Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/10/2022

Quản lý xuất bản và chính sách thu hút người tài

RFA tổng hợp

Vì sao Ban tuyên giáo phải nhắc lại ngành xuất bản là vũ khí tư tưởng của Đảng ?

RFA, 11/10/2022

Đề tăng tính kiểm soát…

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng hôm 10/10 yêu cầu ngành xuất bản cần khắc phục những hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ, sứ mệnh của ngành, xứng đáng là vũ khí tư tưởng của Đảng, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, động viên, khích lệ, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước.

xuatban1

Nhân viên một Nhà xuất bản giới thiệu những tác phẩm nước ngoài ở Hà Nội. Ảnh chụp năm 2014. AFP

Trước đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã cho rằng hoạt động xuất bản phải trở thành công cụ đắc lực, một binh chủng đặc biệt trong việc cung cấp thông tin, tri thức định hướng dư luận xã hội ; bảo vệ, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng ; đấu tranh chống các tư tưởng, luận điệu sai trái, thù địch, phản động ; loại bỏ những phong tục, tập quán, lối sống lỗi thời, lạc hậu ; xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ; góp phần tích cực vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới".

Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận định về việc này :

"Nói về ngành xuất bản thì ngành xuất bản của Việt Nam nằm trong nhóm 20 ngành độc quyền của Nhà nước, không chia sẻ với ai hết. Tức là định hướng xuất bản, con đường xuất bản, phát triển xuất bản, kiểu xuất bản, tinh thần xuất bản… là câu chuyện của nhà nước. Họ nói vậy thì thật sự nó chẳng có ý nghĩa gì hết vì từ hồi năm 2014, khi Nhà nước đẩy mạnh chương trình xã hội hóa ngành xuất bản, cho phép tất cả những nhà sách tư nhân có thể xin giấy phép, có thể làm mọi thứ để cứu ngành xuất bản đang ở mức độ đông cứng, trì trệ và không còn ai quan tâm nữa. Những năm gần đây những nhà sách ra đời đã tạo thành trào lưu mới.

Có lẽ trong bối cảnh những nhà sách bắt đầu phát triển nhiều hơn và mọi thứ dường như vượt ra ngoài tổng kiểm soát của nhà nước, Ban tuyên giáo thấy cần phải ràng rịt lại một chút về mặt tư tưởng rằng, tất cả những nhà xuất bản trên đất nước Việt Nam đều phải trong sự kiểm soát của Nhà nước Việt Nam, phải phục vụ cho tinh thần chính trị của Nhà nước Việt Nam. Vậy thôi.

Điều đó cho thấy có lẽ đang có khuynh hướng xuất hiện rất nhiều những tác phẩm họ không ưa thích, bởi vì có nhiều tác phẩm họ cho xuất bản xong lại thu hồi rồi im lặng cấm không cho in nữa hay rút lại không cho phát hành…".

Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói thêm, việc xuất bản ở Việt Nam là một trong những thứ rối rắm và mâu thuẫn nhau một cách kinh khủng. Thông tri cuối cùng cấm sách miền Nam cũ được ông Lưu Hữu Phước ký vào ngày 3/5/1977 là thông tri số 12030/STTVH/XB của Sở Thông tin - Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó liệt kê gần 500 tác giả miền Nam cũ và vài ngàn đầu sách đã được in của người miền Nam cũ bao gồm những cuốn như ‘Đỉnh gió hú’, ‘Cuốn theo chiều gió’…

"Tuy đến giờ phút này vẫn không có một văn bản nào hủy Thông tri đó nhưng những cuốn sách đó vẫn được in lại bằng cách chạy vạy của các nhà xuất bản, bằng cách chạy vạy của những người yêu văn hóa. Thậm chí những nhà xuất bản mới nổi ở Hà Nội cũng cố gắng tạo dựng cho mình cơ sở dữ liệu bằng cách cho in lại, dịch lại những tác phẩm lừng danh như vậy.

Tức là bản thân xã hội Việt Nam nó bùng phát, nó nở lớn lên nhu cầu văn hóa của nó với những tác phẩm nằm trong danh sách bị cấm vẫn được in, bán công khai ở những chợ sách cũ. Chính quyền biết nhưng họ vẫn làm thinh. Có nghĩa họ đã hoàn toàn bế tắc, không còn đủ sức để kiểm soát nữa".

xuatban2

Ảnh minh họa một tiệm bán sách dịch ở Hà Nội. AFP

Tuy chịu trách nhiệm kiểm duyệt nhưng một số cuốn sách sau khi xuất bản lại bị thu hồi nhằm ngăn chặn việc cuốn sách được lan rộng ra thị trường, chẳng hạn quyển sách "Petrus Ký nỗi oan thế kỷ" của học giả Nguyễn Đình Đầu, do Nhà xuất bản Tri thức thực hiện, đã được in nhưng bị đình lại vào tháng 1 năm 2017 ; ba bộ sách tựa đề "Bước Thịnh Suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc- Nhà Minh, Nhà Thanh" bị thu hồi và tiêu hủy tháng 12 năm 2017 ; ’cuốn sách "Gạc Ma- Vòng tròn bất tử" của nhà xuất bản Văn Học, do tướng Lê Mã Lương chủ biên bị thu hồi năm 2018…

...và tháo nút "xã hội hóa" ?

