Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/01/2023

Đi tù vì tham nhũng, sao nhiều cán bộ vẫn không sợ ?

RFA tiếng Việt

Thường trực Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam mới đây cho biết : ‘một số vụ án tham nhũng cho thấy nhiều cán bộ chưa biết sợ’. Ông Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư dẫn lời một Thứ trưởng Công an cho biết thông tin vừa nêu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra năm 2022, tổ chức hôm 10/1/2023 ở Hà Nội.

thamnhung1

Một đoàn cán bộ cao cấp thăm lăng chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 10/2021. Ảnh minh họa. AFP Photo

"Những sai phạm phải chăng do cán bộ tham lam, liều lĩnh, bất chấp mà vi phạm. Hay còn nguyên nhân khác về cơ chế, chính sách, ban hành quy định lỏng lẻo ?" - ông Thưởng nói tại Hội nghị hôm 10/1.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy nhận định với RFA hôm 11/1/2023 :

"Mức lương công chức chính thức nhìn chung hiện nay rất thấp, không thể nuôi sống gia đình. Khi muốn trở thành công chức của chính quyền, nhiều khi người ta còn phải trả thêm tiền để được nhận vào. Rồi sau đó để được thăng cấp, họ còn phải tốn tiền để mua chuộc các cấp. Nếu một hệ thống với lương bổng chính thức bạc bẽo như vậy thì tại sao người ta cố gắng để trở thành công chức và quan chức làm gì ?".

Nói vậy để thấy một sự thật rằng người ta cố gắng trở thành công chức và quan chức nhà nước bây giờ không phải vì mức lương chính thức, vốn rất thấp. Mà họ tham gia vào hệ thống chính quyền với nhiều mục tiêu khác nhau, và một mục tiêu thực tiễn trước mắt là bổng. Ông Vũ nói tiếp :

"Có thể lương thì ít nhưng bổng lộc thì nhiều. Bổng lộc đó có thể kiếm được bằng nhiều cách khác nhau, nhưng phần lớn trong đó có được là nhờ lợi dụng vào vị trí quyền lực họ đang nắm. Số tiền có được nhờ lợi dụng vào vị trí quyền lực này có thể gọi là tham nhũng. Bởi vì tham nhũng gần như là một việc mà mỗi quan chức phải làm để nuôi sống gia đình của họ, cho nên trừ khi họ nghỉ việc, còn làm việc họ buộc phải tham nhũng để tồn tại. Cho nên việc chỉ bỏ tù người tham nhũng không đủ để làm chùn bước các quan chức".

Chiến dịch "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2013. Đến cuối tháng 6/2022, Việt Nam đã tổng kết chiến dịch chống tham nhũng trong 10 năm qua. Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, hơn 2.700 tổ chức đảng và 168.000 đảng viên đã bị kỷ luật trong thập kỷ qua, trong đó có 7.390 đảng viên bị cáo buộc tham nhũng. Trong số này có 137 cán bộ cấp cao và 33 người là Ủy viên và nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngoài ra, chỉ trong một năm rưỡi qua, tức từ đầu nhiệm kỳ đại hội 13, đã có gần 50 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật. Trong đó, hơn 10 cán bộ bị khởi tố ; hai ủy viên trung ương đảng đương nhiệm bị khai trừ đảng, bị khởi tố, bắt tạm giam…

Trong số đó có cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu chủ tịch Hà Nội và cũng là cựu Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh và khoảng 70 người bao gồm cả các quan chức Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ, Học viện Quân Y, lãnh đạo các Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC), các bệnh viện trên cả nước đã bị khởi tố với cáo buộc liên quan vụ án Công ty Việt Á thổi giá bộ kit test Covid-19 lên thêm khoảng 45% và đút lót cho "đối tác" số tiền lên đến 800 tỷ đồng.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, nhận định :

"Theo tôi là do trước đây Việt Nam cũng chưa chống tham nhũng một cách quyết liệt. Chính vì vậy mà cán bộ nói chung có vi phạm khuyết điểm gì đấy thì cũng coi như là rút kinh nghiệm, không vi phạm nữa và cũng không có chuyện bị truy tố hoặc là vướng vào vòng lao lý. Chính vì vậy mà các cán bộ cứ tiếp tục theo cái con đường tham nhũng với mục tiêu mưu cầu lợi ích riêng".

Một bê bối khác nổi trội gần đây liên quan các quan chức ngoại giao là vụ ‘chuyến bay giải cứu’, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng kiêm phát ngôn nhân Bộ Công an Việt Nam tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào tối ngày 3/1/2023 cho biết trong vụ các chuyến bay giải cứu, tính đến lúc đó cơ quan chức năng đã khởi tố 39 bị can. Số tiền kê biên phong tỏa và các bị can nộp để khắc phục hậu quả là 80 tỷ đồng.

