Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/11/2022

Chống tham nhũng, GDP 7.500 USD, EVN dự báo lỗ 31.360 tỷ

RFA tổng hợp

Cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng đang làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế

RFA, 28/11/2022

Cuộc chiến chống tham nhũng rộng khắp của Đảng cộng sản Việt Nam đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu. Đó là nhận định được đưa ra trong một bài phân tích của tác giả Francesco Guarascio trên Reuters hôm 28/11.

kinhte1

Một người dân đi qua một tấm biển cổ động cho Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam 13 ở Hà Nội hôm 18/1/2021 (minh họa) - Reuters

Theo tác giả này, cuộc chiến chống tham nhũng theo kiểu Trung Quốc được phát động ở Việt Nam từ năm 2016 đến nay đã khiến nhiều quan chức cấp cao vào tù hoặc đang bị điều tra. Điều này khiến các quan chức chính phủ khác lo ngại và không dám bật đèn xanh cho việc mua bán hàng hóa hay các khoản đầu tư vì sợ bị điều tra tham nhũng.

Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng đầu tiên và rõ nét nhất là lĩnh vực dược phẩm với khoảng 65% các bệnh viện lớn đang lâm vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vì lãnh đạo không dám phê duyệt hợp đồng.

Reuters trích lời ông Marko Walde, người đứng đầu Phòng Thương mại Đức tại Việt Nam, cảnh báo rằng tình hình sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nữa khi hàng ngàn giấy phép nhập khẩu dược phẩm hết hạn vào cuối năm nếu các giới chức chính phủ không nhanh chóng gia hạn.

Hiện Đức là nước xuất khẩu dược phẩm lớn thứ hai vào Việt Nam, sau Pháp, theo số liệu thống kê vào năm 2020.

Một quản lý khu công nghiệp giấu tên nói với Reuters rằng các dự án của các nhà đầu tư tầm trung liên tục bị trì hoãn hoặc thiếu chữ ký của lãnh đạo.

Kết quả là tăng trưởng các dự án sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài mới trong năm nay sẽ chậm lại so với năm trước và thấp hơn rất nhiều so với thời kỳ trước đại dịch.

Việt Nam bị xếp hạng 87 trong danh sách 180 quốc gia về tham nhũng theo báo cáo của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International).

Việc chống tham nhũng về dài hạn được nhìn nhận là tích cực nhưng trong ngắn hạn có thể làm tê liệt hoạt động kinh doanh, đặc biệt là nếu việc thực thi pháp luật bị cho là không rõ ràng và có động cơ chính trị, theo Reuters.

Reuters trích lời một nhà ngoại giao giấu tên ở Hà Nội cho biết hiện không rõ Đảng sắp tới có giảm sức ép đối với công cuộc chống tham nhũng hay không vì một số lãnh đạo Việt Nam cho rằng tham nhũng trong một số lĩnh vực là một mối đe dọa sống còn.

**************************

Đảng đưa mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD vào năm 2030

RFA, 28/11/2022

Đảng cộng sản Việt Nam mới đây ban hành Nghị quyết đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam thành nước đạt được các tiêu chí là công nghiệp, nước đang phát triển và GDP bình quân đầu người đạt 7.500 đô la vào năm 2030.

GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD

GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD là mục tiêu đặt ra tại Quyết định 412/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030.

Truyền thông Nhà nước cho biết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết mới ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa 13. Nghị quyết có nội dung về về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Nghị quyết, chậm nhất đến năm 2030, Việt Nam xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.

Đảng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 bao gồm : Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm ; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD ; GNI bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 7.000 USD. Ðóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50% ; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới.

Nghị quyết mới cũng xác định phải đưa Việt Nam vào trong nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP ; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP ; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính đến năm 2021 là khoảng 3.600 đô la.

Nền kinh tế Việt Nam hiện chủ yếu dựa vào xuất khẩu trong đó xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đa số. Theo số liệu của Chính phủ, xuất khẩu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 20% GDP và chiếm khoảng 72% tổng giá trị xuất khẩu, 50% sản lượng công nghiệp.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như may mặc, giầy dép, hàng điện tử chủ yếu là gia công cho các hãng lớn và nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài về, tận dụng giá nhân công rẻ.

****************************

EVN dự báo lỗ 31.360 tỷ đồng năm 2022

RFA, 28/11/2022

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự tính có thể lỗ tới 31.360 tỷ đồng trong năm 2022 do biến động giá nhiên liệu khiến chi phí sản xuất điện và mua điện tăng cao.

kinhte3

Các công nhân điện lực đang lắp đồng hô đo điện ở Hà Nội năm 2011 (Hình minh họa) - AFP

Đại diện EVN cho truyền thông Nhà nước hay tin trên trong ngày 28/11.

Những khó khăn khiến ông lớn điện lực Việt Nam dự tính lỗ nặng trong năm nay là do không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện.

Thêm nữa là do chi phí sửa chữa lớn khiến EVN đã phải cắt giảm 10-30% và việc sửa chữa tài sản tiếp tục bị cắt giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện các năm tới.

Nguyên nhân cuối cùng đại diện EVN mới đây nêu ra là do việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để đảm bảo cung ứng điện đang gặp nhiều khó khăn.

Đại diện EVN nhận định trên tờ Lao động rằng : "Mặc dù đã cố gắng để chi phí vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm 2022 của công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng".

Với tình hình hiện tại, theo đại diện EVN, ngành điện lực sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023. Theo lý giải của EVN, do năm 2023, dự kiến giá nhiên liệu (than, dầu, khí) trên thế giới vẫn sẽ ở mức cao theo các nguồn dự báo, tỷ giá ngoại tệ USD liên tục tăng trong thời gian qua. Đồng thời tỷ trọng các nguồn điện có giá thành rẻ (như thủy điện) có xu hướng giảm và tăng tỷ trọng các nguồn điện có giá bán cao.

Tuy vậy, EVN cho biết sẽ nổ lực đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội.

Hồi tháng 10/2022 nhiều doanh nghiệp phản ứng với đề xuất của Bộ Công thương cho EVN được tự quyết tăng giá điện khi tập đoàn này liên tiếp báo lỗ trong sáu tháng đầu năm. Một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh nói trên tờ VTCNews rằng điện đã và đang là một ngành độc quyền trên thị trường, giờ lại được tự quyết tăng giá thì khác nào được tăng tính độc quyền, dễ đưa toàn bộ khách hàng là người dân, doanh nghiệp vào thế bị động, trở tay không kịp.

Cũng trả lời trên tờ VTCNews về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng ngành điện vốn đã độc quyền rồi, nay nếu lại được tự quyết tăng giá điện bình quân thì sự độc quyền e rằng càng tăng thêm. Theo ông Hòa, vấn đề này cần phải được cân đong, đo đếm, tính toán chi tiết, dựa trên tổng thể phát triển kinh tế xã hội chứ không chỉ cho riêng ngành điện, bởi ngành điện không đóng góp toàn bộ vào phát triển của nền kinh tế.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 247 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)