Xã hội hóa xuất bản được coi là chủ trương lớn của nhà nước, nhằm kêu gọi các nguồn lực xã hội tham gia phát triển ngành xuất bản trong nước và làm phong phú thị trường xuất bản phẩm. Tuy nhiên, có người cho rằng, xã hội hóa ngành xuất bản đã để cho doanh nghiệp tư nhân với khả năng kinh tế mạnh hơn thao túng quá trình xuất bản và phát hành (!?).

Nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng nêu quan điểm của ông khi Ban tuyên giáo nhắc lại chuyện ngành xuất bản là vũ khí tuyên truyền của Đảng hôm 10 tháng 10 :

"Theo tôi nghĩ đây là khẩu hiệu họ cố gắng đưa ra để đối phó tình hình là nhà xuất bản gần như bị buông lỏng không kiểm soát được. Rất nhiều nhà xuất bản nhà nước được cấp tiền không đủ, họ không thể dựa vào Nhà nước được nữa nên họ buộc phải bán giấy phép cho tư nhân. Nhiều công ty tư nhân làm ăn trong lĩnh vực này.

Công ty in tư nhân để làm sách thì họ cho, nhưng nhà xuất bản, những người kiểm duyệt nội dung sách thì phải của nhà nước. Nhưng bây giờ rất nhiều công ty là của tư nhân. Tự họ đi tìm bản thảo chẳng hạn như thuê dịch sách nước ngoài hay tự làm những bản thảo viết tay, tự sáng tác của tác giả trong nước mà họ biết là có thể bán được thì họ mang bản thảo đến nhà xuất bản để mua giấy phép. Vì thế, nhiều sách bây giờ tiếng là của nhà xuất bản nhưng thực tế là của tư nhân.

Chính vì thế mà ban tư tưởng không kiểm soát được việc xuất bản như ngày xưa nữa nên họ phải hô khẩu hiệu nhắc nhở. Nhưng họ sẽ không làm được đâu".

Theo thống kê trên trang tin Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3 năm 2022, hiện nay cả nước có 1.442 cơ sở phát hành sách. Trong đó có 551 cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm là doanh nghiệp và 18 cơ sở phát hành xuất bản phẩm hoạt động xuất nhập khẩu sách.

Nguồn : RFA, 11/10/2022

****************************

Thành phố Hồ Chí Minh thu hút người tài bằng thu nhập hay chính sách ?

RFA, 11/1/2022

Một lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh mới đây nhìn nhận 'thu nhập không phải là vấn đề để hút người tài mà điểm cốt lõi phải đến từ chính sách phù hợp".

xuatban3

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP Photo

Thu nhập chỉ là cái cớ !

Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần kiến nghị thay đổi, bổ sung chính sách thu hút người tài nhắm vào việc điều chỉnh thu nhập.

Trong giai đoạn 2014-2018, thành phố đưa ra mức lương tối đa là 150 triệu đồng/tháng và đã tuyển được 17 chuyên gia về làm việc. Tuy nhiên, giai đoạn chính thức từ 2019, mức thu nhập giảm mạnh chỉ còn 13-15 triệu đồng/tháng và chỉ có ba người ứng cử vào làm việc tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Từ thực tế trên, Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Cần Thơ, nguyên giảng viên trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, hôm 11/10 nhận định :

"Nếu nói tiền lương không quan trọng thì cũng không đúng, vì đồng lương đảm bảo cho cuộc sống ổn định. Nhưng đồng lương cũng không thể là tất cả để quyết định chúng ta có gắn bó với một đơn vị, một tổ chức lâu dài hay không. Vấn đề quyết định là con người làm việc ở một môi trường có được tự do sáng tạo hay không, có được tự do phát huy hết năng lực khả năng của mình hay không… đó mới là quan trọng. Nếu một người con có đầy đủ năng lực, có trí tuệ, có tầm nhìn… mà gặp một thủ trưởng dốt, bảo thủ, chỉ tính lợi cho bản thân mình và luôn luôn cản trở những sáng kiến của cấp dưới… thì rõ ràng môi trường đó là một môi trường không thể làm việc được".

Theo Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc, vấn đề ông vừa nêu hiện đang trở thành vấn nạn ở khắp nơi, đó chính là sự bảo thủ và tư tưởng hạn chế năng lực của người lãnh đạo.

Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được Việt Nam đề ra từ rất lâu và đã được thể hiện qua văn kiện của Đảng cộng sản Việt Nam trước đây như : Nghị quyết số 03, ngày 18/6/1997 của Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VIII. Nhiều năm sau đó, Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ VN nhiều nhiệm kỳ cũng thường xuyên nhắc lại, đốc thúc thực hiện chính sách này...

