Dùng tiền bảo lãnh tại ngoại trong trường hợp bà Phương Hằng
RFA, 26/10/2022
Ông Nguyễn Quang Tuấn, con trai bà Nguyễn Phương Hằng – CEO Công ty Đại Nam, vừa gửi đơn đến Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để xin nộp 10 tỷ đồng bảo lãnh cho mẹ được tại ngoại. Trong đơn gởi cơ quan chức năng được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 24/10, ông Tuấn giải thích mẹ ông phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, chưa có tiền án, trước khi bị bắt có nhiều giấy khen về hoạt động từ thiện, sau khi bị bắt đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… Ông Tuấn cho rằng hành vi của bà Hằng không thuộc các trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm.
Bà Nguyễn Phương Hằng nghe quyết định khởi tố, bắt tạm giam hôm 24/3/2022. Courtesy chinhphu.vn
Pháp luật Việt Nam quy định vấn đề này như thế nào ? Từ Hà Nội hôm 26/10, Luật sư Hà Huy Sơn giải thích :
"Vấn đề bảo lãnh được quy định trong Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 của Việt Nam, là phải có tối thiểu hai người thân trong gia đình có nhân thân tốt đứng ra bảo lãnh cho bị can đang bị bắt. Chứ không có quy định vấn đề bảo lãnh bằng tiền, còn đối với trường hợp bà Phương Hằng, pháp luật quy định thuộc thẩm quyền cơ quan tố tụng, còn nếu trong giai đoạn điều tra thì cơ quan thụ lý có quyền quyết định cho tại ngoại hoặc bác. Pháp luật cũng không cấm và nếu không cho tại ngoại thì cũng không bắt buộc".
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy khi nhận định vấn đề này với RFA qua tin nhắn cho biết, chuyện xin tại ngoại ở nước ngoài khá phổ biến, còn ở Việt Nam có lẽ vẫn còn khá mới. Nhưng rồi theo thời gian theo ông Vũ, cùng với sự hội nhập với thế giới, chuyện xin tại ngoại ở Việt Nam cũng sẽ trở nên là chuyện bình thường.
Tuy vậy ông Vũ cho rằng có vài vấn đề cần phải lưu tâm. Vấn đề thứ nhất đó là luật phải được thực thi một cách công bằng đó là những ai thoả mãn điều kiện nên được chấp nhận cho tại ngoại. Ông Vũ cho biết tiếp :
"Vấn đề thứ hai đó là đảm bảo những cá nhân không có khả năng tác động xấu đến xã hội mới được tại ngoại. Vấn đề thứ ba đó là giám sát việc tại ngoại. Và vấn đề cuối cùng đó là trong một xã hội nơi có sự chênh lệch giàu nghèo rất lớn như hiện nay, việc đòi hỏi một khoản tiền bảo lãnh lớn nó sẽ dẫn đến trường hợp người giàu có điều kiện để tại ngoại hơn những người nghèo, và như vậy nó đi ngược lại chủ trương hình thành một xã hội công bằng và bình đẳng như khẩu hiệu của đảng Cộng sản.
Bởi vì hệ thống của Việt Nam hiện thời đang đối diện với những vấn đề chính này, Chính phủ có lẽ cần thêm một khoản thời gian nữa để điều chỉnh và chuẩn bị trước khi cho phép điều luật này được thực thi rộng rãi hơn".
