Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/01/2023

Hoàng Sa : 49 năm dưới quyền của Trung Quốc

RFA tiếng Việt

Hoàng Sa dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc 49 năm và hành động của Hà Nội

Cách đây đúng 49 năm, ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm tất cả các đảo ở quần đảo Hoàng Sa, trước đó thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. 74 thủy thủ Việt Nam Cộng Hòa tử trận, 16 thủy thủ bị thương và 48 thủy thủ bị bắt làm tù binh. Phía Trung Quốc có 18 thủy thủ tử trận, 67 thủy thủ bị thương.

hoangsa1 - Copie

Người dân Hà Nội tưởng niệm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Ảnh chụp ngày 19/1/2017. AFP

Mười bốn năm sau, ngày 14/3/1988, Việt Nam lại mất đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa vào tay Trung Quốc. Trong trận này, Trung Quốc dùng trọng pháo và súng phòng không tiêu diệt 64 chiến sĩ Công binh và Hải quân Việt Nam trên đảo.

Nhiều năm trời, một số người Việt Nam thắp hương tưởng niệm những chiến sĩ hải quân hy sinh, luôn bị phía nhà nước Việt Nam ngăn cản.

Năm nay, vào ngày 19/1, tổ chức đảng Việt Tân tại Hoa Kỳ đưa ra Bản Lên tiếng, kêu gọi nhà nước Việt Nam phải có hành động cụ thể và mạnh mẽ để thế giới không quên Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực.

Bản Lên tiếng kêu gọi cùng nhau mạnh mẽ lên án hành vi xâm lược của Trung Quốc và đòi hỏi nhà nước Việt Nam thực hiện trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền lợi kinh tế và cuộc sống của ngư dân trên Biển Đông ; không ngăn chặn các sinh hoạt quần chúng nhằm vinh danh sự hy sinh của các binh sĩ trong hai trận chiến Hoàng Sa và Trường Sa hay phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, tác giả một số cuốn sách về biển đảo Việt Nam như : "Hoàng Sa - Trường Sa - Luận cứ và sự kiện" ; "Chủ quyền quốc gia Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa"… nêu nhận định của ông với RFA sáng 19 tháng 1 năm 2023 :

"Vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, tôi nghĩ rằng, kể từ trận đánh 14/3/1988 khi Trung Quốc chiếm bảy thực thể trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhà nước Việt Nam có tiến bộ trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải. Kể từ đó đến nay, chúng ta chưa mất thêm một thực thể nào. Việt Nam cũng đã củng cố thêm nhiều điểm chiếm đóng ở Biển Đông để củng cố thế trận an ninh quốc phòng của mình".

Bản Lên tiếng đồng thời đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải quốc tế hóa việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và vô cớ tấn công ngư dân bằng cách mạnh mẽ lên án các hành vi bất hợp pháp của Bắc Kinh trước Liên Hiệp Quốc và kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế. Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói về vấn đề này :

"Vấn đề nghiên cứu, tố cáo Trung Quốc ra dư luận thế giới, tham gia nghiên cứu khoa học để vạch trần cái bản chất xâm lược của nhà nước Trung Quốc hiện nay thì rất nhiều nhà khoa học người Việt trong và ngoài nước đã thực hiện rất tốt.

Tôi lấy một ví dụ, trước đây vấn đề Biển Đông, vấn đề Hoàng Sa Trường Sa là một việc tối kỵ trong thông tin công khai. Nhưng kể từ khi anh em chúng tôi tham gia Hội thảo khoa học về Biển Đông và Hải đảo Việt Nam do Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình tổ chức năm 2009 đã chứng minh rằng, đây là một sự kiện mở ra một thời kỳ mới là công khai hóa vấn đề Biển Đông. Sau đó chúng ta thấy rõ, nhà nước đã quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.

Rồi một bước tiếp theo trong nhiều năm tiếp theo khi giàn khoan HD-981 của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam năm 2014 thì vấn đề phi nhạy cảm hóa vấn đề Biển Đông đã được đẩy mạnh. Hiện nay chỉ có một yếu tố nữa mà chúng tôi chưa làm được, đó là minh bạch hóa hồ sơ Biển Đông vì nhà nước Việt Nam đã ra cái thông báo là tất cả có mối quan hệ quốc tế, tất cả các hiệp ước, tất cả các bàn luận về mối quan hệ Việt – Trung đều thuộc danh mục bí mật của nhà nước".

