Khi Thủ tướng phải kêu gọi thượng tôn pháp luật !
RFA, 08/11/2022
Thủ tướng Việt Nam kêu gọi người dân chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, để xây dựng xã hội văn minh, lịch sự. Lời kêu gọi này có được coi như thừa nhận một xã hội không tôn trọng luật pháp hay không ?
Tập đoàn Viễn thông Viettel, thuộc Quân đội Việt Nam quản lý. AFP
Mới đây, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính kêu gọi mỗi người bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi người dân, doanh nghiệp, của cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. Ông Thủ tướng Việt Nam cũng đề nghị mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về pháp luật và tuân thủ nghiêm pháp luật vì quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và cộng đồng.
Ông Phạm Minh Chính nhìn nhận chất lượng xây dựng luật pháp chưa cao ; chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ; nguồn lực còn hạn chế ; công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa cao.
Trao đổi với RFA sáng 8/11, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, việc kêu gọi thượng tôn pháp luật của thủ tướng thực chất là một cách nói khác về một Nhà nước pháp quyền mà theo đó, tất cả các mối quan hệ và hành xử giữa nhà nước và công dân đều đặt trong phạm vi pháp luật là điều rất tích cực, đáng ghi nhận trong thời điểm hiện nay. Ông phân tích :
"Với tư cách là một luật sư, tiếp xúc với các tình huống áp dụng pháp luật từng ngày, chúng tôi ý thức rất rõ việc cần thiết về một Nhà nước pháp quyền. Một mặt, nó giúp mang lại công lý mà người dân đang khao khát. Mặt khác, nó khôi phục lòng tin của người dân vào hệ thống luật pháp.
Song song đó, tôi đồng tình với đánh giá của thủ tướng về chất lượng xây dựng luật pháp chưa cao ; chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ; nguồn lực còn hạn chế ; công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa cao. Tức là luật pháp chưa hoàn hảo. Tuy nhiên, nếu luật pháp hiện có được thực thi một cách đầy đủ, công tâm, thì luật pháp vẫn có thể xem như là hoàn hảo.
Nhưng trong thực tế, việc thực thi luật pháp còn khá nhiều vấn đề cần được khắc phục. Trong đó, yếu tố người thực thi luật pháp là then chốt, thậm chí, mang giá trị quyết định sự thành bại của việc xây dựng nhà nước pháp quyền.
Vì lẽ, nếu hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, mà người thực thi "bóp méo" các quy định, thì luật pháp ấy cũng trở nên vô ích. Nhà nước pháp quyền cũng không thể tồn tại".
Luật sư Đặng Đình Mạnh kết luận :
"Chỉ khi nào, cơ quan tư pháp loại bỏ tuyệt đối quan điểm "Có sai sót về tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án", thì khi đó, cơ may xây dựng nhà nước pháp quyền mới có khả năng thành tựu được".
Chuyện kêu gọi thượng tôn pháp luật của lãnh đạo không phải bây giờ mới có. Nhiều năm trước, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2014, Chủ tịch nước lúc đó là ông Trương Tấn Sang đã lưu ý Ngành kiểm sát phải đảm bảo thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Kiên quyết thực hiện bằng được mục tiêu "Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Một luật sư không muốn nêu tên bình luận việc này với RFA sáng ngày 8/11 :
"Lời kêu gọi của ông Thủ tướng rất đúng về mặt thể chế, tuy nhiên để xảy ra tình trạng xã hội như hiện nay là trách nhiệm của Đảng Cộng Sản và Chính Phủ của ông Phạm Minh Chính vì : Thứ nhất, Đảng và Nhà nước Việt Nam không tôn trọng pháp luật, họ sẵn sàng bỏ qua các quy tắc, chuẩn mực pháp luật khi làm việc. Thứ hai, chất lượng, đạo đức cán bộ chưa cao thể hiện ở chỗ họ sẵn sàng bỏ qua luật pháp không tuân thủ đúng trình tự pháp lý. Thứ ba, chính trị, tức những người bên Đảng chi phối quá sâu vào luật pháp. Thứ tư, người dân và quan chức dễ dàng thoả thuận bằng tiền để bẻ cong pháp luật".
Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói quân đội sẽ không làm kinh tế nữa, mà tập trung cho xây dựng quân đội chính quy hiện đại
Một điển hình về vấn đề thượng tôn pháp luật tại Việt Nam có thể được nêu ra. Đó là vào sáng 23/6/2017, Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lúc đó nói tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh rằng : "Hiện nay đã có một chủ trương của Bộ Quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế nữa, mà tập trung cho xây dựng quân đội chính quy hiện đại, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Nhân dân. Tất cả doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn chuyển ra bên ngoài".
Dư luận xã hội lúc bấy giờ đồng tình với phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm bởi quân đội cần tập trung nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, việc kết hợp kinh tế quốc phòng. Không nên đi vào hướng làm kinh tế thuần tuý, vì lợi nhuận ; không nên kinh doanh những ngành nghề không phục vụ cho hoạt động quốc phòng.
Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí nói với RFA sáng 8 tháng 11/2022 :
"Thứ trưởng Lê Chiêm vừa phát biểu được vài bữa thì các báo, đặc biệt là báo Quân đội Nhân dân cho rằng lời nói của ông Lê Chiêm là tào lao và đính chính là quân đội vẫn tiếp tục làm kinh tế. Thậm chí tờ báo này còn mở hẳn một chuyên mục cả chục kỳ, có bài đăng cả trang báo dù tờ báo chỉ có bốn trang, rồi tổ chức cả hội thảo mời các chuyên gia như cựu Phó thủ tướng Vũ Khoan đến dự để cổ súy cho việc quân đội làm kinh tế.
Việc quân đội làm kinh tế đã là không thượng tôn pháp luật vì không pháp luật nào cho quân đội làm kinh tế.
Khi người ta thiếu cái gì thì người ta phải kêu gọi, phải nói nhiều về cái đấy. Ví dụ tôi đến một cơ quan, đơn vị nào đó mà tôi thấy mọi người trong đó nói nhiều về đoàn kết có nghĩa ở đấy đang rất mất đoàn kết. Chuyện thủ tướng hay những ai đó kêu gọi thượng tôn pháp luật chỉ chứng tỏ một điều rằng hiện nay pháp luật đang bị xem nhẹ, bị chà đạp, không được thực hiện một cách nghiêm chỉnh".
Vài tuần sau phát biểu của tướng Lê Chiêm vài tuần, đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc bấy giờ lại khẳng định trên truyền thông Nhà nước rằng, việc kết hợp nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ kinh tế của các doanh nghiệp quân đội là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và được quán triệt xuyên suốt trong thời gian qua. Vị đại tướng này lưu ý : "Là doanh nghiệp quân đội, các đồng chí phải thượng tôn, chấp hành nghiêm pháp luật của nhà nước, quy định và kỷ luật của quân đội, tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền và người dân ở địa bàn".
Nguồn : RFA, 08/11/2022
**************************
Vụ dân giữ công an và người chặt trộm rẫy cà phê : Bảy người bị khởi tố
RFA, 09/11/2022
Bảy người dân ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk bị lực lượng công an bắt giữ vì ngăn chặn việc chặt phá hàng trăm cây cà phê và sầu riêng của một người dân ở địa phương.
Hình chụp từ video của người dân
Truyền thông Nhà nước hôm 8/11 đưa tin các ông bà Nguyễn Thành Giang, Lại Văn Trịnh, Nguyễn Huy Công, Nguyễn Thanh Phong, Lê Thị Lụa, Huỳnh Văn Quân và Trần Văn Thịnh đang bị giam giữ tại trại tạm giam của Công an tỉnh Đắk Lắk với cáo buộc "chống người thi hành công vụ" và "bắt giữ người trái pháp luật".
