Việt Nam ra quyết định tước quốc tịch ông Phạm Minh Hoàng (VOA, 11/09/2017)
Giáo sư Phạm Minh Hoàng mới xác nhận với VOA Việt ngữ rằng hôm 10/6 ông nhận được quyết định của Hà Nội về việc tước quốc tịch Việt Nam của ông.
Quyết định tước quốc tịch của Việt Nam đối với ông Phạm Minh Hoàng, 10/6/2017
Vị giáo sư cũng là một nhà đấu tranh dân chủ nói quyết định do Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký ngày 17/5/2017.
Ông Hoàng, hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh, nói ông "băn khoăn" vì tờ quyết định không nói rõ chính quyền Việt Nam căn cứ vào lý do cụ thể gì để tước quốc tịch.
Theo giáo sư, việc quyết định chỉ dẫn ra hai điều 81, 91 của Hiến pháp, và Luật Quốc tịch Việt Nam là "mơ hồ" đối với ông.
Người từng bị chính quyền bỏ tù 17 tháng hồi năm 2011-2012 về tội "lật đổ chính quyền" nói với VOA rằng ông đã ủy quyền cho luật sư Đặng Đình Mạnh để khiếu nại về quyết định kể trên. Luật sư đã khẳng định với ông rằng quyết định tước quốc tịch này là "sai với luật".
Ông Hoàng nói thêm ông là người sinh ra đã có quốc tịch Việt Nam và hiện đang sống trong nước. Vì vậy, theo ông, chính quyền không thể tước quốc tịch như các trường hợp người nước ngoài từng nhập quốc tịch Việt Nam, hay người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài vi phạm luật Việt Nam về an ninh quốc gia.
Nguy cơ bị tước quốc tịch Việt được giáo sư Hoàng, người có song tịch Việt-Pháp, nói đến từ đầu tháng 6, khi Tổng Lãnh sự quán Pháp báo cho ông "tin xấu" là Việt Nam "muốn trục xuất" ông.
Nói với VOA hôm 11/6, ông Hoàng cho hay tòa lãnh sự đã đàm phán với phía Việt Nam để ông được ở lại đến cuối tháng 6, và hiện còn quá sớm để biết liệu chính quyền có "cưỡng chế" để trục xuất ông hay không. Mặc dù vậy, ông chia sẻ rằng ông "chuẩn bị cho tình huống xấu nhất".
Hồi đầu tháng 6, giáo sư Hoàng bày tỏ ông sẵn sàng xin thôi quốc tịch Pháp với hy vọng giữ quốc tịch Việt.
Ông giải thích : "Mục đích của tôi là muốn bày tỏ cho cộng đồng, cho chính phủ hai nước thấy ước vọng nhỏ nhoi của tôi là được sống, làm việc và chết trên quê hương của mình, trên Việt Nam của tôi. Tôi từ bỏ quốc tịch Pháp là để nói lên khao khát đó. Bỏ quốc tịch Pháp đối với tôi cũng là một mất mát. Nhưng mất mát lớn nhất của tôi là không được ở nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Nếu mà mất nơi đó, tôi chẳng còn tiếc cái gì cả".
Tuy nhiên, động thái này của giáo sư có thể không tác động nhiều đến quyết định của Hà Nội. Theo lời thuật lại của ông, luật sư nói rằng Việt Nam "không quan tâm" đến việc ông Hoàng có quốc tịch của nước nào khác hay không, họ vẫn tước quốc tịch "nếu họ muốn".
Giáo sư Phạm Minh Hoàng từng du học, sinh sống ở Pháp từ đầu những năm 1970. Cuối thập niên 1990, ông về nước và giảng dạy tại Đại học Bách Khoa ở tp. HCM cho đến khi bị bắt vào mùa hè năm 2010 và bị bỏ tù sau đó.
