Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/01/2023

Tăng trưởng chậm, nhu cầu thép giảm, thị trường vũ khí nước ngoài

RFA tổng hợp

Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2023

RFA, 24/01/2023

Chuyên gia kinh tế của VinaCapital trong một báo cáo mới được công bố trong tháng này nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam dù đã đạt mức cao nhất trong 25 năm trở lại đây là 8% vào năm 2022 nhưng sẽ giảm xuống còn 6% vào năm 2023.

vn1

Một người bán hàng tại khu phố cổ Hà Nội hôm 17/1/2023 (minh họa) - AFP

Ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng của hãng tư vấn đầu tư đa lĩnh vực tại Việt Nam, nhận định trong báo cáo rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bùng nổ hậu Covid hiện đã chấm dứt và về cuối năm 2022 Việt Nam đã gặp những vấn đề về hàng tồn đọng, công nhất thiếu việc do nhu cầu ở các nước Châu Âu và Mỹ giảm.

Lý giải về nguyên nhân VinaCapital đưa ra dự đoán kinh tế Việt Nam vào năm 2023, kinh tế trưởng của VinaCapital chỉ ra ba nhân tố bao gồm :

- Bùng nổ sau Covid đã chấm dứt và nhu cầu đối với các mặt hàng "Made in Vietnam" chậm lại cùng với nền kinh tế toàn cầu

- Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa cũng giúp cho kinh tế Việt Nam vào năm 2023 chủ yếu là do khách du lịch Trung Quốc quay trở lại.

- Chính phủ Việt Nam dự định tăng 50% đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ 4% GDP năm 2022 lên 7% GDP năm 2023 giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đánh giá về lĩnh vực sản xuất, báo cáo của VinaCapital cho rằng lĩnh vực này của Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào nền kinh tế trong các năm 2020 và 2021 vì nhu cầu ở Mỹ và EU đối với các mặt hàng được gọi là "cho người ở nhà". Điều này đã giúp tạo công ăn việc làm cho công nhân của Việt Nam. Lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2022 nhưng đạt đỉnh vào giữa năm và đi xuống vào cuối năm khi nhu cầu giảm. Điều này đã ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động.

Chuyên gia của VinaCapital dự báo các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể hồi phục lại vào nửa cuối năm 2023 vì phải mất ít nhất sáu tháng để các nhà bán lẻ ở Mỹ và EU giải quyết hết lượng hàng tồn kho.

Nguồn : RFA, 24/01/2023

***********************

Cuộc chiến chống tham nhũng trong bất động sản khiến nhu cầu thép của Việt Nam giảm

RFA, 24/01/2023

Công nghiệp thép của Việt Nam đang đi vào giai đoạn khó khăn khi Chính phủ thắt chặt hơn các quy định trong lĩnh vực bất động sản, gây ảnh hưởng đến ngành xây dựng.

vn2

Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở Hà Nội năm 2011 (minh họa) - Reuters

Hãng tin Nikkei Asia vào ngày 24/1 đưa tin cho biết Hòa Phát, hãng sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á ở Việt Nam, đã phải ngưng hoạt động ở bốn lò thép từ cuối năm ngoái, trong khi các công ty sản xuất thép khác sử dụng lò điện cũng đã phải bắt buộc cắt giảm sản xuất mạnh.

Nikkei Asia trích lời một quản lý trong ngành thép Việt Nam nói rằng tình trạng hiện đã chạm đến mức thấp nhất và hiện vẫn còn trong tình trạng này cho đến khi có thể hồi phục lại vào khoảng giữa năm 2023.

Theo báo chí Nhà nước, doanh thu thép của ba nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam là Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim đã giảm 25% trong quý từ tháng 7 đến tháng 9 năm ngoái.

Hòa Phát báo cáo lỗ ròng khoảng 76 triệu đô la trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2022, mức lỗ lớn nhất của hãng kể từ giai đoạn tháng 10 đến 12 năm 2008 khi Châu Á đang có khủng hoảng tài chính.

Theo Nikkei, cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện tập trung vào thị trường tài chính và vốn có liên quan đến ngành bất động sản đã có ảnh hưởng đến ngành thép.

Trong năm 2022, một loạt các tỷ phú bất động sản ở Việt Nam đã bị bắt giữ với những cái tên đình đám như Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, và bà Trương Mỹ Lan – chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Thị trường bất động sản ở Trung Quốc chậm lại cũng được đánh giá là gây ảnh hưởng tới Việt Nam.

Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất nhiều thép nhất trong khối ASEAN. Nhu cầu về thép chậm lại được đánh giá là sẽ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế chung.