Khoảng 6.000 m2 rẫy trồng cà phê, sầu riêng bị đốn trộm trong đêm
Ông Bình (không nêu tên thật vì sự nhạy cảm của vấn đề) – người chứng kiến sự việc - cho biết, sự việc bắt đầu xảy ra vào sáng sớm ngày 7/11 tại rẫy sầu riêng và cà phê lâu năm của ông Nguyễn Thành Giang nhận khoán từ công ty cà phê Thắng Lợi.
Vào lúc 4 giờ 30 sáng thứ hai, người dân ở gần lô rẫy của ông nghe thấy tiếng cưa cây và báo cho chủ nhân biết. Khi ông Giang ra hiện trường thì phát hiện khoảng năm người dùng cưa máy để đốn cây cà phê và sầu riêng 5-6 năm tuổi, một nhóm người khác cảnh giới và dùng đèn chiếu để chiếu sáng, tất cả đều mặc đồ thường phục.
Ông Bình kể lại, khi ông Giang ra vườn của mình thì bị một người đánh, ông liền gọi hỗ trợ từ những người cũng nhận khoán như ông ở gần đó.
Khi nhiều người dân đến hỗ trợ khiến nhóm người bỏ chạy, trong đó có ba người bị bắt gồm hai người được thuê cưa cây và một người khác, sau đó người dân kiểm tra trong người mới biết ông này có giấy chứng minh công an nhân dân Lê Văn Huy công tác ở Công an huyện Krông Pắk.
Ông Bình cho biết ông Giang có mảnh vườn 1.03 héc-ta trồng khoảng 30 ngàn cây cà phê và hơn một trăm cây sầu riêng. Cây cà phê đang ở giai đoạn thu hoạch còn sầu riêng sẽ cho ra lứa quả đầu tiên vào năm sau.
Theo video clip quay lại hiện trường được đăng trên trang Facebook Giang Còi của ông Nguyễn Thành Giang, 2/3 diện tích cây trong rẫy bị cưa tận gốc.
Nhân chứng nói, chính quyền huyện Krông Pắk và tỉnh Đắk Lắk sau đó đưa 20 xe chở 400-500 cảnh sát cơ động đến để giải cứu ba người bị dân bắt giữ nhưng không làm biên bản về việc phá hoại cây trồng.
Khi gặp sự phản đối của dân chúng, cảnh sát sử dụng dùi cui để tấn công họ và bắt giữ ít nhất 25 người.
Sau khi tra hỏi trong ngày, 18 người được thả, bảy người còn lại bị đưa đi giam tại Trại tạm giam của công an tỉnh.
Bảy người bị tạm giữ hình sự với cáo buộc "Chống người thi hành công vụ" ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk hôm 7/11/2022. Người Lao Động
Tranh chấp vườn cà phê giữa người dân và Công ty cổ phần Cà phê Thắng Lợi
Theo truyền thông Nhà nước, nơi xảy ra vụ việc là khu vực rẫy cà phê trước đây Công ty cổ phần Cà phê Thắng Lợi (tên cũ là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà phê Thắng Lợi) giao nhận khoán với ông Giang.
Năm 2011, ông Giang có ký hai hợp đồng khoán gọn vườn cây cà phê với công ty này để nhận khoán chăm sóc rẫy cây cà phê của công ty.
Từ khi nhận cho đến niên vụ 2017-2018, ông Giang thực hiện nghĩa vụ chăm sóc vườn cây theo đúng quy định của công ty và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giao nộp sản phẩm.
Tuy nhiên, vụ thu hoạch cà phê 2018-2019, ông Giang lấy lý do mất mùa do thiên tai, giá cà phê giảm, cây cà phê già cỗi nên ảnh hưởng đến năng suất sản lượng và không thực hiện nghĩa vụ giao nộp sản phẩm theo hợp đồng.
