Ngân hàng SCB đã có những sai phạm về đạo đức nghề nghiệp khi dụ dỗ khách hàng mua trái phiếu dỏm nhưng việc các nạn nhân quy trách nhiệm trả nợ trái phiếu khi đáo hạn cho ngân hàng này là ‘không thỏa đáng’, một số chuyên gia nhận định.
Những người mua trái phiếu từ ngân hàng SCB tố cáo họ bị ngân hàng này lừa đảo
Hành vi bán trái phiếu công ty An Đông của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn, tức SCB, đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính-ngân hàng lớn nhất ở Việt Nam trong những năm gần đây với hơn 40.000 nạn nhân trên khắp cả nước với tổng số tiền thiệt hại lên đến 25.000 tỷ đồng.
Công ty cổ phần đầu tư An Đông thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của nữ tỷ phú Trương Mỹ Lan, người đã bị bắt hôm 7/10 để điều tra về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, hiện đã ngưng hoạt động với tài sản bị phong tỏa để phục vụ điều tra, dẫn đến hàng chục ngàn khách hàng mua trái phiếu không được thanh toán tiền lời và được trả lại tiền khi đáo hạn và có nguy cơ mất trắng.
Các lãnh đạo SCB vẫn một mực cho rằng họ chỉ là ‘bên môi giới, giới thiệu’ cho khách hàng mua trái phiếu nên không có trách nhiệm trả lại tiền, trong khi các nạn nhân nói với VOA rằng SCB đã ‘lừa đảo’ họ từ gửi tiền kiệm sang mua trái phiếu và ‘tung hỏa mù’ về trái phiếu doanh nghiệp như chính là sản phẩm của SCB có lãi suất cao khiến những khách hàng không có kiến thức về tài chính sập bẫy.
‘Bảy sai phạm’
Về vấn đề này, ông Lâm Minh Chánh, chuyên gia đầu tư tài chính vốn là người sáng lập và giám đốc điều hành Học viện Kinh doanh và Tài chính ở thành phố Hồ Chí Minh, đã chỉ ra ‘bảy sai phạm’ của ngân hàng SCB.
Ông bác bỏ lập luận là ‘SCB chỉ là bên giới thiệu’ vì trong vụ bán trái phiếu dỏm này, SCB đã ‘tham gia từ đầu đến cuối’, từ giới thiệu sản phẩm, đến nhận tiền chuyển đi, đến giao hợp đồng, như là đại điện bán hàng, ông viết trên trang cá nhân của mình.
Những sai phạm của SCB mà chuyên gia này chỉ ra bao gồm : chủ động chào mời, chèo kéo khách hàng mua trái phiếu mặc dù mục đích của họ khi đến ngân hàng là để gửi tiết kiệm ; bán hàng dỏm ; bán trái phiếu phát hành riêng lẻ cho công chúng vốn không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Ngoài ra, các nhân viên ngân hàng này không có giấy phép hành nghề chứng khoán mà vẫn tư vấn bán trái phiếu cho dân, giới thiệu sai cho khách hàng khi đánh đồng trái phiếu như là gói tiết kiệm linh hoạt của ngân hàng và chẳng những không hề nói rõ rủi ro như thế nào mà còn ‘đảm bảo là không có rủi ro’, không hướng dẫn khách hàng đọc kỹ hợp đồng. Và cuối cùng, khi vụ việc vỡ lở, SCB không hề nhận trách nhiệm việc mình đã làm.
"Đứng về lý, khách hàng đã ký hợp đồng thì phải chịu thiệt hại cuối cùng. Ngân hàng SCB không thể trả thay cho người lừa đảo", ông Chánh viết trên trang cá nhân.
"Nhưng SCB là một nhân tố quan trọng trong quy trình đưa trái phiếu lừa đảo, trái phiếu ma, trái phiếu rác đến người dân, thì SCB không thể chối bỏ trách nhiệm liên quan của mình mà SCB phải có trách nhiệm trong hành trình đòi lại tiền của khách hàng", ông lập luận.
Cho đến giờ, ngoài việc khẳng định mình chỉ là ‘bên giới thiệu bán hàng’ chứ không liên quan gì đến số cổ phiếu dỏm, SCB chỉ đứng ra tiếp nhận những ý kiến của khách hàng để chuyển đến cơ quan chức năng và tuyên bố ‘sẽ đồng hành với các nạn nhân trong hành trình đòi lại tài sản’.