YouTuber Nguyễn Phương Hằng, 51 tuổi, ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, từng là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam ở Bình Dương. Bà bị khởi tố, bắt tạm giam từ ngày 24/3/2022. Bà Nguyễn Phương Hằng bị một số cá nhân làm đơn tố giác gửi cơ quan chức năng về hành vi "làm nhục người khác", "vu khống", và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Những người tố cáo bà Hằng gồm có các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, các nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Hàn Ni…
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài khi nhận định từ Đức quốc hôm 26/10 cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự của Việt Nam có quy định sẽ cho tại ngoại đối với những tội phạm ít nghiêm trọng, tức mức hình phạt từ ba năm trở xuống, điều kiện thứ hai là những người phạm tội khi được tại ngoại không có ý định bỏ trốn, thứ ba là những người phụ nữ đang nuôi con nhỏ hay đang có thai… Ông Đài nói tiếp :
"Trong thực tế Việt Nam cũng đã áp dụng trong một số trường hợp được tại ngoài như trường hợp của ông Lê Tùng Vân vì lý do tuổi cao sức yếu cũng đã được tại ngoại, ngoài ra còn một số trường hợp khác. Bà Hằng đang bị cáo buộc theo tội danh thuộc Điều 331, tức là tội danh có án cao nhất là bảy năm tù giam. Như vậy không thuộc tội phạm ít nghiêm trọng, mà là nghiêm trọng, nên không thuộc trường hợp được bảo lãnh tại ngoại cho dù con trai bà Hằng có bỏ ra 10 tỷ hay 100 tỷ thì cũng không thuộc diện được bảo lãnh tại ngoại".
Ông Lê Tùng Vân mà Luật sư Đài nhắc đến là người đứng đầu cơ sở tu tại gia Tịnh thất Bồng Lai (sau đổi tên là Thiền am bên bờ vũ trụ), ông bị cáo buộc tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân theo Điều 331. Nhưng vì bản thân sức khỏe kém do đã già (92 tuổi), ông được cho tại ngoại.
Theo Luật sư Đài, điều 331 mặc dù không nằm trong an ninh quốc gia nhưng trong hệ thống pháp luật cộng sản, họ thường dùng điều 331 để xét xử những người bất đồng chính kiến hay những người đối lập và họ coi đó là tội danh chính trị. Cho nên những trường hợp họ đã điều tra theo tội danh đó thì ông Đài cho rằng hầu như không có khả năng được bảo lãnh. Tuy nhiên ông Đài cho biết ngoại lệ :
"Trong trường hợp bà Hằng chứng minh được trong tình trạng sức khỏe rất yếu, cần phải có nhu cầu chữa bệnh, mà cơ sở y tế của trại giam không đủ khả năng đáp ứng thì bà Hằng có thể được tại ngoại. Chứ nếu chỉ vì lý do ăn năn hối cải, khai báo thành khẩn, kết hợp với lý do tiền, mà mức độ bệnh chưa trầm trọng thì bà Hằng sẽ không bao giờ được tại ngoại".
Bà Nguyễn Phương Hằng trong một livestream trước đây. Hình chụp từ livestream trên YouTube của bà Nguyễn Phương Hằng.
Bà Nguyễn Phương Hằng, một YouTuber từng được nhiều người biết đến qua những cuộc livestreaming chỉ trích các nhân vật nổi tiếng, bị Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị điều tra bổ sung và Công an tỉnh Bình Dương đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân truy tố. Tội danh đối với bà Nguyễn Phương Hằng từ hai địa phương Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương đều là "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo Điều 331 của Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Để tìm hiểu thêm, RFA hôm 25/10 liên lạc Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada, và được ông cho biết :
"Tôi nghĩ ở Việt Nam không phải là không có luật, thậm chí có thể nói là có cả một rừng luật nhưng Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp của Việt Nam thích chơi luật rừng hơn, miễn sao bảo vệ được chế độ chính trị. Họ bất chấp tất cả, dù có chà đạp lên hệ thống pháp luật".
Việc bảo lãnh tại ngoại hầu tra theo Luật sư Khanh là một trong những quyền cơ bản của công dân nói riêng và quyền con người nói chung. Quyền này được hầu hết các quốc gia tự do, dân chủ tôn trọng và hiện thực hoá trong sinh hoạt bình thường của xã hội. Trong quá trình hội nhập của Việt Nam, Chính phủ đã ban hành một số đạo luật, bộ luật để vận hành nhà nước, xã hội và người dân, theo chuẩn mực quốc tế. Và trong bối cảnh đó, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là một minh chứng.
