Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/10/2022

Hội nghị 6 Ban chấp hành trung ương Đảng nhóm họp trong tâm lý bất an

RFA tổng hợp

Ngày càng mất dân chủ trong Đảng ?

RFA, 03/10/2022

Càng "siết" càng "bung"

Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13 khai mạc tại Hà Nội sáng 3 tháng 10 năm 2022.

daihoi1

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng - AFP

Tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận nhiều mặt chưa được của đội ngũ đảng viên nhất là việc chưa kiểm soát tốt được quyền lực trong công tác cán bộ. Ông cho rằng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.

Những hạn chế đó theo ông Trọng là do công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng tuy đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới ; chất lượng, hiệu quả chưa đều ở các cấp.

Ông Việt Hoàng, một nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam, hiện đang ở Đức, từng là một nhà báo độc lập, nói với RFA về phát biểu của ông Trọng trong ngày 3 tháng 10 năm 2022 :

"Thật ra thì đây là một cách để ông Trọng biện hộ cho việc những quan chức trong Đảng vừa rồi bị bắt, bị kỷ luật mà thôi. Chứ còn những quy định trong nội bộ Đảng thì xưa nay nó vẫn thế. Họ cầm quyền 77 năm rồi chứ có phải mới đâu.

Cái chế độ cộng sản này cũng rất bế tắc nhưng họ không thể sửa chữa được mà chỉ vá víu. Họ cố làm cho các Đảng viên cấp thấp tin rằng Đảng đang cố gắng sửa chữa chứ thật ra họ không có khả năng thay đổi đâu. Họ chỉ nói để động viên trong nội bộ của họ thôi".

Thực tế cho thấy, thời gian qua có quá nhiều đảng viên bị kỷ luật, thậm chí đi tù do những vi phạm trong nhiều lĩnh vực. Việc khai trừ ông Chu Ngọc Anh, nguyên Chủ tịch thành phố Hà Nội và ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Y tế ra khỏi Đảng hôm tháng 6 vừa qua cho thấy lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải dùng tới hình thức kỷ luật cao nhất nhằm cảnh tỉnh cán bộ đảng viên.

Mới đây, trong báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng có nêu, sáu tháng đầu năm cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 295 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 117 đảng viên so với cùng kỳ năm trước). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ năm trước).

daihoi2

Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 13. Chinhphu.vn

Trở lại báo cáo tại hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng vào tháng 12/2021, bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban tổ chức Trung ương cho biết, trong nhiệm kỳ từ năm 2016 đến 2020, Đảng đã phải xử lý kỷ luật hơn 25.000 Đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Một luật gia không muốn nêu tên ở Hà Nội nêu quan điểm của ông với RFA về vấn đề này :

"Từ lâu ông Trọng đã nói phải ‘nhốt quyền lực trong lồng cơ chế’. Nghĩa là mọi quyền lực đều phải được kiểm soát, giám sát. Đó là ý muốn của ông ấy xuyên suốt nhiều năm qua. Bây giờ ông ấy chỉ nhắc lại vì vừa rồi quá nhiều cán bộ sai phạm do lạm quyền. Mới đây, đến Thứ trưởng Ngoại giao và trợ lý Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh bị buộc thôi việc. Rồi liên quan Việt Á thì bí thư tỉnh ủy, ủy viên trung ương Đảng cũng bị bắt… Thay vì dùng quyền lực để hỗ trợ dân thì lại hành dân. Thay vì giải cứu dân lại trở thành ‘giết dân’ với các chuyến bay giải cứu. Thay vì dùng quyền lực để phục vụ Nhân dân thì lại dùng quyền lực để làm giàu cho cá nhân, cho nhóm lợi ích".

Nhận thấy tình trạng tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển kinh tế và sự tồn vong của chế độ, trong buối tiếp xúc với cử tri Hà Nội hôm 7 tháng 10 năm 2016, ông Trọng đã nói, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực và phải nhốt quyền lực trong "lồng luật pháp".

"Tước quyền dân chủ trong đảng"

Tháng ba năm nay, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng xuất bản cuốn sách có tiêu đề "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", đã đề cập đến việc kiểm soát quyền lực trong thể chế chính trị ở Việt Nam.

Theo ông Trọng, để kiểm soát tốt quyền lực chính trị thì trước hết phải xây dựng được thể chế đầy đủ, chặt chẽ, làm căn cứ để thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ; phải xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khoa học, hiệu lực và hiệu quả sao cho người có chức, có quyền không thể tham nhũng được nếu có các quy định pháp lý chặt chẽ, đầy đủ, công khai, minh bạch và được kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Dù ông Trọng có đưa ra bao nhiêu quy định, nghị định, thậm chí phát động chiến dịch ‘đốt lò’, số đảng viên tham nhũng vẫn lên đến hàng ngàn.

Điều đó có thể được hiểu rằng Đảng cộng sản Việt Nam chưa thật sự kiểm soát tốt quyền lực trong công tác quản lý cán bộ ? Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí nói với RFA về quan điểm của ông :

"Thực ra công tác cán bộ đều do Đảng nắm hết. Trong quân đội còn rõ hơn, công tác cán bộ không phải do Đảng nắm chung chung đâu mà là do cấp ủy nắm. Người chỉ huy cũng chỉ là một thành phần trong cấp ủy thôi. Thế cho nên gọi là kiểm soát là nói nghe cho hay thôi chứ thực chất ra đều là trách nhiệm của các vị đó hết chứ.

