Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/01/2023

Lãnh đạo chỉ đau xót có đủ giúp Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ?

RFA tiếng Việt

Thường trực Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam mới đây cho biết "rất đau" khi Thành phố Hồ Chí Minh sụt giảm vai trò đầu tàu kinh tế. Ông Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư phát biểu như vừa nêu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, hôm 16/1/2023.

tphcm1

Một người bán bánh mì đi qua đường phố trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh hôm 29/6/2020. AFP Photo

Cụ thể, ông Thưởng cho rằng, 10 năm qua, vai trò đầu tàu, động lực vùng của Thành phố Hồ Chí Minh đã sụt giảm rất rõ, tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế thấp.

"Là cán bộ trưởng thành từ Thành phố Hồ Chí Minh, nghiêm khắc nhìn nhận tôi thấy rất đau". Ông Thưởng nói thêm.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, hôm 18/1/2023 nhận định :

"Thành phố Hồ Chí Minh vừa rồi trong dịch Covid-19 chịu ảnh hưởng lớn nhất, số người chết nhiều nhất và những dư âm của nó khó làm cho tiếp tục phát triển, vẫn bị cắt đứt nhiều đoạn và hiện nay vẫn chưa khôi phục đầy đủ. Chính vì vậy tôi cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh vừa chịu áp lực của sự phát triển chung đang có xu hướng giảm, lại vừa do ảnh hưởng quốc tế, vừa do thị trường vốn đang gặp trắc trở tại Việt Nam… Ngoài ra Thành phố Hồ Chí Minh còn bị ảnh hưởng trực tiếp hậu Covid-19 với số lượng lớn người quê ở phía Bắc chạy về quê không trở lại. Nói chung các tỉnh đều bị giảm năng suất sản xuất công nghiệp và dịch vụ nói chung, nhưng tại hai trung tâm lớn của Việt Nam thì Thành phố Hồ Chí Minh chịu tác động tiêu cực của nền kinh tế nặng nề hơn Hà Nội".

Trước đó, tại buổi làm việc hôm 2/12/2022 với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị khi cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… cũng đã bày tỏ sự đau xót khi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sụt giảm.

Dù các lãnh đạo luôn bày tỏ đau xót về vai trò đầu tàu của Thành phố Hồ Chí Minh sụt giảm, nhưng trong nhiều năm trở lại đây, việc tăng thu ngân sách, giảm khoản giữ lại đã vắt kiệt thành phố này. Dù nhiều nhiều chuyên gia cho ý kiến phải tăng khoảng giữ lại 18% ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đến nay thay đổi vẫn chưa đáng kể.

Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 đến năm 2016, Trung ương cho phép Thành phố Hồ Chí Minh giữ lại 23% tiền thu ngân sách. Tuy nhiên từ năm 2017 đến năm 2021, thành phố này chỉ được giữ lại 18%, đây là tỷ lệ giữ lại thấp nhất trong các tỉnh thành tại Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này nói :

"Vấn đề là những nguồn thu của Thành phố Hồ Chí Minh không phải chỉ do thành phố sản xuất ra mà nguồn thu đó có sự đóng góp của các địa phương khác ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Như vậy trung ương có các lý do nhất định để điều tiết nguồn thu phát sinh từ thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy tôi cũng đồng ý rằng 18% để lại cho ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề nên được thảo luận và xem xét lại. Tức là dành lại cho Thành phố Hồ Chí Minh một tỷ lệ thu ngân sách cao hơn, để Thành phố Hồ Chí Minh có thể thực hiện được các mục tiêu của mình. Ví dụ như là mục tiêu về kết cấu hạ tầng, xây dựng các khu đô thị hiện đại, vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân và người lao động...".

Cũng tại Hội nghị hôm 16/1/2023, Ông Võ Văn Thưởng còn cho rằng, trước đây nói tới năng động, sáng tạo, đi đầu là Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng giờ thành phố không bằng nhiều tỉnh khác, dù vẫn là "đầu tàu" kinh tế.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết khi trả lời RFA từ Thành phố Hồ Chí Minh liên quan vấn đề này, nhận định :

"Chính phủ phải nhìn tổng thể đó để mà quyết định. Rõ ràng hiện nay kinh tế xã hội, đến sản xuất, đến kinh doanh, đến dịch vụ, đến du lịch... tất cả mọi thứ đều bị sụt giảm... Và cuộc sống về mặt con người trong xã hội bây giờ cũng phải giảm chứ không có cách nào. Bây giờ phải có các biện pháp".

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có 16 tỉnh thành phải nộp ngân sách về trung ương, ngân sách được giữ lại địa phương của Thành phố Hồ Chí Minh là thấp nhất, tiếp sau là Bình Dương, Hà Nội… Các tỉnh còn lại được giữ lại 100% ngân sách thu được.

Không chỉ được giữ lại 100% ngân sách thu được, các tỉnh miền núi phía Bắc còn là khu vực nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương lớn nhất. Năm địa phương nhận trợ cấp lớn nhất từ ngân sách nhà nước là Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Hà Giang và Bắc Giang… Cụ thể theo số liệu thống kê, năm 2021, ngân sách trung ương chi bổ sung cho Thanh Hóa là gần 15 ngàn tỷ đồng, Nghệ An gần 10 ngàn tỷ, Đắk Lắk 7.644 tỷ đồng, Hà Giang và Bắc Giang lần lượt là 7.205 tỷ đồng và 6.536 tỷ đồng.

Năm 2022, thu ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh đạt 471.562 tỷ đồng, tăng 23,6% so cùng kỳ. Dù Thành phố Hồ Chí Minh đã được Quốc hội Việt Nam đồng ý tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại là 21%, thay vì 18% như giai đoạn 2016-2021… nhưng vẫn được cho là quá thấp so với các tỉnh thành khác và không tương xứng tiềm lực phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định thêm :

"Theo Luật Ngân sách Việt Nam, nhiều địa phương có năng lực phát triển càng tốt lại càng phải đóng góp cho Trung ương nhiều hơn. Chính vì vậy đây là một cơ chế về mặt nguyên tắc thị trường không tạo ra động lực phát triển. Ở tất cả các nước, họ đều bắt các địa phương phải đóng góp theo tỷ lệ nhất định, những loại thuế nào địa phương thu, loại thuế nào Trung ương thu. Tôi cho rằng Việt Nam cần phải cải cách mạnh mẽ đối với Luật Ngân sách, bởi vì hiện nay tỷ lệ phải nộp Trung ương hay giữ lại của một địa phương là một cơ chế không khuyến khích động lực phát triển tại các địa phương đó".

Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh chịu mức nộp ngân sách cao hơn tất cả các địa phương khác tại Việt Nam, chính vì vậy ông Võ cho rằng đến lúc Việt Nam cần xem xét lại mối quan hệ về mặt kinh tế giữa Trung ương và địa phương để vừa tạo lập ra được bộ máy phát triển kinh tế, mà vẫn có động lực. Chứ nếu không, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng sẽ triệt tiêu động lực, không tạo sức sống cho địa phương đó nữa.

Nguồn : RFA, 18/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 248 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)