Nhưng vấn đề chính theo Luật sư Vũ Đức Khanh là các thẩm phán Việt Nam không có tính độc lập với nhà cầm quyền vì họ đều là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho nên khả năng bảo vệ lẽ phải, pháp lý còn rất hạn chế. Các thẩm phán sẽ không đứng về công lý mà phán xét, nhưng thường hội ý, hiệp thương với chi bộ đảng địa phương để trao đổi và nhận sự chỉ đạo của tổ chức Đảng. Thẩm phán Việt Nam không độc lập với hệ thống chính trị. Ông Khanh cho biết tiếp :
"Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định rõ ràng ai được quyền bảo lãnh và những điều kiện cần và đủ nào để thực hiện quyền đó.
Theo quy định của điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo lãnh tại ngoại là "biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh".
Và cũng theo Bộ luật này, điều 122 quy định về việc dùng tiền để làm thế chấp, xin tại ngoại hầu tra".
Vẫn theo Luật sư Khanh, vấn đề không phải là việc có luật hay không mà là sự thực hiện những điều luật đó như thế nào để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, đem lại công lý cho người dân. Người dân muốn có công lý chứ không muốn đồng tiền khuynh đảo công lý và mong rằng đây không phải là một phép thử, để các đại gia dùng tiền thoát tội, thoát vòng lao lý.
Luật sư Vũ Đức Khanh đưa ra các gợi ý mà các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam có thể xem xét đơn xin tại ngoại hầu tra của bà Nguyễn Phương Hằng :
"Một là bà Nguyễn Phương Hằng phải đóng tiền bảo lãnh tại ngoại hầu tra từ vài ba chục tỷ mới thỏa đáng. Cụ thể, tôi đề nghị số tiền đóng theo quy định của điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự, tối thiểu phải là 20 tỷ và tối đa 50 tỷ đồng.
Hai là bà Nguyễn Phương Hằng sẽ cũng bị buộc phải đeo vòng theo dõi GPS trên người trong suốt thời gian tại ngoại hầu tra và phải trả tiền cho một đội bảo vệ (tối thiểu ba người làm việc 24/24) cho bà.
Ba là Bà chỉ được phép đi ra khỏi nơi cư trú với người bảo vệ từ 8 giờ sáng đến 8 tối, nếu có hẹn trước và được cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho phép, theo quy định tại điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự".
Ngoài ra ông Khanh cho rằng, các cơ quan chức năng vẫn có thể kết hợp thêm điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự về điều kiện bảo lãnh để tránh việc dư luận có thể cho rằng đồng tiền đã chi phối công lý. Việc đưa ra những điều kiện gắt gao sẽ giúp củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp Việt Nam.
Nếu điều này có thể được thực hiện thì theo ông Khanh, nền tư pháp Việt Nam thực sự có thể bắt đầu có những dấu hiệu hài hòa với các chuẩn mực quốc tế trong thực tế hơn là trên những văn bản luật.
Nguồn : RFA, 26/10/2022
***************************
Tòa án Việt Nam có thể trở nên thành trì bảo vệ công lý như ao ước ?
RFA, 22/10/2022
"Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tòa án theo hướng khoa học, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thực tế, hoạt động hiệu quả. Phấn đấu xây dựng Tòa án nhân dân xứng đáng trở thành ‘thành trì bảo vệ công lý’".
Ảnh minh họa : Biểu tượng cho công lý. AFP
Đó là phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021, do Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức trực tuyến hôm 21/12/2020 Hội nghị có 10.000 người dự, trong đó có 6.000 thẩm phán các cấp tại gần 800 điểm cầu trực tuyến.