Nghe thì có vẻ như họ muốn rõ ràng, minh bạch, không ai được thao túng… nhưng theo tôi, sâu xa ở đây là ông ta cũng như bộ sậu của ông ta là muốn thâu tóm quyền lực công tác cán bộ về tay mình.

Từ năm 2000 trở về trước thì còn đỡ chứ từ sau năm 2000 thì phần lớn rồi dần dần tiền tới chỗ hầu hết bí thư tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không phải do đại hội bầu, mà do Trung ương bổ nhiệm. Có nghĩa là càng ngày ở trên càng thao túng công tác cán bộ cấp dưới. Nó nắm toàn bộ công tác bổ nhiệm cán bộ. Đó là một trong những lý do Đảng Cộng sản vẫn duy trì quyền lực của mình.

Họ ngày càng giống bên Trung Quốc, tức là tước quyền dân chủ trong Đảng. Ở ngoài xã hội mất dân chủ một thì trong Đảng mất dân chủ mười".

Nguồn : RFA, 03/10/2022

*************************

Hội nghị Trung ương 6 khai mạc giữa lúc có những thay đổi về nhân sự cấp cao quan trọng

RFA, 03/10/2022

Hội nghị Trung ương 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc vào ngày 3/10 giữa lúc có những thay đổi về nhân sự quan trọng trong hàng ngũ cấp cao của Đảng với việc hàng loạt các quan chức bị kỷ luật, cách chức.

daihoi3

Lễ khai mạc Hội nghị Trung ương 6 Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội hôm 3/10/2022 - Báo Chính Phủ

Hội nghị dự kiến kéo dài một tuần với sự tham gia của khoảng 200 ủy viên Trung ương Đảng sẽ thảo luận các vấn đề quan trọng của Đảng và đất nước như tình hình phát triển kinh tế xã hội thời gian qua và kế hoạch giai đoạn tới, tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương, vấn đề nhân sự Đảng.

Trong bài phát biểu khai mạc của mình, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dù không nói trực tiếp đến chủ đề thay đổi nhân sự được mọi người đồn đoán trước một hội nghị quan trọng của Đảng Cộng sản, nhưng ông cũng nói đến vấn đề trong hàng ngũ lãnh đạo là Đảng viên. Ông nói :

"Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng".

Báo Thanh Niên ngay trong sáng ngày 3/10 đã có bài viết nhận định vấn đề nhân sự là một trong các nội dung quan trọng của chương trình nghị sự.

Ngày 16/9 vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt, đình chỉ các chức vụ trong Đảng đối với ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương ; và trình Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Thăng do các sai phạm liên quan vụ án Việt Á.

Ông Thăng sẽ là một nhân sự Trung ương sẽ bị xem xét kỷ luật tại hội nghị lần này.

Công ty Việt Á hiện đang bị điều tra vì cáo buộc thổi giá bộ xét nghiệm Covid-19 lên 45% và đưa đút lót khoảng 800 tỷ đồng cho các đối tác.

Từ sau Đại hội Đảng 13 vào tháng 1/2021 đến nay, đã có bảy Ủy viên Trung ương khóa 13 bị kỷ luật bao gồm : ông Phạm Xuân Thăng, ông Trần Văn Nam – cựu Bí thư Bình Dương, ông Chu Ngọc Anh – cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Long – cựu Bộ trưởng Y tế, ông Nguyễn Thành Phong – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Huỳnh Tấn Việt – Bí thư Đảng ủy khối cơ quan Trung ương, ông Bùi Nhật Quang – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Ba ông Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt và Bùi Nhật Quang có thể sẽ bị miễn nhiệm các chức vụ trong thời gian tới, theo báo Thanh Niên.

Cũng tại hội nghị lần này, Trung ương Đảng sẽ cho ý kiến về các nhân sự mới gồm Bộ trưởng Y tế - Đào Hồng Lan, người đang nắm quyền Bộ trưởng Y tế ; ông Ngô Văn Tuấn – người được cho là sẽ nắm chức Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Nguồn : RFA, 03/10/2022

*************************

Hội nghị Trung ương 6 : Ba ủy viên thôi tham gia Trung ương khóa 13

RFA, 03/10/2022

Ba ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thôi tham gia Trung ương khóa 13 do bị kỷ luật cảnh cáo.

daihoi4

Ủy viên Trung ương Đảng - Nguyễn Thành Phong - Báo Chính Phủ

Truyền thông Nhà nước vào ngày 3/10 dẫn thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 6 vừa khai mạc vào cùng ngày cho biết như vậy.

Theo thông báo, ba người này bao gồm : Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương ; Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ; Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Cả ba người đều đã bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo do các vi phạm liên quan đến công tác quản lý.

Ông Nguyễn Thành Phong, nguyên Phó bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bị xác định đã vi phạm Quy định nhiều điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương ; chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với các vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016 - 2021 ; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Vào ngày 20/8/2021, ông Nguyễn Thành Phong được Bộ Chính trị điều động từ Thành phố Hồ Chí Minh ra làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Ông Huỳnh tấn Việt - ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng úy khói các cơ quan Trung ương, bị xác định có vi phạm trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên khi để xảy ra nhiều sai phạm tại tỉnh này trong quản lý sử dụng đất, tài sản nhà nước ; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 ; quản lý và bảo vệ rừng, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng, thi tuyển công chức…

Ông Bùi Nhật Quang - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo vào ngày 30/9 vừa qua vì những vi phạm tỏng công tác tổ chức, sinh hoạt Đảng, vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương, về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng chỉ đạo, quản lý…

Nguồn : RFA, 03/10/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 356 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)