Việc tống giam ông Nguyễn Ngọc Ánh là ‘tùy tiện’
VOA, 24/01/2023
Các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc vừa đưa ra bản ý kiến cho rằng việc chính quyền Việt Nam bắt giam và xét xử nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh là "tùy tiện" và đã vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền.
Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh.
Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (WGAD) đưa ra Bản Ý kiến số 43/2022 liên quan đến trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Ánh, người đang thụ án 6 năm tù và 5 năm quản chế tại Việt Nam về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước".
WGAD nhận định rằng việc giam giữ ông Ánh là tùy tiện chiếu theo các tiêu chí I, II, III và V, và nêu quan ngại về các điều kiện giam giữ và các biện pháp trả thù nhằm vào ông.
"WGAD yêu cầu Chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cần thiết để khắc phục tình trạng của ông Ánh ngay lập tức và cải thiện tình hình để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan, bao gồm cả những quy định được nêu trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị", văn phòng Đông Nam Á của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc viết thông báo cáo chí gửi cho VOA kèm theo bản Ý kiến hôm 21/1/2023.
Theo WGAD, biện pháp khắc phục thích hợp là trả tự do cho ông Ánh "ngay lập tức".
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ bình luận về Bản Ý kiến của Nhóm Công tác Liên Hiệp Quốc, nhưng chưa được trả lời.
Trao đổi với VOA hôm 24/1 từ Bến Tre, bà Nguyễn Thị Châu, vợ của ông Nguyễn Ngọc Ánh, nói :
"Xin được cảm ơn những người làm việc ở Liên Hiệp Quốc và những anh chị em ở hải ngoại luôn đồng hành cùng lên tiếng bảo vệ cho chồng tôi".
"Tôi cũng đồng ý với mọi người rằng chồng tôi hoàn toàn vô tội ; yêu cầu Việt Nam phải phóng thích chồng tôi vô điều kiện vì chồng tôi chỉ lên tiếng bảo vệ môi trường và bảo vệ cho đất nước Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn, chứ chồng tôi không làm gì sai để phải nhận bản án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế".
Nhóm Công tác Liên Hiệp Quốc ra Bản Ý kiến về trường hợp ông Nguyễn Ngọc Ánh bị chính quyền Việt Nam giam cầm 6 năm tù, 5 năm quản chế.
WGAD lưu ý rằng trường hợp ông Ánh là một trong số các trường hợp được đưa ra trước Nhóm công tác trong những năm gần đây liên quan đến việc "tước đoạt quyền tự do của con người một cách tùy tiện, đặc biệt là những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam".
Nhóm Công tác lo ngại rằng mô hình này cho thấy một vấn đề mang tính hệ thống với việc giam giữ tùy tiện ở Việt Nam, mà nếu cứ tiếp tục, "có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng" luật pháp quốc tế.
Bản Ý kiến dài 17 trang ở đoạn 92 viết : "Nhóm Công tác cho rằng các cáo buộc và kết án theo Điều 117 Bộ luật Hình sự đối với việc thực hiện các quyền một cách ôn hòa là không phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Nhân quyền Liên Hiệp Quốc".
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, 43 tuổi, là một kỹ sư, đồng thời là một blogger và nhà bảo vệ nhân quyền, bị chính quyền Việt Nam bắt giam vào tháng 9/2018. Ông lên tiếng về các vấn đề môi trường khác nhau vì có ảnh hưởng đến cộng đồng và người dân Việt Nam.
Sau thảm họa Formosa năm 2016, ông trở nên tích cực hơn, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa và đăng trên các nền tảng truyền thông xã hội về các vấn đề thời sự liên quan đến thảm họa môi trường, chính trị và vi phạm nhân quyền ảnh hưởng đến người dân Việt Nam, nhóm Công tác Liên Hiệp Quốc cho biết.
Tính đến ngày 21/1, các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc vẫn chưa nhận được phản hồi từ chính phủ Việt Nam về Bản Ý kiến này, sau 60 ngày phát hành. Bản Ý kiến được gửi đi hôm 10/11/2022.
Trước đó, trong một văn thư vào ngày 5/4/2022, chính quyền Việt Nam phản hồi các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nói rằng ông Ánh bị bắt vì "vi phạm pháp luật Việt Nam và dựa trên cơ sở các chứng cứ được thu thập và cung cấp bởi cơ quan có thẩm quyền – chứ không phải vì thực hiện các quyền cơ bản", bản Ý kiến dẫn văn thư của chính phủ Việt Nam cho biết.
Phía Việt Nam còn cho rằng các cơ quan có thẩm quyền của nước này đã "tiến hành thực hiện đầy đủ" các thủ tục tố tụng có liên quan, "tuân thủ đầy đủ" các quy định pháp luật của Việt Nam và các công ước quốc tế về quyền con người có liên quan.
