Luân Đôn cũng như đại đa số các ban quốc tế khác.

Một phát ngôn viên của BBC nói với tờ Guardian : "Sự an toàn và an ninh của các phóng viên chúng tôi là tối quan trọng. Chúng tôi không đề xuất bất kỳ hoạt động mới nào ở Bangkok – trong nhiều năm, ban Việt Ngữ có một nửa làm việc ở trụ sở tại Bangkok một nửa ở London, tất cả đều phát hành báo chí xuất sắc và vô tư".

Việc chuyển ban Việt Ngữ tại Luân Đôn đi là một trong các hoạt động giảm thiểu chi phí được loan báo hôm thứ Tư cùng với việc cắt giảm 400 nhân viên để tiết kiệm 28 triệu bảng Anh mỗi năm. Ban tiếng Thái cũng sẽ chuyển về Bangkok, ban Tiếng Hàn chuyển về Seoul, và ban tiếng Bangladesh cũng chuyển đến Dhaka.

Bill Hayton, cựu phóng viên của Ban Việt Ngữ cho hay việc di chuyển này sẽ là đem đến sự mất mát về kiến thức thể chế. " Chỉ vì để giảm chi phí thì có thể thuê người ở Thái Lan với giá nhân công ở đó. Những nhà bất đồng chính kiến người Việt đã bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt cóc ở Bangkok và điều đó sẽ là áp lực cho bất kỳ ai làm báo tiếng Việt ở Thái Lan. Đây là một rủi ro cho BBC cũng như là cho các phóng viên có liên quan của BBC.

Trong ban Quốc tế BBC hiện đang có sự căng thẳng : một bên cho rằng phóng viên phải ở cùng một nơi với thính/độc giả của họ, quan điểm khác lại cho rằng mục đích của ban Quốc tế là đưa tin cho độc giả khắp thế giới tin tức từ Luân Đôn.

Đài BBC cho rằng họ nên chú trọng đến việc sản xuất các nội dung trực tuyến để tiếp cận với độc giả trẻ trên toàn cầu hơn là tìm cách duy trì các đài phát thanh và truyền hình ở nước ngoài.

Ban Quốc tế do chính phủ Anh tài trợ như là quyền lực mềm của họ nhưng chi phí lại đè nặng lên người dân đóng thuế tại Anh. Việc cắt giảm gần đây nhất làm dấy lên lo ngại rằng Vương Quốc Anh đang nhường không gian phát sóng cho những đối thủ do các chính phủ khác tài trợ như là đài RT của Nga hay CGTN của Trung Quốc.

Nguồn : VNTB, 02/10/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, VNTB
Read 254 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)