Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/11/2022

Ngân hàng SCB mất khả năng thanh khoản ?

RFA tiếng Việt, Thoibao.de

Người mua trái phiếu qua SCB, Tân Việt : "Cái tết này sẽ rất khủng khiếp với mọi người !"

RFA, 08/11/2022

Anh Dũng (tên của các nhân vật trong bài đã được thay đổi vì lý do an ninh), một nhà đầu tư có số tiền mua trái phiếu thông qua SCB lên đến vài tỷ đồng thốt lên rằng, cái Tết Nguyên Đán gần tới, sẽ là một cái Tết "đắng" đối với nhiều khách hàng của SCB khi khoản tiền của họ dành dụm để đầu tư, mua trái phiếu có nguy cơ bị mất trắng. 

scb2

Trái chủ ở Hà Nội mua trái phiếu thông qua SCB, Tân Việt biểu tình trước trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - Nhóm Facebook Trái Phiếu SCB Bắc Trung Nam

Anh cho biết, bản thân là khách hàng thân thiết của SCB trên 10 năm nay, nhưng gần đây được nhân viên của chính ngân hàng này tư vấn mua trái phiếu doanh nghiệp Vạn Trường Phát với số tiền hàng tỷ đồng.

Nhưng từ khi Bộ Công an thông báo bắt giữ các lãnh đạo của tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng các công ty liên quan hôm 8/10 vì bị phát hiện có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân, bản thân anh như ngồi trên đống lửa vì biết cả gia tài cha mẹ để lại có thể đội nón ra đi. 

Hôm 3/11, mạng xã hội ở Việt Nam bùng nổ với các hình ảnh, video ghi lại cảnh hàng ngàn khách hàng của ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đến các chi nhánh khắp các miền Bắc, Trung, Nam để đòi lại số tiền họ mua trái phiếu doanh nghiệp thông qua sự giới thiệu của SCB. 

Một số bảo vệ to tiếng, xô đẩy khách hàng, trong khi một người đại diện SCB không thể trả lời hết những thắc mắc của khách hàng về lời đề nghị tổ chức buổi đối thoại với các bên liên quan. 

"Cha mẹ tôi từ đây mất nguồn thu nhập"

Không may mắn được như anh Dũng là tiền đầu tư nhàn rỗi, chị Hạ, một người đầu tư cũng ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chị bỏ hơn một tỷ đồng mua trái phiếu của công ty Tân Thành Long An trực tiếp từ công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt, với lời hứa mua lại trái phiếu sau sáu tháng.

Chị được trả lãi hàng tháng, với lãi suất 8%/năm và dự định ngày 26/10 sẽ lấy lại được vốn để trả tiền mảnh đất dự định mua, nhưng khi chị liên lạc thì công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt cho biết "mất khả năng thanh khoản rồi". 

Số tiền này là tiền tiết kiệm của gia đình, với suy nghĩ có lời hơn gửi tiết kiệm và có thể rút vốn linh hoạt, chị quyết định đầu tư để lấy lãi cho cha mẹ già sinh sống.

Gần đây khi sự việc đổ bể, chị Hạ mới đọc được bản Công bố thông tin của công ty Tân Thành Long An - tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ. 

Theo chị, công ty này đòi hỏi nhà đầu tư phải có giấy xác nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được bán, nhưng không hiểu vì sao khi được tư vấn và ký hợp đồng chị hoàn toàn không được nhân viên nói rõ những việc này và các rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp. 

Công ty Tân Việt hôm 21/10 khẳng định, các lô trái phiếu của Tân Thành Long An hay Vạn Trường Phát... không liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mà nhà đầu tư mua qua SCB, công ty Tân Việt cho biết sẽ mua trái phiếu Tân Thành Long An thay đổi tài khoản nhận thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Chị Dung, một người buôn bán ở Hải Dương mua trái phiếu của công ty An Đông (công ty thành viên của Vạn Thịnh Phát) thông qua SCB hồi hai tháng trước với số tiền 600 triệu đồng. 

Đây là số tiền chị được anh trai gửi nhờ giữ giùm, chị giấu anh mình đi gửi tiết kiệm với hy vọng kiếm được khoản lãi và nghĩ rằng có thể rút lúc nào cũng được, như lời của nhân viên ngân hàng. 

Tuy nhiên, cũng như anh Dũng và chị Hạ, chị Dung hoàn toàn không được tư vấn về những rủi ro có thể gặp phải. 