Liệu Tòa án Nhân dân Việt Nam có thể là thành trì bảo vệ công lý như lời ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi những năm qua đã xảy ra nhiều vụ án oan sai gây bức xúc trong dư luận. Chưa kể nhiều vụ án bị chính trị hóa, quy kết tội vi phạm an ninh quốc gia với những bản án bỏ túi.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, nói với RFA hôm 22/12 về vấn đề này :
"Toà án lẽ ra phải là thành trì của Công lý ! Và Công lý luôn là khát khao cháy bỏng nơi người dân Việt.
Tuy nhiên, khi mà ở Việt Nam hiện nay hoạt động của Toà án được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tiêu chuẩn chính trị của thẩm phán phải là đảng viên thì tính độc lập của Toà án chỉ là khẩu hiệu và tồn tại trên câu chữ mà thôi ! Và lẽ cố nhiên, Toà án mà không độc lập thì việc xét xử không thể tránh được oan sai và câu chuyện oan sai vẫn là điệp khúc bất tận trong môi trường pháp luật Việt Nam".
Đơn cử một số vụ được nhiều người quan tâm như vụ án Hồ Duy Hải kêu oan hơn hàng chục năm qua. Hồ Duy Hải ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh ‘giết người, cướp tài sản’ tại cả ba phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm. Tuy nhiên, hàng loạt những sai phạm trong quá trình điều tra, trong các phiên tòa được các luật sư và các nhà quan sát chỉ ra nhưng các chủ tọa đã không quan tâm, và giữ nguyên bản án đã tuyên trước đó.
Trước đó cũng có nhiều vụ án oan sai như vụ ông Hàn Đức Long bốn lần bị kết án tử hình dù vô tội. Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án chung thân với tội giết người dù liên tục kêu oan, sau 10 năm ngồi tù oan, ông mới được hủy hai bản án kết tội ông giết người.
Hay ông Huỳnh Văn Nén, người được xem là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan, gần 17 năm ngồi tù oan, và chỉ được đình chỉ điều tra sau khi công an tìm ra hung thủ giết người.
Mới nhất là vào ngày 12/10/2020, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh đã trao hơn 6 tỷ đồng tiền bồi thường cho các nạn nhân bị hàm oan 41 năm trong vụ án ‘Cướp tài sản riêng của công dân’. Vụ án oan này đã khiến cả gia đình tám người bị bắt vào cuối tháng 7 năm 1979 và có hai người đã chết không được nhận bồi thường.
Từ Sài Gòn hôm 22/12, Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trả lời RFA qua tin nhắn cho biết, Tòa án có chức năng bảo vệ công lý. Nhưng khi người đứng đầu chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi xây dựng Tòa án Nhân dân thành ‘thành trì bảo vệ công lý’ là đã tái xác nhận một thực trạng đáng buồn về hệ thống tòa án Việt Nam đã chưa đáp ứng được chức năng chính yếu của mình. Luật sư Mạnh cho biết tiếp :
"Qua đó, tôi cho rằng lời kêu gọi của ông Phúc rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay và tôi cũng mong ông ấy sẽ có những hành động thiết thực, cụ thể để cải cách hoạt động tòa án chứ không dừng lại ở lời kêu gọi.
Vài vấn đề mang tính cơ bản có thể giúp cải cách hoạt động tòa án mà chính quyền có thể cho nghiên cứu, điển chế để vận dụng ngay, như :
- Bảo đảm tính độc lập xét xử. Hiện nay, tôi tin rằng sự tồn tại các tổ chức nội chính tỉnh/thành, các hoạt động "chỉ đạo án" hay "duyệt án"… đang làm ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của tòa án.
- Thẩm phán có nhiệm kỳ suốt đời và được đãi ngộ xứng đáng để họ có thể toàn tâm, toàn ý với nghề nghiệp của mình.
- Bảo đảm tuyệt đối hoạt động tham gia tố tụng của luật sư.
- Thành lập tòa bảo hiến.