Đến ngày 5/1/2023, thêm hai người là cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia - ông Trần Việt Thái, và cựu nhân viên Nguyễn Hoàng Linh bị khởi tố do dính líu đến vụ tham nhũng "các chuyến bay giải cứu" trong đại dịch Covid-19.

Hai vụ tham nhũng lớn là "các chuyến bay giải cứu" và "bộ xét nghiệm Covid-19" trong thời gian xảy ra đại dịch được cho là đã làm hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bị miễn nhiệm. Dù Quốc hội Việt Nam cho biết việc miễn nhiệm dựa trên cơ sở nguyện vọng cá nhân của hai ông này.

Vì sao chiến dịch "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn cháy mà một số vụ án tham nhũng cho thấy nhiều cán bộ chưa biết sợ ?

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho biết ý kiến hôm 11/1 từ Hà Nội :

"Không ít người cho rằng cán bộ không biết sợ khi tham nhũng vì bị mờ mắt bởi lòng tham, nhưng tôi không nghĩ vậy. Bởi vì trên đời ai cũng có lòng tham, tại sao tham nhũng ở Việt Nam là ghê gớm hơn nhiều nước khác ? Theo tôi chủ yếu là vì hiến pháp pháp luật còn bị coi nhẹ, còn bị xem thường. Có thể thấy đây là hậu quả của cả một quá trình kéo dài, kể từ khi được thành lập thì chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau này là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa bao giờ là một nhà nước pháp quyền, chưa bao giờ có tam quyền phân lập. Thật sự việc điều hành nhà nước, quản lý xã hội chủ yếu là theo ý chí của Đảng cộng sản Việt Nam".

Ông Trí cho biết, có nhiều ví dụ về điều ông vừa nêu, thứ nhất là chục vạn sĩ quan công chức của chế độ Sài Gòn sau 1975 bị bắt giữ cầm tù không qua xét xử, nhiều hoạt động của đảng và nhà nước đã diễn ra ngoài khuôn khổ pháp luật như đánh tư sản ở miền Nam sau 1975 hoặc tịch thu tài sản nhà cửa của hàng trăm người dân vào năm 1983… Thậm chí từ năm 1960 đến năm 1980, trong 20 năm liên tục nhà nước Việt Nam còn không có cả Bộ tư pháp. Theo ông Trí thậm chí gần đây vẫn còn tình trạng đó :

"Những năm gần đây tình trạng đó vẫn diễn ra khá phổ biến, vào ngày 28/9/2013 khi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm - Hà Nội, Bí thư Trọng có nói hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng bậc nhất sau cương lĩnh của đảng. Ở các nước dân chủ, hiến pháp được coi là đạo luật cơ bản nhất của nhà nước, nhưng ở Việt Nam nó bị xếp sau đảng. Hiến pháp hiện hành xác định Đảng cộng sản Việt Nam duy nhất lãnh đạo Nhà nước và Quốc hội, nhưng trên thực tế đến nay vẫn chưa có luật quy định về sự lãnh đạo của đảng. Vì thế cán bộ đảng viên có thể nó núp bóng danh nghĩa của tổ chức đảng để vi phạm pháp luật mà không bị xử lý về mặt hình sự, hoặc nếu có xử lý cũng nhẹ hơn rất nhiều so với dân".

Tóm lại theo ông Trí, chừng nào Việt Nam còn chưa thật sự là nhà nước pháp quyền, chưa có tam quyền phân lập… thì chừng đó cán bộ đảng viên chưa biết sợ khi tham nhũng, chừng đó tham nhũng còn trầm trọng. Ông nói tiếp :

"Nếu có nhà nước pháp quyền, có tam quyền phân lập… thì người ta sẽ tự khắc biết sợ khi tham nhũng và tham nhũng sẽ lập tức giảm đi mà không cần bất cứ ‘Ban chỉ đạo’ nào. Nói nôm na một chút, sự tồn tại của những ‘Ban chỉ đạo’ là một chỉ dấu chứng tỏ nhà nước Việt Nam chưa phải là một nhà nước pháp quyền, chưa có tam quyền phân lập".

Cho nên ông Trí cho rằng, có đẩy mạnh chống tham nhũng đến bao nhiêu cũng không quan trọng, chỉ là ‘thay màu da trên xác chết’ mà thôi.

Theo Nguyễn Huy Vũ, Đặng Hùng Võ, Vũ Minh Trí

Nguồn : RFA, 11/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Huy Vũ, Đặng Hùng Võ, Vũ Minh Trí
Read 404 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)