Giờ đây, "tôi giấu luôn cả anh trai của mình chỉ cho chồng biết, vì khi anh trai biết có thể gia đình tôi sẽ không thể nhìn mặt nhau". 

Các trường hợp mà phóng viên có dịp nói chuyện là số ít trong 40.000 khách hàng mua trái phiếu An Đông thông qua SCB với trị giá lên tới 25.000 tỷ đồng, nhưng giờ đây họ không được thu mua lại trái phiếu, lãi suất cũng không còn được trả ra. 

Hôm 3/11, báo chí trong nước dẫn thông tin từ Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội có thông báo tạm dừng biến động tài sản đối với 762 công ty có liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đại gia Trương Mỹ Lan. 

Việc phong tỏa này theo đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan, nhưng danh sách đầy đủ không được công bố trên mặt báo.

Các nạn nhân chuyền tay nhau bản danh sách không chính thức cho rằng, các công ty Vạn Trường Phát, Tân Thành Long An,... đều có tên bị Bộ Công an phong tỏa tài sản.

Không rõ độ chính xác của danh sách này, nhưng một số người dân mua trái phiếu từ các công ty nêu trên cho chúng tôi biết họ không được SCB hay Tân Việt mua lại hay tiếp tục trả lãi khi đến hạn theo hợp đồng. 

SCB nói gì ?

Ngày 3/11, SCB đăng tải thư ngỏ thừa nhận "có hợp tác với một số công ty chứng khoán để thực hiện dịch vụ giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua/bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty chứng khoán". 

Tuy nhiên, ngân hàng này lại khẳng định "chỉ thực hiện việc giới thiệu khách hàng cho các công ty chứng khoán và KHÔNG ký kết hợp đồng hay thỏa thuận nào với các khách hàng liên quan đến việc mua/bán trái phiếu doanh nghiệp".

Chữ "KHÔNG" được SCB tô đậm và in hoa toàn bộ trên thư ngỏ của công ty.

Ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Học viện Kinh doanh & Tài chính BizUni trên trang Facebook có hơn 150 ngàn người theo dõi có bài viết với tiêu đề, "Ngân hàng SCB không thể vô can đối với những khách hàng được nhân viên ngân hàng SCB tư vấn, và đã đóng tiền mua trái phiếu doanh nghiệp ngay tại quầy ngân hàng SCB !"

Theo ông Chánh, người mua trái phiếu nộp tiền mua trái phiếu ngay tại quầy ngân hàng, và ngân hàng nhận tiền mua trái phiếu của người dân ngay tại quầy của mình, ông cho rằng hành động đó chính xác là phân phối, hoặc hợp tác phân phối, hợp tác bán trái phiếu.

Cũng theo chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng là một định chế tài chính quan trọng, được Nhà nước quản lý chặt chẽ, được người dân tin tưởng. Vì thế ngân hàng phải thận trọng trong việc phân phối, giới thiệu các sản phẩm tài chính cho người dân giao dịch tại ngân hàng.

"Ngân hàng không thể phân phối, giới thiệu trái phiếu rác, hay trái phiếu lừa đảo cho người dân, rồi nói Ngân hàng chỉ là người giới thiệu, hoàn toàn không có trách nhiệm gì", ông Chánh khẳng định. 

Theo cựu Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đại Việt, việc một số nhân viên ngân viên ngân hàng chủ động mời chào trái phiếu cho khách hàng đến gởi tiền là hành động chào bán, ép bán những sản phẩm khác mà khách hàng không chủ động hỏi đến, và việc tư vấn không hết sự thật về sản phẩm là "một lỗi lớn đối với chuyên viên tài chính chuyên nghiệp". 

Đến ngày 6/11, SCB tiếp tục có một thông báo khác, cho biết "vẫn đang tiếp tục làm việc với Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt, Tổ chức phát hành, Bộ Công an và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để trình bày các mong muốn, kiến nghị chính đáng của Quý khách hàng, nhằm giải quyết các vấn đề trên cơ sở thượng tôn pháp luật và bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Quý khách hàng". 

SCB đề nghị khách hàng bình tĩnh, thấu hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật, đồng thời không gây trở ngại đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB...

Có lấy lại được tiền cũng sẽ không bao giờ đầu tư vào thị trường Việt Nam 

Chị Mai, một người có hiểu biết trong lĩnh vực tài chính nói với phóng viên Đài Á Châu cho rằng, "nếu chính quyền không giải quyết rốt ráo vụ này, người dân sẽ không còn tin tưởng vào thị trường trái phiếu Việt Nam nữa". 