Ông Chánh cho rằng việc các nạn nhân đến các chi nhánh SCB biểu tình đòi tiền ‘cũng là quá áp lực’vì dàn lãnh đạo mới của SCB ‘không liên quan gì’ đến những sai phạm của ban lãnh đạo cũ.
Ai chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp ?
Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả ở Hà Nội, cho rằng việc một ngân hàng SCB chào báo trái phiếu doanh nghiệp là ‘không sai’ và dẫn ra điều 14 của Nghị định 153 ban hành năm 2020 vốn cho phép các tổ chức tín dụng bảo lãnh phát hành hoặc làm đại lý bán trái phiếu.
Trong vụ việc này, ông Ánh cho rằng cần làm rõ SCB ‘có hợp đồng bảo lãnh hay làm đại lý phát hành hay không hay chỉ là người giới thiệu’.
Trong trường hợp SCB chỉ là bên giới thiệu thì ‘trách nhiệm rất nhỏ’, theo lời Tiến sĩ Ánh. "Việc nhà đầu tư đòi SCB trả tiền là vô lý mà phải đòi doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty An Đông", ông nói với VOA.
Ông Ánh đặt vấn đề là ai đã chứng nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp cho những khách hàng đến gửi tiết kiệm vốn không phải là nhà đầu tư. Theo Nghị định 153 thì trái phiếu doanh nghiệp chỉ được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Một nạn nhân giấu tên đã mua trái phiếu qua SCB ở Hà Nội đã nói với VOA rằng ông được nhân viên tư vấn của ngân hàng ‘đưa ra một tờ giấy chứng nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp để ông ký vào’.
"Nhiều khả năng SCB chỉ vi phạm ở chỗ không cung cấp thông tin không đầy đủ cho khách hàng, chẳng hạn nhấn mạnh lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm nhưng không nhắc đến rủi ro cũng cao hơn nhiều", ông phân tích.
Việc tư vấn không đầy đủ này khiến nhà đầu tư không chuyên nghiệp ‘lầm tưởng rằng mua trái phiếu doanh nghiệp cũng giống như gửi tiết kiệm với lãi suất cao hơn’, ông cho biết.
"Nhà đầu tư chuyên nghiệp ko bao giờ nghĩ như vậy nên trách nhiệm thuộc về ai cấp chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp cho những người không phải chuyên nghiệp", ông chỉ ra và cho rằng ‘quy tội SCB lừa gạt là chưa có cơ sở’.
"Oan có đầu, nợ có chủ. Nhà đầu tư [các nạn nhân cho rằng mình không phải là nhà đầu tư] đang đòi nợ nhầm địa chỉ", ông Ánh khẳng định.
Trách nhiệm Nhà nước
Ông Ánh nói rằng việc Nhà nước chưa có quy định hay hướng dẫn nào về việc bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị điều tra khiến cho các nạn nhân đến nay vẫn chưa có được câu trả lời về cách giải quyết đối với họ.
Tại một cuộc tọa đàm hồi đầu tháng trước ở Hà Nội về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chuyên gia này đã chỉ ra tình trạnh các doanh nghiệp phát hành trái phiếu tràn lan mà không có tài sản đảm bảo, không có xếp hạng tín nhiệm và không được bảo lãnh ‘đã gây nhiều hệ lụy’ vì đây là những điều kiện tối thiểu của loại hình trái phiếu này để kiểm soát rủi ro.
Ông cảnh báo kênh phân phối trái phiếu doanh nghiệp đang bị buông lỏng quản lý và đó là ‘vấn đề rất nghiêm trọng’, theo tường thuật của trang mạng tài chính Vietnamfinance.
"Tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, các quỹ đi bán trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân, bất kể họ có chuyên nghiệp hay không, thậm chí ‘đánh lận con đen’ rằng trái phiếu doanh nghiệp là gửi tiết kiệm có lãi suất cao", ông chỉ ra.
"Hậu quả là khi trái phiếu vỡ, người mua không thể đòi nợ doanh nghiệp phát hành, nên quay sang đòi nợ người môi giới, tạo nên tình cảnh hỗn loạn như đã thấy vừa qua", ông Ánh được dẫn lời nói. "Vậy trách nhiệm của các ngân hàng thương mại và các đơn vị trung gian phân phối trái phiếu ở đâu ? Rất tiếc, chúng ta đang lơ đi vấn đề này".
Nguồn : VOA, 07/01/2023