Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa phát bản tin cảnh báo về nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và các vùng trũng thấp, ven sông tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long, đề phòng tình trạng sạt lở bờ bao, đê bao yếu tại các vùng xảy ra ngập lụt.
Nước sông Cửu Long đang lên…
Do ảnh hưởng lũ thượng nguồn kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên và đạt đỉnh từ ngày 10 đến 13/10, sau biến đổi chậm. Đỉnh lũ trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,7m, trên báo động 1 là 0,2m ; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 3,3m, trên báo động 1 là 0,3m, tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long lên mức báo động 2, có nơi trên báo động 3.
Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước tại các trạm đang lên chậm, trên kênh Tri Tôn tại Cô Tô đang ở mức dưới báo động 2 là 0,16m. Tại các khu vực kênh Ba Thê tại Vọng Thê dưới báo động 2 là 0,14m ; trên kênh Núi Chóc – Năng Gù tại Vĩnh Hanh dưới báo động 2 là 0,06m ; trên kênh Rạch Giá – Long Xuyên tại Núi Sập dưới báo động 2 là 0,13m.
Trong những ngày qua, mực nước cao nhất ngày khu vực đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc và các trạm vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu đang lên, cường suất mực nước cao nhất ngày lên trung bình từ 0,1 – 0,2m/ngày.
Còn tại Trà Vinh, trên sông Cổ Chiên, mực nước có khả năng đạt 2,2m, cao hơn mức báo động 3 là 0,3m ; trên sông Hậu, mực nước có thể đạt 2,2m, cao hơn báo động 3 là 0,2m. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang – Phó trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, bên cạnh triều cường lên nhanh và cao, còn có khả năng xuất hiện nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới.
Trà Vinh là tỉnh có nhiều địa phương dễ bị ảnh hưởng cao bởi triều cường, bão, áp thấp nhiệt đới, như các xã ven biển, cửa sông thuộc các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải, Trà Cú và thị xã Duyên Hải. Ngoài ra, các xã nằm dọc các sông Cổ Chiên và sông Hậu cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Theo bản tin của MDM (Mekong Dam Monitor - Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện sông Mê Kông), ở phần thượng lưu vực (từ Chiang Saen ở Thái Lan ngược lên) do tình trạng khô hạn và thủy điện tích nước nên dòng chảy vẫn bị thiếu hụt đến 40%. Trong khi đó ở hạ lưu vực, bão Noru cuối tháng 9 vừa qua đã khiến các hồ chứa trên tích trữ được nước nhiều hơn so với bình thường. Có đến 7 hồ chứa đạt 100% dung tích chứa, thậm chí một số trường hợp đã vượt quá dung tích thiết kế.
Nước mùa lũ ở Campuchia khá cao nên lượng nước đổ về vùng đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua khá hơn một vài năm gần đây.
Tại khu đê bao ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), 5 năm qua không được đón phù sa, thì nay nước nổi đã bắt đầu tràn đồng. Lần đầu tiên sau 5 năm, địa phương không sản xuất lúa vụ 3 mà quyết định xả lũ toàn đồng với diện tích hơn 11 ngàn ha để đón phù sa vào đất, cải tạo đất cho vụ sau. Toàn tỉnh Đồng Tháp cũng mở cửa xả lũ hơn 88 ngàn ha.
Tương tự, tại tỉnh đầu nguồn An Giang, cuối tháng 8, tỉnh đã cho xả đập Tha La và Trà Sư nhằm đưa phù sa vào vùng Tứ Giác Long Xuyên và bảo vệ an toàn cho gần 500 ngàn ha lúa Hè Thu ở An Giang, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ. Việc xả lũ vào ruộng còn giúp cho người dân đánh bắt các loại thủy sản mùa nước, có thêm thu nhập trong những tháng nông nhàn.
Mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long năm nay được dự báo là "mùa nước nổi đẹp", mang theo phù sa, thau rửa đồng ruộng và hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Thới Bình
Nguồn : VNTB, 10/10/2022