Tù nhân chính trị chết trong tù
RFA, 13/01/2023
"Chính phủ Hà Nội bỏ mặc sức khỏe tù nhân"
Chỉ trong sáu tháng, từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023, đã xảy ra ba trường hợp tù nhân chính trị chết trong khi đang thụ án.Lý do mà thân nhân của họ nêu ra là vì họ mắc bệnh nặng mà không được chữa trị kịp thời.
Các tù nhân chính trị đã chết trong khi thi hành án tù. RFA edited
Sáu tháng, ba tù nhân chính trị chết trong tù
Vụ việc mới nhất xảy ra vào hôm 5/1 vừa qua, tù nhân lương tâm Đinh Diêm (61 tuổi) qua đời ở Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Ông mất khi đang thụ án 16 năm tù giam về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền".
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) khu vực Châu Á, bình luận với RFA qua email rằng điều kiện nhà tù ở Việt Nam vô cùng tồi tệ và quyền lợi của tù nhân không được quan tâm, đặc biệt là các tù nhân chính trị, những người đã lên tiếng chỉ trích Chính phủ. Điều duy nhất mà Hà Nội lo lắng là họ sẽ bị chỉ trích vì cách đối xử tệ hại với các tù nhân.
Ông kêu gọi đối tác thương mại và các nhà tài trợ cho Việt Nam, những người quan tâm đến nhân quyền nên công bố rộng rãi về những cái chết vì bệnh tật của các tù nhân chính trị khi đang bị giam giữ, mà đáng ra những cái chết đó có thể ngăn ngừa được :
"Có thể, nếu cộng đồng quốc tế lên tiếng đủ mạnh về việc này, nó sẽ buộc các quan chức Việt Nam cung cấp đầy đủ các điều kiện và chăm sóc tù nhân tốt hơn trong tương lai. Đây là một việc đáng để chúng ta làm thử.
Cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã cho thấy họ không hề quan tâm đến sự tức giận và đòi hỏi công lý từ gia đình và bạn bè của sáu nhà hoạt động chính trị đã chết sau song sắt này".
Tính từ năm 2019 cho đến nay, theo ghi nhận của RFA, cùng với ông Đinh Diêm, đã có năm tù nhân chính trị khác chết khi đang thi hành án tù, bao gồm :
- Tù nhân lương tâm Đỗ Công Đương , 58 tuổi, chết ngày 2/8/2022 trong khi đang thi hành án tại Trại giam số 6.
- Tù nhân tôn giáo Phan Văn Thu , người phải thụ án tù chung thân tại Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai), mất ngày 20/11/2022 sau một thời gian bệnh nặng mà không được chữa trị đầy đủ và kịp thời.
- Ngày 14/12/2021, Tù nhân lương tâm Huỳnh Hữu Đạt , 52 tuổi, mất tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai, nơi ông này phải thụ án 13 năm tù với cáo buộc theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự cũ – "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
- Ngày 10/12/2019, Tù nhân lương tâm Đào Quang Thực , chết khi đang chịu án 13 năm tù giam vì bị cáo buộc tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
- Và ông Đoàn Đình Nam mất trong Trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) ở tuổi 68 năm 2019.
Luật Việt Nam quy định gì ?
Tại Điều 30 của Luật thi hành tạm giữ tạm giam 2015 quy định về chế độ chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Theo đó, "Người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng chế độ khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh. Trường hợp bị bệnh tật, thương tích thì được khám và điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở giam giữ ; nếu bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng của cơ sở giam giữ thì được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp huyện, cấp tỉnh hoặc bệnh viện trung ương khám, điều trị". Và "Kinh phí khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Chính phủ".
Quyền được khám chữa bệnh đối với tù nhân được tái khẳng định trong Luật thi hành án hình sự nha năm 2015, tại Điều 55 quy định về chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân.
Luật sư Lê Hoà, thuộc đoàn luật sư Hà Nội, nói với RFA rằng các trại tù đều có trạm xá để chăm sóc y tế cho các phạm nhân. Đồng thời, trong luật pháp Việt Nam cũng quy định rõ về quyền lợi của người tù. Tuy nhiên, thực tế cán bộ trại giam thực hiện các quyền này như thế nào mới là điều đáng bàn :
"Về mặt luật pháp thì bất cứ nước nào nào cũng quy định về quyền lợi của các phạm nhân, Việt Nam cũng vậy. Thế còn việc thực hiện nó như thế nào mới là điều đáng nói".
Nhà hoạt động Trần Bang đang bị bệnh trong trạm giam, nhưng không được khám chữa. Ảnh : Fb Trần Bang
Thực tế ra sao ?
