Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/10/2022

Không ai có thể chống nhà cầm quyền chỉ bằng lời nói !

RFA tiếng Việt

Bộ Công an Việt Nam vừa cho biết đã xử lý hàng triệu tin, bài bị cho là ‘xấu độc, chống phá đảng, nhà nước...’ Thông tin vừa nêu được Bộ Công an gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 5/10. Cụ thể Bộ này cho biết đã phối hợp với Bộ Truyền thông & Thông tin xử lý kịp thời các trang mạng xã hội có các bài đăng bị cho là phản cảm, nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo đảng và nhà nước...

chong1

Ảnh minh họa các bạn trẻ ở Hà Nội sử dụng smart phone. AFP.

Cũng như trước đây, nhà cầm quyền Việt Nam không nêu rõ, như thế nào là chống phá Đảng, Nhà nước, cũng như quy chuẩn nào để xác định đâu là thông tin sai sự thật.

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc hôm 7/10, nhận định :

"Những năm vừa qua, uy tín của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với người dân bị giảm sút một cách nghiêm trọng bởi vấn nạn tham nhũng, sự yếu kém của họ trong quản lý điều hành kinh tế và những lĩnh vực khác của xã hội. Nói chung, khi chính quyền bị suy giảm lòng tin của người dân thì họ rất sợ những người đối lập, hay những người vạch ra những sai lầm, những điểm yếu của chính quyền... để cho người dân được biết, đó là điều nguy hiểm đối với sự tồn vong của chế độ. Cho nên họ tăng cường gây áp lực đối với những nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook, YouTube... để tìm mọi cách kiểm soát cũng như xóa bài vở, khóa những tài khoản của những người đang sử dụng mạng xã hội để vạch trần những cái yếu kém của chính quyền cộng sản tại Việt Nam".

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bắt giữ ít nhất hai chục người với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…" hay "Tuyên truyền, xuyên tạc, chống Nhà nước". Những điều khoản này trong các Bộ Luật Hình sự Việt Nam từ trước đến nay đều bị các tổ chức theo dõi nhân quyền và các nước dân chủ cho là mơ hồ, nhằm bịt miệng tiếng nói đối lập, cần phải bãi bỏ.

Mới nhất là trường hợp hai bà Vũ Bích Vân và Ong Thị Thụy, ngụ tại phường Vĩnh Trại, Thành phố Lạng Sơn, vào ngày 3/10 bị khởi tố và bị bắt tạm giam với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Theo cơ quan chức năng, hai bà Vũ Bích Vân và Ong Thị Thụy trong một thời gian dài đã quay và phát trên tài khoản Facebook cá nhân nhiều video clip cảnh nhiều người dân tập trung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với cơ quan thẩm quyền về Dự án Khu dân cư Khối 2, Phường Vĩnh Trại. Tuy nhiên Công an lại cho rằng lời lẽ trong các video clip ‘xâm phạm đến lợi ích của các cơ quan Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân dẫn đến phát sinh bình luận trái chiều, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính quyền các cấp.’

Một cựu tù nhân quyền - Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nhận định về vấn đề này hôm 7/10 :

"Về việc thông tin mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gọi là xấu độc thì tôi nghĩ, thứ nhất thông tin không có xấu độc, không có chính thống- phụ thống gì hết... mà thông tin chỉ có là thật hay giả, đã kiểm chứng hay là chưa kiểm chứng mà thôi. Tại sao trong thời điểm hiện nay nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam họ nhấn mạnh vấn đề thông tin xấu độc mang tính chất răn đe và đã có nhiều người bị bắt trong thời gian qua ? Là bởi vì chính quyền họ đã thấy người dân hiện nay sự bất mãn lên cao quá, họ sợ mất kiểm soát và không muốn tạo tiền lệ, mang tính chất lan tràn".

Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, những lời nói, những bài viết mà chính quyền cho là xấu độc không có một chút gì để gọi là làm lung lay chế độ, bởi vì không phải muốn lật đổ chế độ là có thể làm được chỉ bằng lời nói. Ông Nguyễn Ngọc Già nói tiếp :

"Chính quyền cũng thừa biết những bài báo, những lời nói đó có thể không chuyên nghiệp, nhưng nó tác động vào trong suy nghĩ của người dân và làm cho lòng dân cảm thấy bị lung lay. Điều đó chứng tỏ chính quyền đang muốn thu phục nhân tâm trong thời điểm hiện nay. Do đó họ mới nhấn mạnh vấn đề thông tin xấu độc để tăng cường kiểm soát, nhằm mục đích bắt bớ nhiều hơn và không để tinh thần của người dân bị rệu rã thêm nữa, mặc dù hiện nay tinh thần người dân đang rất là rệu rã".

Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) công bố hôm 6/4/2022, con số tù nhân lương tâm ở Việt Nam hiện đang là 253 người, tuy nhiên tổ chức này cũng cho rằng còn số thực có thể còn cao hơn.

Liên quan vấn đề này, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, nhận định :

"Nếu như cách đây hơn một năm trở về trước, chúng ta có thể dễ dàng vào mạng xã hội và thấy rất nhiều những nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam, từ hoạt động nhân quyền, hoạt động môi trường và các lĩnh vực khác... họ sử dụng các kênh trên mạng xã hội như là Facebook, YouTube để livestream bày tỏ những quan điểm khác biệt, bất đồng hay vạch rõ những sai lầm yếu kém của chế độ. Nhưng đến giờ chúng ta hoàn toàn thấy vắng bóng những người này. Phần lớn họ đã bị bắt, những người chưa bị bắt họ buộc phải xóa kênh truyền thông của họ. Qua điều đó chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sức đàn áp của chế độ cộng sản đối với những người hoạt động trên mạng xã hội là như thế nào".

Reuters vào ngày 28/9/2022 dẫn ba nguồn tin không muốn nêu tên cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị luật nhằm hạn chế các tài khoản mạng xã hội có thể đưa nội dung liên quan tin tức. Theo Reuters, quy định này sẽ được công bố vào cuối năm nay.

Một trong ba nguồn tin nói Chính phủ Việt Nam muốn chỉnh đốn tình trạng theo họ là ‘báo hóa’ mạng xã hội. Tình trạng này bị chính quyền cho là gây ngộ nhận trong dân chúng rằng các tài khoản mạng xã hội được phép làm chức năng như các kênh tin tức.

Hai trong số ba nguồn tin của Reuters còn nói thêm luật mới nhằm đặt cơ sở pháp lý cho biện pháp kiểm soát việc truyền đi tin tức trên các nền tảng như Facebook và YouTube ; cũng như buộc thêm trách nhiệm điều tiết cho các nhà cung cấp. Cơ quan chức năng có thể yêu cầu các công ty mạng xã hội cấm các tài khoản vi phạm theo luật Việt Nam.

Những thảo luận về các luật như thế đang được giữ kín. Reuters liên lạc với Bộ Thông tin- Truyền thông và Bộ ngoại giao để hỏi thông tin liên quan nhưng chưa nhận được hồi đáp.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 277 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)