- Tách việc quản lý giam giữ nghi phạm ra khỏi hệ thống công an hoặc có thể giám sát, kiểm tra được".
Ông Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021, do Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức trực tuyến hôm 21/12/2020. Courtesy NLD.
Cũng tại Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021, Tòa án nhân dân Tối cao báo cáo trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, các tòa án đã thụ lý hơn 2 triệu vụ việc. Ngành tòa án trong năm 2020 cũng đã xử lý nghiêm nhiều vụ án lớn với các bị cáo là người có chức vụ cao như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… Tuy nhiên cơ quan đứng đầu ngành Tố tụng không nói về các bản án oan sai mà dư luận đặc biệt quan tâm.
Luật gia Phạm Công Út, hiện sống tại Sài Gòn, giải thích với RFA hôm 22/12 về cơ chế tố tụng tại Việt Nam :
"Tôi nghĩ đó là ước ao của Thủ tướng, nhưng cơ chế pháp luật đặc biệt là tố tụng rất khó bảo vệ công lý bởi vì họ có những vấn đề nhạy cảm về chính trị. Ví dụ như những vụ án hình sự thông thường như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, trốn thuế .nhưng biến thành một vụ án chính trị. Khi như vậy, dù không phải là phiên tòa an ninh quốc gia, nhưng khi người ta chính trị một vụ thường án thì nó không khác gì một phiên tòa an ninh quốc gia. Từ đó an ninh thắt chặt, và người bị quy kết đã giống như có tôi khi họ họp với nhau, chứ không phải khi bản án tuyên có hiệu lực pháp luật".
Còn vấn đề thứ hai, theo Luật gia Út là vấn đề tố tụng của Việt Nam là sự pha trộn của tố tụng Xã hội Chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa), nó mang tính xét hỏi nhiều hơn là tính tranh tụng. Trong khi Việt Nam có ký kết một số công ước Liên Hiệp Quốc, và cũng có tiến hành sửa luật nhưng không đáp ứng được hiện thực tiến hành tố tụng. Ông đưa ra dẫn chứng :
"Ví dụ như chống tra tấn, phải ghi âm ghi hình, được từ chối trả lời nếu không có luật sư Nhưng mà khi người ta đã chính trị hóa một vụ thường án thì luật sư không được sao chụp tài liệu, không được tham gia từ đầu cho tới cuối. Hay ví dụ vụ án giết người ở Đồng Tâm, thì người ta chính trị hóa nó thành vị trọng án, nó không phải vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, nhưng các luật sư tham gia bị hạn chế một số quyền tiếp cận hay quyền của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nó hạn chế rất nhiều so với các vụ trọng án khác, không phải là một phiên tòa xét có tội hay không và sau đó có một phiên tòa khác tuyên mức án. Mà phiên tòa này ở Việt Nam từ sơ thẩm kết tội đến kết án trong cùng một phiên tòa. Như vậy nó mang mô hình xã hội chủ nghĩa".
Trong vụ án "giết người" và "chống người thi hành công vụ" xảy ra vào rạng sáng ngày 9/1/2020 ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội trong phiên xử diễn ra vào ngày 14/9/20, đã ra phán quyết đối với 29 người.
Trong 6 người đã bị cáo buộc tội ‘giết người’, có 2 người bị tuyên tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, đều là con trai cụ Lê Đình Kình. Ông Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Lê Đình Kình, nhận án chung thân. Ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù và Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù. 23 bị cáo còn lại nhận án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam về tội ‘Chống người thi hành công vụ’.
Người dân Đồng Tâm và các luật sư đều cho rằng các bản án tuyên cho người dân Đồng Tâm đều là oan sai.