Nguồn : RFA, 24/01/2023

*************************

Việt Nam cân nhắc mở cửa thị trường cho các hãng vũ khí nước ngoài

RFA, 24/01/2023

Chi tiêu quốc phòng của Việt Nam dự báo sẽ đạt 8,5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2027.

vn3

Thăm quan trưng bày vũ khí tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022 tại Hà Nội ngày 8/12/2022. Reuters/Minh Nguyễn

Việt Nam đang xem xét một bộ luật về công nghiệp quốc phòng và an ninh – một khung khổ pháp lý có thể mở đường cho các công ty nước ngoài thâm nhập vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đang phát triển nhanh chóng của quốc gia này.

Cho đến nay, chỉ có các công ty trong nước thuộc sở hữu của quân đội mới được phép đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh trị giá nhiều tỷ đô la và có tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam.

Bộ Quốc phòng đang "chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp" báo Nhà nước dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Tân Cương – Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam kiêm thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu gần đây.

Dự luật sẽ được chuyển cho Chính phủ đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội Việt Nam, để thảo luận thêm và thông qua – Thượng tướng Cương nói trong một cuộc phỏng vấn báo chí vào cuối tuần qua.

Các quan chức và giới phân tích cho rằng một bộ luật như vậy, trong đó đưa ra các yêu cầu và khung pháp lý rõ ràng hơn, là cấp thiết để thúc đẩy ngành quốc phòng trong nước.

Thiếu tướng Lương Thanh Chương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, nói với tờ Quân đội Nhân dân rằng vì Việt Nam theo đuổi chiến lược thúc đẩy sự "lưỡng dụng" của công nghệ và thiết bị quốc phòng, nghĩa là phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự, các doanh nghiệp và tổ chức tư nhân được khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng.

Tờ báo, cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng cũng dẫn lời các nhà sản xuất vũ khí không nêu tên của Việt Nam nói rằng "mọi thành phần kinh tế, gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà thành viên hoặc cổ đông nước ngoài có tỷ lệ vốn góp không có quyền quyết định, cần được tham gia" vào lĩnh vực này.

vn4

Quan chức quân đội Việt Nam tại khu vực trưng bày mẫu radar quân sự tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022. Ảnh : AFP/Nhạc Nguyễn

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm - một tổ chức chuyên theo dõi các hoạt động chuyển giao quân sự toàn cầu - chi tiêu quân sự của Việt Nam đã tăng gần 700% từ năm 2003 đến 2018 và lên tới 5,5 tỷ USD vào năm 2018. 

GlobalData , một công ty tư vấn và phân tích có trụ sở tại London, báo cáo rằng chi tiêu quốc phòng của Việt Nam ước tính khoảng 5,8 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng với tốc độ hàng năm là 8,5% và đạt tới 8,5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2027 và nguyên nhân "chủ yếu là do quốc gia này có kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ để chống lại sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông".

Các quan chức quốc phòng Việt Nam thường không trả lời các yêu cầu bình luận hay cung cấp thông tin của giới báo chí và chủ yếu làm truyền thông qua các cuộc phỏng vấn đã được kiểm duyệt trước và đăng tải trên các ấn phẩm của Bộ này.

Thông qua một cách sớm nhất

Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tổ chức Triển lãm Quốc phòng Quốc tế đầu tiên vào tháng 12/2022 nhằm thúc đẩy lĩnh vực sự phát triển của ngành sản xuất vũ khí đồng thời đa dạng hóa nguồn mua sắm vũ khí.

Hà Nội mua vũ khí và trang thiết bị quân sự từ 26 quốc gia nhưng cho đến nay, Nga - đồng minh lịch sử và truyền thống - đồng thời cũng là một trong bốn đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, vẫn là nhà cung cấp lớn nhất.

Các công ty trong nước hiện sản xuất một số sản phẩm bao gồm súng trường bộ binh và đạn dược, thiết bị hậu cần, radar, drone và thiết bị cho các hoạt động phòng thủ không gian mạng.

Một phần của Z111 - nhà máy sản xuất vũ khí hàng đầu của Việt Nam - được phát triển với công nghệ từ một nhà sản xuất vũ khí của Israel - một mô hình mà nhiều công ty có thể làm theo.

Với sự đầu tư lớn hơn và chuyển giao công nghệ, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam "có thể đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa và trở nên độc lập và tự chủ" - Thiếu tướng Đoàn Hồng Minh nguyên là Tổ trưởng Tổ tư vấn cho Bộ trưởng Quốc phòng về phát triển vũ khí công nghệ cao nói.

"Để hiện đại hóa ngành công nghiệp [quốc phòng], điều cần thiết là phải hiện đại hóa môi trường pháp lý", ông Minh nói với Kênh truyền hình Quốc phòng và cho biết ông hy vọng luật về công nghiệp quốc phòng và an ninh sẽ được sự ủng hộ của Quốc hội.

Quốc hội Việt Nam khóa 15 (nhiệm kỳ 2021-2026) dự kiến sẽ thảo luận về dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay và nếu đạt yêu cầu sẽ ký ban hành tại kỳ họp thứ 7 diễn vào tháng 5 năm 2024. 

Nguồn : RFA, 24/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 319 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)