Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/10/2022

Vụ bán đấu giá Kim ấn triều Nguyễn gặp chống đối của người Việt

RFA tổng hợp

Đấu giá Ấn Triều Nguyễn : phản ứng từ các phía !

RFA, 31/10/2022

Thông tin ấn ‘Hoàng đế chi bảo’ triều vua Minh Mạng bị đưa ra đấu giá trên trang chủ của hãng Millon ở Paris, Pháp thu hút sự chú ý của các giới quan tâm trong và ngoài nước.

kiman1

Kim ấn triều Nguyễn được đăng tải trên trang web của hãng Millon và bức thư của hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam gửi tổng thống Pháp - Millon, Dân Trí -RFA edited

Trước hết, vào ngày 26/10, ông Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam (Hoàng tộc nhà Nguyễn ) đã gửi văn bản đến ông Jean Gauchet, Giám định viên hãng đấu giá Millon, yêu cầu hủy bỏ cuộc đấu giá. Trong văn bản, ông cho biết Hội đồng Nguyễn Phúc tộc là tổ chức kế thừa chính thức của Vương triều Nguyễn, chiếc ấn Hoàng đế chi bảo là quốc bảo của vương triều Nguyễn. Ông này bày tỏ sự ngạc nhiên khi bảo vật quốc gia lại được rao bán một cách rất thông thường.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam vào ngày 22/10 loan tin Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp làm việc trực tiếp với hãng đấu giá Millon để xác minh rõ thông tin liên quan về việc đấu giá hai cổ vật, cùng với đó là tìm hiểu khả năng Việt Nam có thể đàm phán mua không qua đấu giá hay không và đề nghị Đại sứ quán sớm trao đổi đàm phán khả năng ngừng đấu giá.

Đến ngày 31/10 hãng Millon thông báo dời ngày đấu giá ấn "Hoàng đế chi bảo" triều Minh Mạng đến ngày 10/11.

Nguyên nhân dời lịch đấu giá được hãng này đưa ra trên trang web chính thức là do "chiếc ấn vàng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ Việt Nam". Tuy nhiên chi tiết quan tâm ra sao từ chính phủ Việt Nam không được hãng Millon giải thích rõ trong thông báo.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, hiện là Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Đông Á ở Đà Nẵng, cho RFA biết qua tin nhắn về phản ứng sau khi biết được tin có hai cổ vật nhà Nguyễn bị đưa lên sàn đấu giá cũa hãng Millon.

"Sau khi tôi nhận được thông tin về việc hãng đấu giá Millon của Pháp sắp bán đấu giá chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" (đúc năm 1823, triều Minh Mạng) và chiếc bát vàng "Khải Định niên tạo" (chế tác dưới triều Khải Định) vào sáng 18/10/2022, tôi đã liên lạc với Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội. Tôi đề nghị ông Nguyễn Văn Đoàn báo cáo việc này với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ; đề nghị Bộ trưởng bộ này báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam để tìm hướng giải quyết, làm sao đưa được hai hiện vật này, đặc biệt là chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" về Việt Nam, trước khi diễn ra phiên đấu giá.

Bởi lẽ, tôi biết một hiện vật dù được thông báo sẽ đưa ra đấu giá, thì vẫn có thể đàm phán để mua được trước phiên đấu giá (gọi là private sale), nên bên mua và chủ sở hữu thương lượng được giá cả. Điều này tốt hơn nhiều so với phải ra đấu giá công khai và phải "đua" cùng các người mua khác.

Ông cũng cho biết ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" không phải là bảo vật quốc gia. Luật Di sản văn hóa có hiệu lực từ ngày 1/7/2003, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định rất rõ về bảo vật quốc gia. Trong đó quy định hồ sơ hiện vật đăng ký là bảo vật quốc gia phải được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định, sau đó mới trình cho Thủ tướng chính phủ ký quyết định công nhận.

Một bạn trẻ (giấu tên) đang theo học tại trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến về việc cổ vật Việt Nam bị rao đấu giá tại nước ngoài.

"Nhà nước nên có động thái tiếp cận với hãng đấu giá càng sớm càng tốt để thương lượng về cách đưa hai món cổ vật này về lại Việt Nam. Hoặc nếu thương lượng không khả thi, mình nghĩ nên mua lại vì theo mình hai món đồ này cũng đại diện cho một thời đại lịch sử của dân tộc Việt Nam".

