Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

05/10/2022

Có thể xây dựng văn hóa từ chức bắt đầu từ ‘ép buộc’ ?

RFA tiếng Việt

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra vào ngày 3/10/2022, đã đồng ý để ba trường hợp thôi tham gia Ban Chấp hành. Đây được cho là ba trường hợp đầu tiên thực hiện Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị, trong có việc khuyến khích người bị kỷ luật từ chức.

tuchuc1

Ảnh minh họa từ trái sang : Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính chụp ảnh chung trước khi bắt đầu phiên khai mạc khóa 15 vừa được bầu Quốc hội khóa I tại Hà Nội ngày 20/7/2021. AFP Photo

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cho rằng, ba trường hợp vừa nêu sẽ là tiền lệ hình thành văn hóa từ chức.

Theo Thông báo Kết luận số 20, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Nếu không tự nguyện xin từ chức thì bị miễn nhiệm Vậy sao có thể coi là văn hóa từ chức ?

Cựu Trung tá Quân đội Vũ Minh Trí nhận định với RFA hôm 5/10 :

"Có một lần Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã phát biểu gợi ý muốn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức, tức là Việt Nam chưa có văn hóa từ chức. Nếu mà xem xét cụ thể từng trường hợp thì hầu hết đều có nguyên nhân không phải vì lòng tự trọng, cảm thấy xấu hổ vì không hoàn thành nhiệm vụ, hay là do không xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân… mà đều là những lý do như bị ép phải từ chức, hoặc không còn quyền lợi gì nữa ở vị trí đó, hoặc nếu không từ chức thì sẽ bị xử lý ở mức độ nặng. Điển hình như ba vị vừa bị kỷ luật ở trung ương vừa rồi, báo chí cũng có đăng tin một ông là Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ xin nghỉ hưu sớm trước một tháng so với tuổi…"

Ông Vũ Minh Trí cho biết từ trước đến nay ông chưa từng thấy trường hợp nào từ chức vì lòng tự trọng, mà đều là bị ép buộc hoặc lý do chẳng đặng đừng.

Liệu việc ép từ chức có giúp cán bộ bị kỷ luật ‘hạ cánh an toàn’ ? Ông Vũ Minh Trí nhận định :

"Cũng chưa chắc là hạ cánh an toàn, bởi vì có thể những việc xử lý này sẽ vẫn còn tiếp tục. Cũng giống như là ông Đinh La Thăng chẳng hạn, khi thôi làm Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để về Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ là một bước đệm để chuẩn bị đi tù. Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn, về làm Phó Ban Tuyên giáo Trung ương cũng là một bước đệm để đi tù".

Cựu Trung tá Quân đội Vũ Minh Trí cho rằng đây là sự chấp hành không nghiêm về mặt pháp luật. Theo ông Trí, nếu đã có khuyết điểm mà gợi ý từ chức như thế có nghĩa là vi phạm, mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng cũng đã kết luận là nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản nhà nước… Ông Trí nêu ví dụ :

"Thậm chí có người rất nghiêm trọng như ông Nguyễn Thành Phong, thế mà lại gợi ý từ chức, đáng ra là phải cách chức. Nếu mà tội trạng của ông Nguyễn Thành Phong nghiêm trọng đến mức thế thì khung hình phạt là thế nào, phải truy tố điều tra, đem ra xét xử… như vậy mới là nghiêm. Ví dụ như vừa rồi có trường hợp ông Phạm Xuân Thăng Bí thư tỉnh ủy Hải Dương bị bắt rất nhanh, khi vẫn còn đương chức. Nếu làm như thế thì mới thật sự nghiêm minh về mặt pháp luật".

Ba trường hợp thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa nêu là các ông : Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ; Bùi Nhật Quang - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Huỳnh Tấn Việt - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.

Trước đó, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khi trả lời báo chí Nhà nước hôm 29/11/2021 cho rằng, văn hóa có vai trò hết sức quan trọng đối với mọi mặt trong đời sống cũng như trong Đảng. Theo ông Dĩnh, vì ngoài năng lực chuyên môn về chính trị, tổ chức thì vấn đề văn hóa cũng rất quan trọng. Trong đó có cả văn hóa lãnh đạo, lối sống, cách ứng xử của cán bộ, công chức và cả ‘văn hóa từ chức’.