Cách đây ít ngày, ông Hoàng nói với VOA rằng ông nghĩ Hà Nội muốn tước quốc tịch là để "trả thù" cho các hoạt động ôn hòa của ông cổ súy dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam tố cáo ông là thành viên đảng Việt Tân, tổ chức bị chính quyền Việt Nam đặt ngoài vòng pháp luật. Ông Hoàng xác nhận là thành viên đảng này nhưng không làm gì trái luật Việt Nam.
**********************
Giáo sư Phạm Minh Hoàng nhận quyết định tước quốc tịch Việt Nam (RFA, 10/06/2017)
Văn bản tước quốc tịch Việt Nam của Giáo sư Phạm Minh Hoàng - ảnh Phạm Minh Hoàng
Cuối cùng, quyết định tước quốc tịch của Cựu tù nhân lương tâm, Giáo sư Phạm Minh Hoàng đã được gửi đến cho ông vào chiều Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2917, từ Bộ Tư pháp Việt Nam.
Từ Sài Gòn, giáo sư Phạm Minh Hoàng cho chúng tôi biết quyết định được gửi đến gia đình ông qua đường bưu điện, gồm hai văn bản đều của Bộ Tư pháp. Trong đó, một là văn bản thông báo của Bộ Tư pháp, ký ngày 9 tháng 6, 2017 và một là bản sao quyết định của Chủ tịch nước ký ngày 17 tháng 5, 2017 nhưng do Bộ Tư pháp sao y lại và ký ngày 22 tháng 5, 2017.
Theo lời Giáo sư Hoàng cho biết, ông sẽ kháng kiện lại quyết định trên.
"Tôi đã nói ngay từ đầu và qua phân tích của luật sư, chuyện này là không thể, đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Song song đó tôi cũng đã gửi một lá thư bảo đảm cho tòa đại sứ Pháp, theo thủ tục của Pháp là xin tước quốc tịch Pháp. Nhưng nó sẽ có nhiều chuyện để làm chứ không phải như Việt Nam, ký một cái là xong được".
Giáo sư Hoàng nhấn mạnh thêm một lần nữa ông đã có ý muốn và đã thực hiện quyết định từ bỏ quốc tịch Pháp trước khi nhận được văn bản tước quốc tịch Việt Nam của ông từ Bộ Tư pháp Việt Nam.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người đại diện pháp lý cho giáo sư Phạm Minh Hoàng cho biết việc uỷ quyền cho luật sư sẽ có hiệu lực kể từ chiều ngày 10 tháng 6, 2017.
Giáo sư Hoàng cũng chính thức đăng tải trên trang Facebook cá nhân của ông sự việc này :
"Tôi cũng đã ủy quyền cho luật sư Đặng Đình Mạnh để tiếp tục việc khiếu nại.
Tôi cũng sẽ không ký vào bất cứ một văn bản nào đưa đến việc trục xuất và sẽ đấu tranh tới cùng để thực hiện ước vọng của tôi là được sống trên quê hương của chính mình".
Giáo sư Phạm Minh Hoàng là người mang song tịch Việt Nam và Pháp. Ông từng là du học sinh, sinh sống ở Pháp từ năm 1973, đến cuối thập niên 1990 ông trở về nước dạy học tại Đại học Bách Khoa Sài Gòn cho đến khi bị bắt vào tháng 8 năm 2010 với tội danh lật đổ chính quyền Việt Nam theo điều 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam.
Sau khi mãn hạn 17 tháng tù giam, ông được trả tự do vào Tháng Giêng năm 2012 và chịu ba năm quản chế. Dù không được các trường đại học ở Việt Nam nhận giảng dạy, ông tiếp tục những gì đã làm trước đó là mở những lớp dạy tiếng Pháp và kỹ năng mềm cho các em học sinh tại Sài Gòn.
**********************
RSF lên án Việt Nam vụ tước quốc tịch ông Phạm Minh Hoàng (VOA, 08/06/2017)
Ông Phạm Minh Hoàng hôm 1 tháng 6 cho biết Tổng lãnh sự quán Pháp báo tin cho ông rằng Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký lệnh tước quốc tịch Việt Nam của ông hôm 17 tháng 5.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) lên án việc nhà chức trách Việt Nam tước quốc tịch Việt Nam của nhà đấu tranh dân chủ Phạm Minh Hoàng, người cũng mang quốc tịch Pháp.