Nhận định về tính khả thi trong việc đưa hai món cổ vật liên quan về nước, ông Trần Đức Anh Sơn bày tỏ quan điểm.

"Theo UNESCO năm 1970 về việc phòng tránh mua bán hiện vật văn hóa, chúng ta được biết điều đó hoàn toàn chính xác nhưng chỉ áp dụng đối với những hiện vật buôn bán một cách trái phép và hiện vật bị cướp bóc. Cho nên trong trường hợp này chúng ta không thể viện dẫn lý do đó với phía hãng đấu giá. Chắc chắn khi ông Bảo Đại qua đời, ông đã chuyển quyền thừa kế lại cho người vợ hợp pháp cuối cùng của ông là bà Monique Baudot. Vì thế hãng đấu giá có thể trình giấy tờ thừa kế của bà thì phía Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn".

Trong thực tế, trước khi qua đời vào tháng 8/1997, cựu hoàng Bảo Đại, vị vua cuối cùng Triều Nguyễn, đã để lại di chúc trao quyền thừa kế tài sản của ông ở Pháp cho bà Monique Baudot, trong đó có ấn Hoàng đế chi bảo. Bà này mất năm 2021. Những người được thừa kế sau bà đã mang ấn đến hãng Millon để bán đấu giá.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cũng đề xuất phương án để đưa cổ vật về nước.

"Theo tôi, cách tốt nhất để hồi hương hai hiện vật này, đặc biệt là chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" là Chính phủ Việt Nam nên cử một phái đoàn qua Pháp làm việc trực tiếp với hãng đấu giá Millon và chủ sở hữu hiện nay của chiếc ấn này, để đàm phán và mua ấn về với giá tốt nhất có thể.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước kế tục nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là chính thể mà hoàng đế Bảo Đại đã trao ấn và kiếm vào tháng 8/1945. Chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này nhưng do chiến tranh nên ấn kiếm bị thất lạc. Khi người Pháp tìm thấy bộ ấn kiếm vào năm 1952, họ trao trả cho vua Bảo Đại, với tư cách là nhà nước đại diện hợp pháp của nhà nước Quốc gia Việt Nam, mà nước Pháp công nhận vào lúc đó. Vì thế, nay Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đứng ra đàm phán để "chuộc" lại là hợp lý nhất".

Ông cũng chia sẻ thêm, từ trước đến nay chưa có một bảo tàng công lập Việt Nam nào tham gia đấu giá cổ vật thành công do các vấn đề về thủ tục hành chính và nguồn lực tài chính.

Luật Di sản Văn hóa của Việt Nam được nói nhằm mục đích bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đất nước. Tuy nhiên, Luật chưa có một điều khoản cụ thể nào quy định hoặc hướng dẫn cụ thể việc đưa cổ vật/di sản văn hóa Việt Nam trở về nước. Chính vì vậy, để đưa các cổ vật về nước, các cá nhân, tổ chức thường gặp rất nhiều khó khăn trong thủ tục hành chính, với ngành hải quan, thuế…

Năm 2015, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đấu giá thành công chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh. Tuy vậy, Trung tâm gặp nhiều khó khăn khi về qua Hải quan Việt Nam. Lý do vì chưa có quy định, cũng chưa có tiền lệ về việc đấu giá cổ vật Việt để hồi hương. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Tập đoàn Sunshine trong việc đem chiếc mũ quan triều Nguyễn về nước, sau phiên đấu giá ở Tây Ban Nha.

Nguồn : RFA, 31/10/2022

**************************

Hãng đấu giá Pháp dời ngày đấu giá ấn vàng triều Nguyễn sang 10/11

RFA, 31/10/2022

Hãng đấu giá Millon ở Pháp đã dời ngày đấu giá chiếc ấn tín bằng vàng được cho là của vua Bảo Đại sang ngày 10/11/2022. 

kiman2

Kim ấn triều Nguyễn - Millon, Dân Trí -RFA edited

Nguyên nhân dời lịch đấu giá được hãng này đưa ra trên trang web chính thức và truyền thông Nhà nước loan trong ngày 31/10 là do "chiếc ấn vàng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ Việt Nam". Tuy nhiên chi tiết quan tâm ra sao từ Chính phủ Việt Nam không được hãng Millon giải thích rõ trong thông báo. 