Cựu tù nhân lương tâm, luật sư Nguyễn Văn Đài, với kinh nghiệm thực tế hai lần ở tù, cho biết nếu tù nhân ốm nhẹ như cảm, sốt, viêm họng sẽ được trám xá trong trại giam đáp ứng nhu cầu khám bệnh, cấp thuốc. Ngược lại, nếu bệnh nặng thì rất khó để được duyệt cho đi khám chữa bệnh ở các bệnh viện bên ngoài, đặc biệt là đối với các tù nhân mang án an ninh, chính trị :
"Đối với bệnh nặng đến mức độ phải đi bệnh viện thì lúc mấy giờ rất khó khăn. Ví dụ, đối với tù hình sự bình thường, họ có thể dùng tiền mua chuộc bác sĩ hoặc cán bộ trại giam để đi bệnh viện ngoài.
Còn đối với tù chính trị thì việc này rất khó khăn, hầu như là các tù chính trị đều bị bệnh nặng, gia đình và bản thân họ làm đơn kêu cứu đến Bộ công an nhưng mà hoàn toàn không được đáp ứng những yêu cầu đó".
Một trường hợp tù nhân lương tâm đang bị bệnh trong tù mà không được khám chữa bệnh là ông Trần Bang. Ông Bang bị bắt hồi tháng 3/2022 về tội "tuyên truyền chống Nhà nước" theo điều 117 Bộ luật hình sự.
Bà Thị Biết, em gái ông Bang nói với RFA rằng anh của mình bị một khối u, nó cứ to dần lên mà không rõ nguyên nhân. Gia đình đã gởi đơn yêu cầu khám chữa bệnh cho ông Bang. Tuy nhiên, các đơn từ đó không được phản hồi :
"Lần trước anh ấy bảo là bị khối u, tuy không đau nhưng nó phát triển từ từ. Gia đình có làm đơn nhưng không được phản hồi"
Quốc tế lên án
Các tổ chức nhân quyền Quốc tế đã nhiều lần lên án Chính quyền Hà Nội bỏ mặc tình trạng sức khoẻ của các tù nhân chính trị, cũng như kêu gọi Hà Nội phải điều tra tường tận về nguyên nhân các tù nhân chết khi đang ở trong trại giam.
Sau cái chết của nhà báo công dân Đỗ Công Đương hồi tháng 8 năm ngoái, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) và Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) ra thông cáo liên quan đến vụ việc này.
Đại diện CPJ nói trong thông cáo rằng "CPJ vô cùng đau buồn trước tin nhà báo bị tù Đỗ Công Đương chết do bệnh nền. Việt Nam phải xúc tiến một cuộc điều tra đến nơi đến chốn và độc lập về cái chết của ông Đương. Những viên chức trại tù bị phát hiện có trách nhiệm cố ý giữ lại thuốc men và không cho ông Đương được chữa trị kịp thời phải đối diện với công lý".
Tổ chức Phóng viên Không Biên cũng giới bày tỏ thất vọng về cái chết trong nhà tù của nhà báo công dân Đỗ Công Đương ; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy có hành động nhằm bảo đảm các nhà báo khác đang bị giam cầm tại Việt Nam được sống, không phải rơi vào tình cảnh như của ông Đỗ Công Đương.
Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thường xuyên chỉ trích chế độ giam giữ khắc nghiệt của các nhà tù Việt Nam. Trong đó có vấn đề các tù nhân, đặc biệt là tù nhân chính trị, bị giam giữ mà không được chăm sóc y tế.
Trong suốt năm năm gần nhất, từ năm 2018 đến 2021, báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ đều khẳng định tù nhân được chăm sóc y tế cơ bản, mặc dù trong nhiều trường hợp các cán bộ quản trại đã ngăn không cho người nhà mang thuốc vào cho tù nhân và trạm xá trong tù không xem xét kỹ hồ sơ y tế trước khi giam giữ của tù nhân.
Gia đình của các nhà hoạt động đang bị giam đã từng bị ốm hoặc đổ bệnh trong tù khẳng định rằng việc điều trị y tế ở trại là không đầy đủ khiến cho bệnh tình diễn biến phức tạp hơn và để lại hậu quả lâu dài.
Trong báo cáo năm 2021, Bộ ngoại giao Hoa kỳ cho biết có 36 vụ tù nhân chết người khi đang bị giam giữ, trong đó 21 vụ chết do bệnh tật, chín vụ tự tử, bốn vụ do tai nạn và hai vụ chết do bị thương khi đánh nhau với bạn tù.
Nguồn : RFA, 13/01/2023
*************************
Đại sứ Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thăm Việt Nam – nêu trường hợp Phạm Đoan Trang ?
VOA, 13/01/2023
Đại sứ Hoa Kỳ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michèle Taylor, người tích cực vận động cho tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang, đang có chuyến công du đến Việt Nam trong nỗ lực thúc giục Hà Nội tôn trọng nhân quyền.