Giảng viên đại học này hôm 1 tháng 6 đăng một bức tâm thư trên Facebook cho biết ông được Tổng lãnh sự quán Pháp ở Thành phố Hồ Chí Minh mời lên để báo tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký lệnh tước quốc tịch Việt Nam của ông hôm 17 tháng 5, và ông phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Trong bức thư ông Hoàng cũng bày tỏ khát khao được ở lại Việt Nam cùng với gia đình và tiếp tục đấu tranh một cách ôn hòa để giải quyết những vấn đề của đất nước. Sau đó vài ngày ông cho biết ông đã gửi một bức thư đến Đại sứ Pháp ở Hà Nội xin từ bỏ quốc tịch Pháp, thể hiện mạnh mẽ quyết tâm ở lại quê hương.
"Chúng tôi lên án quyết định này và khá bàng hoàng về nỗ lực mới nhất này để hăm dọa một thêm một người bất đồng chính kiến nữa ở Việt Nam", Margaux Ewen, Giám đốc Vận động và Truyền thông của RSF ở Bắc Mỹ, nói với VOA. "Ông ấy là công dân Việt Nam và cũng là công dân Pháp. Đuổi ông ấy đi khỏi đất nước trái với mong muốn của ông ấy chắc chắc là điều rất đáng lo ngại".
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với VOA, ông Hoàng nói rằng chính quyền muốn tước quốc tịch nhằm "trả thù" các hoạt động cổ súy ôn hòa vì dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam của ông và của đảng Việt Tân.
"Cách đây bốn, năm tháng, Bộ Công An Việt Nam tố cáo đảng Việt Tân, mà tôi là một thành viên, là một tổ chức khủng bố. Kể từ đó tôi nhận thấy việc đàn áp các anh em Việt Tân, đặc biệt những người có án như tôi, càng lúc càng nhiều", ông nói.
Hành động của nhà chức trách Việt Nam nhắm vào ông Hoàng "nhất quán" với cách thức mà họ đối đãi với bất kỳ quan điểm bất đồng nào trái với quan điểm của chế độ độc đảng, theo lời bà Ewen.
"Bất kỳ blogger hay nhà báo công dân nào bày tỏ quan điểm khác biệt với chế độ, với bộ máy truyền thông, đều bị đàn áp, thậm chí những tiếng nói ôn hóa như luật sự và blogger nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người vẫn bị giam giữ một cách tùy tiện suốt hơn một năm qua".
Vào tháng 3 năm 2016, công an đã đột ngột xông vào một lớp học về kỹ năng mềm do ông hướng dẫn tại một quán café ở Sài Gòn, cách ly các học viên với ông và thẩm vấn từng người trong nhiều giờ liền.
Trước đó ông từng bị bắt năm 2011 khi đang giảng dạy tại Đại học Bách khoa Sài Gòn.
Tháng 1 năm 2012, ông được trả tự do sau khi được giảm phân nửa bản án ba năm tù về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" vì các bài viết thể hiện quan điểm cá nhân trái với nhà nước.
Bà Ewen nói sự việc mới nhất liên quan tới ông Hoàng cho thấy Việt Nam tiếp tục sa sút trong việc thể hiện sự tôn trọng đối với quyền tự do thông tin trong nước.
"Những vụ trấn áp gần đây diễn ra trong năm 2017 là chỉ dấu cho thấy sự gia tăng đàn áp quan điểm bất đồng chính kiến", bà nói. "Bước kế tiếp nhằm trục xuất ông Hoàng lại là một chỉ dấu nữa của tình trạng đó".
Việt Nam là một trong những nước có điểm số thấp nhất trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2017 của RSF, đứng thứ 175 trên 180 nước.