Nguồn : VOA, 24/01/2023
***************************
Blogger Lê Anh Hùng bị chuyển đi thi hành án ở Trại giam Ba Sao
RFA, 23/01/2023
Blogger Lê Anh Hùng, người bị kết án năm năm tù về tội danh "lợi dụng quyền tự do dân chủ" trong phiên toà không luật sư vào cuối tháng 8 năm ngoái, đã bị chuyển đi thi hành án tại Trại giam Nam Hà (hay còn gọi là trại giam Ba Sao) nằm ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Blogger Lê Anh Hùng - Fb Lê Anh Hùng
Bà Trần Thị Niêm, mẹ của ông Lê Anh Hùng, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết tin ông bị chuyển từ Trại tạm giam số 1 của Công an thành phố Hà Nội sau cuộc thăm gặp hồi giữa tháng này.
Trong cuộc điện thoại ngày 20/1, bà nói con trai bà khoẻ mạnh cả về thể chất và tinh thần :
"Lê Anh Hùng vẫn khoẻ nhưng gầy đi. Tinh thần sảng khoái và cái gì cũng biết cả. Hỏi gì cũng nhớ cả".
Bà cho biết có mua quà trị giá khoảng một triệu đồng để gửi vào cho con trai nhưng bị trại giam từ chối. Trại giam chỉ cho phép bà gửi tiền lưu ký để con trai bà có thể mua thức ăn và đồ dùng từ canteen của trại, với giá cao hơn nhiều lần so với giá ngoài thị trường, bà nói.
Lê Anh Hùng là blogger của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một tổ chức bị đàn áp trong nhiều năm gần đây, với Chủ tịch Phạm Chí Dũng, Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thuỵ và biên tập viên Lê Hữu Minh Tuấn bị kết án từ 11 năm đến 15 năm tù về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước".
Là tác giả của nhiều bài viết về chính trị Việt Nam, ông Lê Anh Hùng bị bắt vào đầu tháng 7/2018 với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Sau hơn bốn năm bị tạm giam và buộc chữa trị trong bệnh viện tâm thần, ông bị đưa ra xét xử vào ngày 30/8/2022 trong một phiên toà không có luật sư và người thân.
Sau phiên sơ thẩm, ông Lê Anh Hùng đã kháng cáo bản án này. Tuy nhiên, gia đình ông không có thông tin gì về phiên toà phúc thẩm.
Bà Niêm cho biết trong buổi gặp vừa qua, con trai có nói với bà rằng ông sắp mãn hạn tù.
"Nó (Lê Anh Hùng- PV) còn nói với tôi là ngày 05/7 con sẽ ra. Nếu được đặc xá thì con sẽ ra trước".
Không rõ thời gian hơn ba năm bị buộc chữa trị trong bệnh viện tâm thần có được tính vào thời gian thi hành án tù hay không, và ông Lê Anh Hùng có được mãn hạn tù vào đầu tháng 7 tới đây như ông nói với mẹ mình hay không.
Luật sư Hà Huy Sơn của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết "Nếu không tạm đình chỉ điều tra, vẫn là bị can thì thời gian chữa bệnh được tính là thời gian thi hành án".
Tuy nhiên theo luật sư Nguyễn Văn Miếng của Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, trong trường hợp của Lê Anh Hùng, thời gian bị buộc chữa bệnh trong bệnh viện tâm thần không được tính vào thời gian chấp hành án nhưng tòa có thể xem xét "giảm nhẹ" hoặc trại giam xét "giảm án".
Khoản 3 Điều 49 của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định : "Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù". Tuy vậy, tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam trong một bài viết hồi năm ngoái cho rằng "Thực tiễn áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh có những quan điểm, cách hiểu khác nhau về thời gian bắt buộc chữa bệnh có được trừ vào thời gian chấp hành án" hay không.
Nhiều tổ chức quốc tế về tự do báo chí quan tâm đến trường hợp của ông Lê Anh Hùng. Ngay sau khi ông bị kết án, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) ra thông cáo kêu gọi "chính quyền Việt Nam nên trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho blogger Lê Anh Hùng, đồng thời chấm dứt việc sách nhiễu các nhà báo với những cáo buộc ngụy tạo chống nhà nước".
Khi ông bị bắt, tổ chức Ân xá Quốc tế ra thông cáo lên án việc bắt giữ ông và cho rằng chính quyền Việt Nam dùng các điều luật hà khắc để bịt miệng những tiếng nói chỉ trích ôn hòa.
Ông nằm trong số 21 nhà báo đang bị giam giữ vì các hoạt động báo chí ở Việt Nam, theo báo cáo gần đây của CPJ.
Nguồn : RFA, 23/01/2023