Theo chị, đây là bài học sâu sắc về trái phiếu/cổ phiếu trong nước nói chung và giả sử có lấy lại được tiền "tôi cũng sẽ không đầu tư vào thị trường này nữa", mà chỉ giữ tiền mặt trong người. 

Chị là người hai lần mua trái phiếu tổng cộng 400 triệu đồng thông qua sự tư vấn của nhân viên ngân hàng SCB, khi ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt hồi tháng 4, chị chột dạ đi bán trái phiếu lấy lại được 200 triệu đồng, nhưng vẫn còn một nửa khoản đầu tư là trái phiếu của An Đông hiện vẫn bị kẹt lại do Bộ Công an đã phong tỏa tài sản của công ty này. 

Do ngành học và công việc đều liên quan đến lĩnh vực tài chính, chị Mai ít nhiều biết được rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên khi chị đến giao dịch ở SCB trong năm 2020 thì được khuyên : "chị đầu tư vào trái phiếu đi, lãi suất cao hơn, lãi suất tiết kiệm thì chỉ từ 6-7%, lãi suất trái phiếu linh hoạt là 8,6%, cố định là 8,9 %, linh hoạt sau 30 ngày là rút được, cố định thì sau một năm là rút".

Chị Mai quyết định đầu tư số tiền dành dụm của cả hai vợ chồng, mà không biết đây là trái phiếu "4 không" của An Đông (không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm, không niêm yết). 

Chị thở dài cho rằng, nếu được tư vấn rõ như thế "tôi và nhiều người khác sẽ không gửi, còn đằng này SCB nói chuyện như là đó là một khoản tiết kiệm thôi". 

Chị Hạ, người đầu tư hơn một tỷ đồng vào trái phiếu công ty Tân Thành Long An thông qua công ty Chứng khoán Tân Việt quyết liệt hơn, chị cho biết dự định sẽ thưa Tân Việt ra tòa để lấy lại tài sản hoặc có đơn tố cáo lên Bộ Công An vì cho rằng "hai công ty này cấu kết với nhau để lừa người dân". 

Công ty Tân Việt và SCB chưa lập tức trả lời thư điện tử của phóng viên đề nghị bình luận về những cáo buộc của người dân. 

Hôm 21/10 vừa qua, báo Công Thương thuật lại buổi trao đổi của Chứng khoán Tân Việt với nhà đầu tư về các lô trái phiếu và phương án mua bán, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp mà đơn vị này tư vấn phát hành.

Theo đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không phải cổ đông của Tân Việt (TVSI) và hoàn toàn không có tác động đến việc điều hành TVSI.

Chứng khoán Tân Việt cho rằng, những lô trái phiếu có liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đặc biệt là trái phiếu An Đông đều đang trong quá trình điều tra và kết luận của các cơ quan chức năng, tiến độ thanh toán cho các lô trái phiếu này phụ thuộc vào tiến độ điều tra của các cơ quan chức năng.

Tân Việt cũng khẳng định, các lô trái phiếu không liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vẫn được các tổ chức phát hành cam kết trả lãi và gốc theo đúng quy định.

Đến ngày 7/11, báo chí Nhà nước dẫn lại cuộc họp từ ba ngày trước của UBND Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). 

Theo thông báo kết luận cuộc họp từ Văn phòng UBND, sau khi nghe các ý kiến, lãnh đạo UBND thành phố đề nghị Ngân hàng SCB cần cung cấp thông tin, giải thích rõ ràng, ân cần, lịch sự, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng từng trường hợp để hỗ trợ, đối thoại, không né tránh.

Nguồn : RFA, 08/11/2022

************************

Hỗn loạn, xô xát trước Ngân hàng SCB Thành phố Hồ Chí Minh

Tú Ngọc, Thoibao.de, 07/11/2022

Vào lúc 19g đêm ngày 4/11/2022, kênh youtube "NhaThuocViDan Com Nguyễn Đăng Hải" đã đăng tải một video dài 2 phút 25 giây cho thấy rất đông người đang tụ tập trước một chi nhánh ngân hàng SCB tại Sài Gòn để đòi tiền.

Trong video, người dân đồng loạt hô to "SCB – trả tiền cho dân". Sau đó, Giám đốc Ngân hàng này đã phải rời trụ sở bằng cáng cứu thương.

