Chuyên gia Liên Hiệp Quốc đề nghị chính phủ Việt Nam giải trình việc bắt giam 18 nhà hoạt động
VOA, 10/01/2023
Các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc vừa gửi văn thư đề nghị chính phủ Việt Nam giải trình việc giam giữ "tùy tiện" 18 nhà hoạt động nhân quyền với các cáo buộc mà nhóm này gọi là các điều khoản "mơ hồ" như "Tuyên truyền chống nhà nước" và "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ".
Các báo cáo viên đặc biệt về tình hình người bảo vệ nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, nhóm công tác về giam giữ tùy tiện, báo cáo viên đặc biệt về quyền sức khỏe thể chất và tinh thần, và báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và các hình thức đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác gửi văn thư này đến chính phủ Việt Nam ngày 2/11/2022 và được văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố hôm 4/1/2022.
Văn thư cho biết 18 nhà bảo vệ nhân quyền này, trong đó có các nhà báo và các nhà hoạt động, là "những người đã bị bắt giữ tùy tiện và bị tước quyền tự do khi thực hiện quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm của họ, bị kết án dựa trên các điều khoản mơ hồ, và trong một số trường hợp, có cáo buộc là họ bị tra tấn và hay bị các hình thức ngược đãi khác trong thời gian tạm giam trước khi xét xử".
Các chuyên gia cho biết họ "vô cùng quan ngại" trước việc 18 cá nhân này bị giam giữ kéo dài, đôi khi bị biệt giam, và được cho là bị tra tấn và ngược đãi, đồng thời các chuyên gia cũng nhắc nhở chính phủ Việt Nam rằng : "Quyền tự do không bị giam giữ tùy tiện và tra tấn cũng như các hình thức tàn ác, vô nhân đạo khác hoặc đối xử hoặc trừng phạt hạ nhục là những quyền không thể bị hủy bỏ theo luật pháp quốc tế".
Trong số 18 người này, phần lớn bị chính quyền Việt Nam bắt giam theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự "Tuyên truyền chống nhà nước", như trường hợp các ông Nguyễn Lân Thắng, Bùi Tuấn Lâm, Bùi Văn Thuận, Đặng Đăng Phước, Đỗ Nam Trung… và số còn lại bị bắt theo Điều 331 Bộ luật hình sự "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ" như trường hợp các ông Lê Anh Hùng, Bùi Chí Thành, Trương Châu Hữu Danh.
Trong email gửi cho VOA hôm 4/1, đại diện văn phòng khu vực Đông Nam Á của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết rằng chính quyền Việt Nam vẫn chưa phản hồi văn thư này, sau khi đã gửi đi 60 ngày.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và cơ quan đại diện thường trực của chính phủ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, và đề nghị họ đưa ra ý kiến về văn thư này nhưng chưa được trả lời.
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, bà Lê Bích Vượng, vợ của nhà báo độc lập Nguyễn Lân Thắng, bày tỏ lòng cảm ơn trước sự quan tâm của các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc và nói rằng bà rất quan ngại về tình trạng sức khỏe của chồng mình, người được cho là đang bị biệt giam từ khi bị bắt vào tháng 7/2022.
"Gia đình rất cảm ơn việc mọi người giúp lên tiếng cho trường hợp của anh Thắng cũng như các tù nhân lương tâm khác".
"Người mà tiếp cận được anh Thắng là cán bộ điều tra, chứ không có ai có thể liên hệ được anh Thắng ! Không điện thoại, không gặp mặt. Rất lo ngại về tình hình sức khỏe của anh Thắng. Họ nói rằng anh Thắng ‘khỏe’, tuy nhiên thời gian gần đây anh ấy bị đau xương khớp và mắt thì mờ đi".
Từ bang Tennessee, Hoa Kỳ, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Đức Quốc, lên tiếng về trường hợp ông Đặng Đăng Phước, một giảng viên âm nhạc ở Đăk Lăk bị bắt với cáo buộc "Tuyên truyền chống nhà nước" từ tháng 9/2022.
"Thầy giáo Đặng Đăng Phước bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giam một cách vô cớ, cũng như trước đây đã bắt rất nhiều tù nhân lương và giam tù họ với các bản án rất nặng nề".