Truyền thông nhà nước loan tin hôm 13/1 rằng tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michèle Taylor. Tại buổi tiếp, ông Hùng Việt hứa rằng Việt Nam "sẵn sàng xem xét tích cực" các đề xuất hợp tác của các nước, trong đó có Hoa Kỳ, trên tinh thần "tôn trọng lẫn nhau, đối thoại và hợp tác, bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người".
Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lời bà Taylor nói rằng Việt Nam luôn là một trong những đối tác quan trọng của Hoa Kỳ, đồng thời bày tỏ mong muốn đóng góp thúc đẩy hợp tác song phương trong thời gian tới, bao gồm tại các diễn đàn đa phương như Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Đại sứ Taylor viết trên Twitter sau cuộc gặp này : "Rất vui mừng được chào đón Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ! Tôi mong được làm việc với Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt để thúc đẩy nhân quyền của tất cả mọi người khi Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ của mình tại khóa họp thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền và chúng ta bước vào năm kỷ niệm 75 năm ngày ra Tuyên bố Nhân quyền Phổ quát lịch sử này. Hãy đứng lên vì nhân quyền".
Không rõ liệu trong các cuộc tiếp xúc với chính giới tại Hà Nội, bà Taylor có đề cập cụ thể việc yêu cầu trả tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang hay không. Nữ nhà báo này được bà Taylor thường xuyên nhắc đến tại các diễn đàn quốc tế trước đây, cũng như vừa được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào chiến dịch vận động toàn cầu để phóng thích các tù nhân chính trị đang bị giam cầm không có lý do chính đáng.
Bà Vi Trần ở bang California, đồng giám đốc tổ chức phi chính phủ LIV và cũng là một người bạn của nhà báo Phạm Đoan Trang, cho VOA biết kỳ vọng của bà về chuyến thăm Việt Nam của Đại sứ Taylor.
"Đại sứ Nhân quyền của Mỹ tại Geneva Michèle Taylor đến thăm Việt Nam và một số nước khác ở Đông Nam Á và tôi hy vọng với những cuộc gặp như vậy thì chính phủ Mỹ sẽ đặt vấn đề về tình hình nhân quyền Việt Nam và những trường hợp như trường hợp của Phạm Đoan Trang sẽ được nêu rõ. Tôi rất hy vọng rằng Trang sẽ được trả tự do".
Vào tháng 3/2022, tại khóa họp thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneve, Thụy Sĩ, Đại sứ Taylor kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, người đang thụ án tù 9 năm vì cáo buộc "Tuyên truyền chống nhà nước".
"Chúng tôi kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà bảo vệ nhân quyền Phạm Đoan Trang và tất cả những người bị bắt vì thực hiện một cách ôn hòa các quyền của họ được bảo đảm bởi hiến pháp của chính Việt Nam và các cam kết quốc tế", đồng thời bà cũng lên án việc ngày càng có nhiều vụ bắt giữ liên quan đến việc thực thi quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam".
Ba tháng sau đó, bà Taylor đã đích thân gặp gỡ và động viên bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của nhà báo Phạm Đoan Trang, nhân dịp nữ blogger được trao giải thưởng nhân quyền Martin Ennals.
Nữ đại sứ đăng bức hình lên Twitter và cho biết : "Tôi vinh dự được gặp mẹ của Phạm Đoan Trang, một trong những người nhận Giải Martin Ennals năm nay, một nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo truyền cảm hứng, hiện đang bị giam giữ một cách bất công ở Việt Nam. Ngày hôm nay là lời nhắc nhở sâu sắc về tầm quan trọng của những việc chúng ta làm ở Geneva".
Trở lại chuyến thăm Việt Nam của nữ đại sứ Mỹ, bà bắt đầu chuyến thăm này với hàng loạt các cuộc tiếp xúc tại Hà Nội, trong đó có cuộc gặp với Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, cũng như gặp gỡ đại diện của cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội, theo trang Twitter của Đại sứ Taylor.
Trước đó, khi loan tin về chuyến thăm Việt Nam, Maldives, và Qatar, Đại sứ Taylor cho biết : "Tôi mong muốn được gặp gỡ các đối tác của chính phủ và xã hội dân sự để thảo luận về những thách thức chung, các ưu tiên chung và các cách để thúc đẩy hơn nữa các nguyên tắc được ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền".
Bà Taylor được Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chính thức bổ nhiệm làm Đại sứ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 2/2022. Trước đó, bà từng đảm nhận một số vai trò ủng hộ việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người và quyền chính trị. Bà từng là thành viên Hội đồng của Trung tâm Quốc gia về Quyền Dân sự và Nhân quyền.
Nguồn : VOA, 13/01/2023