Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/10/2022

Việt Nam chống nhân quyền nhưng muốn chứng tỏ có nhân quyền

RFA tổng hợp

Việt Nam "làm đủ trò" trước phiên bỏ phiếu của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

RFA, 03/10/2022

Chính quyền Hà Nội được nói đang ráo riết tuyên tuyền, vận động bằng nhiều hình thức để có thể sở hữu chiếc vé trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, được dự kiến bỏ phiếu vào ngày 11/10 sắp tới tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.

nhanquyen1

Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc diễn ra vào ngày 9/9/2019 (hình minh hoạ)

Ráo riết vận động

Báo chí Nhà nước, cùng với cổng thông tin điện tử của các cơ quan Chính phủ Việt Nam, tháng vừa qua liên tục đưa nhiều bài viết ca ngợi tình hình nhân quyền ở Việt Nam, đồng thời đăng bài phản bác lại những cáo buộc mà cộng đồng Quốc tế lên án Chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Có thể kể, trên Tạp chí Xây dựng Đảng hôm 30/9 có bài viết tựa đề "Việt Nam luôn tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc". Hoặc, Mạng báo Vietnamplus có hai bài viết với tựa "Việt Nam chú trọng hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ quyền con người" và "Việt Nam sẵn sàng đóng góp nhiều hơn cho công việc của Liên hợp quốc".

Mới nhất hôm 3/10, trên báo VOV thuộc Đài tiếng nói Việt Nam có bài "Việt Nam cam kết đóng góp tích cực khi trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc".

Không cần nêu cụ thể nội dung của những bài báo đó ca ngợi điều gì, tuy nhiên với những tựa đề khá "tô hồng", có thể thấy Chính phủ Việt Nam đang dùng truyền thông như "cánh tay phải" để ca ngợi vai trò, nhiệm vụ của Đảng cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và cả guồng máy chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, ủng hộ vai trò và hoạt động của Hội đồng Nhân quyền trên nguyên tắc bình đẳng, đối thoại và hợp tác xây dựng.

Song song với đó, Chính phủ Việt Nam vừa thông qua một đề án có tên gọi "Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam", được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành vào ngày 30/9.

Những động thái vừa nêu của Chính quyền Hà Nội diễn ra vào lúc chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến kỳ bỏ phiếu bầu thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và năm nay Việt Nam đã một lần nữa tham gia ứng cử.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc tổ chức BPSOS - một tổ chức chuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam - nói với RFA rằng Hà Nội đang rất muốn giành được một ghế trong Hội đồng Nhân quyền, bởi vì :

"Trước hết, họ (chính quyền Việt Nam - PV) thể hiện được họ là một thành viên của Hội đồng nhân quyền, như vậy cũng là một dấu ấn rằng họ là một chế độ tôn trọng nhân quyền, "có làm sao thì người ta mới đối xử với mình như vậy". Đó là cái hình ảnh mà họ muốn trưng dẫn ra bên ngoài đặc biệt là với người dân ở trong nước"

Một ý kiến khác nhìn nhận về vấn đề của Việt Nam trong lần ứng cử này là Luật sư Nguyễn Văn Đài. Ông cho rằng :

"Nhà nước Cộng sản Việt Nam tìm mọi cách để ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với mục đích chính trị là chính, chứ họ sẽ không có bất kỳ một đóng góp nào trong việc bảo vệ nhân quyền cho chính người dân Việt Nam, cũng như là bảo vệ nhân quyền chung cho các dân tộc khác ở trên thế giới".

Tình hình nhân quyền không cải thiện

Việt Nam thông báo ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng 4/2021.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đánh giá kể từ đó cho đến nay, tình hình nhân quyền Việt Nam không những không có cải thiện, mà thậm chí là còn tệ thêm đi. Ông giải thích :

"Đặc biệt là mới đây Việt Nam đã phải trải qua một cuộc khảo sát của Liên Hiệp Quốc về quyền của trẻ em, mà qua đó rất nhiều chứng cứ đã được trưng ra rằng Việt Nam đã vi phạm ngay cả quyền của trẻ em. Ví dụ như vụ ở "Thiền am bên bờ vũ trụ", các chú tiểu gần như là bị khủng bố, tinh thần rất nhiều lần.