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, v.v. cứ vào mỗi đầu năm, lãnh đạo các thành phố này lại đưa ra "cơ chế đãi ngộ đặc biệt" để thu hút nhân tài nhưng dường như mọi nỗ lực đều đang bị… thất bại khi mới đây, hôm 27/6/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính lại "hối thúc" Đà Nẵng phải tập trung phát triển nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước.

Tại sao Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều nhân tài khi tại mỗi địa phương đều có thể xây dựng cơ chế, chính sách riêng ? Phải chăng thể chế cản trở việc thu hút nhân tài. Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc phân tích thêm :

"Hiện nay chúng ta thấy rõ ràng những người chỉ sống vì lương thì không thể sống được, mặc dù bên cạnh hệ số lương của Nhà nước thì các cơ quan ban ngành đều có quỹ phúc lợi riêng người ta gọi là lương và phụ cấp. Nhưng những người chân chính thì kể cả dựa vào lương này cũng không thể trang trải cuộc sống của bản thân và gia đình. Do đó, vấn đề cải cách tiền lương để bảo đảm một điều kiện tối thiểu cho người làm việc, để phát huy hết khả năng của họ… thì tôi e rằng đó là vấn đề không thể nào tháo gỡ nếu trong thể chế này".

xuatban4

Ảnh minh họa : Sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Việt Nam ngày 2/3/2020. Reuters.

Thể chế mới là cốt lõi…

Bộ Nội vụ Việt Nam vào tháng 8 năm 2022 cho rằng, cần cải cách tiền lương để trọng dụng nhân tài. Theo đó, Bộ này đề xuất cơ chế trả lương cho người tài theo thị trường với mức trần 120-150 triệu đồng/tháng.

Cách đây hai năm, Bộ này cũng đã từng đưa ra giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật để thu hút những người tài giỏi, trong đó có chính sách thu hút người gốc Việt ở nước ngoài về nước làm việc.

Từ Pháp, hôm 11/10, Giáo sư Phạm Minh Hoàng, từng về Việt Nam giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định :

"Vấn đề lương hướng của giáo viên là ưu tiên, tuy nhiên đó không phải là tất cả. Ngoài vấn đề lương, chúng ta phải cải cách vấn đề nội dung học đường, mà đụng đến cải cách học đường là đụng đến cải cách thể chế, đó là điều gần như là không thể. Còn nhiều vấn đề cản trở khác nữa nhưng đều đụng đến thể chế".

Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, đặt trường hợp của ông, nếu về Việt Nam giảng dạy mà ngoan ngoãn, sử dụng kiến thức hàn lâm để nói thì có lẽ sẽ bình yên vô sự. Nhưng, sau những kinh nghiệm làm việc tại VN, giáo sư Hoàng cho rằng, vai trò của người trí thức không chỉ là truyền đạt văn hóa, mà còn phải truyền đạt các vấn đề về xã hội, những vấn đề con người quan tâm đến đồng loại, đến cuộc đời… Và, theo giáo sư Hoàng, nếu dấn thân vào con đường đó thì dễ bị nhà nước chụp mũ là những người đi lệch đường lối và có thể họ sẽ bị gây khó khăn :

"Nếu mình dấn thân làm những điều đó một mình thì còn không sao, còn nếu làm chuyện đó với nhiều người như các em học sinh, các đồng nghiệp thì có thể bị đưa vào tội hình sự như là trường hợp của tôi. Nói tóm lại nếu chúng ta ngoan ngoãn như một con cừu thì không sao, nhưng nếu chúng ta dùng kiến thức của mình để khai sáng hoặc trao đổi về vấn đề thời sự với các sinh viên… dù không nói hoàn toàn về chính trị, mà chỉ trao đổi các vấn đề công bằng xã hội, luật pháp thì ít nhiều sẽ gặp rắc rối. Khi nào Nhà nước thấy sự thay đổi không theo chiều hướng của họ thì họ sẽ ngăn cản mình, họ sẽ làm khó mình.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho rằng, người cộng sản kiểm soát cái đầu của mỗi người dân rất kinh khủng, một khi mà người dân có suy nghĩ không đúng đường lối của Đảng, thì sẽ bị ngăn chặn ngay.

Vấn đề tự do sáng tạo và tự do cống hiến không chỉ bây giờ mới được các chuyên gia, những nhà nghiên cứu xã hội, giáo dục như nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, Giáo sư Phạm Minh Hoàng đề cập đến… mà trước đây nhiều trí thức cũng đã chia sẻ với RFA rằng, thể chế độc đảng của Đảng cộng sản Việt Nam không thể có chỗ đứng bền vững cho người tài chân chính. Thực tế cho thấy, thể chế tốt phải có tự do mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội. Trong khi đó, thể chế của Việt nam hiện nay lại hạn chế những tự do đó !

Nguồn : RFA, 10/10/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 300 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)