Mâu thuẫn được đưa ra toà và tháng 6 năm 2019, Toà án Nhân dân huyện Krông Pắk tuyên xử buộc ông Giang phải trả cho Công ty cổ phần Cà phê Thắng Lợi 5.198 kg cà phê quả tươi của niên vụ 2018-2019. Ông Giang có kháng cáo nhưng tòa phúc thẩm bác bỏ, giữ nguyên án sơ thẩm.
Sau đó, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắk đã kê biên, xử lý tài sản chung của ông Giang và Công ty cổ phần Cà phê Thắng Lợi tại vườn. Do ông Giang không chuộc lại tài sản đã kê biên, Công ty cổ phần Cà phê Thắng Lợi mua lại với giá 272 triệu đồng. Công ty này đã nộp đủ số tiền mua tài sản chung, và do vậy, kể từ ngày 7/7, vườn này thuộc quyền sở hữu của Công ty.
Tuy nhiên, theo ông Bình, mảnh vườn của ông Giang thuộc đất nông nghiệp giao khoán ở xã Hoà Đông, với hơn 1.000 hộ có tình trạng tương tự. Từ năm 1998, người dân bỏ tiền ra mua tài sản (cây trồng) trên diện tích đất nhận giao khoán, và trở thành đồng sở hữu với Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Cà phê Thắng Lợi, với tỷ lệ tương ứng 49/51.
Năm 2019, công ty đổi tên thành Công ty cổ phần Cà phê Thắng Lợi và bắt người nhận giao khoán đất mua cổ phần ưu đãi. Tuy nhiên, ông Giang cũng như ông Bình và người dân khác ở trong xã không đồng tình và không nộp tiền mua cổ phần ưu đãi vì theo họ thì việc cổ phần hóa này không hợp pháp.
Ông Bình nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Năm 2019, công ty chuyển sang cổ phần hóa và yêu cầu người lao động bỏ tiền mua cổ phiếu ưu đãi nhưng chúng tôi không mua bởi vì quy định doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước mới được cổ phần hoá. Chúng tôi có 49% rồi thì không thể cổ phần hóa được nữa.
Theo Quyết định 1095 năm 2001 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk thì khi Nhà nước chuyển đổi mục đích thì chúng tôi trở thành cổ đông chính và không cần phải mua nữa".
Ông Bình nói người dân nhận khoán phản đối hình thức cổ phần hóa của công ty, đã gửi đơn từ đến Văn phòng Chủ tịch nước, và cơ quan này đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk giải quyết nhưng chính quyền địa phương chưa giải quyết.
Ông nói có hàng trăm trường hợp giống như ông Giang nhận giao khoán tổng cộng 2.300 hecta đất mà công ty đang quản lý và tất cả đều đối diện với khả năng bị mất hết tài sản (cây trồng) trên mảnh đất mình đang nhận giao khoán.
Ông nghi ngờ đây là kế hoạch của công ty cấu kết với quan chức địa phương nhằm chiếm hữu hết đất đai mà người dân đang nhận khoán vì thành phố Buôn Ma Thuột có kế hoạch mở rộng về phía đông và lấy đất của xã Hoà Đông.
Luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng (không có liên quan đến vụ việc) bình luận với RFA qua điện thoại :
"Nói chung, về nguyên tắc, hiện tại chưa có bàn giao và người dân còn đang quản lý cây cối mà đi chặt như thế là trái quy định của pháp luật.
Thời điểm đó (chặt ban đêm- PV) không phù hợp. Cho dù cơ quan nhà nước cưỡng chế thì cũng phải lập đoàn đàng hoàng chứ không đi lén lút ban đêm như ăn trộm như vậy".
Phóng viên gọi điện cho ông Đỗ Hoàng Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Cà phê Thắng Lợi nhưng người này không nghe máy. Bà Hoàng Thị Thu Hà - Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh nghe máy nhưng từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên.
Phóng viên cũng gọi điện cho Công an tỉnh Đắk Lắk và được người nghe máy nói liên hệ trực tiếp với Công an huyện Krông Pắk nhưng cơ quan này không có ai trả lời máy điện thoại.
Nguồn : RFA, 09/11/2022