Ngoài ra, ông Thắng cho rằng Chính phủ Việt Nam đã bỏ phiếu chống lại việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vì đã xâm lược Ukraine, cũng là một tì vết trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.

Mới đây, trong o cáo về nạn buôn người toàn cầu năm 2022 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 19/7/2022, Việt Nam bị xếp vào nhóm các nước hạng ba, là hạng thấp nhất. Trước đó, trong o cáo nhân quyền năm 2021 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hôm 12/4/2022 đánh giá Việt Nam là một quốc gia độc tài, một đảng cầm quyền và cuộc bầu cử Quốc hội không tự do cũng không công bằng, có sự cạnh tranh hạn chế giữa các ứng cử viên do Đảng Cộng sản xét duyệt kỹ.

Hôm 17/9, tám tổ chức nhân quyền quốc tế gởi một thư ngỏ cho Đại diện Thường trực các Quốc gia thành viên của Hội đồng Liên Hiệp Quốc, kêu gọi không bỏ phiếu cho Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Khả năng Việt Nam trúng cử ?

Nhận định về việc Việt Nam sẽ có bao nhiêu cơ hội trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc như hồi năm 2014, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho rằng cơ hội rất thấp. Ông giải thích :

"Nhưng mà năm nay, tôi thấy Việt Nam ít có cơ hội hơn kỳ trước. Bởi vì những kỳ trước là Việt Nam là độc diễn.

Nhưng mà năm nay thì lại khác, đã có sáu ứng viên cho khu vực Á Châu Thái Bình Dương và riêng Đông Nam Á thì Malaysia đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho đến năm 2024 lận. Không những vậy, rất có thể Thái Lan cũng sẽ công bố mình là ứng cử cho Hội đồng nhân quyền này…

Cho nên tôi nghĩ rằng năm nay Việt Nam sẽ phải "trần ai" lắm thì may ra mới vào được Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc".

Còn Luật sư Nguyễn Văn Đài thì cho rằng Việt Nam vẫn có khả năng giành được một vé trở thành thành viên chính thức của Hội đồng này và đó là điều, theo luật sư Đài, rất nguy hiểm :

"Đó là một điều rất nguy hiểm đối với người dân Việt Nam. Và hành vi đàn áđối với các quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do đi lại ở… trong nước sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới, nếu họ được vào Hội đồng Nhân quyền".

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng lại cho rằng, nếu Việt Nam trúng cử cũng có mặt lợi :

"Tôi nghĩ rằng nếu Việt Nam được vào thì cũng đặt Việt Nam vào một cái thế là phải làm gương tốt cho các quốc gia khác khi mình là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền. Và do đó, những vi phạm của họ sẽ được chiếu rọi bằng "đèn pha" của Liên Hiệp Quốc và họ không thể tránh né được".

Nguồn : RFA, 03/10/2022

***********************

Việt Nam có xứng đáng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ?

RFA, 30/09/2022

Hà Nội cho rằng các tổ chức, cá nhân tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo là thiếu thiện chí, lợi dụng chống phá, ngăn cản Việt Nam đại diện cho ASEAN ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

nhanquyen2

Thư ngỏ của tám tổ chức gửi Liên Hiệp Quốc. VNHR-AFP, RFA edited

Các nhà hoạt động nhân quyền nói gì về tuyên bố này của Chính phủ Việt Nam ? Trả lời RFA hôm 30/9 từ Đức Quốc, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, một cựu tù chính trị cho biết, Việt Nam đã từng trúng cử một nhiệm kỳ Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc 2014-2016. Nhưng sau đó họ không tái cử, do năm 2015 và đầu năm 2016 Việt Nam vi phạm nhân quyền nhiều quá nên không dám ra tái cử. Tuy nhiên ông cho rằng lần này Việt Nam cũng không xứng đáng ứng cử vì tình trạng đàn áp nhân quyền tồi tệ. Ông nói tiếp :

"Việt Nam trong bốn năm trở lại đây đã bắt giữ rất nhiều những người bất đồng chính kiến, những người thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí. Hiện có khoảng hơn 100 người đã bị bắt và đang bị cầm tù. Những người đó dùng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mình để vạch rõ những sai phạm của nhà nước cộng sản Việt Nam trong vấn đề tham nhũng, vi phạm nhân quyền và những vấn đề bất cập khác. chứ không có một ai chống đối cả. Họ chỉ nêu những vấn đề bình thường của xã hội và những điều đó hoàn toàn đúng sự thật. Phần lớn họ chỉ bình luận phân tích những vấn đề đã được báo chí nhà nước nêu lên, chứ họ không lấy những thông tin ở đâu đó, hay những thông tin không chính xác về nhà nước Cộng sản Việt Nam".