Trước đó, món bảo vật triều Nguyễn được hãng Millon thông báo sẽ đưa lên sàn đấu giá vào ngày 31/10/2022, với giá khởi điểm từ hai đến ba triệu Euro (khoảng 48,1 tỷ đồng đến 72,2 tỷ đồng). 

Theo thông tin được Millon đưa ra liên quan đến món cổ vật triều Nguyễn, thì đây là ấn vàng của vua Bảo Đại đã lưu lạc tại Pháp suốt nhiều năm qua. 

Một phần nội dung trong thông báo của Millon có ghi "Chiếc ấn được chuyển giao nhiều lần. Đặc biệt vào thời điểm vua Bảo Đại thoái vị và trao nó cho chính quyền cách mạng Việt Nam, nơi nó được vua giao cho đại diện chính quyền cách mạng tại Quảng trường Ngọ Môn vào ngày 30/8/1945". 

Cũng trong ngày 31/10, liên quan đến cổ vật triều Nguyễn, PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, cho biết trên tờ Thanh Niên rằng, Hội đồng Hoàng tộc triều Nguyễn hôm 30/10 đã có thư gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị Tổng thống can thiệp hủy bỏ cuộc đấu giá hai bảo vật hoàng gia của nước Việt Nam là ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" và chiếc bát vàng, do hãng đấu giá Millon thực hiện. 

Theo Phó giáo sư Bửu Nam, bức thư của hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam được viết bằng tiếng Pháp, trong đó có một đoạn ghi rõ "Với quyền hạn nào, đức vua Bảo Đại có thể tự cho mình quyền chuyển nhượng cho dù nhà đấu giá Millon có trình ra giấy thừa kế đến từ bất cứ công chứng viên nào đi nữa. 

Nước Việt Nam, với tư cách là một quốc gia thành viên, đã ký Công ước UNESCO vào năm 1970 nhằm tăng cường cuộc chiến chống buôn bán các hiện vật văn hóa từ năm 2005. Liệu việc đấu giá bảo vật của quốc gia Việt Nam có xem xét đầy đủ và thận trọng các khía cạnh pháp lý, dựa vào Công ước UNESCO 1970 nói trên hay không ?". 

Trước đó, vào ngày 26/10, PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam cũng đã gửi văn bản đến ông Jean Gauchet, Giám định viên hãng đấu giá Millon (Pháp), yêu cầu hủy bỏ cuộc đấu giá hai cổ vật bát vàng của vua Khải Định và ấn triện bằng vàng của vua Minh Mạng. 

Thông tin mô tả của đơn vị tổ chức đấu giá cho biết, đây là kim ấn triều Nguyễn được làm bằng vàng quý hiếm, đúc vào năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841), gồm một đế vuông kép xếp chồng lên nhau. Kích thước của cổ vật cao 10,4cm, mặt ấn hình vuông (13,8cm x 13,7cm), nặng 10,78kg. Quai ấn đúc hình con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng. Trán rồng có khắc chữ, vây lưng và đuôi rồng dựng đứng. Bốn chân rồng đúc hiển thị rõ năm móng. 

Mặt trên của ấn và hai bên quai ấn có khắc chìm hai dòng chữ Hán "Minh Mạng tứ niên, nhị nguyệt, sơ tứ nhật, cát thời chú tạo", (tạm dịch : Đúc vào giờ lành ngày 4 tháng hai năm Minh Mạng thứ 4) và "Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách bát thập lạng, cửu tiền nhị phân" (tạm dịch : Làm bằng vàng ròng, có trọng lượng 280 lạng, 9 tiền và hai phân, tương đương với trọng lượng 10,7kg). 

Trong khi đó, phần mặt dưới khắc nổi 4 chữ triện "Hoàng đế chi bảo" (tạm dịch : Báu vật của Hoàng đế). Đây vốn là một trong những chiếc ấn quan trọng nhất của triều Nguyễn, chỉ được sử dụng cho sắc phong quan trọng nhất.

Nguồn : RFA, 31/10/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 345 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)