Sau này, Việt Nam đã có cải cách tư pháp, lấy tranh tụng tại phiên tòa làm trọng tâm của bản án. Tuy nhiên theo Luật gia Phạm Công Út, việc tranh tụng thì luật sư bị dẫn giải ra khỏi phòng tranh tụng rất nhiều. Nếu luật sư đó bị chủ tọa cho rằng luật sư đó không đi vào trọng tâm, sẽ bị nhắc nhở nhiều lần và áp giải ra ngoài. Tuy nhiên ông Út nói tiếp :
"Luật không quy định là nếu không đi vào trọng tâm, bị nhắc nhở nhiều lần thì cảnh sát bảo vệ tư pháp sẽ áp giải ra ngoài. Mà hình ảnh các luật sư bị áp giải ra ngoài rất nhiều, trong khi các luật sư cho rằng mình đi vào trọng tâm. Trong cải cách tư pháp, phiên tòa xét xử phải có camera ghi hình, phải lưu lại, nếu có khiếu nại tố cáo thì lấy ra xem ai đúnh ai sai Thì tòa vẫn có camera, nhưng áp dụng một cách tùy nghi, cảm tính, người ta không dám trích xuất các camera các phiên tòa có luật sư bị dẫn giải sau khi tranh luận gay gắt, dù đã có tiếng nói của Liên đoàn Luật sư Việt Nam".
Như vậy đó không chỉ là ao ước của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà cũng là ao ước của người dân. Họ ao ước có một sự công bằng công lý tại phiên tòa. Đó là về hình sự, Luật gia Phạm Công Út cho biết thêm về vấn đề dân sự trong tố tụng ở Việt Nam :
"Vấn đề dân sự trong tố tụng ở Việt Nam trải qua một gia đoạn có sử đổi. Tuy nhiên theo một vị chánh án từng nói ‘án dân sự tại Việt Nam sử sao cũng được’ như vậy thì làm sao có công bằng. Sau sơ thẩm thì đúng ra người ta kháng cáo phúc thẩm, nhưng thậm chí người ta bị chặn đứng bằng các thủ thuật để không thể kháng cáo phúc thẩm. Đôi khi vấn đề sai sót của tòa sơ thẩm được đưa ra lúc kháng cáo, thì tòa phúc thẩm cũng cho qua luôn. Theo luật, việc sai phạm nghiêm trọng ở sơ thẩm, mà cấp phúc thẩm không thể nào khắc phục được thì phải hủy để xét xử lại".
Tuy nhiên theo Luật gia Út, có rất nhiều vụ như vậy khiến đương sự mất sự công bằng đối với mình. Thậm chí có đương sự đã tự kết liễu sao phiên xử. Do đó đối với Luật pháp Việt Nam, dù Việt Nam không có Tam Quyền Phân Lập, thì Luật gia Phạm Công Út vẫn chưa tin rằng sau lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như một người đứng đầu hành pháp, chứ không đứng đầu về tư pháp mà có thể chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là Viện Kiểm Sát và Tòa Án.
Nguồn : 22/12/2020
****************************
"Dân thì đè ra xử - Quan thì không" – Lại huyện, phủ bênh nhau ?
RFA, 28/10/2022
"Có rất nhiều bản án hành chính không được các Chủ tịch UBND và UBND thi hành, song không có bất kỳ một trường hợp nào bị xử lý. Kể cả xử lý hình sự. Tội không chấp hành bản án có rồi. Tại sao không xử lý ? Liệu có việc cơ quan nhà nước bao che cho nhau ? Việc của dân thì chúng ta cứ đè ra xử, còn cơ quan nhà nước không có ai chịu trách nhiệm cả ?"
Phó trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đưa ra phản ánh vừa nêu tại phiên họp Quốc hội hôm 26/10, để Báo cáo công tác thi hành án năm 2020. Theo ông, người dân rất bức xúc về việc này.