Trong văn thư dài 22 trang, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cáo buộc rằng chính quyền Việt Nam sách nhiễu các nhà hoạt động này trước khi họ bị bắt và đã sử dụng các điều khoản của Bộ luật Hình sự để từ chối quyền tiếp cận luật sư và liên lạc với gia đình trong quá trình điều tra.
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết nếu các cáo buộc trong văn thư được xác nhận, Việt Nam sẽ vi phạm trắng trợn luật nhân quyền quốc tế, đặc biệt là Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Hà Nội đã tham gia ký kết vào năm 1982.
Hầu hết trong các văn thư giải trình của phía Việt Nam mà Liên Hiệp Quốc công bố trước đây, chính quyền Việt Nam nói rằng tại đất nước Đông Nam Á này không ai bị bắt giam vì bày tỏ quan điểm hay chính kiến ôn hòa của họ, mà chỉ bắt giam và xét xử những cá nhân "vi phạm pháp luật".
Nguồn : VOA, 10/01/2023
*****************************
Việt Nam tăng cường kiểm soát dịch bệnh Covid-19 dịp Tết
VOA, 09/01/2023
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa ra lệnh tăng cường phòng chống và kiểm soát Covid-19 dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin hôm 9/1, một ngày sau khi Trung Quốc và Việt Nam chính thức mở cửa các hoạt động cửa khẩu biên giới.
Trong một công điện gửi đi hôm 8/1, ông Chính cho biết mặc dù đại dịch về cơ bản đã được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp với các biến thể mới xuất hiện, trong đó có biến thể XBB.
"Diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường, chưa ổn định ; các biến thể, biến thể phụ của vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, trong đó biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch, lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron đã xuất hiện ở 70 quốc gia và gần đây biến thể phụ XBB.1.5 đã gây các đợt bùng phát dịch mới ở nhiều quốc gia trên thế giới", Công điện của Thủ tướng Chính nêu rõ.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan chủ động ứng phó với diễn biến của dịch bệnh.
Bộ cũng cần phối hợp với các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế để điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi cần thiết.
Bộ cũng phải phối hợp với các địa phương kịp thời phát hiện, xử lý ổ dịch, không để lây lan trong cộng đồng cũng như ngăn chặn, hạn chế thấp nhất số ca nhập viện và tử vong đồng thời đẩy nhanh chương trình tiêm vắc xin Covid-19.
Ngoài ra, ông Chính cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho du khách và người dân địa phương, đồng thời giám sát chặt chẽ việc tổ chức các sự kiện, lễ hội trong và sau Tết Nguyên đán.
Thủ tướng Chính yêu cầu tăng cường chỉ đạo và kiểm tra dịch bệnh tại các cửa khẩu, đặc biệt với các trường hợp nhập cảnh về từ các khu vực bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 ; đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh và giám sát phát hiện sớm các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Hôm 8/1, các cửa khẩu của Việt Nam giáp với Trung Quốc đã chính thức mở lại, sau ba năm tạm ngừng do dịch Covid-19. Truyền thông hai nước cho hàng ngàn người xếp hàng đi qua các cửa khẩu với phía Trung Quốc yêu cầu phải có giấy xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 48 tiếng mới được nhập cảnh. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chưa tiếp nhận công dân Việt Nam và nước thứ ba vào nước này, theo trang VNExpress.
Truyền thông Việt Nam dẫn số liệu của Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, trong ngày 8/1 làm thủ tục xuất cảnh từ Việt Nam sang Trung Quốc cho 2.606 người ; làm thủ tục nhập cảnh cho 46 người từ Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam.
Trong khi Hoa Kỳ, các quốc gia EU, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc vẫn còn thận trọng đối với người đến từ Trung Quốc và yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 mới được nhập cảnh, Việt Nam không đưa ra yêu cầu này.
Tính đến sáng ngày 9/1, cả nước ghi nhận tổng cộng 11.525.763 ca nhiễm Covid-19, trong đó hơn 92% đã hồi phục và 43.186 ca tử vong, theo Bộ Y tế nước này.
Bộ cho biết hơn 265,5 triệu liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng, trong đó có hơn 223,2 triệu liều cho những người từ 18 tuổi trở lên. Đến nay, Việt Nam ghi nhận các trường hợp nhiễm Covid-19 với các biến thể phụ Omicron BA.4, BA.5, BA.2.12.1, BA.2.74 và XBB.
Nguồn : VOA, 09/01/2023