Theo Luật sư Đài, Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền là một sự sắp xếp, dàn xếp của các quốc gia ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho nên chắc chắn họ sẽ trúng cử. Vì khu vực Châu Á chỉ đưa ra đủ số ứng cử viên tham gia Hội đồng Nhân quyền, họ không đưa ra số dư, cho nên việc Việt Nam được vào Hội đồng Nhân quyền là gần như chắc chắn, dù số phiếu không được cao như năm 2014. Khi đó Việt Nam được số phiếu gần như cao nhất, năm nay Luật sư Đài cho rằng Việt Nam sẽ có vừa đủ số phiếu để là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Ông Đài nói tiếp :

"Nếu Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền là một tin rất xấu. Nó sẽ làm cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam kiêu ngạo hơn và họ sẽ gia tăng đàn áp nhân quyền trong nước. Việc họ trúng cử sẽ không giúp ích cho cải thiện tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong những năm vừa qua, đây là một điều không vui. Bởi vì trong chế độ độc tài, họ thường tìm mọi cách để lọt vào các cơ quan của Liên Hợp Quốc, trong đó có Hội đồng Nhân quyền, để dùng cái đó tuyên truyền cho người dân trong nước rằng, việc người trong nước tố cáo họ vi phạm nhân quyền hay tố cáo với cộng đồng quốc tế về họ, là không chính xác đó là một điều không tốt".

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng - Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS - Tổ chức Cứu người Vượt biển, thì Việt Nam có triển vọng thấp để đắc cử thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Trên trang thông tin chính chức của BPSOS, TS Thắng cho biết có 29 tổ chức và 10 cá nhân đã ký thư chung do BPSOS khởi xướng, kêu gọi các quốc gia thành viên của Liên minh Quốc tế Tự do Tôn giáo hay Niềm tin nêu vấn đề này tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trước cuộc bỏ phiếu ngày 11 tháng 10 năm 2022.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council) là một tổ chức trực thuộc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này được ra đời ngày 15 tháng 3 năm 2006.

Báo cáo  về tình hình nhân quyền của các nước trên thế giới trong năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hôm 12/4/2022 cho biết Việt Nam là một quốc gia độc tài, một đảng cầm quyền và cuộc bầu cử Quốc hội không tự do cũng không công bằng, có sự cạnh tranh hạn chế giữa các ứng cử viên do Đảng Cộng sản xét duyệt kỹ.

Theo báo cáo, công dân Việt Nam không có khả năng thay đổi chính phủ của họ một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng ; chính phủ tham nhũng nghiêm trọng và có những hạn chế đáng kể đối với quyền tự do hiệp hội của người lao động...

Ngoài ra, trong báo cáo còn nêu rõ những vấn đề nghiêm trọng với tính độc lập của cơ quan tư pháp tại Việt Nam ; can thiệp tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào quyền riêng tư ; hạn chế nghiêm trọng đối với tự do ngôn luận và phương tiện truyền thông, bao gồm việc bắt giữ và truy tố tùy tiện những người chỉ trích Chính phủ, kiểm duyệt và các luật về tội phỉ báng ; hạn chế nghiêm trọng về tự do internet ; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do hiệp hội ; hạn chế quyền tự do đi lại, bao gồm cả lệnh cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động...

Đại diện EU tại Đối thoại nhân quyền Việt Nam - EU vào tháng 4/2022 cho rằng, các quy định trong Luật Tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam hạn chế việc đăng ký điểm nhóm, sinh hoạt tôn giáo EU cũng bày tỏ quan ngại về việc tín đồ Tin lành của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên bị hạn chế hoạt động.