Thực trạng
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 28 tháng 10 năm 2020, nhận định :
"Vấn đề này đã xảy ra, nhiều Đại biểu quốc hội và cử tri không đồng tình, bởi vì bất kỳ một tổ chức cơ quan, cá nhân nào đều phải chấp hành pháp luật. Do đó nếu như tòa đã triệu tập Chủ tịch UBND, hay doanh nghiệp nhà nước, có liên quan vụ việc, mà không đến là vi phạm pháp luật. Đây là thực tế đã xảy ra, nên Đại biểu quốc hội phản ánh để Quốc hội xây dựng biện pháp chế tài, để là thế nào đó mọi quy định của pháp luật phải được thực hiện nghiêm minh, không từ một tổ chức hay cá nhân nào".
Cũng tại phiên họp Quốc hội ngày 26/10, Bà Trần Thị Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, trong năm 2020, tỷ lệ thi hành các bản án hành chính mới chỉ đạt 43,73%. Theo Bà Dung, điều này cho thấy những bản án hành chính không được thi hành nghiêm.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 28 tháng 10 năm 2020, cho rằng :
"Việc đó thì đáng lẽ ông Lưu Bình Nhưỡng phải nói địa chỉ, phải nói đầy đủ . Nhưng Việt Nam như vậy cũng là một bước tiến, dân mà có quyền kiện ủy ban hành chánh ra tòa, không đồng ý với một quyết định. Nhưng mà thi hành được không ? Đáng lẽ Quốc hội nên thành lập một đoàn giám sát tối cao, xem chuyện đó như thế nào, chứ phát biểu gióng lên như ông Lưu Bình Nhưỡng là chưa đầy đủ".
Vào đầu tháng 10 năm 2020, Bộ Tư pháp Việt Nam đã đưa ra một báo cáo gửi tới Quốc hội cho biết các Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND ở nhiều thành phố của Việt Nam thường không thi hành lệnh triệu tập của tòa đến các phiên xử án hành chính, nếu có thi hành cũng thường ủy nhiệm cho cấp dưới làm thay.
Chưa kể, các vị này còn gửi văn bản đến tòa án đề nghị được vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng mà tòa triệu tập. Lý do thường được đưa ra là các chủ tịch và phó chủ tịch ở các thành phố lớn như Hà Nội rất bận và khó sắp xếp lịch để dự tòa.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 28 tháng 10 năm 2020, ông NKQ, một người ẩn danh vì lý do nhạy cảm, từng chứng kiến trực tiếp một phiên tòa dân kiện UBND, cũng cho rằng ông Phó trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói đúng nhưng chưa đủ. Theo ông phải tìm hiểu nguyên nhân do đâu :
Bên ngoài Tòa án Nhân dân Hà Nội. AFP
"Theo tôi, ‘gốc’ của vấn đề này ‘rất nhạy cảm’, nếu nói ra sẽ ‘đụng chạm’ đến thể chế, có thể ông Nhưỡng biết, nhưng không nói ra công khai. Đó là hiện nay, theo cơ chế độc đảng lãnh đạo Nhà nước ‘trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối’, không có tam quyền phân lập nên đã xảy ra tình trạng ‘huyện bênh huyện, phủ bênh phủ’ ! Điều này được thể hiện theo cơ chế người đứng đầu tòa án, Viện Kiểm sát các cấp đều là huyện ủy, thành ủy viên, ủy viên trung ương Về mặt đảng, các vị này đều là cấp dưới của phó bí thư kiêm chủ tịch UBND các cấp hoặc Bí thư trung ương đảng đối với Tòa tối cao".
Vì vậy theo ông NKQ, xét xử một Quyết định hành chính nào đó do chủ tịch UBND ký, bị người dân kiện là rất khó. Vì tòa án, Viện Kiểm sát (VKS), chịu sự chi phối của Phó bí thư. Nếu xử chủ tịch UBND thắng, tức là dân kiện sai thì không nói gì. Nhưng nếu xử quyết định của chủ tịch UBND sai, tức là dân thắng kiện, thì theo ông NKQ, các vị đứng đầu tòa án, VKS cấp đó khó mà yên, đó là chưa nói đến sẽ ảnh hưởng đến con đường thăng tiến của các vị này trong tương lai ! Ông nói tiếp :
"Đó là chưa nói đến giả sử, xử đơn kiện của dân đúng, khi đến giai đoạn thi hành án mà chủ tịch UBND không thi hành thì ông Cục trưởng Cục thi hành án cũng không dám làm gì vì tương tự như vừa nêu !