Khi băng ca đẩy ông ta ra, một số người dân đã xông đến nhưng bị bảo vệ ngăn lại, những tiếng la hét cho thấy đã có xô xát xảy ra. Một nhân viên của ông ta nói rằng, ông ta có bệnh tim.

Facebooker Philip Nguyen cũng đăng một status ngắn về vụ việc này, theo ông, những người tụ tập đòi tiền là những người mua trái phiếu của Công ty An Đông, tên đầy đủ là Công ty cổ phần đầu tư An Đông. Comment trong status này, ông Philip Nguyen viết : "Lời của một khách hàng, "Thời gian này không khác gì địa ngục. Có lẽ, đến khi chết cũng không hết hận, hận SCB lừa dối (đây là loại trái phiếu tiết kiệm linh hoạt bác ạ, cứ sau 31 ngày bác muốn rút ra lúc nào cũng được). Thế là tôi tin tưởng tuyệt đối không nghĩ ở đây còn có cạm bẫy, đang nộp tiền thì bảo ký để mất tập trung, nhân viên cứ đánh dấu bác kí vào chỗ này. Xong không được cầm một thứ gì để về nhà đọc nữa, đến khi xảy ra rồi thì mới biết của An Đông. Tôi gục ngã ở quầy, khóc như tội đồ vì đây là tiền mua đất của con để làm nhà…".

scb1

Một phòng giao dịch của ngân hàng SCB

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng người dân và nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp vì họ thấy bóng dáng của ngân hàng đứng đằng sau trái phiếu. Theo ông : "Thời gian qua, sự hỗ trợ của các ngân hàng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam rất quan trọng. Họ hỗ trợ về kỹ thuật để các doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành. Sau đó, ngân hàng còn hỗ trợ phân phối lượng trái phiếu đó. Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, bất chấp dịch bệnh, lượng trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng trưởng rất mạnh".

Ngân hàng SCB không thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm của họ trong việc tiếp tay cho hành vi lừa đảo thông qua việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông, khi mà họ biết rõ rằng, lượng trái phiếu đang phát hành chủ yếu không có tài sản bảo đảm. Ngay cả trong trường hợp có tài sản bảo đảm thì nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng không có khả năng thu giữ tài sản bảo đảm như ngân hàng. Khi rủi ro xảy ra, tài sản bảo đảm sẽ được dùng để chi trả theo thứ tự ưu tiên là : trả thuế cho Chính phủ, trả lương cho người lao động, trả nợ ngân hàng… cuối cùng mới trả cho người mua trái phiếu.

Việc người dân tụ tập, biểu tình trước cửa ngân hàng SCB xảy ra sau khi ngân hàng này gửi thư ngỏ đến khách hàng vào ngày 3/11, trong đó nhấn mạnh : "SCB khẳng định SCB chỉ thực hiện việc giới thiệu khách hàng cho các công ty chứng khoán và KHÔNG ký kết hợp đồng hay thỏa thuận nào với khách hàng liên quan đến việc mua/bán trái phiếu doanh nghiệp".

scb2

Trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông

Vâng, bằng một thư ngỏ vô hồn, SCB nhẹ nhàng rũ bỏ trách nhiệm, bỏ mặc "ai chết mặc ai" cho dù họ đã dính líu rất sâu trong quá trình mua bán đó. Những cố gắng của họ chỉ nhằm "giải đáp những thắc mắc của khách hàng".

Được biết, Công ty An Đông là một doanh nghiệp khá lớn thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hiện có 3 lô trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị lên tới gần 25.000 tỷ đồng. Không chỉ Công ty An Đông, nhiều công ty khác cũng xảy ra những vấn đề tương tự. Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đã bị bắt vì hành vi thao túng trái phiếu.

Sau một thời gian dài thả nổi, giờ đây, có vẻ như các tập đoàn tư nhân, các đại gia bất động sản, đại gia ngân hàng… đang bộc lộ ra bộ mặt thật của mình, bộc lộ ra những phương thức làm ăn chụp giật, lừa đảo và những chiêu trò ma mãnh của họ đằng sau vẻ bề ngoài hào nhoáng, bóng bẩy, hoành tráng…

Đây là hậu quả của một xã hội dối trá, một thể chế bệnh hoạn với bộ máy lãnh đạo toàn sâu mọt.

Tú Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 07/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Tú Ngọc
Read 457 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)