Tuy nhiên, báo chí Nhà nước Việt Nam lại cho rằng thông tin mà Hoa Kỳ và EU nêu lên là sai lệch, thiếu khách quan về vấn đề dân tộc, tôn giáo do sử dụng thông tin của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức mà nhà cầm quyền CS cho là "phản động lưu vong chống phá Việt Nam" như Ủy ban Cứu người vượt biển – BPSOS...

nhanquyen3

Ngày 5/1/2021, ba nhà báo thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam bị tuyên tổng cộng 37 năm tù giam với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". AFP.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chi Cộng sản, khi trả lời RFA từ Việt Nam hôm 30/9, nhận định :

"Nhà cầm quyền luôn nói họ không vi phạm nhân quyền, nhưng trên thực tế vi phạm rất nhiều. Tất cả những nhà quan sát, những người đấu tranh bị đàn áp đã lên tiếng cho thế giới biết sự thật ở Việt Nam là như thế. Khi đó thế giới căn cứ vào các tiêu chuẩn nhân quyền, nếu xác định Việt Nam vi phạm thì vị trí ứng cử của Việt Nam sẽ gặp khó khăn, đây là thực tế chắc chắn sẽ diễn ra, vì sự vi phạm liên tục và có hệ thống. Đối với chính quyền Việt Nam thì họ bảo là chống phá, còn những người nói lên sự thật thì họ nói đó là sự thật. Quốc tế phải căn cứ vào các tiêu chuẩn nhân quyền của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã ký kết, thì mới xác định được là có vi phạm hay không".

Với sự hỗ trợ của Khoa Luật Nhân quyền Quốc tế thuộc Trường Luật Berkeley, Đại học California - Hoa Kỳ, tám tổ chức nhân quyền vào ngày 13/9/2022 đã gửi thư chung cho Đại diện Thường trực của các Quốc gia thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi không nên bỏ phiếu cho Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, với lý do rằng "Việt Nam là một quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và triền miên, không tuân thủ các cam kết, có thành tích hợp tác kém với Hội đồng Nhân quyền".

Văn phòng Luật sư Vũ Đức Khanh tại Ottawa, Canada hôm 22/2/2021 đã ra thông cáo về việc Việt Nam "đại diện" ASEAN ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Thông cáo báo chí bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền của Việt Nam trong 10 năm gần đây.

"Những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam trong 10 năm gần đây rất đáng quan ngại. Chính phủ Việt Nam không ngừng hình sự hóa các hoạt động biểu đạt chính trị, bóp nghẹt tiếng nói của người dân và thẳng tay đàn áp các nhà báo độc lập và những người bất đồng chính kiến. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, thiết lập cơ chế đối thoại nhân quyền (ví dụ như Đài Quan sát Nhân quyền Việt Nam) giữa Nhà nước và xã hội dân sự".- Luật sư Vũ Đức Khanh, nói với RFA qua tin nhắn vào thời điểm đó.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này từ Hà Nội vào lúc Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, cho rằng :

"Nhà nước cộng sản Việt Nam thường xuyên chống đối nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Họ vu cáo những người đã thực hiện tự do ngôn luận là vi phạm pháp luật, phạm tội chống phá nhà nước, đã bắt người ta chịu những án tù rất nặng. Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền khóa 2014-16 với mục đích chính là để tuyên truyền lừa bịp, rằng họ thực sự tôn trọng nhân quyền, rất mong muốn đóng góp cho hoạt động vì nhân quyền. Họ đã che giấu rất kín mục đích tuyên truyền, đã lừa được nhiều người ở trong nước và trên toàn thế giới, nhẹ dạ, cả tin vào những lời hoa mỹ của họ. Gần đây sự đàn áp nhân quyền ở Việt Nam càng tăng, bị vạch mặt, bị lên án ở nhiều nơi".

Chuyện Việt Nam lại đang vận động để gia nhập Hội đồng nhân quyền khóa 2023- 2025, theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, có lẽ mục đích chính của họ lần này cũng là để tuyên truyền lừa bịp, nhưng họ vẫn che giấu mục đích đó mà phô trương những khẩu hiệu vì nhân quyền. Giáo sư Cống cho rằng những người thực tâm đấu tranh cho nhân quyền và tiến bộ xã hội không lạ gì thủ đoạn của chính quyền cộng sản.

Nguồn : RFA, 30/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 328 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)