Tôi đã từng trực tiếp chứng kiến tòa hành chính xử bác quyết định của chủ tịch UBND tỉnh ký, bị dân kiện. Vị chánh án tòa hành chánh này sau đó đã bị ‘đì’, chịu không nổi nên phải chuyển công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh !"
Còn đối với người dân, theo ông NKQ, dân đâu có quyền gì nên các vị bên tòa án, VKS không bị áp lực. Do đó, khi dân bị vi phạm một điều gì đó, chẳng hạn ‘chống người thi hành công vụ’ khi chính quyền cưỡng chế thu hồi đất đai, thì họ đem ra xử ngay !
Cơ quan nhà nước có bao che cho nhau ?
Theo Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, một số vụ việc người dân kêu oan, bức xúc được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét Nhưng các cơ quan luôn khẳng định không có cơ sở hoặc cho rằng không có dấu hiệu phạm tội. Trong khi theo ông Nhưỡng, người dân đã nêu đầy đủ cơ sở, lập luận chứng cứ rõ ràng. Chưa kể một số địa phương tìm cách đưa vấn đề từ có dấu hiệu phạm tội sang vấn đề khiếu nại tố cáo để giải quyết cho nó nhẹ nhàng. Sau đó Đại biểu quốc hội nêu vấn đề này lên thì các cơ quan đó cứ mãi im lặng.
Để tìm hiểu thêm Đài Á Châu Tự Do hôm 28 tháng 10 năm 2020 liên lạc Luật sư Phạm Công Út, và được ông giải thích :
"Ông Lưu Bình Nhưỡng nói là có cơ sở, vì án hành chánh đa số là dân kiện chính quyền, cho dù dân đúng thì đa số là dân thua Số ít còn lại gặp thầm phán có sự công bằng hơn, thì dân thắng, tuy nhiên chỉ thắng trên bản án, thắng trên giấy, bất khả thi. Vì người thi hành án không dám thi hành người nắm quyền sinh sát đối với mình. Do đó không ai cưỡng chế được đối với một ông chủ tịch ủy ban cấp huyện, tỉnh để thi hành bản án hành chánh đó là một vấn đế".
Vấn đề khác theo Luật sư Phạm Công Út, ví dụ như bản án buộc UBND phải cấp sổ đỏ cho một người nào đó, nhưng họ lại không cấp. Người dân đi kiện nữa thì án đã có hiệu lực pháp luật thì chỉ được kiện một lần thôi. Một vấn đề nữa theo Luật sư Út, khi bản án kết luận UBND phải đền bù theo một quyết định hành chánh nào đó, nhưng UBND không đền bù. Ngoài ra, Luật sư Phạm Công Út còn cho biết nhiều "chiêu trò" khác của UBND :
"Khi tòa sơ thẩm dân thắng, UBND kháng cáo Trong lúc chờ thì UBND hủy quyết định hành chánh đó, thì không còn đối tượng khởi kiện. Nhưng sau đó UBND lại ra một quyết định mới với nội dung gần như tương tự chỉ khác số hiệu, ngày ban hành họ có nhiều trò như vậy. Năm ngoái Thủ tướng chính phủ yêu cầu chính quyền phải thi hành triệt để đối với bản án mà tòa đã tuyên".
Nhưng theo Luật sư Phạm Công Út, đó chỉ là mong muốn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chứ không phải mong muốn của những người có trách nhiệm thi hành bản án hành chánh đó như Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND các địa phương bị khiếu kiện.
Nguồn : RFA, 28/10/2020