Khi trả lời RFA hôm 5/10/2022 từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhận định :

"Ngay cả chuyện đẩy người bị kỷ luật vào cái thế không thể không từ chức và nói rằng đó là khởi đầu của văn hóa từ chức, cho thấy cái văn hóa đó nó tệ hại đến đâu. Tức là khi ta nói đến văn hóa từ chức là ta nói đến người từ chức đó họ hoàn toàn tự nguyện, họ cảm thấy có lỗi và họ cảm thấy việc họ tiếp tục giữ chức vụ đó có thể về phương diện pháp luật chưa ai làm gì, nhưng tự lương tâm của họ không cho phép… Chừng nào như thế mới nên gọi là văn hóa từ chức".

Chứ còn nằm trong tư thế nếu không từ chức thì bị đuổi việc, thì theo ông Dũng làm sao gọi là văn hóa từ chức được, mà nếu cứ cố mà gọi thì cho thấy cái văn hóa từ chức đang được cổ võ đó tệ hại quá mức. Ông nói tiếp :

"Cũng đã có trường hợp một số người họ từ chức không phải vì bị kỷ luật gì, nhưng số người như thế quá ít. Vì thế mà người ta kêu gào phải làm sao những cán bộ bất xứng với chức vụ phải tự nguyện từ chức. Sự kêu gào như thế chứng tỏ sự bất lực, chứng tỏ hiện nay cái việc họ tự nguyện từ chức hiếm hoi đến mức người như thế như một loài thú sắp bị tuyệt chủng, rất hiếm ở chính trường Việt Nam".

Văn hóa từ chức nói cách khác là một văn hóa ứng xử dựa trên lương tri, khi một người lãnh đạo thấy mình có khuyết điểm, hay không còn xứng đáng đảm nhận vị trí lãnh đạo thì họ sẽ từ chức. Việc này cho thấy sự hiểu biết về bổn phận, và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ.

Một bác sĩ ở Hà Nội (giấu tên) cho biết những thực tế khi ông làm việc từng chứng kiến :

"Ở Việt Nam hiện nay, trong giới quan chức mà những chỗ tôi làm việc, chỗ tôi tiếp xúc, thì chẳng ai người ta có văn hóa từ chức cả. Bởi vì người ta bám quyền lực thì người ta có thu nhập, có lợi nhuận, có các mối quan hệ vật chất và phi vật chất".

Theo bác sĩ này, Việt Nam xưa nay chưa có văn hóa từ chức, theo ông, các quan chức lên đến một chức nào đó là bám cái ghế đến cùng, đến suốt đời. Chỉ khi nào kỷ luật nặng lắm, bị cấp trên bãi nhiệm, phạm tội hình sự thì mới bị cách chức.

Ông Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2021, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này trước đây cho biết, hệ thống giá trị xã hội hiện nay chưa tôn trọng việc từ chức, vì cho rằng từ chức là bị cách chức. Trong khi theo ông Quốc, từ chức là vì một khuyết điểm hoặc là tội nặng nào đó, mà người đó không còn con đường nào khác cả. Ông giải thích tiếp :

"Các quan chức thì gắn liền với quyền lực và lợi ích, mà lợi ích không phải của cá nhân, đôi khi cái mà chúng ta gọi là lợi ích nhóm, lợi ích của một nhóm người. Và khi anh muốn từ chức cũng không từ chức nổi nữa cơ, vì nó ràng buộc lẫn nhau. Vì thế tôi cho rằng điều quan trọng hiện nay là cần ra được một cái giá trị xã hội, mà giá trị xã hội thông qua dư luận xã hội, giáo dục xã hội. Thứ hai nữa là cái sức ép để buộc người đó từ chức như một lựa chọn tối ưu để mà họ rời bỏ chức vụ, cũng có nghĩa là giải thoát cho xã hội những vấn nạn mà người đó chịu trách nhiệm".

Theo ông Dương Trung Quốc, yếu tố từ chức chưa đi vào hiện thực, chưa đi vào tập quán chính trị xã hội, và cần đòi hỏi thời gian. Theo ông Quốc, quan trọng nhất là ý thức của những vị quan chức của Việt Nam, họ phải quan tâm đến dư luận xã hội. Nói cách khác là cái chuẩn mực về nghiêm chỉnh cần có trong mỗi một con người, nhất là những quan chức càng cao cấp, càng cần phải có chuẩn mực đó.

Nguồn : RFA, 05/10/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 322 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)