Sau cùng, Bản Lên tiếng kêu gọi Việt Nam cần kết hợp với các quốc gia tự do dân chủ trong khu vực để tạo sức mạnh liên minh nhằm ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc, bảo vệ hòa bình chung cũng như bảo vệ cuộc sống và sinh mệnh của ngư dân Việt Nam ; kêu gọi Chính phủ Việt Nam đòi chính phủ Trung Quốc bồi thường thỏa đáng cho ngư dân nếu gây thiệt hại cho ngư dân.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói tiếp :

"Vấn đề va chạm giữa một số nước Đông Nam Á với Trung Quốc trên Biển Đông, ví dụ như đối phó với tất cả các tàu dân quân biển trá hình của Trung Quốc, hoặc tàu hải giám, hải cảnh… diễn ra hằng ngày trong thời gian vừa qua. Trung Quốc luôn luôn biến cái xung đột ở Biển Đông trở thành chiến thuật vùng xám, tức là không đẩy đến nguy cơ chiến tranh cục bộ hay chiến tranh khu vực, nhưng nó không làm nguội tình hình an ninh trên Biển Đông. Vì mục đích cuối cùng của Trung Quốc là muốn dùng sức mạnh kinh tế của mình, sức mạnh quân sự của mình hòng đạt được mưu đồ là "chủ quyền thuộc ngã", "gác tranh chấp cùng nhau khai thác".

Trung Quốc không cho bất cứ một nước Đông Nam Á nào tiến hành khai thác nguồn lợi trên Biển Đông, nhất là dầu khí đối với các nước ngoài khu vực. Đó là một trong những sức ép của Trung Quốc đối với tiến trình COC mà tới giờ này vẫn đang đi vào bế tắc, không thể ký kết được giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Bề ngoài Trung Quốc luôn nói vấn đề tốt đẹp về hòa bình, về hữu nghị, nhưng bên trong Trung Quốc luôn luôn muốn thống trị Đông Nam Á".

Ông Đinh Kim Phúc nhấn mạnh, Việt Nam không được ảo tưởng đối với Trung Quốc trong tình hình hiện nay, nhất là sự hiếu chiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong đại hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc vừa qua.

Theo ông, các nước Đông Nam Á cần phải đoàn kết, quyết tâm thống nhất để chống lại mưu đồ thống trị Trung Quốc ở phương Nam. Nhưng thực tế, từng nước trong khối ASEAN vẫn có mâu thuẫn lẫn nhau về lãnh thổ, về tôn giáo, về sắc tộc, về tự do dân chủ, về con đường tiến lên… Do đó, đòi hỏi các nước ASEAN có một sức mạnh thống nhất như Liên Hiệp Châu Âu, như khối NATO thì còn lâu lắm…

Một số người Việt Nam lo ngại rằng, nếu sau 50 năm mà Việt Nam không lấy lại được Hoàng Sa thì những đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ sẽ trở nên vô hiệu. Điều này có nghĩa Việt Nam sẽ mất vĩnh viễn Quần đảo Hoàng Sa về tay Trung Quốc.

Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên, từng có bảy năm làm Phó khoa trưởng Lincoln Law School of San Jose, nói với RFA sáng 19/1/2021 :

"Điều đó không thể hiện ở bất cứ văn bản nào trên công pháp quốc tế hết. Mà thực tế là khi có tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải hay những hòn đảo của hai cơ chế quyền lực, nước nào giữ càng lâu thì chắc chắn nước kia càng khó lấy lại. Nhất là vấn đề tương quan lực lượng giữa hai nước.

Nếu ngay bây giờ Việt Nam đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa ra tòa án quốc tế để lên tiếng về chủ quyền thì ít ra mình có cái mốc về pháp lý để nói chuyện. Nhưng nói rằng cái mốc đó nó có giá trị khẳng định mạnh tới cỡ nào thì phải nhìn nhận thực tế là kẻ mạnh luôn trấn áp kẻ yếu.

Ngoài ra, sau năm 1945 Liên Hiệp Quốc có một nguyên tắc chung, là không công nhận bất kỳ một lãnh thổ hay lãnh hải nào mà được chiếm bằng võ lực. Đó là một nguyên tắc căn bản".

Đến hôm nay, chính phủ Việt Nam vẫn chưa đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa ra tòa án quốc tế. Trong khi đó, hôm 22/2/2013, Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để yêu cầu toà xác định yêu sách của Bắc Kinh là vô hiệu và vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA) ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Tòa kết luận không có căn cứ pháp lý để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các vùng biển nằm trong đường chín đoạn.

Nguồn : RFA, 19/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 261 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)